Sau khi bài viết “Kỷ luật: yếu tố phát triển của GĐPT” xuất hiện trên trang Web gdptkiengiang.vn thì không khí nơi địa phương đơn vị tôi sinh hoạt bỗng xôn xao hẳn lên. Các huynh trưởng chia sẻ cho nhau bài viết này qua Facebook, Zalo hoặc Email, rồi cùng nhau bình luận quanh vấn đề “Kỷ luật trong GĐPT”.
Tuyệt đại đa số huynh trưởng chúng tôi tán đồng quan điểm của bài báo về sự lỏng lẻo trong kỷ luật của đạo Phật khiến Phật giáo trở thành tôn giáo yếu thế trên thế giới hiện nay, đồng thời nhận định rằng “sự thiếu kỷ luật” đấy là do hệ quả của phương pháp truyền đạo sai lầm của người đệ tử Phật sau này, chứ không phải bản chất đạo Phật là như thế, bởi vì học qua lịch sử Đức Phật Thích Ca, chúng ta khẳng định Ngài là một con người “đại Tinh tấn” “đại Kỷ luật” thì làm sao đạo của Ngài lại thiếu kỷ luật được?
Bàn về sự vô kỷ luật của một thiểu số huynh trưởng đã và đang là lực cản cho sự phát triển của Gia Đình Phật Tử hiện nay, anh chị em chúng tôi hoàn toàn đồng thuận vơi tác giả bài viết. Tuy nhiên bên cạnh số đông tán thành và ca ngợi nội dung bài báo, cũng còn một vài ý kiến không đồng thuận, họ cho rằng: “Đi sinh hoạt GĐPT là việc làm tùy thích. Có điều kiện thì tham gia hoạt động nhiều, mắc bận việc nhà, việc học, việc cơ quan…thì tham gia ít hoặc không tham gia. Có gì quan trọng đâu mà đặt vấn đề kỷ luật với huynh trưởng !”
Trời ơi ! làm huynh trưởng mà sao suy nghĩ mang tính bàng quan vô trách nhiệm như vậy?
Suy nghĩ kiểu này là đầu dây mối nhợ cho tất cả những tiêu cực trong sinh hoạt GĐPT do tính thiếu kỷ luật của huynh trưởng gây ra. Thực tế cho thấy, những người có suy nghĩ như vậy thường là những huynh trưởng sinh hoạt theo kiểu “lục bình trôi”. Một số biểu hiện thường thấy về sự tắc trách, vô kỷ luật của hạng huynh trưởng này là:
-Đi sinh hoạt hằng tuần buổi có buổi không, buổi không nhiều hơn buổi có
-Nếu có đi sinh hoạt thì cũng không nghiêm túc về giờ giấc, không biết sáng tạo để thu hút đoàn sinh, không soạn giáo án, bắt đoàn sinh chép bài dài thườn thượt, hay có tật đến muộn và về sớm, thường hay trốn các buổi họp huynh trưởng hằng tuấn v.v…
-Thường trốn các buổi họp lệ Ban Hướng dẫn tỉnh, thành
-Không dự những buổi họp triển khai các phương án hoạt động, dẫn đến sai sót khi thực hiện.
-Thường xuyên vắng mặt trong các lớp học dành cho huynh trưởng do BHD tỉnh, thành tổ chức
-Rất mù mờ về thông tin , chủ trương, đường lối, quan điểm của Ban Hướng dẫn liên quan đến sinh hoạt GĐPT trong tỉnh, thành
-Thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao dù ở bất cứ vai trò nào, hoặc có làm thì cũng sai chỗ nọ sót chỗ kia.
-Rất hay dùng các tiểu xảo đề che dấu khuyết điểm của cá nhân và đơn vị mình . Không bao giờ trung thực nhận khuyết điểm dù nó đã sờ sờ ra đấy.
-Không sử dụng thời gian rảnh rổi để học hỏi nâng cao kiến thức và tay nghề huynh trưởng, mà hay tụ tập những người cùng phe cánh để nói xấu sau lưng các huynh trưởng khác
-Hay kết bè kết phái để loại trừ những người không thuộc phe mình
-Không biết gìn giữ tác phong, tư cách huynh trưởng. Thường mặc đoàn phục GĐPT rủ nhau đi uống rượu ngoài quán xá.
-Làm huynh trưởng đã lâu, đeo cấp bậc cũng cao nhưng mỗi khi đụng chuyện mới thấy tham, sân, si vẫn còn nguyên, không bớt đi được chút nào
-Thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ nhưng rất quyết liệt đòi hỏi được xét xếp cấp, rất cay cú nếu không được xếp cấp.
-Không thích người khác phê bình khuyết điểm của mình. Sẵn sàng nổi sân mỗi khi người khác góp ý.
-Đơn vị do những huynh trưởng này quản lý thường sinh hoạt cầm chừng được chăng hay chớ, chết thì không chết mà sống cũng chẳng ra sống, nói cho hình tượng hơn thì các đơn vị đó chẳng khác gì những cái “xác sống” trong các bộ phim kinh dị của Hollywood.
Học lịch sử GĐPT, chúng ta đều thấy rằng tổ chức Áo Lam từ khi ra đời cho đến hôm nay, trải qua hơn 70 năm đầy sóng gió, đôi lúc tưởng chừng không còn đất sống. Những bậc tiền bối khai sáng như : bác Tâm Minh, bác Chánh Trí; quý Hòa thượng Minh Châu, Thanh Từ, Huyền Vi; anh Võ Đình Cường, anh Tống Hồ Cầm cùng rất nhiều anh chị huynh trưởng đi trước đã tốn biết bao tâm huyết và công sức, đôi khi cả máu và nước mắt… xây dựng nên tổ chức Sen Trắng để hôm nay anh chị em chúng ta mới có cơ hội đến với đạo Phật. Nếu không có GĐPT, chưa chắc anh chị em chúng ta trở thành Phật tử như hôm nay. Các anh chị đừng quên rằng, năm 1964 Hòa thượng Tiến sĩ người Tích Lan (Srilanka) , ngài Narada Maha Théra khi đến thăm Phật giáo Việt Nam đã ca ngợi tổ chức GĐPT như sau : “Gia Đình Phật Tử Việt Nam thật là một tổ chức khoa học và chặt chẽ của Phật Giáo Việt Nam. Trên thế giới chưa có một quốc gia theo Phật giáo nào có được một tổ chức như vậy”
Một gia sản quý báu như vậy mà bị một thiểu số huynh trưởng thiếu kỷ luật ngày nay coi là “sinh hoạt tùy thích”, các anh chị có thuộc lịch sử GĐPTVN không mà nói càn như vậy?
Nếu các anh chị biết rằng tại miền Nam Việt Nam những năm trước 1975 đã có biết bao huynh trưởng bị chánh quyền bắt bớ tù đày hoặc thủ tiêu chỉ vì các anh chị ấy đi sinh hoạt GĐPT. Sự hy sinh của những anh chị ấy còn có ý nghĩa gì nếu sinh hoạt GĐPT chỉ là “trò chơi cho vui” ?
Nếu các anh chị biết rằng trong thời gian từ năm 1975 đến 1985 tại những vùng kinh tế mới “rừng thiêng nước độc” trên Tây Nguyên, có những huynh trưởng GĐPT sống trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn mà vẫn chắt chiu xây dựng từng đơn vị GĐPT trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt khi mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chưa có chủ trương cho GĐPT tái sinh hoạt. Việc làm đó có thể nói rằng do “có đủ điều kiện thuận lợi” không ?
Sinh hoạt GĐPT không phải là sinh hoạt chơi cho vui như kiểu câu lạc bộ thanh thiếu niên mới xuất hiện mấy năm gần đây. Sinh hoạt GĐPT chính là lý tưởng cao đẹp của người cư sĩ Phật tử Việt Nam, thoát thai từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào những năm 1930 – 1950. GĐPT có lịch sử hào hùng, có truyền thống tốt đẹp, đã sản sinh nhiều thế hệ cư sĩ Phật tử chân chánh và cung cấp cho Phật giáo Việt Nam nhiều vị tăng tài lỗi lạc.
Nếu GĐPT chỉ có toàn những hạng huynh trưởng đi sinh hoạt tùy thích, không biết lý tưởng là gì, không biết trách nhiệm là gì thì GĐPT đã chết từ lâu rồi, đâu còn tồn tại đến ngày nay. Nếu đã có suy nghĩ như vậy thì các anh chị hãy nên làm đoàn sinh thôi, chớ đừng làm huynh trưởng, vì huynh trưởng thì phải có trách nhiệm với sự tồn vong của tổ chức GĐPT. Là huynh trưởng thì phải quyết liệt trong nhiệm vụ xây dựng đạo đức bản thân, xây dựng đơn vị và xây dựng tổ chức Áo Lam, chớ không thể bàng quan vô trách nhiệm như vậy. Các anh chị đã quên phắt lời phát nguyện của mình trước Tam Bảo trong buổi lễ thọ cấp rồi hay sao ?
Đó là vì từ năm 1997 đến nay, khi GĐPT được phục hoạt, tổ chức Áo Lam phải sinh hoạt trong tình trạng thiếu huynh trưởng triền miên. Do đó, để có huynh trưởng cung cấp cho các đơn vị, Ban Hướng dẫn các tỉnh, thành đã phải đốt giai đoạn trong việc tu học và huấn luyện huynh trưởng. Chúng tôi xin phân tích về tình trạng bất cập của việc đốt giai đoạn này :
1)Về thành phần: ngày xưa chỉ có đoàn sinh đi sinh hoạt lâu năm mới được chọn đi huân luyện làm huynh trưởng. Việc chọn lựa đoàn sinh tham dự trại huấn luyện huynh trưởng là hết sức nghiêm ngặt, chỉ có đoàn sinh giỏi và ngoan hiền mới được chọn đi dự khóa huấn luyện huynh trưởng. Do đó, một huynh trưởng được đào tạo từ trại huấn luyện ra là có đủ hai đức tính căn bản : thuần thành và giỏi chuyên môn (nói tắt là thuần và chuyên).
Ngày nay, một thanh niên chưa sinh hoạt GĐPT được bao nhiêu, đã được chọn đi học làm làm huynh trưởng theo kiểu “mì ăn liền”. Thử hỏi làm sao huynh trưởng đó có đủ hai đức tính thuần và chuyên?
2)Về việc tu học của huynh trưởng: ngày xưa, dù chưa áp dụng chương trình tu học Kiên, Trì, Định, Lực dành cho huynh trưởng, nhưng một đoàn sinh muốn được đào tạo thành huynh trưởng cũng phải mất từ 5 đến 10 năm đi sinh hoạt. Với thời gian sinh hoạt như vậy, một đoàn sinh đã thông thạo hết những bài học căn bản của GĐPT, chất Đạo đã thấm nhuần vào tâm thức các em, một số biểu hiện về tham, sân, si trong các em đã được chuyển hóa. Như vậy, khi các em được thụ huấn làm huynh trưởng thì nhất định sẽ là những huynh trưởng thuần và chuyên
Ngày nay, mặc dú toàn quốc đã áp dụng chương trình tu học Kiên, Trì, Định, Lực nhưng thực lòng mà nói, nếu BHD các tỉnh, thành không tổ chức tu học một cách nghiêm túc thì rất có thể việc tu học các bậc nêu trên chỉ là hình thức chứ nội dung và chất lượng thì không có gì. Thực tế đã chứng minh rằng, theo cách thức thi hiện nay mà đại đa số BHD các tỉnh, thành đang áp dụng, thì cứ trao tài liệu các bậc Kiên, Trì, Định cho một học sinh lớp 11 – 12 học trong 7 ngày là em đó có thể thi đậu ngay. Một thanh niên được đào tạo “hàm thụ” như vậy làm sao có đủ phẩm chất tốt đẹp của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam?
Trên thực tế, không biết các tỉnh miền Trung, nơi phong trào GĐPT phát triển mạnh, tổ chức trại huấn luyện như thế nào, chứ còn ở các tỉnh, thành miền Đông, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên thì đại đa số BHD các tỉnh, thành tổ chức các trại huấn luyện rất cập rập và thường không đòi hỏi trại sinh phải trúng cách các bậc Kiên, Trì, Định.
Gần đây, BHD Trung ương có mở 1, 2 trại huấn luyện cho khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ mà trại sinh không cần phải trúng cách các bậc Kiên, Trì, Định.
3)Một số bất cập khác trong cách huấn luyện huynh trưởng ngày nay:
Sau đây là một vài thí dụ điển hình về tính bất cập trong cách thức đào tạo huynh trường hiện nay :
3-1/ Một thanh niên mang tiếng là đoàn sinh của một đơn vị, nhưng trên thực tế em này đang theo học một trường đại học ở thành phố, thời gian sinh hoạt ở đơn vị rất ít. Em được đơn vị đăng ký tham dự kỳ thi bậc Trì (bỏ qua bậc Kiên vì lý do đã lớn tuổi). Tới ngày thi em về dự thi và… đậu. Một tháng sau em được ghi tên học khóa huấn luyện A Dục 5 ngày đêm, nhưng đơn vị trình bày lý do em đang vào thi học kỳ ở trường nên xin nhập trại trễ 3 ngày. Thế là em chỉ có mặt ở đất trại 2/5 ngày. Rồi khi thi kết khóa em vẫn trúng cách với số điểm hạng ưu. Ai cũng khen “Thanh niên bây giờ thông minh tài giỏi thật!”, nhưng cái giỏi của em này là cái giỏi của học và thi theo kiểu cách của xã hội hôm nay, vì khi ở trường em cũng học và thi theo kiểu đó. Còn cái thiếu quan trọng của em chính là bản chất tốt đẹp được tôi luyện trong môi trường GĐPT. Tu học và huấn luyện như trường hợp em này thì làm sao có được huynh trưởng thuần và chuyên ?
Nhiều người nhận định : “Tại sao huynh trưởng bây giờ mau được xếp cấp quá, mới mặc chiếc áo Lam vài năm mà đã thấy anh chị ấy mang cấp Tín rồi”. Đây cũng là đặc điểm trong cung cách đào tạo huynh trưởng theo kiểu “mì ăn liền” cộng thêm với nhu cầu “cần huynh trưởng có cấp để làm việc” . Việc làm này dẵn đến hậu quả là kiến thức, năng lực và đạo đúc huynh trưởng không tương xứng với cấp bậc đang đeo. Từ đó nẩy sinh những huynh trưởng có cấp mà tinh thần. quan điểm, tác phong, đạo đức … chỉ ngang bằng với một đoàn sinh già tuổi đời, chứ không thể được gọi với danh hiệu cao quý “Người huynh trưởng GĐPT Việt Nam” .
Vì sinh hoạt GĐPT là tự nguyện, không lương bổng, không có gì ràng buộc nên rất khó đưa người huynh trưởng vào các nguyên tắc quản trị, trừ khi người huynh trưởng đó tự nguyện khép mình vào kỷ luật của tổ chức. Vì vậy, tỉnh, thành nào cũng có những huynh trưởng mang cấp Tập, Tín, những người này đều có vấn đề về cả hai mặt thuần và chuyên , dẫn đến việc họ không còn chính thức sinh hoạt ở một đơn vị nào, cũng không tham gia bất cứ hoạt động nào do BHD tổ chức. Thỉnh thoảng mọi người trông thấy họ xuất hiện ở hội trại này hội trại nọ hay tại các lễ lượt do Giáo hội hay GĐPT tổ chức, cũng với đồng phục, huy hiệu, cấp hiệu đàng hoàng. Những huynh trưởng này như trêu ngươi, như thách thức cả tổ chức mà không ai làm gì được họ. Họ thường kết bè kết nhóm, phát biểu lung tung và “thọc gậy bánh xe” đối với sinh hoạt GĐPT mỗi khi có cơ hội. Nhiều huynh trưởng trẻ bị họ lôi kéo sinh ra chao đảo niềm tin vào tổ chức. Đây là những “con trùng sư tử” rất nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng huynh trưởng vô kỷ luật, tinh thần, đạo đức và chuyên môn không tương xứng vơi cấp bậc đang đeo, tôi xin đề nghị đến quý Ban Hướng Dẫn GĐPT các tỉnh, thành như sau:
1. Không chạy theo thành tích ảo phát triển thêm các đơn vị GĐPT một cách tràn lan thiếu kiểm soát, vì như thế thì nhu cầu đào tạo huynh trưởng sẽ tăng cao dẫn đến việc đào tạo huynh trưởng theo kiểu “đốt giai đoạn” như trên.
2.Siết chặt việc tu học và huấn luyện huynh trưởng, tránh huấn luyện theo kiểu “mì ăn liền”, tránh tu học và thi cử theo hình thức. Chẳng thà không có huynh trưởng còn hơn có những huynh trưởng “không ra gì” làm xấu hình ảnh tổ chức GĐPT.
3. Mạnh dạn giải tán những đơn vị quá yếu. Hình ảnh một đơn vị sinh hoạt bệ rạc sẽ gây tác động tiêu cực, phản cảm cho tăng ni và Phật tử, dẫn đến sút giảm uy tín của tổ chức GĐPTVN . Điều này, trên thực tế đã có xảy ra rồi.
4. Nghiêm ngặt trong việc xét xếp cấp huynh trưởng, đặc biệt xem xét năng lực, trình độ và mức độ cống hiến cho GĐPT của đương sự trong thời gian 2 năm gần nhất. Huynh trưởng nào không đủ điều kiện thì không xét cấp, không xét cấp vì lý do cảm tình hay vì “để cho có huynh trưởng làm việc”.Thực tế cho thấy có nhiều huynh trưởng được xét cấp rồi nhưng khả năng, trình độ, đạo đức không tương xứng với cấp bậc đang đeo và cũng không cống hiến gì cho đơn vị hay cho BHD.
5. Cần có biện pháp mạnh tay giải quyết nạn huynh trưởng vô kỷ luật vẫn mặc đoàn phục, vẫn mang cấp bậc nhưng không sinh hoạt tại đơn vị nào hay tại BHD, mà chỉ thỉnh thoảng xuất hiện nơi các hội trại hay lễ lượt đông người, thường hay kết bè kết nhóm, chuyên “thọc gậy bánh xe” và nói xấu sau lưng những huynh trưởng khác.
Nguyễn Khoa (TP.Hồ Chí Minh)