Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư (tt) – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

CHUYÊN NGHIỆP và NGHIỆP DƯ

CHUYÊN NGHIỆP VÀ NGHIỆP DƯ 

TRONG SINH HOẠT GĐPT

(tiếp theo)

Bạn thân mến,

Trong 4 lá thư trước đây, tôi đã phân tách nhiều về tính chất chuyên nghiệp và thế nào là một huynh trưởng chuyên nghiệp. Thấp thoáng phía sau những hình ảnh về một huynh trưởng chuyên nghiệp, có lẽ bạn đã nhìn thấy bóng dáng của những huynh trưởng nghiệp dư mặc dù tôi chưa chỉ ra.

Trước khi kết thúc đề tài "Chuyên nghiệp và nghiêp dư", hôm nay chúng ta thử phác họa hình ảnh một huynh trưởng nghiệp dư xem họ là người như thế nào, bạn nhé !

Nhưng, trước khi chỉ mặt đặt tên những kẻ "nghiệp dư", tôi muốn nói với bạn rằng, trong 2 lá thư trước, khi nói về vấn đề "chuyên nghiệp" và "nghiệp dư" trong sinh hoạt GĐPT, có lẽ đa số người đọc lá thư này đều nghĩ rằng hiện nay trong hàng ngũ huynh trưởng chúng ta chia làm hai hạng: một hạng chuyên nghiệp và một hạng nghiệp dư. Hạng huynh trưởng chuyên nghiệp là những "rường cột" của tổ chức và hạng nghiệp dư là "gánh nặng" cho tổ chức chúng ta.

Hiểu như vậy là không đúng với ý đồ của người viết bài này, và trên thực tế trong sinh hoạt GĐPT cũng không hề tồn tại hai hạng huynh trưởng như vậy. Ý đồ của người viết là muốn phân tách cho bạn thấy thế nào là những hành vi mang tính "chuyên nghiệp" và thế nào là những hành vi mang tính "nghiệp dư". Trên thực tế, cả hai hành vi này đều sẵn có trong từng con người huynh trưởng chúng ta. Khi nào ta tinh tấn và thành công thì lúc ấy ta là người chuyên nghiệp; khi nào ta giải đãi buông lung khiến cho sinh hoạt GĐPT bị đình đốn thì lúc ấy ta là kẻ nghiệp dư. Như vậy, chuyên nghiệp hay nghiệp dư cũng vẫn là ta chứ không ai vào đây.

Vạch mặt kẻ nghiệp dư thì có "hằng hà sa số" điều tệ hại nơi con người này, trong phạm vi lá thư này, tôi chỉ xin thống kê một số điều cơ bản mà thôi:

HLHT5 22

1)Thiếu học thiếu tu:

Có lẽ đây là điều tệ nhất của một kẻ nghiệp dư, chính vì thiếu học thiếu tu mà nẩy sinh vô số điều tệ hại khác trong cuộc đời huynh trưởng. Người thiếu học thiếu tu có diện mạo như sau:

-Họ là những "chiếc thùng rỗng kêu to", lúc nào cũng ra vẻ quảng bác nhưng thực tế khi đụng chuyện mới biết đầu óc họ rỗng tuếch, ai "dọn cơn sẵn" thì họ tham gia rất hùng hồn, nhưng lúc khó khăn thì họ biến mất tăm. Ngoài đời người ta gọi những kẻ như vậy là hạng người "mồm miệng đỡ tay chân"

-Họ là những cái bóng lúc ẩn lúc hiện rất khó lường. Có những lúc tập thể cần tới họ thì họ biến mất nhưng tới khi không ai cần tới thì họ hiện ra, rất "bảnh chọe" và "đường bệ" trước mắt mọi người. Họ rất ít khi tham dự các cuộc họp hay những lớp học do Ban Hướng dẫn tổ chức; họ rất sợ phải dự những buổi họp rút kinh nghiệm. Vì sự ẩn-hiện thất thường của họ nên tập thể không dám giao nhiệm vụ quan trọng nào cho họ, mà cùng lắm cũng chỉ dám đặt họ vào một ban bệ có nhiều người để khi họ có biến mất thì cũng còn người khác làm thay công việc cho họ.

-Người thiếu học thiếu tu thường hành động theo bản tánh sẵn có của họ mà không tuân thủ một nguyên tắc, nội quy hay kỷ luật nào hết. Đó là một con người vô cùng thiếu trách nhiệm trong công việc. Người như thế rất khó đồng sự với tập thể. Họ không có khả năng lãnh đạo chỉ huy, vì vậy, chớ nên giao cho họ một chức vụ đứng đầu một nhóm, một ban… nào hết.

-Hạng thiếu học thiếu tu có thể mặc chiếc áo Lam nhiều năm nhưng chẳng có mấy tiến bộ trong nhân cách. Họ không bao giờ nhận ra lỗi của mình; họ không biết học hỏi những cái hay cái đẹp của người khác, họ đố kỵ với những ai có tài và thường lôi kéo những người có thể lôi kéo vào cùng phe nhóm. Sống trong tập thể, họ thường xuyên là "cái gai trong con mắt" của nhiều người, nhưng nguy hiểm nhất là không biết do nhân duyên nào đó mà họ được lòng của một vài vị lãnh đạo giáo hội địa phương. Tổ chức Áo Lam nơi nào mà gặp phải một con người như vậy thì thật là bất hạnh.

HLHT5 08

2)Học và tu sai:

Có những người đến với GĐPT dường như đã chọn lầm đường, nhưng họ không nhận ra, họ vẫn mặc chiếc áo Lam lâu đến nỗi "sống lâu lên lão làng", cũng mang cấp bậc này nọ nhưng sức cống hiến cho tổ chức Áo Lam chỉ là con số không. Vì sao vậy? Xin thưa, vì:

-Họ không thích tu "động", họ chỉ thích tu "tịnh". Trong khi sự tu của GĐPT là tu trong công việc, tu trong trách nhiệm, tu trong hy sinh, tu trong gian khó, tu vì đàn em thân yêu, tu để trả ơn Tam Bảo v.v…

Thì quan điểm tu của những người này cho rằng tu là phải độc cư, tu là phải "tránh duyên", tu là phải ngồi thiền, niệm Phật, tu là không còn vướng bận điều gì của thế gian, tu là an nhàn, thanh tịnh và "vô sự"… Sau cùng, tu để mọi người ai cũng thấy mình là người "Phật tử thuần thành".

-Những người có quan điểm tu như vậy, khi chọn con đường sinh hoạt GĐPT đúng là họ đã chọn lầm đường. Nhưng vì họ không nhận ra sự nhầm lẫn của mình và vì nhiều lý do khác, họ vẫn tiếp tục mang hình thức huynh trưởng GĐPT nhưng lại chọn phương thức tu y như người xuất gia. Sự lựa chọn nhầm đã biến họ thành người "ngô chẳng ra ngô – khoai chẳng ra khoai", một hình ảnh "chẳng giống ai" trong tập thể của những người áo Lam.

-Người huynh trưởng có quan điểm học và tu như trên chắc chắn chỉ làm kẻ nghiệp dư trong môi trường sinh hoạt GĐPT. Họ sẵn sàng bỏ một buổi họp quan trọng hay bỏ một kỳ hội trại mà nơi đó tập thể đang cần rất nhiều công sức mọi người; họ cũng không thương tiếc khi bỏ một hay nhiều buổi sinh hoạt Gia đình, thậm chí bỏ cả ngày chu niên của đơn vị v.v… nếu như trong những ngày đó có khóa tu thiền, khóa tu niệm Phật, khóa tu Bát Quan Trai, thậm chí có khi chỉ là một buổi cúng giỗ trong chùa… Trong những trường hợp như vậy, họ sẵn sàng chọn con đường đến với những nơi có khóa tu hay đám giỗ… thay vì chọn con đường có mặt với đồng đội và với đàn em thân yêu, nơi mà họ có trách nhiệm của một huynh trưởng GĐPT.

Họ tự cho rằng: khi họ vắng mặt bên đồng đội với lý do mắc dự khóa tu này nọ… là vinh dự, là "oai", là tôn vinh tên tuổi của họ đối với đám "con nít áo Lam không biết tu".

Những người như vậy, thiết nghĩ nên cởi bỏ áo Lam là tốt hơn hết.

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang

Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư (tt) – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

CHUYÊN NGHIỆP và NGHIỆP DƯ

CHUYÊN NGHIỆP VÀ NGHIỆP DƯ 

TRONG SINH HOẠT GĐPT

Bạn thân mến

Trong lá thư kỳ trước, tôi có đưa ra yếu tố thứ tư hình thành tính chuyên nghiệp trong nghề huynh trưởng GĐPT, đó là đức hy sinh.

Người có đức hy sinh tức là người biết xả ly, biết bố thí, biết cống hiến; đó là một con người có tâm địa rộng rãi, sống vị tha, mình vì mọi người hơn là muốn mọi người vì mình, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng cho sự trường tồn của Đạo Pháp. Tổ chức Gia Đình Phật Tử cần biết bao những con người như vậy.

Hôm nay, tôi sẽ đưa ra yếu tố thứ năm, không biết bạn có đồng ý với tôi hay không? Nhưng trước khi trả lời, xin bạn hãy đọc kỹ những gì tôi trình bày dưới đây, bạn nhé!

5)Học và tu: trong bất cứ một tổ chức, một tập thể nào ngoài đời, chỉ cần bạn có đủ 4 yếu tố trên kia là đã có thể thành công và trở thành một người chuyên nghiệp trong công việc rồi. Thế nhưng, trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử thì bốn yếu tố đầu là chưa đủ, cần phải thêm yếu tố thứ năm: học và tu.

a-Về sự học:

-Học ở đây là học lời Phật dạy được chư vị giáo thọ sư biên soạn thành những đề tài Phật Pháp và được phân phối trong chương trình tu học của huynh trưởng từ bậc Kiên cho đến bậc Lực.

-Học ở đây cũng là học các kiến thức và kỹ năng trong các trại huấn luyện như: Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang và Vạn Hạnh … để có tay nghề và ý chí cần thiết cho nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh và thừa hành các Phật sự do Ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh giao cho.

-Học ở đây là học trong quản lý và điều hành đơn vị; học trong quá trình tổ chức thực hiện các mặt hoạt động cho đơn vị hay cho GĐPT trong tỉnh.

-Học ở đây cũng bao gồm cả thế học và các kỹ năng sống do nhà trường giảng dạy cho học sinh từ bậc trung học cho đến bậc đại học và sau đại học.

-Học mọi lúc mọi nơi nhằm tích trữ kiến thức và kỹ năng để trở thành một huynh trưởng đa năng, đa hiệu.

b-Về sự tu:

-Tu ở đây không nhất thiết là phải xuất gia vào chùa. Tu ở đây chính là SỬA (giống như trùng tu một ngôi chùa; duy tu một cây cầu hay tu bổ một con đường…).

-Người huynh trưởng tu bằng cách "tiêu hóa" những giáo lý đã học để nó trở thành những đạo lý trong đời sống của mình. Tu là thể hiện đạo lý Phật dạy qua mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và mỗi việc làm của mình trong đời sống hằng ngày. Tu mà có kết quả như vậy là mới khó, chứ tu theo sự (tức gõ mõ tụng kinh, bái sám, niệm Phật…) để cho ai cũng thấy mình "tu" là việc không khó lắm.

Tôi chỉ thí dụ một việc rất bình thường thôi để  bạn thấy tầm quan trọng của sự tu của huynh trưởng GĐPT:

-Khẩu hiệu của GĐPT chính là hạnh Tinh Tấn của đức Bổn Sư Thích Ca. Hằng tuần đi sinh hoạt đều hô khẩu hiệu Tinh Tấn nhưng có mấy ai thực hành hạnh Tinh Tấn một cách thường xuyên và đem lại kết quả gì trong sinh hoạt GĐPT chưa? đấy là tôi còn chưa nói đến lợi ích lớn hơn trong đời sống xã hội . Tu chính là thực hành lời Phật dạy hay thực hành những hạnh lành của chư Phật để mang lại lợi ích ngay trong cuộc sống này.

Vì sao huynh trưởng cần thực học và thực tu?

Thực học nghĩa là học cho mình, giống như người chọn ăn loại thực phẩm bổ dưỡng để nuôi thân mạng vậy. Còn, học cho có hình thức hoặc học để có cấp mà đeo, hoặc vì một động cơ nào khác… thì không phải là thực học.

Thực tu là tu để sửa mình theo lời Phật dạy, để cho nhân cách mình mỗi ngày một tăng tiến, bệnh vô minh mỗi ngày một bớt đi, cũng như người bệnh chịu uống thuốc đúng bệnh nên bệnh mỗi ngày một thuyên giảm.

Tu mà chỉ chuộng hình thức để ra vẻ mình có tu, để khoe với mọi người, trong khi nhân cách không hề có tiến bộ, thì đó không phải là thực tu, đó là giả tu. Thí dụ:

-Huynh trưởng GĐPT tham dự một khóa tu Bát Quan Trai trong ngày chủ nhật, bỏ mặc đoàn sinh nheo nhóc như gà mất mẹ. Tu như vậy thử hỏi có công đức gì không? có lợi lạc gì không? hay chỉ là bệnh tu hình thức?

Để trả lời cho câu hỏi "Vì sao huynh trưởng GĐPT cần thực học, thực tu?" tôi xin chia sẻ với bạn mấy điều như sau:

1)GĐPT là một tổ chức giáo dục. Huynh trưởng GĐPT là những cư sĩ Phật tử được Giáo hội gởi gấm trách nhiệm hướng dẫn đoàn sinh thực hiện chương trình giáo dục do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương biên soạn và ban hành; nói cách khác, huynh trưởng chính là người thầy và đoàn sinh là người học.

2)Nền giáo dục GĐPT là nền giáo dục toàn diện, nhằm cải tạo con người từ vô minh đi đến giác ngộ và giải thoát. Nền giáo dục GĐPT bao gồm 5 phạm trù: trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục và rèn luyện tâm linh.

3)Muốn thực hiện nền giáo dục toàn diện như vậy, người thầy phải có đầy đủ các tiêu chí:

-Có kiến thức Phật học để tu thân và hướng dẫn đoàn sinh (Nội minh)

-Có khả năng lý luận để cho bài học luôn sinh động, thuyết phục được người học (Nhân minh)

-Có các kỹ năng cần thiết khác như: âm nhạc, thi văn, ngoại ngữ v.v… để hỗ trợ cho dạy và học (Thanh minh)

-Sử dụng thành thạo một số sản phẩm công nghệ hiện đại (vi tính, máy chiếu hình, đầu CD v.v…) để hỗ trợ cho dạy và học (Công xảo minh)

-Biết các loại thuốc và phương pháp cấp cứu và trị bệnh thông thường (Y phương minh)

Dĩ nhiên, huynh trưởng GĐPT không phải là những nhà bác học để thông thạo tất cả những thứ ấy. Nhưng chúng ta có thể học hỏi và rèn luyện để mỗi anh chị em đều có thể sở hữu một số kiến thức trong năm lãnh vực nêu trên đủ dùng trong nghề huynh trưởng.

-Còn một tiêu chí quan trọng giúp cho anh chị em huynh trưởng thành công trong nghề: đó là tu dưỡng đạo đức bản thân để làm thân giáo cho đoàn sinh.

Tu dưỡng đạo đức bản thân theo lời dạy của Phật là vấn đề cốt lõi của mỗi người huynh trưởng chúng ta. Vì sao?

Vì rằng:

-Không một tổ chức hay tập thể nào chấp nhận một con người bê bối về đạo đức như là "một con sâu làm rầu nồi canh" có mặt trong tổ chức hay tập thể mình.

-Huynh trưởng mà thường có biểu hiện thiếu đạo đức thì không còn được đoàn sinh tin tưởng và tuân phục nữa, nói gì đến chuyện làm thầy các em?

