Chúng tôi nhớ trước đây, cũng trên mục diễn đàn này, một tác giả đã nêu ra các nguyên do khiến sinh hoạt Gia Đình Phật Tử tại miền Tây Nam bộ khó phát triển. Một trong các nguyên do ấy là chùa quá chật, GĐPT sinh hoạt ngay trước mắt tăng, ni, Phật tử , nhiều khi còn làm cãn trở hoạt động của nhà chùa, khiên cho một số không ít tăng, ni và Phật tử không hài lòng. Tình trạng đó khiến cho thầy trụ trì buộc lòng giải tán GĐPT, hoặc thờ ơ, không còn mặn mà với sinh hoạt GĐPT nữa.
Hôm nay, chúng ta đi sâu phân tích về điều này để tìm ra lối thoát cho sinh hoạt GĐPT.
Mục đích của sinh hoạt Gia Đình Phật Tử là đem Phật Pháp vào đời sống thanh thiếu nhi nhằm huân tập cho các em dần trở thành người Phật tử chân chánh. Đối tượng của sinh hoạt Gia Đình Phật Tử là thanh thiếu nhi nên trong phương pháp sinh hoạt cần phải phù hợp với tâm lý hiếu động ham vui của các em. Do đó, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử hoàn toàn khác với sinh hoạt của đạo tràng Phật tử lớn tuổi thường thiên về yên tĩnh. Đây chính là băn khoăn lớn nhất của quý thầy trụ trì khi có ý định tổ chức sinh hoạt Gia Đình Phật Tử tại chùa mình. Vì vậy, vấn đề chỗ nơi sinh hoạt và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của một đơn vị Gia Đình Phật Tử luôn cần được quan tâm đúng mức.
đối với những ngôi chùa có diện tích rộng rãi, không gian thoáng đảng và có nhiều cây cao bóng cả thì thật là tuyệt vời, Các em đoàn sinh được sinh hoạt trong một môi trường thiên nhiên sẽ vô cùng ích lợi và thích hợp với tính cách hoạt động của lứa tuổi các em. Ở những ngôi chùa rộng rãi gần gũi với thiên nhiên như thế thì sinh hoạt Gia Đình Phật Tử hầu như không ảnh hưởng gì đến các mặt sinh hoạt của chư tăng và các Phật tử lớn tuổi cần một không gian yên tĩnh cho việc tịnh tu.
Tuy nhiên, tại các trung tâm thành phố, đa số chùa đều chật hẹp, thiếu hẳn sân chơi dành cho Gia Đình Phật Tử. Điều này thường gây ra sự bất tiện cho chư tăng lẫn ban huynh trưởng. Do đó, quý thầy trụ trì cần khéo léo tận dụng diện tích mặt bằng chùa mình để tạo một sân sinh hoạt dành cho các em Gia Đình Phật Tử.
Điều kiện cần thiết cho một sân sinh hoạt là :
-Che được mưa, nằng và thoáng mát
-Tách biệt với khu nghỉ ngơi và làm việc của chư tăng (càng xa càng tốt)
-Diện tích đủ rộng cho cả Gia đình tập họp hoặc chơi trò chơi nhỏ…
Sân sinh hoạt có thể là một căn nhà tiền chế đơn sơ, ngày thường nhà chùa có thể sử dụng tùy nhu cầu Phật sự, ngày chủ nhật dùng làm sân sinh hoạt cho Gia Đình Phật Tử.
Đoàn quán có các chức năng sau đây :
Tùy theo khả năng của chùa, đoàn quán có thể to nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, để cho đoàn quán phát huy được chức năng của nó thì ít nhất đoàn quán phải có diện tích tối thiểu là 4m x 6m, trong đó phần trước có kích thước 4m x 4m dung làm nơi hội họp, tiếp khách. Phần sau dùng làm kho, có kích thước 2m x 4m
Đoàn quán có thể cất liền với sân sinh hoạt, hoặc cũng có thể là một gian nhà nhỏ trong khuôn viên chùa mà thầy trụ trì cho Gia đình mượn.
Đối với đoàn sinh, Đoàn Quán có ý nghĩa rất quan trọng vì các em xem đây là mái ấm của Gia đình; nơi mà các em có thể cưới nói, sinh hoạt thoải mái không sợ quý thầy hay các Phật tử lớn tuổi rầy la; nơi mà các em thỏa sức sáng tạo xây dựng một góc đoàn cho riêng mình bằng chính ý tưởng và đôi tay của mình. Tóm lại, Đoàn Quán là nơi các em gởi gắm tâm tư tình cảm một thời thơ ấu nơi mái chùa thân thương, đó chính là QUÊ HƯƠNG của các em, dù mai sau có phiêu bạt chân trời góc biển, nhưng tâm hồn các em không bao giờ quên ngôi Đoàn Quán một thời thân thương !
Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử thực chất là giáo dục. Muốn giáo dục có kết quả thì phải có trường lớp, có giáo viên, có phương pháp giáo dục và có những phương tiện hỗ trợ cho việc dạy và học. Trên đây là hai phương tiện hỗ trợ rất cần thiết cho sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Chỉ khi nào một đơn vị Gia Đình Phật Tử có được hai cơ sở này thì sinh hoạt mới có thể ổn định và đem lại hiệu quả giáo dục như mục đích Gia Đình Phật Tử đề ra.
Dĩ nhiên, một đơn vị không có sân sinh hoạt và đoàn quán thì vẫn có thể sinh hoạt được, nhưng không thể sinh hoạt tốt và cũng khó đạt kết quả giáo dục như mong muốn. Chúng tôi có biết một số ít đơn vị đến chùa sinh hoạt như hình thức của đạo tràng người lớn thu nhỏ, nghĩa là các em sinh hoạt tu học y như người lớn: lễ Phật, niệm Phật, kinh hành, nghe giảng giáo lý, tới giờ ăn cơm cũng phải hành nghi thức quá đường… Đây là một hình thức dạy trẻ theo quan niệm của nền giáo dục phong kiến từ ngàn xưa, nay không còn hợp thời nữa rồi ! Tuổi trẻ rất cần không gian riêng để vận động và sáng tạo theo tâm sinh lý của các em. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Bắt trẻ con“làm người lớn thu nhỏ” là đi ngược lại với nền giáo dục tiến bộ của nhân loại.
Cơ sở vật chất dành cho sinh hoạt GĐPT tại mỗi chùa nếu kể ra hết thì còn nhiều thứ lắm, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, nhất là tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, sinh hoạt GĐPT chỉ cần hai thứ trên đây là đã quý lắm rồi, đâu dám đòi hỏi hơn nữa.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề nghị lên quý thầy trụ trì và quý anh chị lãnh đạo Phân ban GĐPT các tỉnh:
Nếu nhà chùa có khả năng đáp ứng được hai nhu cầu nêu trên thì hãy thành lập GĐPT; còn như không có đủ hai thứ cấn thiết trên đây thì xin không nên thành lập GĐPT. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tại một tỉnh nọ ở miền Tây Nam bộ, đã có hai ngôi chùa giải tán GĐPT chỉ vì lý do “các em ồn ào quá chịu không nổi!” .
Rất mong bài viết này được đến tay quý thầy trụ trì để không còn cảnh tượng đau lòng một khi thầy đang tâm giải tán GĐPT khiến cho hơn mấy chục đoàn sinh GĐPT không còn cơ hội đến chùa học Phật, tu tâm để sau này trở thành người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.
Thật đáng tiếc lắm thay!