Nhân vào trang web gdptkiengiang.vn đọc bài “Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, mô hình tu tập đặc thù của người cư sĩ…” đăng tại mục Chánh kiến, chúng tôi cũng là huynh trưởng GĐPT hiện đang sinh hoạt, xin viết bài này xin được đóng góp cho mục Diễn đàn của trang nhà Gia Đình Phật Tử Kiên Giang.
Trong bài viết (kỳ 3), tác giả có đề cập đến “một vài ý kiến cho rằng “GĐPT chơi nhiều hơn tu”…” Vâng, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bài báo về vấn đề này vì chính tôi đã được nghe câu nói ấy từ một vị thượng tọa đang trụ trì một ngôi chùa tại Tp Hồ Chí Minh.
Kể từ năm 1952, khi Hội Phật Học Nam Việt chung tay với Giáo Hội Tăng Già Nam Việt lần lượt thành lập các đơn vị Gia Đình Phật Tử tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, tổ chức này không ngừng phát triển. Khởi đầu, GĐPT chỉ có ở những chùa của Hội Phật Học Nam Việt, đến năm 1964 GĐPT lan rộng ra nhiều chùa nằm ngoài hệ thống của Hội. Điều đó chứng tỏ sinh hoạt GĐPT ngày càng được nhiều chùa thấy được lợi ích nên tổ chức Áo Lam mới có điều kiện phát triển tại Nam phần, vốn không phải là cái nôi của GĐPT Việt Nam. Cũng cần nhớ rằng, khai sinh ra GĐPT tại Nam phần chính là những bậc cao tăng thạc đức như : Cố HT Thích Thiện Hoa, Cố HT Thích Huyền Vi, HT Thích Thanh Từ, HT Thích Thiền Định v.v…, về phía giới cư sĩ thì có: Cố cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cư sĩ Tâm Bửu Tống Hồ Cầm v.v… Điều đó đã nói lên mục đích GĐPT được thành lập không phải để chơi. (Chẳng lẽ các bậc cao tăng thạc đức và cư sĩ vừa nêu nông cạn đến nổi đi làm một việc tầm thường chẳng đem lại lợi ích gì cho nhân quần, xã hội và đạo pháp hay sao?)
Trong điều kiện GĐPT phải tạm ngưng sinh hoạt hơn 20 năm (1975 – 1997) thì sự hiểu biết về GĐPT bị mai một là không thể tránh khỏi. Điều đó, trên thực tế đã xảy ra, nhất là tại các tỉnh Nam phần. Từ chỗ không hiểu biết, hoặc hiểu biết chung chung, không thấu đáo về GĐPT mà nẩy sinh những nhận xét và đánh giá lệch lạc, không đúng với bản chất của GĐPT là điều đương nhiên.
Bài viết này không nhằm đối thoại với vị thượng tọa được nói đến ở đầu bài, bởi vì truyền thống Phật giáo không cho phép một cư sĩ tranh luận với hàng Tăng Bảo.
Ở đây, chúng tôi với tư cách người huynh trưởng đàn anh, nói với các huynh trưởng đàn em về một nhận xét đánh giá “GĐPT chơi nhiều hơn tu” nhằm mục đích giúp các huynh trưởng đàn em minh bạch, tỏ tường về vấn đề này, để cho các em mình không bị chới với, dao động, lung lay niềm tin vào lý tưởng mà chúng tôi đang theo đuổi.
Anh chị em Áo Lam thân mến,
Để tỏ tường về câu nhận xét “GĐPT chơi nhiều hơn tu”, trước hết, chúng ta cần hiểu : thế nào là TU và thế nào là CHƠI.
TU: là từ Hán-Việt, có nghĩa là SỬA.
Thí dụ: -Tu bổ nhà cửa = sửa chữa nhà cửa cho mới, cho đẹp và chắc hơn
-Tu chỉnh Nội quy = sửa đổi một số điều trong Nội quy cho phù hợp và khả thi hơn.
-Duy tu cầu đường = xem cầu cống, đường sá chỗ nào hư hỏng thì sửa chữa, bồi bổ lại cho kiên cố, chắc chắn hơn
-Tu tâm sửa tánh = sửa tâm sửa tánh từ chỗ không tốt thành ra tốt
Tóm lại, TU nghĩa là sửa cái không hay, không tốt trở thành cái hay, cái tốt.
Hiểu về chữ TU theo định nghĩa “Sửa tâm tánh từ chỗ không tốt trở thành tốt đẹp, đem lại an vui cho mình và cho mọi người” thì trong cuộc đời này, hễ ai có chút thiện tâm đều là người có tu cả, chớ không chỉ có Phật tử mới là người biết tu, càng không phải chỉ vào chùa mới là tu.
Thế nhưng, trong ngữ cảnh của câu nói trên thì ý của người nói muốn đề cập đến chữ TU theo quan điểm của một tu sĩ Phật giáo. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu chữ TU trong Phật giáo được hiểu và thực hành như thế nào?
Đệ tử Phật gồm hai chúng : chúng xuất gia và chúng tại gia.
Phật dạy phương pháp tu cho đệ tử xuất gia; Phật cũng dạy phương pháp tu cho đệ tử tại gia.
Người xuất gia không thể tu theo phương pháp của hàng tại gia; Người tại gia càng không thể tu theo phương pháp của hàng xuất gia. Tóm lại, mỗi chúng đệ tử có cách tu riêng phù hợp với hoàn cảnh của mỗi bên và sẽ thu được kết quả tùy theo cách tu và mức độ công phu của từng người.
Người xuất gia là người đi theo con đường của Đức Phật Thích Ca đã đi qua và hướng đến mục tiêu đạt bốn quả vị Thánh từ thấp lên cao là : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Như vậy, chúng ta thấy rằng chữ TU của người xuất gia không đơn giản và tầm thường như định nghĩa về chữ TU nói ở phần trên.
Muốn tu để trở thành các bậc Thánh như vừa nêu, người xuất gia bắt buộc phải từ bỏ gia đình thân quyến, suốt đời sống độc thân, lấy chùa làm nhà, lấy những người cùng lý tưởng giải thoát làm quyến thuộc, sống xa thị thành huyên náo, rủ bỏ mọi thị phi thế gian, sống tri túc kiệm ước, không khát khao tiền bạc, tài sản, địa vị, danh vọng, quyền thế. Dành trọn cuộc đời học và tu theo lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca hầu làm chủ thân và tâm, nêu cao đạo hạnh “xuất thế gian”, nêu gương và hướng dẫn hàng Phật tử tại gia tu học v.v…
Không thể kể ra cho hết những phương pháp tu của người xuất gia, nhưng có thể tóm tắt sự tu của chư Tăng, Ni nằm trong 3 phạm trù là: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.
-Tu Giới nghĩa là ngày đêm luôn nghiêm trì giới luật không một phút giây xao lãng (Tăng giữ 250 giới; Ni giữ 348 giới) . Khi đã tu Giới đến chỗ thuần thục rồi thì tự nhiên từ con người phát ra vẻ oai nghi tế hạnh khiến cho mọi người chung quanh đều cảm mến, kính trọng và ưa gần. Người tu Giới thực sự thì niệm ác không có chỗ khởi lên trong tâm thức, mọi suy nghĩ và hành vi đều toát lên sự thánh thiện. Người như vậy đích thị là một bậc THÁNH trong cuộc đời này.
-Tu Định là thường xuyên thiền định, thiền quán, thiền chỉ (mỗi ngày ít nhất phải thực hành 3 cử ngồi thiền, mỗi cử từ 2 đến 3 tiếng) để đạt tới chỗ thông suốt đạo lý Phật pháp cũng như thế gian pháp và làm chủ hoàn toàn thân-khẩu-ý. Người mà làm chủ được thân-khẩu-ý , mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm đều hợp với đạo lý, đem lại an vui lợi lạc cho mình và người, thì người đó được đời tôn vinh là một bậc THÁNH.
(Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi không nói đến pháp môn Niệm Phật? Xin trả lời: pháp môn Niệm Phật lấy sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật để định tâm. Như vậy, niệm Phật chẳng qua cũng là một hình thức của Thiền mà thôi)
-Tu Tuệ nghĩa là học lời Phật dạy để thấu suốt huyền nghĩa tam tạng giáo điển. Nhờ học Phật nhiều mà trí tuệ phát triển. Người có trí tuệ thì nhìn sự việc nào cũng thấu suốt nhân quả của nó. Khi thấu suốt nhân quả của sự việc rồi thì hành xử một cách chín chắn, hiệu quả, đem lại lợi lạc cho mình và người. Đó chẳng phải là THÁNH hay sao?
Một người tu Giới-Định-Huệ thành tựu viên mãn rồi thì làm việc gì cũng thành công, giống như người đó có phép thần thông vậy.
Theo kinh điển để lại, Đức Phật và các vị đệ tử A La Hán đều có 6 phép thần thông.
Sự tu của hàng xuất gia theo như vừa kể trên đây chỉ là một số điều căn bản, chứ chưa phải đã kể hết. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng cho chúng ta thấy rằng hàng tại gia vô cùng trân trọng và nễ phục sự tu của chư Tăng, Ni, nhưng vì hoàn cảnh của người tại gia suốt ngày quay quắt với “cơm áo gạo tiền” và với biết bao trách nhiệm và bổn phận, do đó không thể nào tu theo cách của người xuất gia được.
Vậy, chữ TU trong câu nhận xét “GĐPT chơi nhiều hơn tu” có thể nào lấy sự tu của người xuất gia ra làm tiêu chuẩn để đánh giá sự tu của anh chị em GĐPT chúng ta hay không ?
(Còn tiếp…)
Minh Chiếu NVH
(GĐPT Tp Hồ Chí Minh)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1