-Một huynh trưởng mà không tu dưỡng đạo đức, tham-sân-si không bớt đi được chút nào thì người đó rất dễ rời bỏ GĐPT một cách không thương tiếc một khi gặp nghịch duyên đưa tới. Người không tu dưỡng sống chung với tập thể cũng giống như cành khô trên cây cổ thụ, gãy rụng lúc nào không biết.

-Tu dưỡng đạo đức chính là động cơ của mỗi người chúng ta khi phát nguyện làm huynh trưởng trước Tam Bảo. Mục đích của tổ chức GĐPT chính là đào luyện những con người vốn đầy rẫy tham-sân-si trở thành những Người Phật Tử Chân Chánh, tức những con người có đạo đức Phật Giáo.

Tóm lại, sự học và tu của người huynh trưởng là một yếu tố không thể thiếu được nếu bạn muốn trở thành một huynh trưởng chuyên nghiệp, đa năng-đa hiệu trong tổ chức Áo Lam.

Thân ái chúc bạn sớm trở thành huynh trưởng chuyên nghiệp.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang

Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư (tt) – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

CHUYÊN NGHIỆP và NGHIỆP DƯ

CHUYÊN NGHIỆP VÀ NGHIỆP DƯ 

TRONG SINH HOẠT GĐPT

Bạn thân mến

Hôm nay, chúng ta tiếp tục đề tài "Chuyên nghiệp và Nghiệp dư trong sinh hoạt GĐPT".

Lần trước, chúng ta đã phân tách 3 yếu tố hình thành nên tính "chuyên nghiệp" trong người huynh trưởng. Đó là :

1-Lòng yêu nghề

2-Tinh thần cầu tiến

3-Óc tổ chức

Trong lá thư này, chúng ta tiếp tục phân tách thêm những đức tính cần thiết khác mà người huynh trưởng cần có để làm nên sự "chuyên nghiệp" trong nghề, bạn nhé !

4) Đức hy sinh : bởi vì sự hy sinh bao giờ cũng là cao quý nên người đời tôn vinh tính hy sinh lên một bậc cao hơn, gọi là Đức Hy sinh.

Sinh hoạt GĐPT là một việc làm tự nguyện. Tự nguyện rời bỏ những thú vui ngoài đời để chọn lấy niềm vui trong đạo pháp bằng cách phục vụ không vụ lợi cho GĐPT. Bạn cứ hình dung mà xem, người huynh trưởng GĐPT cũng có đời sống riêng, hạnh phúc riêng, thú vui riêng, đam mê riêng, trách nhiệm riêng, bổn phận riêng v.v… nghĩa là cũng như bao con người khác trong xã hội này.

Thế nhưng, điều gì đã khiến anh chị em (ACE) từ bỏ một phần hay đa phần những cái "riêng" ngoài xã hội để gánh lấy cũng từng thứ ấy trong một tổ chức không lương bổng, không quyền lợi, không địa vị và hàng trăm thứ KHÔNG khác ?

Để trả lời cho câu hỏi này cũng không phải khó. Đó là vì :

-Muốn trả ơn Tam Bảo

-Vì tình thương đối với đàn em Áo Lam

-Vì muốn trở thành người Phật tử chân chánh, nghĩa là một người tốt trong xã hội.

-V.v…

Nhưng để thực hành hoàn hảo những điều trên đây, đòi hỏi ACE phải có đức hy sinh. Nếu nói rằng "tôi yêu màu áo Lam" mà thiếu đức hy sinh cho màu áo Lam thì câu nói trên chỉ là câu sáo ngữ, vọng ngữ mà thôi.

Đức hy sinh, xét trên khía cạnh nào đó, là đồng nghĩa với hạnh Hỷ Xả ( Xả ly) trong đạo Phật. Một thí dụ hết sức đời thường để chứng tỏ ACE có thực tập hạnh Hỷ Xả và đức hy sinh vì GĐPT hay không :

-Thí dụ : Mùa nghỉ hè, gia đình bạn có chương trình đi du lịch đến một nơi mà bạn vốn rất thích từ lâu. Thế nhưng, cũng trong những ngày dự định đi du lịch ấy, Ban hướng dẫn lại tổ chức một trại huấn luyện và phân công bạn vào Ban Quản trại và Ban Giảng huấn.

HLHT 07

Sự việc này diễn ra trong điều kiện :

*Một là, trong chuyến du lịch, bạn chỉ là người hưởng thụ chứ không phải là nhân vật quan trọng mà nếu không có bạn thì chuyến đi sẽ phải hủy bỏ

*Hai là, ở trại huấn luyện nếu không có bạn thì vẫn còn người khác thay thế.

Vậy, bạn sẽ quyết định ra sao ?

Có hai cách quyết định :

*Một là, nếu bạn quyết định từ bỏ chuyến du lịch vui thú để đi trại huấn luyện, chịu đựng 5 ngày đêm "ăn chay nằm đất" và mọi thứ vất vả khác, thì chắc chắn bạn là người huynh trưởng biết thực tập hạnh Hỷ xả (Xả ly) và có đức hy sinh cao quý của người huynh trưởng GĐPT .

*Hai là, bạn quyết định từ chối đi trại để được đi du lịch. Trong trường hợp này, không ai có thể chê trách bạn được. Đồng đội vẫn hoan hỷ chúc bạn đi du lịch vui vẻ và riêng bạn thì được toại nguyện với niềm vui riêng của mình. Tuy nhiên, bạn đã không thực hành Hỷ xả và đức Hy sinh trong trường hợp này. Hoặc, nói nhẹ nhàng hơn : bạn là người hy sinh có tính toán ! (Hy sinh mà còn tính toán tức không còn là hy sinh)

Còn rất nhiều thí dụ khác mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong sinh hoạt GĐPT để ACE có dịp suy gẫm về hai chữ hy sinh trong rất nhiều trường hợp khác.

Tuy nhiên, có một đức hy sinh cao tột của huynh trưởng GĐPT mà nảy giờ tôi chưa đề cập vì muốn dành một chỗ trang trọng cho nó : hy sinh tính mạng cho đạo pháp và GĐPT. Đọc lịch sử Phật Giáo Việt Nam và GĐPTVN, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương hy sinh tính mạng để bảo vệ đạo pháp và tổ chức GĐPT mà những vị Thánh Tử Đạo đã để lại tên tuổi trên những trang lịch sử PGVN vừa qua.

Người ta ở đời có ba thứ quý báu nhất : thời gian, trí tuệ, sinh mạng

Và một thứ phương tiện "thù thắng" nhất là tiền bạc.

Trong hàng ngũ Huynh trưởng GĐPT, có rất nhiều ACE đem tất cả bốn thứ ấy cống hiến cho GĐPT. Đứng về đạo lý nhà Phật thì gọi đó là người biết xả ly; còn đứng về mặt thế gian pháp thì gọi đó là con người biết hy sinh cho đạo pháp.

Xả ly và hy sinh là hai đức tính cần thiết hình thành nên tính "chuyên nghiệp" trong sinh hoạt GĐPT. Các bạn trẻ thường luôn tự hào về tổ chức mình : "Trên đời này chưa thấy có một tổ chức nào không quyền lợi, không địa vị, không đãi ngộ, không tiền tài, không danh vọng … mà tồn tại và phát triển hơn 70 năm qua" thì bạn cần nên nhớ rằng chính vì tổ chức ta có những con người biết thực tập hạnh xả ly và đức hy sinh nên mới được như vậy. (còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang

Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư (tt) – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

CHUYÊN NGHIỆP và NGHIỆP DƯ

Bạn thân mến,

Trong lá thư trước, chúng ta đã tìm hiểu về ngữ nghĩa của hai từ "chuyên nghiệp" "nghiệp dư". Nếu chỉ dừng lại ở ngữ nghĩa thông thường của hai từ này thì cũng không có gì đáng phải bàn. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống, rất nhiều trường hợp hai từ này được sử dụng như một lời khen tặng hoặc như một lời chê trách chứ không còn dùng ở ý nghĩa bình thường nữa.

Trong lá thứ này, chúng ta cùng tìm hiểu thế nào là "chuyên nghiệp" và thế nào là "nghiệp dư" trong sinh hoạt GĐPT.

CHUYÊN NGHIỆP VÀ NGHIỆP DƯ 

TRONG SINH HOẠT GĐPT

"Chuyên nghiệp" là danh từ dùng để khen tặng những anh chị em (ACE) Áo Lam yêu nghề, chịu tu chịu học, có kiến thức, có óc tổ chức, siêng năng, lanh lẹ, kỷ luật, đúng giờ, làm việc có nguyên tắc v.v… Nói chung, là những người làm việc hiệu quả trong bất cứ công việc nào do tổ chức phân công.

"Nghiệp dư" là danh từ dùng để chê trách những người tuy mặc chiếc áo Lam, tuy cũng mang cấp bậc huynh trưởng như ai, nhưng lúc nào cũng xa lạ với trách nhiệm của một huynh trưởng. Nơi nào vui vẻ đình đám thì có mặt ACE ta, nơi nào vất vả, khó khăn, nguy hiểm thì không thấy bóng dáng họ. Tập thể giao cho họ việc gì, họ cũng cân nhắc xem việc đó dễ hay khó, phù hợp với hoàn cảnh bản thân hay không, có ai để chia sẻ gánh nặng không, lợi và hại ra sao v.v… rồi họ mới nhận hay không nhận.

Trước hết, chúng ta thử phân tách đôi điều về những con người "chuyên nghiệp", xem nhờ đâu mà họ làm việc đạt hiệu quả như thế. Nói cách khác, những yếu tố nào giúp ACE trở thành "chuyên nghiệp" như vậy ?

1)Yêu nghề huynh trưởng GĐPT : Yêu nghề được xem là yếu tố đầu tiên quyết định cho sự thành công của anh chị em về sau. Người có yêu màu Lam và yêu nghề huynh trưởng thì mới chấp nhận hy sinh những thứ riêng tư của bản thân để đổi lấy những nhọc nhằn của nghề huynh trưởng. Có yêu nghề mới cố học hỏi, khổ luyện để làm tốt nhiệm vụ người huynh trưởng đối với đàn em, đối với tổ chức. Những người miệng nói "Tôi yêu màu Lam, yêu GĐPT" mà thường xuyên ứng dụng câu "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" như ông bà ta thường nói, chỉ là những kẻ đem sự giả dối ngoài đời vào "làm nhơ" tổ chức mà thôi. Những người  chỉ là kẻ "nghiệp dư" suốt đời.

Tôi biết rất nhiều tấm gương yêu nghề trong ACE huynh trưởng như :

-Có anh từ 4-5 giờ sáng đã lên xe gắn máy, đi đến một nơi cách nhà hơn 70 cây số để xây dựng một đơn vị mới. Sau bữa cơm trưa ăn vội, đã phải lên xe trở về đơn vị mình cho kịp buổi sinh hoạt.

– Có chị đi xin từng chiếc váy học sinh cũ đem về cắt sửa lại cho đúng với chiếc váy của GĐPT. Những chiếc váy này, chị đem tặng cho các em đoàn sinh nghèo ở những đơn vị vùng sâu.

– Có nhiều ACE gặp chỗ không thuận duyên, giáo hội địa phương không hoan hỷ với sinh hoạt GĐPT, Phân ban chưa có, mỗi khi gặp trở ngại không biết cậy nhờ ai, không biết chia sẻ cùng ai v.v… Vậy mà gần 20 năm nay, ACE ấy vẫn chung thủy với chiếc áo Lam, một thân một mình xoay sở giữa muôn vàn khó khăn, cùng với đàn em âm thầm xây dựng ngôi nhà Lam, dù nhỏ bé đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, ý chí và nghị lực .

V.v…

Trên đây là một vài trong muôn ngàn tấm gương yêu nghề mà địa phương nào cũng có. Chính nhờ có những con người yêu nghề như vậy mà tổ chức Áo Lam mới trường tồn cho đến ngày nay.

2)Óc cầu tiến : óc cầu tiến nói ở đây không chỉ thiên về kiến thức, năng lực, mà bao gồm cả sự cầu tiến về tư cách đạo đức của bản thân mỗi người mà danh từ nhà Phật thường gọi là "có học có tu". Người có óc cầu tiến là người luôn ham học hỏi : học hỏi để thêm kiến thức, để có năng lực làm việc; học hỏi để tự hoàn thiện tư cách đạo đức bản thân. Người có óc cầu tiến luôn tìm tòi học hỏi mọi lúc mọi nơi. Ngoài những kiến thức đã được học trong chương trình tu học và huấn luyện, ACE phải tự học rất nhiều ở sách vở, ở người đi trước, ở đồng đội và học mọi điều từ cuộc sống quanh ta. Trong tổ chức GĐPT, năng lực và đạo đức luôn được xem là hai phạm trù bổ trợ cho nhau để hình thành nên mẫu người Phật tử chân chánh.

Người yêu nghề mà không có óc cầu tiến thì nghề không khá lên được, đồng nghĩa với kiến thức và năng lực bàn thân bị hạn chế. Người này, nếu là một huynh trưởng bình thường trong đơn vị thì là một mắc xích yếu trong dây chuyền hoạt động của cả đơn vị; nhưng nếu người này ở cương vị lãnh đạo điều hành đơn vị thì lại là mối nguy lớn cho toàn thể Gia đình. nhất là khi người ấy không nhận ra nhược điểm của mình.

Câu nói "Nhiệt tình cộng với dốt nát bằng phá hoại" có lẽ phù hợp với trường hợp này.

3)Óc tổ chức: óc tổ chức của một người được hình thành bằng năng khiếu bẩm sinh (biệt nghiệp) và bằng học hỏi trong cuộc sống. Người có óc tổ chức biết quản lý công việc một cách khoa học.

TCMT 18

Thí dụ : làm liên đoàn trưởng hay đoàn trưởng trong một đơn vị, ACE phải lập chương trình sinh hoạt cho gia đình, cho đoàn. Chương trình sinh hoạt đã lập ra thì phải tuân thủ theo theo đó, không được tùy tiện thay đổi nếu không có lý do chánh đáng. Một chương trình sinh hoạt ít bị thay đổi chứng tỏ người lập và thực hiện chương trình là chuyên nghiệp; trái lại, một chương trình đã được lập ra mà cứ phải thay đổi, hoặc không được tôn trọng chứng tỏ người lập và thực hiện chương trình chỉ là dân "nghiệp dư".

Người có óc tổ chức thường làm việc gì cũng chuẩn bị từ xa, không "đợi nước tới chân mới nhảy". Trong ACE ta, có nhiều người không bao giờ hoàn thành một việc gì trước thời hạn. Thí dụ:

-Ban Hướng dẫn ra Thông báo cho các đơn vị thực hiện một công việc gì đó mà hạn chót là ngày N. Những anh chị này đợi đến ngày N mới chịu động chân động tay đi làm, để rồi bị trễ hạn một, hai ngày, chứ không bao giờ chịu làm sớm để hoàn thành trước ngày quy định. Đó là một cố tật mang tính "nghiệp dư".

Người có óc tổ chức biết phân phối công việc cho nhiều người cùng làm, ai sở trường về việc gì thì giao cho việc ấy. Khi đã giao việc rồi thì không ôm đồm và dẫm chân lên công việc của người ta, hãy tạo điều kiện giúp đỡ cho những đồng sự của mình có cơ hội chứng tỏ tài năng và trách nhiệm trong công việc.

Chủ động trong công việc và làm chủ giờ giấc cũng là một ưu điểm của người có óc tổ chức. Giờ nào việc nấy, không rề rà nhưng cũng không vội vã. Tác phong làm việc rất thong dong nhưng vô cùng hiệu quả. Tất cả đều do sự chuẩn bị chu đáo từ trước. (Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang