Garuda – Kim Sí Điểu

G

HỎI:

Em đi các chùa Nam tông Khmer, thường thấy trong chùa có trang trí nhiều tượng thần mình người đầu chim rất oai mãnh. Xin hỏi đó là thần gì, vị thần này có vai trò gì trong Phật giáo?

(tueminh…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn tueminh…@gmail.com thân mến,

Tượng vị thần bạn hỏi đó là Thần Garuda, âm Hán Việt là Ca-lâu-la. Kinh điển Phật giáo Bắc tông gọi là Kim Sí Điểu (Chim cánh vàng – vàng này là vàng kim chứ không phải màu vàng).

Garuda Kim Si Dieu 1

Garuda có nguồn gốc từ đạo Bà-la-môn (nay gọi là Hindu giáo). Đó là vật cưỡi của thần Vishnu. Theo kinh điển Veda, Garuda vốn là một con đại bàng rất thần thông và hiếu chiến, nó đã đánh bại nhiều vị thần khác để xâm chiếm đất đai của họ, chỉ đến khi gặp thần Vishnu nó mới chịu thua và cam chịu làm vật cưỡi cho người đã chiến thắng mình.

Garuda là khắc tinh của loài rắn Naga (có chỗ gọi là rồng). Garuda đến đâu thì nơi đó loài rằn bị tiêu diệt đến đấy.

Thần Garuda được mô tả qua hình tướng một nam thần lực lưỡng, oai vệ mình người đầu chim đại bàng với đôi cánh vàng rực sáng chói như muốn thể hiện sức mạnh và quyền uy của mình.

Khi đạo Phật ra đời tại Ấn Độ thì Bà-la-môn giáo đã rất thịnh hành trong xã hội đất nước này, do đó giáo lý nhà Phật có đôi chỗ ảnh hưởng bởi giáo lý Bà-la-môn, trường hợp thần Garuda-Kim Sí Điểu là một trong những trường hợp như vậy.

Theo Phật giáo Đại thừa, Kim Sí Điểu thuộc một trong tám bộ chúng (Thiên Long bát bộ) thường đến nghe Phật thuyết kinh. Thiên Long bát bộ là tám loại chúng sanh phi nhân ủng hộ Phật pháp, gồm:

  1. Thiên, là chư Thiên thuộc sáu cảnh Trời.
  2. Long, là các loài rồng.
  3. Dạ Xoa, là bọn quỷ xấu xí hay hãm hại con người
  4. Càn-thát-bà, là thần âm nhạc ở cõi Trời Đế Thích.
  5. A-tu-la, là loại thần hiếu chiến.
  6. Ca-lâu-la, tức chim cánh vàng hay Kim Sí Điểu.
  7. Khẩn-na-la, là thần ca hát ở cõi Trời Đế Thích.
  8. Ma-hầu-la-già, là các loài đại mãng xà.

Loài Ca-lâu-la có vương quốc riêng của chúng, cai trị vương quốc có các vị vua gọi là Ca-lâu-la vương hay Kim Sí Điểu vương. Trong một vài trường hợp, danh từ “Ca-lâu-la vương” hay “Kim Sí Điểu vương” còn dùng để chỉ cho Đức Phật.

Phật giáo Mật tông Tây Tạng có một pháp tu gọi là Ca-lâu-la đại pháp, thờ Kim Sí Điểu vương làm vị thần bổn mạng với niềm tin sẽ tiêu trừ ma quỷ, bệnh tật, gió mưa, sấm sét…

Các nước như Miến Điện, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên… đều tín ngưỡng Garuda như một thần linh có khả năng tiêu trừ thiên tai, địch họa, bệnh tật đem lại bình an hạnh phúc cho con người.

Garuda Kim Si Dieu 2

Garuda được Phật giáo thu nạp và trở thành một trong tám bộ chúng hộ pháp. Trong kinh Phật có ghi rằng Garuda là một loại đại bàng cực lớn, với sải cánh hàng nghìn dậm chuyên ăn thịt rồng. Khi Garoda vẫy đôi cánh lớn về phía biển, nước biển lập tực rẽ làm đôi, đáy biển lộ ra, loài rồng đang núp dưới đáy biển sẽ bị Garuda bắt lấy ăn thịt. Mỗi ngày Garuda phải ăn thịt một con rồng chúa (Long vương) và 500 con rồng nhỏ (tức con cháu của Long vương).

Do Garuda tàn sát loài rồng quá mạnh, đã khiến Long vương vô cùng kinh hoàng, bèn cầu xin Phật Đà cứu giúp tộc rồng. Đức Phật dạy Long vương thống lĩnh gia tộc thọ Bát Quan Trai giới và ban cho một tấm ca-sa cũ, bảo Long vương xé ra nhiều mảnh phát cho tất cả rồng con rồng cháu mỗi người một mảnh buộc lên sừng. Long vương y giáo phụng hành. Từ đó về sau không còn bị Garuda hãm hại nữa. Long vương cảm kích ơn Phật bèn đưa cả tộc rồng quy y Tam Bảo và trở thành thần hộ pháp của Phật giáo.

Về phần loài Garuda từ khi không được ăn thịt loài rồng nên sinh ra đói khát, chúng bèn tìm đến Phật để biện bạch. Đức Phật dạy: “Ngươi ăn thịt rồng là tạo nghiệp sát sanh, biết bao giờ mới thoát được kiếp cầm thú. Nay ta khuyên ngươi hãy quy y Tam Bảo và giữ Năm giới. Ta sẽ bảo Tăng chúng hằng ngày cung cấp cơm chay cho ăn, không phải tìm rồng để ăn nữa”. Garuda nghe Phật dạy liền vâng lời quy y Tam Bảo và trở thành thần hộ pháp cho Phật giáo. Ngày nay, trong các chùa Phật giáo Bắc tông, chư Tăng mỗi ngày đều cúng thí thực cho Kim Sí Điểu là thực hành theo lời Phật dạy trên đây.

Như vậy, niềm tin và thần thoại về Garuda khởi phát từ đạo Bà-la-môn, về sau hội nhập vào Phật giáo ít nhiều có sự chuyển biến cho phù hợp với giáo pháp nhà Phật. Thần thoại về Garuda – Naga theo Bà-la-môn giáo mang ý nghĩa đấu tranh dai dẳng giữa thiện và ác, trong đó thần Garuda tượng trưng cho sức mạnh trấn áp của cái thiện, rắn Naga là tương trưng cho cái ác.

Nhưng khi du nhập vào Phật giáo, thần thoại Garuda – Naga đã biến thành câu chuyện Kim Sí Điểu – Long vương mang ý nghĩa từ bi hỷ xả của đạo Phật. Giữa thiện và ác không còn ranh giơi, không còn đấu tranh một mất một còn nữa, mà là sự thông cảm và hóa giải nghiệp chướng giữa hai bên, cải tạo bản năng hiếu sát của chúng sanh thành ra sự chung sống hòa bình. Đây chính là tư tưởng đặc sắc của đạo Phật khác biệt với các tôn giáo khác.

BAN BIÊN TẬP

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
02
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ hai
Ngày Canh Tý
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
02
Tháng 11
Kiên Giang