Dòng Tộc Thích Ca Bị Tiêu Diệt

G

HỎI:

Trong một lần đọc sách lịch sử Phật Thích Ca, em thấy sách có nói về sự việc một ông vua gì đó đã đem quân đánh vào thành Ca Tỳ La Vệ và tàn sát hết những người thuộc dòng họ Thích Ca. Đề nghị Ban biên tập cho biết sự kiện này có thật hay không, nó diễn ra thế nào? nguyên do nào dẫn đến sự việc này và tại sao Đức Phật không cứu cho thân tộc của Ngài khỏi bị tiêu diệt?

(Tuệ Minh, CLB.TTNPT chùa Viên Giác)

TRẢ LỜI:

Bạn Tuệ Minh thân mến

Thảm kịch dòng tộc Sakya (Thích Ca) bị tiêu diệt bắt nguồn từ nạn phân biệt giai cấp tại Ấn Độ vào thời xa xưa. Đây là việc có thật xảy ra vào năm Đức Phật bước vào tuổi 80. Câu chuyện như sau:

Hai nước cộng hòa Sakya (dòng tộc vua Tịnh Phạn) và Koliya (dòng tộc hoàng hậu Ma Da) đếu là chư hầu của quốc gia láng giềng hùng mạnh Kosala. Người dân của hai nước Sakya và Koliya đều thuộc dòng tộc Chiến binh trong vương triều Mặt Trời. Do không có dòng tộc nào trong vùng sánh ngang với họ nên họ chỉ kết thân với nhau. Cả hai dòng tộc này đều rất tự hào về sự tinh khiết trong việc duy trì một dòng máu hoàng tộc và luôn giữ gìn truyền thống hôn phối giữa hai dòng tộc. Thí dụ: vua Tịnh Phạn và thái tử Tất Đạt Đa thuộc dòng tộc Sakya; hoàng hậu Ma Da và công chúa Da Du Đà La thuộc dòng tộc Koliya v.v…

So với nước láng giềng hùng mạnh Kosala, cả hai nước cộng hòa Sakya và Koliya đều là những nước nhỏ và yếu. Tuy đều là nước chư hầu của Kosala nhưng hoàng tộc của hai nước này vẫn tự xem mình là giai cấp cao quý hơn tộc người Kosala.

Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) là vua của vương quốc Kosala. Tuy cũng thuộc giai cấp Sát đế lợi (chiến binh), nhưng ông xuất thên từ một dòng tộc thua kém hai tộc Sakya và Koliya. Ông rất bực tức trước thái độ tự tôn trịch thượng của người Sakya và Koliya nhưng ông không thể làm gì hơn vì điều này đã trở thành truyền thống của xã hội Ấn Độ vào thời đó.

Tuy nhiên, vì là một ông vua đầy mưu lược nên ông không cam tâm chấp nhận vị trí bị người khác coi là hèn kém. Ông suy nghĩ “Sẽ là rất tốt nếu ta cưới một công chúa của vương quốc Sakya về làm hoàng hậu. Rồi hoàng hậu sẽ sinh cho ta một hoàng thái tử và thái tử sẽ nối ngôi ta làm vua đất nước Kosala. Chừng đó những người Sakya sẽ không còn cho rằng họ thuộc giai cấp cao hơn tộc Kosala nữa”

Hoàng tộc nước Sakya xôn xao, bối rối trước lời yêu cầu của vua Ba Tư Nặc muốn cưới một công chúa dòng Sakya về làm hoàng hậu. Họ không muốn việc này diễn ra, nhưng họ lại sợ vì Kosala là một quốc gia hùng mạnh, nếu làm cho vua Ba Tư Nặc bất mãn thì dòng tộc Sakya sẽ gặp họa lớn. Hội đồng hoàng tộc họp khẩn cấp và một quyết định táo bạo đã được hội đồng chuẩn y. Đó là chọn một cô tỳ nữ tên là Vasabhakhattiya (Mạt Lợi) trong nhà của trưởng giả Mahanama cho giả làm công chúa để đem gả cho vua Ba Tư Nặc.

Mạt Lợi về làm vợ vua Ba Tư Nặc một năm sau sinh ra một con trai đặt tên Vitatubha (Lưu Ly). Thái tử Lưu Ly ngày một lớn khôn. Đến năm 16 tuổi chàng xin với mẹ cho chàng về quê ngoại thăm bà con bên ngoại. Hoàng hậu Mạt Lợi rất sợ Lưu Ly biết bà là công chúa giả nên từ chối, đồng thời viết thư bí mật sai người đem về Ca Tỳ La Vệ báo cho hoàng tộc Sakya biết sự việc.

Dòng Tộc Thích Ca Bị Tiêu Diệt

Vì thái tử Lưu Ly quyết tâm không từ bỏ ý định về quê ngoại nên vua và hoàng hậu cuối cùng cử một đội binh sĩ tùy tùng đưa chàng sang thành Ca Tỳ La Vệ thăm bên ngoại. Những người Sakya đã tiếp đón chàng rất tử tế và cố gắng giấu không cho Lưu Ly phát hiện thân phận nô lệ của mẹ chàng. Tuy nhiên, dù cố gắng giả dối cách mấy, họ cũng đã để lộ ra một số sai sót như:

-Sự khinh miệt đã vô tình lộ rõ trong cách đối xử của người Sakya với Thái tử Lưu Ly khiến cho chàng cảm thấy nghi ngờ.

-Sau khi rời khỏi Ca Tỳ La Vệ một đoạn đường trên lộ trình trở về Xá Vệ (kinh đô nước Kosala), chàng phát hiện mình bỏ quên thanh kiếm ở nhà ông ngoại (tức trưởng giả Mahanama). Lưu Ly phái một người tùy tùng quay trở lại đó để lấy thanh kiếm. Anh tùy tùng vừa tới nhà ông trưởng giả thì nghe thấy một người tỳ nữ vừa lau chùi chiếc ghế mà thái tử vừa ngồi lúc sáng vừa chửi rủa lớn tiếng rằng: Vitatubha (Lưu Ly) là con của một người nô tỳ đã ngồi lên chiếc ghế vương giả này và làm nhơ nhớp nó. Do đó, phải rửa nó bằng sữa mới có thể sạch được.

Người tùy tùng bèn trở về thuật lại cho Lưu Ly biết những điều mắt thấy tai nghe. Sau khi biết được sự thật, ngọn lửa thù hận bùng phát mạnh mẽ trong tim Thái tử. Chàng thề rằng sau khi lên ngôi sẽ đem quân về tiêu diệt hết những người của dòng tộc Sakya.

Khi về tới Xá Vệ, Thái tử Lưu Ly đã kể hết sự thật cho vua Ba Tư Nặc nghe. Ông nổi trận lôi đình, tước bỏ hết vương hiệu và mọi đặc ân ông đã từng ban cho hai mẹ con bà Mạt Lợi và bắt họ phải sống như những người nô lệ bình thường. Đức Phật khi biết được chuyện này đã đến gặp vua Ba Tư Nặc và dùng đạo lý thuyết phục nhà vua. Vua Ba Tư Nặc hồi tâm chuyển ý, phục hồi vương hiệu cho hoàng hậu Mạt Lợi và thái tử Lưu Ly. Tuy nhiên điều này cũng không lay chuyển được lòng hận thù của thái tử đối với dòng họ Thích Ca.

Sau đó một thời gian, thái tử Lưu Ly được sự đồng lõa của tướng thống lĩnh quân đội tên là Khổ Mẫu, đứng lên đảo chánh cướp ngôi khiến vua Ba Tư Nặc phải chạy trốn qua thành Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà cầu cứu với con rể là vua A Xà Thế. Nhưng khi đến nơi thì cửa thành đã đóng, nhà vua phải ngủ qua đêm ngoài rừng. Do tuổi già sức yếu và kiệt sức sau cuộc chạy trốn, vua Ba Tư Nặc đã qua đời ngay trong đêm đó.

Sau khi lên ngôi, vua Lưu Ly tiến hành ngay cuộc trả thù bộ tộc Sakya. Đức Phật muốn cứu dòng họ Thích Ca nên Ngài thân hành ra ngồi cãn đường tiến quân của nhà vua. Vua Lưu Ly vì tôn kính Phật nên rút quân trở về. Nhà vua ba lần dẫn quân đi đánh thành Ca Tỳ La Vệ đều gặp phải Đức Phật can gián nên ba lần phải rút quân về. Đến lần thứ tư, vua Lưu Ly tỏ ra cương quyết trả thù hơn ba lần trước, nhất định vượt qua mọi sự can gián. Đức Phật thấy rõ quyết tâm của ông và biết rằng thời khắc đã chín muồi cho những nghiệp quả mà dòng tộc Thích Ca đã gây tạo. Vì thế Ngài không can thiệp nữa.

Vua Lưu Ly ra lệnh cho binh lính không được giết hại những người Thích Ca trong cung điện của Mahanama. Tất cả những người khác phải giết không thương tiếc. Sau cuộc tàn sát đẫm máu này, Lưu Ly chuẩn bị lên đường trở về Xá Vệ cùng với trưởng giả Mahanama và quyến thuộc của vị trưởng giả mà ông bắt giữ. Sáng hôm sau ông yêu cầu Mahanama cùng ăn sáng với mình. Đây là một hành động nhằm buộc trưởng giả Mahanam phải công nhận vua Lưu Ly là người cùng giai cấp với mình trước sự chứng kiến của nhiều người… Mahanama vì lòng tự tôn giai cấp nên quyết không ngồi ăn cùng mâm với Lưu Ly vốn là con của kẻ nô lệ trong nhà ông. Ông nói với vua Lưu Ly muốn được tắm trước khi ăn. Lưu Ly chấp thuận và ông bước xuống hồ nước rồi không bao giờ nổi lên nữa.

Tiếp tục cuộc hành trình trở về Xá Vệ, khi Lưu Ly cùng đoàn quân đi đến dòng sông Aciravati thì trời tối. Ông và quân đội của mình cắm trại nghỉ đêm trên bờ sông. Trong khi đang ngủ say thì bỗng nhiên một trận lũ kéo đến làm nước sông dâng cao thình lình, cuốn trôi Lưu Ly cùng quân lính khiến cả đoàn người chết thảm trong dòng nước lũ.

Trong lúc cuộc tàn sát diễn ra tại Ca Tỳ La Vệ thì Đức Phật đang ở tại Kusinara (Câu Thi Na) cách đó khoảng 100 dặm. Vài ngày sau Ngài nhập Niết Bàn. Thật ra Lưu Ly không thể giết hết tất cả người Sakya. Một số người thuộc dòng tộc Thích Ca đã trốn thoát, vì vậy vương quốc Sakya không hoàn toàn biến mất trên bản đồ địa lý. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, hai bộ tộc Sakya và Koliya cũng nhận được một phần xá lợi của Phật để thờ cúng. Khoảng 200 năm sau biến cố Ca Tỳ La Vệ, một trong những hậu duệ của dòng họ Sakya là Sakyakumari Vedisadevi được vua A Dục cưới làm vợ thứ nhất, trước khi A Dục trở thành đại đế.

Dong Toc Thich Ca Bi Tieu Diet 2

TẠI SAO ĐỨC PHẬT KHÔNG CỨU
DÒNG HỌ MÌNH THOÁT KHỎI CUỘC TÀN SÁT?

Để ngăn cãn vua Lưu Ly đem quân tàn sát tộc Sakya, Đức Phật đã ba lần đích thân ra ngồi giữa đường đi, ngăn không cho đoàn quân đi qua. Vua Lưu Ly rất tôn kính Phật, đồng thời cũng chịu ơn Phật đã khuyên vua Ba Tư Nặc phục hồi vương hiệu cho ông và mẹ ông nên ba lần đều rút quân về.

Mặc dù vậy, nhưng lòng hận thù và quyết tâm trả thù của ông vẫn sôi sục nên đến lần thứ tư ông đã quyết tâm dù Đức Phật có cãn đường thì ông vẫn vượt qua. Đức Phật đoán biết tâm ý của Lưu Ly nên Ngài không ra mặt ngăn cãn nữa và Ngài cũng đang chuẩn bị lên đường đi Câu Thi Na để nhập Niết Bàn.

Ngày nay, giới Phật tử bình dân đã thần thánh hóa Đức Phật giống như các thần linh của các tôn giáo hữu thần, qua đó người ta xem Ngài như một vị thần có nhiều quyền năng và có vô số thần thông biến hóa, muốn sao được vậy. Do đó nhiều người hỏi “Tại sao Đức Phật không dùng thần thông khiến cho vua Lưu Ly không thể tàn sát dòng họ Thích Ca như ông ta đã làm?”

Thật ra, Đức Phật Thích Ca chưa bao giờ tự xưng mình là đấng toàn năng có quyền ban phước giáng họa. Ngài chỉ tự nhận mình là một Đạo Sư (Thầy dạy về đạo lý) hoặc một Y Vương (thầy thuốc giỏi) chỉ ra con đường đạo lý hoặc tùy bệnh cho thuốc giúp loài người được giác ngộ và giải thoát khỏi các sự khổ. Đức Phật từng dạy các đệ tử rằng: “Có bốn điều mà Ta không thể làm được, đó là:

Điều 1: Ta không thể thay đổi nhân quả. Ai gây nhân thì phải chịu quả

Điều 2: Ta không thể cho ai trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì mỗi người phải tinh tấn tu học

Điều 3: Phật pháp không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Chỉ có thể thực chứng mà thôi

Điều 4: Ta không thể độ cho người không có duyên với ta.”

Việc cứu dòng tộc Thích Ca khỏi bị vua Lưu Ly tận diệt là điều thứ nhất Phật không thể làm, tức là “thay đổi nhân quả”

Thân chúc bạn tinh tấn tu học.

Mến chào bạn.

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang