Hiệp Sĩ Bóng Đêm

G

Nói về hạng huynh trưởng "nghiệp dư", nơi nào vui vẻ, êm ấm, huy hoàng thì họ xuất hiện khoe mẻ và tận hưởng những giây phút vinh quang của đời huynh trưởng; nơi nào gian khổ, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và hy sinh cao thì họ trốn mất. Hạng huynh trưởng này, ít hay nhiều, nơi nào cũng có. Riêng ở chỗ chúng tôi, anh em hay gọi đùa hạng người này với "mỹ danh"Hiệp sĩ bóng đêm để nói lên tính cách "thoắt ẩn thoắt hiện" của họ. Nơi nào và khi nào họ xuất hiện thì lập tức các em đoàn sinh bấm tay nhau cười khúc khích và truyền tai nhau một câu "Hiệp sĩ bóng đêm tới kìa!"

Về vấn nạn huynh trưởng "nghiệp dư", trong hàng lãnh đạo tổ chức Gia Đình Phật Tử địa phương cũng có hai xu hướng nhận định ngược chiều nhau:

I-Xu hướng thứ nhất cho rằng: sinh hoạt GĐPT là sinh hoạt tự nguyện, có lương bổng gì đâu mà đòi hỏi anh em phải gương mẫu như công chức? Ngày nào anh em còn chưa cởi bỏ chiếc áo lam là mừng rồi! Bây giờ muốn kiếm ra huynh trưởng đâu phải dễ, khó quá thì còn ai dám đến với GĐPT nữa? vân vân…

Tóm lại, xu hướng thứ nhất là dung dưỡng tất cả những ai chịu đến với GĐPT là được rồi, không cần biết người đó "chuyên nghiệp" hay "nghiệp dư".

II-Xu hướng thứ hai hoàn toàn đi ngược lại với thái độ "dung dưỡng" của những người theo xu hướng thứ nhất. Những huynh trưởng theo xu hướng thứ hai đều là những huynh trưởng năng nỗ, chịu khó, luôn có mặt ở "đầu sóng ngọn gió" trong mọi mặt sinh hoạt của GĐPT tại địa phương.

HLHT5 14

Lập luận của những anh chị em theo xu hướng thứ hai là:

1-Chính vì tổ chức GĐPT là một tổ chức tự nguyện, không lương bổng, không địa vị, không quyền lợi… nên mới cần đến những con người biết hy sinh, biết chịu đựng gian khổ, có tinh thần trách nhiệm cao, không từ nan, không so đo tính toán trước bất cứ một yêu cầu nào của tổ chức. Tổ chức GĐPT trường tồn hơn 70 năm qua chính là nhờ tổ chức ta có rất nhiều những con người đó, chứ không phải có nhiều hiệp sĩ bóng đêm!

2-Làm lãnh đạo tổ chức GĐPT, không bao giờ được dễ duôi trong nhận định và đánh giá huynh trưởng, vì thái độ dễ duôi và dung dưỡng đối với cái xấu tức là vô tình phủ nhận tất cả những giá trị tốt đẹp do những người tốt xây dựng nên. Làm lãnh đạo mà không sáng suốt và rạch ròi trong việc đánh giá huynh trưởng thuộc cấp là không làm tròn trách nhiệm xây dựng tổ chức Áo Lam trên nền tảng những điều tốt đẹp và bằng những con người tốt đẹp.

3-Thái độ "dung dưỡng" chỉ nên áp dụng đối với đoàn sinh và những huynh trưởng tập sự, tức là những "búp măng" và những cây "tre non" đang cần sự chăm sóc và uốn nắn từ từ. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng: khi nào cần dung dưỡng thì dung dưỡng, lúc nào cần uốn nắn thì phải uốn nắn, chứ không được chìu chuộng, không được dễ duôi để cho các em muốn làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra. Nếu làm cấp chỉ huy mà dung dưỡng cho cấp dưới muốn ra sao thì ra, thì chẳng bao giờ chúng ta có được những người kế thừa xứng đáng, và không sớm thì muộn, cái tổ chức đó, cái tập thể đó sẽ rệu rã hoặc tiêu vong

4-Đối với huynh trưởng có cấp, nhất định không được áp dụng sự dung dưỡng theo xu hướng thứ nhất, vì người huynh trưởng có cấp đã từng nhiều lần phát nguyện trước Đức Bổn Sư làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người huynh trưởng. Huynh trưởng có cấp, nếu giữ một chức vụ gì trong một đơn vị thì phải bằng mọi cách, nỗ lực hoàn thành trách vụ của mình; nếu được giao một chực vụ nào trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh thì cũng phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao, không được viện bất cứ lý do gì để biện minh cho sự không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Còn nếu các anh chị tự thấy mình không thích hợp với nỗi gian khổ của nghề huynh trưởng, thì các anh chị đã có đủ thì giờ suy nghĩ lại và có thể từ chối thọ cấp, không ai năn nỉ hay ép buộc các anh chị phải  thọ cấp cả. Các anh chị phát nguyện trước Đức Bổn Sư làm chi để rồi giờ này không hoàn thành lời hứa của mình, thử hỏi các anh chị có cảm thấy hỗ thẹn không? lương tâm có cắn rứt hay không?

Nên nhớ, huynh trưởng cấp càng cao thì bổn phận và trách nhiệm phải càng cao. Nếu vì lẽ gì, bản thân người huynh trưởng tự xét thấy hoàn cảnh gia đình, kinh tế… của mình không cho phép mình làm tốt trách nhiệm đói với tổ chức thì nên làm đơn xin nghĩ sinh hoạt có thời hạn để giải quyết các khó khăn trong đời sống, rồi một thời gian sau, khi đã giải quyết được các khó khăn riêng thì xin trở lại với tổ chức và tiếp tục công hiến và hy sinh đúng với phẩm chất của một huynh trưởng . Chớ đừng nên vật vờ như cái bóng, sống không ra sống, chết không ra chết, thoắt ẩn thoắt hiện như hiệp sĩ bóng đêm thì thật là không đúng với hình ảnh của một người huynh trưởng GĐPT.VN chân chính.

Tôi từng biết có những huynh trưởng đã và đang sống vật vờ như thế. Anh (chị) ấy xin từ chức trong đơn vị của mình, và cũng không làm bất cứ một nhiệm vụ nào trong Ban Hướng Dẫn mà anh (chị) ta đã được phân công. Ai cũng tưởng anh (chị) ấy đã nghĩ sinh hoạt GĐPT. Nhưng không, mỗi khi có trại hay lễ lạt gì trong GĐPT là anh (chị) ta lại có mặt, cũng đoàn phục đàng hoàng, cũng đeo cấp hiệu vàng rực, cũng lăng xăng như cho mọi người thấy ta đây đang có nhiệm vụ quan trọng trong buổi lễ . Anh (chị) ta đến đây để làm gì? Ai cũng bất mãn khi thấy anh (chị) ta xuất hiện ở nơi mà đáng lý ra anh (chị) ta phải có mặt vài ngày trước để chịu vất vả với anh em, nhưng anh (chị) ta đã trốn biệt. Còn bây giờ, khi mọi việc đã hoàn tất từ A đến Z, khi "buổi tiệc" tình Lam bắt đầu thì anh (chị) ta hiện ra một cách đường hoàng, chễm chệ, mặc cho mọi lời chê trách từ các đồng đội xầm xì vang lên tứ phía.

Đối với hạng huynh trưởng hiệp sĩ bóng đêm, thiết nghĩ ai là người lãnh đạo tổ chức GĐPT địa phương phải có sự đánh giá đúng đắn chứ không nên lập lờ trong quan điểm, lại không thể đánh đồng giá trị của họ với số đông huynh trưởng chịu thương chịu khó khác, càng không nên đem cái lập luận dung dưỡng của xu hướng thứ nhất ra mà biện hộ cho hạng huynh trưởng này.

Với bản chất Lục Hòa của tổ chức Áo Lam, chúng ta không thể có những hành động cứng rắn đối với hạng huynh trưởng hiêp sĩ bóng đêm như: kiểm điểm phê bình công khai, hoặc tẩn xuất họ ra khỏi hàng ngũ Lam viên tỉnh nhà … Nhưng chúng ta không được quyền làm lơ và dung dưỡng đối với hạng huynh trưởng này, vì như thế đồng nghĩa với việc chúng ta phủ nhận công lao khó nhọc của biết bao anh chị em Lam viên nhiệt tình khác đang ngày đêm hy sinh cho sự sống còn của ngôi nhà Lam tại tỉnh nhà.

HLHT5 19

Việc cần làm của Ban Hướng Dẫn tỉnh, thành là không bao giờ phân công cho hạng huynh trưởng hiệp sĩ bóng đêm một nhiệm vụ nào hết. Việc làm này có hai tác dụng:

-Một là, có phân công thì họ cũng lấy lý do này lý do khác để lẫn tránh, càng gây khó khăn cho khâu tổ chức nhân sự.

-Hai là, việc loại họ ra khỏi công việc là một lời cảnh tỉnh cho họ, giúp họ có cơ hội tự xem xét lại bản thân để may ra, họ có thể thay đổi con người họ  chăng?

Còn đối với chúng ta là những đồng đội của họ, chúng ta cần cất lên tiếng nói phê phán mạnh mẽ trên diễn đàn công luận hay trong những dịp cho phép chúng ta được nói lên ý kiến mình để xây dựng tổ chức áo Lam ngày thêm vững mạnh. Chứ chúng ta không được im lặng đồng lõa với họ, cũng không nên tỏ thái độ dung dưỡng đối với hạng huynh trưởng này vì trên đời này chỉ có Đức Phật mới có đủ năng lực cảm hóa người khác bằng cách im lặng mà thôi.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang