Kính thưa Ban biên tập,
Tôi đến với đạo Phật từ hơn 10 năm nay. Tôi đã đọc nhiều kinh sách Phật giáo cũng như nghe nhiều vị giảng sư thuyết giảng giáo lý, từ đó thu được rất nhiều lợi ích cho đời sống tâm linh. Tuy nhiên, càng đi sâu vào Phật Pháp tôi càng có nhiều thắc mắc chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Thí dụ như vấn đề Địa ngục có thật hay không?.
Kính mong Ban biên tập giải đáp.
Kính chào và chúc Quý vị thân tâm an lạc.
(Thiện Phước- AG)
Bạn Thiện Phước thân mến,
Trong tất cả kinh điển Nam tông và Bắc tông Phật giáo đều khẳng định Cảnh giới địa ngục là có thật. Tuy nhiên hiểu về địa ngục cho đúng với lời Kinh ý Phật là điều không phải ai cũng làm được.
Phật giáo Đại thừa khi du nhập vào Trung Hoa, đã dung hòa với tín ngưỡng dân gian bản địa cho ra hình ảnh Thập điện Diêm Vương với 10 cửa ngục mà chúng ta thường thấy vẽ trên tường rất nhiều ngôi chùa Bắc tông. Mỗi tầng địa ngục như vậy có một ông Diêm Vương làm chủ có tên tuổi hẳn hòi và được Ngọc Hoàng Thượng Đề sắc phong chức vụ đàng hoàng.
Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện của Phật giáo Đại thừa cũng có nói về địa ngục với rất nhiều hình phạt tùy theo loai tội và mức độ phạm tội của con người. Có tất cả 45 địa ngục lớn và rất nhiều địa ngục phụ tùy theo từng tội ác con người phạm phải mà có mặt. Tuy nhiên, đọc kỹ bộ kinh này đi kèm với tư duy quán chiếu về ý nghĩa sâu xa của kinh, chúng ta thấy rằng kinh Địa Tạng chủ yếu nói về các loại tội ác mà con người phạm phải trong đời sống, đi kèm với những hình phạt mà tội nhân phải chịu nhằm mục đích khuyến thiện trừng ác theo luật Nhân Quả, chứ hoàn toàn không phải để hù dọa tín đồ, làm cho người ta sợ hãi mà phải quy phục theo đạo Phật.
Trong kinh Nikaya của Phật giáo Nam truyền cũng nói nhiều về Thiên giới và Địa ngục với mục đích đề cao luật Nhân Quả :“Làm thiện được phước, làm ác bị tội” .
Tín ngưỡng dân gian Trung Hoa và các tôn giáo ngoài Phật giáo thường tin rằng:
-Thiên đường là một nơi chốn xán lạn huy hoàng, an vui hạnh phúc ở trên chín tầng mây, tức nơi không gian vũ trụ;
-Địa ngục là một nơi chốn tối tăm đầy đau khổ ở sâu dưới lòng đất.
Hiểu như vậy là hoàn toàn không đúng với giáo lý đạo Phật khi nói về Thiên giới và Địa ngục.
Vậy, người Phật tử nên hiểu về địa ngục như thế nào mới đúng với lời dạy của Phật? Muốn hiểu đúng về địa ngục theo quan điểm Phật giáo, chúng ta cần phải hiểu sâu về các giáo lý căn bản của đạo Phật sau đây:
1- Đạo Phật không tin có một Thượng đế cùng với “bộ máy quản lý” đời sống con người (như một Siêu Nhà nước) để mỗi giờ mỗi khắc để mắt theo dỏi 8 tỉ con người trên hành tinh này làm gì, nói gì…mà luận công luận tội từng người rồi ghi vào sổ . Với quan điểm đó, theo đạo Phật là không có việc con người sau khi chết sẽ được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc hay xuống địa ngục chịu tội hình như niềm tin của đa số người hiện nay.
2- Đạo Phật chủ trương con người làm chủ hoàn toàn cuộc đời mình. Vì vậy, hạnh phúc hay đau khổ đều do chính con người tự tạo ra cho mình chứ không có Thượng đế hay Diêm vương nào ban tặng hay bắt mình phải chịu. Nói cách khác, mọi hạnh phúc hay đau khổ đều xuất phát từ TÂM của mỗi người. Kinh Phật thường dạy :“Tâm làm chủ các pháp”; “Tâm bình thế giới bình, Tâm ác thế giới khổ”; “Nhất thiết do tâm tạo” v.v…Trong nghi thức sám hối có câu:“Tội từ tâm khởi, đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu…”
3-Lý Duyên Khởi, lý Nhân Quả-Nghiệp Báo của đạo Phật cũng đều là nền tảng cho tư duy về công hay tội, về hạnh phúc hay đau khổ, bởi vì cái gì trên đời này cũng đều có nhân duyên của nó chứ không ngẫu nhiên mà có hoặc do một nguyên nhân đầu tiên sinh ra . Một sự việc bị xem là tội với cộng đồng này biết đâu lại là phúc cho cộng đồng khác. Vì vậy, việc luận tội, phúc một người là việc làm mang tính tương đối. “Tội” và “phúc” trong một đời người ví như những hạt phù sa theo thời gian chồng chất lên nhau dưới đáy con sông, không có thánh thần nào đủ khả năng thống kê “tội” và “phúc” của một đời người để cho ra kết quả cuối đời của người ấy. Tội hay phúc của một người chỉ có ngưới đó, hay nói cụ thề là Tâm của người đó biết mà thôi.
4-Lý Luân Hồi cho rằng mọi sinh thể trên đời đều không có một “linh hồn bất diệt” để lên thiên đàng hưởng phúc hay xuống địa ngục chịu tội. Sau khi một sinh vật vừa trút hơi thở cuối cùng thì bảy đại liền trở về với bảy đại (bảy đại gồm: đất, nước, gió, lửa, không gian, sự thấy biết và sự phân biệt) Tất cả những điều kiện trước kia hợp nhau lại thành con người nay đã tan biến mất rồi thì đâu còn cái gọi là ông A hay bà B để đi hưởng phúc hoặc chịu tội?. Do vậy, hình ảnh một con người với đầy đủ tánh tình, cảm xúc… bị quỷ sứ dẫn xuống địa ngục chịu hình phạt như mọi người vẫn hình dung trước nay, chỉ là do trí tưởng tượng mà thôi.
Còn rất nhiều giáo lý nhà Phật chứng minh một cách trực tiếp hay gián tiếp cho quan điểm của Phật giáo về địa ngục, nhưng thiết nghĩ chỉ dẫn chứng như trên cũng đã tỏ tường về vấn đề đang bàn.
Trở lại đầu bài viết có khẳng định Địa ngục là có thật, vậy địa ngục ở đâu? Địa ngục tác động ra sao trên tội lỗi con người? Ai làm ra những tác động ấy? Những tác động (tạm gọi là hình phạt) do địa ngục gây ra cho con người có tác dụng gì?
Trước khi trả lời “Địa ngục ở đâu”, chúng ta hãy quán xét về ý nghĩa của Niết Bàn vì Địa ngục là phương đối lập với Niết Bàn. Xác định được vị trí của Niết Bàn tức thấy được vị trí của Địa ngục.
Ai cũng biết, sau nhiều năm tu tập và sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc cây Bồ Đề, Đức Bổn Sư Thích Ca đã giác ngộ rốt ráo mọi chân lý của vũ trụ và nhân sinh, tức thành Phật. Thành Phật cũng đồng nghĩa với việc đạt đến Bản Lai Diện Mục, Chân Như, Tịnh Độ, Niết Bàn v.v…Kể từ lúc thành Phật, bậc Đạo Sư của chúng ta luôn sống trong Niết Bàn . Vậy tại sao mọi người vẫn thấy Ngài đang sống tại đây giống như tất cả mọi người, hằng ngày đi khất thực như mọi người, vẫn chịu đủ cảnh khổ Sanh, Lão, Bệnh, Tử như mọi người,v.v… ? Vậy, Ngài thật sự có đang sống trong Niết Bàn không?
Trong kinh Milinda Parĩha có mô tả Niết Bàn như sau : “Không có nơi nào nhìn về hướng Tây, hướng Nam, hướng Đông, hướng Bắc, phía trên, phía dưới, hay phía ngoài mà có thể nói đó là Niết Bàn. Tuy nhiên, Niết Bàn thật sự có, và người nào sanh sống chơn chánh, giới hạnh trang nghiêm và chú tâm minh sát, dầu ở Hi Lạp, Trung Hoa, Alexandrie hay Kosala,người đó đều thành tựu đạo quả Niết Bàn”
Lời mô tả trong kinh dạy chúng ta rằng: Niết Bàn không phải là một nơi chốn để cho chúng ta tìm thấy. Sự thật, Niết Bàn chính là trạng thái tâm lý của một người đã đạt đạo quả viên mãn, đức hạnh vẹn toàn, sống đời phạm hạnh, đã thoát ra khỏi tham ái và dục lạc, tức là Phật, là Thánh . Vậy, Phật và các bậc Thánh dù đang ở đâu thì nơi đó cũng đều là Niết Bàn, mà chỉ có các vị mới hưởng được hạnh phúc của Niết Bàn . Phàm phu chúng ta, tuy có được ở gần Phật trong gang tấc nhưng chúng ta không sống trong Niết Bàn và không thọ hưởng được bất cứ hương vị nào của Niết Bàn, bởi tâm chúng ta còn tham, sân, si, ngã mạn, ái dục quá nhiều.
Căn cứ vào ý nghĩa của Niết Bàn như nêu trên, chúng ta rút ra kết luận về Địa ngục cũng bằng câu kinh Milinda Parĩha : “Không có nơi nào nhìn về hướng Tây, hướng Nam, hướng Đông, hướng Bắc, phía trên, phía dưới, hay phía ngoài mà có thể nói đó là Địa ngục. Tuy nhiên, Địa ngục thật sự có, và người nào sanh sống không chơn chánh, làm điều bất thiện, gây nhiều tội ác, dầu ở Hi Lạp, Trung Hoa, Alexandrie hay Kosala, người đó cũng đều sống trong Địa ngục và đang chịu hình phạt đau đớn từng giờ từng phút”
Vậy, Địa ngục chính là trạng thái tâm thức của một người khi phạm tội. Địa ngục hiện ra ngay tại không gian và thời gian hiện hữu, nói cách khác, Địa ngục có mặt ngay trong đời sống hiện tại. Khi một người phạm tội dù lớn hay nhỏ, ngay cả khi người đó cố tỏ ra bình thản trước mọi người, thì bên trong tâm thức của người ấy đã xuất hiện ngọn lửa của địa ngục thiêu đốt chính họ. Họ cố lẫn tránh mọi người, họ nơm nớp lo sợ tội lỗi của họ bị phơi bày, họ sợ bị ra trước pháp luật của xã hội, họ ăn mất ngon, ngủ không yên, trong giấc mơ họ thường thấy cảnh mình đền tội, vân vân…
Tóm lại, Địa ngục và Niết bàn không phải là vị trí địa lý trên trời hay dưới lòng đất. Chúng là hai cực đoan của trạng thái tâm thức con người, một bên là đau khổ cùng cực và một bên là hạnh phúc tuyệt vời. Niết Bàn là kết quả của đời sống thánh thiện; Địa Ngục là kết quả của tội ác. Khi một người làm ác thì lập tức họ rơi vào cảnh giới địa ngục chịu đau khổ ngay tức khắc trong lúc họ vẫn đang sống, đang làm việc, đang giao tiếp với mọi người, chứ không phải đợi tơi khi chết đi mới phải xuống “địa ngục” chịu tội. Một người phạm tội ác có thể không bị pháp luật đưa ra tòa kết án, nhưng người đó không thể trốn tránh địa ngục do chính mình tạo ra cho mình. Đó là sức mạnh của luật Nhân Quả.
Từ quan điểm trên, đạo Phật chỉ bày cho nhân loại con đường đi đến Niết Bàn. Khi con người nỗ lực hướng về phía Niết Bàn thì Địa ngục càng bị bỏ xa.
Thân chúc bạn ngày càng gần Niết Bàn và càng xa Địa ngục.
BAN BIÊN TẬP
Quý độc giả, Anh chị em có thắc mắc cần trao đổi có thể gởi câu hỏi cho Ban Biên Tập tại đây hoặc gởi email về địa chỉ bhd@gdptkiengiang.vn