Kính thưa Ban biên tập, tôi là một người có cảm tình với đạo Phật từ lâu. Nay tôi muốn đến chùa xin quy y Tam Bảo để trở thành Phật tử nhưng tôi băn khoăn không biết nên chọn chùa nào vì tôi thấy đạo Phật có quá nhiều hình thức tu tập khác nhau và nhiều tông phái khác nhau, lại có chùa hình như chẳng dạy Phật tử tu tập gì cả mà chỉ có cầu nguyện, lễ bái giống y như các tôn giáo nhất thần và đa thần.
Tôi kính đề nghị BBT giải thích về đạo Phật một cách tóm tắt và dễ hiểu đồng thời cho tôi một lời khuyên nên chọn con đường nào đến với đạo Phật ? Tôi kính tri ân BBT. Kính chúc các Anh, Chị nhiều sức khỏe.
Đoàn Văn Tiểng (Hậu Giang)
Bạn Đoàn Văn Tiểng thân mến.
Những gì bạn trông thấy về đạo Phật ngày nay ở Việt Nam đều tóm gọn vào hai cụm từ : “Đạo Phật Gốc” và “Đạo Phật Phương tiện”.
1) Nguyên do gốc rể khiến cho đạo Phật có mặt trên thế gian này chính là SỰ KHỔ. Vì nhận thấy con người quá khổ nên Đức Thích Ca mới xuất gia mong tìm ra đạo giải thoát cho xã hội hết khổ. Sau rất nhiều năm tháng thực nghiệm tất cả các phương pháp tu thời đó, Đức Thích Ca đã tìm ra đạo giải thoát qua Tứ Diệu Đế:
Xin kể một số phương pháp tu tập do Đức Thích Ca chỉ dạy như: Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi, Lục độ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Tứ Vô Lượng Tâm, Tam Vô Lậu Học, Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp vân vân….Những phương pháp này nhằm giúp người tu rèn luyện cái tâm để từ một người phàm phu trở thành bậc thánh, có cái nhìn chân xác đối với mọi sự vật, sự việc và do đó hành xử hợp đạo lý trong mọi trường hợp. Con người như vậy được coi là có đời sống thánh thiện, và được mọi người tôn vinh là Thánh nhân.
Ngoài các phương pháp thực hành nêu trên, Đức Thich Ca còn chỉ ra những chân lý vốn có trong vũ trụ và kiếp nhân sinh. Những chân lý đó là : Nhân quả, Vô thường, Vô ngã, Duyên khởi, Nghiệp báo, Luân hồi vân vân…Những chân lý tự nhiên trên đây kết hợp tạo ra mọi thứ trong vũ trụ và trong đời sống nhân loại. Với những sự thật do Đức Thích Ca phát hiện trong quá trình tu đạo và thành đạo đã hình thành nên nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo. Đó là:
Phật tử xuất gia: hành trình tu tập để trở thành một bậc Thánh đúng nghĩa theo đạo Phật gốc đòi hỏi người tu phải hiến mình trọn đời cho Phật pháp. Muốn vậy, người tu phải không còn vướng bận sự nghiệp, tài sản. vợ con, tình cảm… thế gian để dành trọn vẹn tâm huyêt, trí lực và thời gian cho việc tu tập. Vì vậy các vị ấy phát nguyện xuất gia vào chùa tu tập suốt đời. Đó gọi là hàng đệ tử xuất gia, còn gọi là chư tăng, ni, nói theo danh từ nhà Phật là Tỳ Khưu (nam) và Tỳ Khưu Ni (nữ)
Phật tử tại gia: Trong xã hội này không phải ai cũng đủ duyên lành với Phật pháp để xuất gia vào chùa tu suốt đời, vì vậy Đức Thích Ca đã dạy phương pháp tu tập cho người Phật tử tại gia. Hành trình tu tập cho người tại gia gồm:
-Bước 1: Vào chùa xin quy y Tam Bảo và giữ Năm Giới để khẳng định con đường đi theo đạo Phật của mình, không bao giờ bỏ đạo
-Bước 2: Siêng năng học các giáo lý căn bản của Phật giáo như: Nhân quả, Vô thường, Duyên khởi, Nghiệp báo, Luân hồi v.v…để làm nền tảng Phật học vững chắc cho đời tu của mình. “Tu mà không học là tu mù”. Người học Phật phải khẳng định quan điểm “Không tin vào chúa trời, không tin vào thần linh, tất cả sướng khổ trên đời là do chính con người tạo ra. Con người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình chứ không giao khoán cho thần linh định đoạt”
-Bước 3: Thường xuyên thực hành các phương pháp tu của người tại gia như: Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nghiếp pháp, Lục Hòa, Bát quan trai giới v.v… để tạo các thiện nghiệp cho mình và giúp đỡ tha nhân cho đời bớt khổ thêm vui. ”Học mà không tu chỉ là cái đãy sách”. Bước 3 này rất quan trọng vì nó là kết quả tu tập của người Phật tử tại gia đem Đạo và Đời, tự mình biến cải cuộc đời từ khổ sang vui.
Ngoài những phương pháp tu tập vừa nêu, người Phật tử tại gia, nếu có điều kiện, cũng có thể nhờ các vị xuất gia hướng dẫn cho một vài phương pháp tu tâp của người xuất gia để thực hành, tuy nhiên không được bỏ cửa bỏ nhà, bỏ hết trách nhiệm gia đình để chạy theo cách tu của người xuất gia. Vì nó không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của người tại gia, có ham tu cách mấy cũng không đem lại kết quả nào, mà còn ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Tu theo đạo Phật mà để mất hạnh phúc gia đình thì tu làm chi?
Người Phật tử tại gia được gọi là Cư sĩ Phật tử, Ưu bà tắc (nam), Ưu bà di (nữ).
Tu theo đạo Phật gốc đòi hỏi người tu phải có căn duyên với Phật pháp, lại phải nỗ lực tu tập như người lội dòng nước ngược vì tu là đi ngược lại với bản năng tham sân si của chúng sanh. Bù lại, người tu Phật sẽ được đền đáp bằng những giây phút hỷ lạc trong cuộc sống, mức độ hỷ lạc tùy theo kết quả ứng dụng Phật pháp vào đời nhiều hay ít. Vì vậy, người tu theo đạo Phật gốc không nhiều. Đa số Phật tử ngày nay đi theo “Đạo Phật phương tiện”
Bản năng con người là thích “trao thân gửi phận” cho thần linh. Vì vậy mọi tôn giáo ra đời đều đặt để ra một hoặc nhiều vị thần có quyền năng thưởng phạt cho con người. Các tôn giáo này tạo cho tín đồ của họ một đức tin bất di bất dịch rằng: “Họ đang được một thần linh tối cao che chở. Hãy đặt đức tin vào thần linh ấy. Nếu có hoạn nạn khổ đau thì sẽ được thần linh hóa giải. Sau khi chết sẽ được thần linh rước về thiên đường” Tín đồ tôn giáo nhất thần và đa thần không dạy giáo lý gì, cũng không bắt tín đồ phải tu tập gì cho lao công tổn sức. Nhất nhất mọi việc đều do thần linh quyết định hết!
Sau khi Đức Thích Ca nhập diệt khoảng 100 năm, đạo Phật đã bắt đầu xuất hiện một số thay đổi xuất phát từ việc giữ giới của Tăng sĩ. Theo thời gian, sự thay đổi ấy dần dần phát triển sang phạm vi Kinh-Luật-Luận cho đến 500 năm sau Phật niết bàn thì đã hình thành hai phái Nguyên thủy và Đại thừa. Phái Nguyên thủy chủ trương tu y như hồi Phật còn tại thế từ hình thức đến nội dung. Trong khi đó phái Đại thừa chủ trương hòa nhập với tín ngưỡng địa phương các quốc gia mà đạo Phật đang có mặt. Vì vậy mà đạo Phật đại thừa còn có tên gọi là “đạo Phật phát triển” hay “đạo Phật phương tiện”
Chữ “phương tiện” được chư thầy, tổ giải thích rằng “tạm dùng những phương tiện khế hợp với niềm tin của quần chúng để thu hút họ đến chùa, sau đó từ từ giáo hóa họ trở thành Phật tử đúng nghĩa”
Trên quan điểm đó, “Phật giáo phương tiện” đã biến Phật A Di Đà thành ra đức Chúa Trời giống như đạo Thiên Chúa, Tịnh Độ cũng giống như Thiên đàng bên đạo Chúa. Ngoài ra người ta còn khuyên rằng hãy cầu nguyện đức Quán Thế Âm hằng ngày để đức Ngài cứu nạn cứu khổ cho mình. Người ta biến đức Địa Tạng thành một vị thần cai quản địa ngục và khuyên mọi người hãy cầu nguyện Ngài mỗi ngày để được Ngài cứu cho khỏi phải xuống địa ngục. Người ta còn biến rất nhiều vị Phật và Bồ tát thành ra các vị thần ban vui cứu khổ y như đạo Bà-la-môn của Ấn Độ. Tóm lại, người ta đã biến đạo Phật “Vô thần” trở thành đạo Phật nhất thần và đa thần; biến đạo Phật không tín ngưỡng trở thành đạo Phật tín ngưỡng.
Theo lời chư thầy tổ giải thích, tất cả những sự biến tướng trên đây đều là phương tiện thù thắng trợ thủ cho quý Ngài trên con đường “hoằng dương chánh pháp”. Vì vậy người Phật tử chúng ta đừng vội lên án “Phật giáo Việt Nam đã biến tướng thành đạo Chúa hay đạo Bà-la-môn” mà mang tội với chư thầy, tổ.
Tóm lại đạo Phật tại Việt Nam hôm nay gồm có hai hạng người tu :
Bạn thích hợp với đạo Phật nào ? đạo Phật gốc hay đạo Phật phương tiện?
Bạn muốn tự mình lội dòng nước ngược để được bớt khổ thêm vui hay bạn tin rằng mọi sướng khổ của bạn đều do thần linh quyết định?
Xin bạn cứ tự do chọn lựa. Nhưng bạn phải cân nhắc, cẩn thận khi chọn ngôi chùa và vị bổn sư để quy y, vì đó là vạch xuất phát quyết định cho con đường tu tập theo đạo Phật của bạn sau này.
Thân mến chào bạn. Kính chúc bạn tinh tấn trên đường đạo.
BAN BIÊN TẬP