Mỗi cộng đồng xã hội đều mong ước được lưu truyền theo ý nghĩa phát triển của mình trong quá khứ, hiện tại thế nào và ước vọng mở lối trong tương lai. Sự lưu truyền này phải qua các thế hệ chủ yếu là thanh thiếu nhi bằng giáo dục, hầu nối tiếp tiền nhân. Các cộng đồng xã hội tùy theo các điều kiện căn bản của họ mà có nền giáo dục khác nhau về mục đích và phương cách đào luyện. 1.2. GIÁO DỤC THẾ GIAN Ở thế gian, các nền giáo dục thường chú trọng đào luyện con người phù hợp với đà tiến bộ của xã hội hơn là con người tự tánh. Con người được xã hội hóa cả về tư tưởng và hành động theo một khuôn mẫu để hòa mình vào xã hội ấy, đồng chuyển tiếp cho các thế hệ sau có cùng một bản chất. Trong quá trình tiến bộ và hội nhập của nhân loại, các nền giáo dục theo quan điểm giáo dục của thời đại có thay đổi nhưng cũng chỉ là phương thức truyền đạt, còn mục tiêu giáo dục vẫn khác nhau. Sự đồng nhất là cùng đề xướng lên những công thức để uốn nắn cưỡng chế tư tưởng, lối sống con người mang tính cách quốc gia, tín ngưỡng tập tục, đạo lý,… hoặc thời hiện kim hướng về chính trị, khoa học kỹ nghệ, thị trường … Các nền giáo dục đã góp phần kế thừa và sáng tạo nên các nền văn minh tiến bộ của nhân loại về vật chất cũng như về tinh thần. Nhưng với tính cách phiến diện theo quan điểm ý đồ riêng của các cá nhân trong mỗi xã hội, đã tạo nên những mâu thuẩn khổ đau cho đời sống con người. Thế giới trong thời kỳ hội nhập, con người đang xích lại gần nhau. Chúng ta hy vọng sẽ có một nền giáo dục thật sự vì hạnh phúc chung của loài người; khi mà mỗi cá nhân được phát huy bản tánh chơn thiện của mình, sẽ góp phần xây dựng một thế giới an lạc hạnh phúc. 1.3. ĐẠO PHẬT VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC – GIÁO DỤC GĐPT Phật giáo Việt Nam cũng là một cộng đồng xã hội: Gồm những vị Tăng Ni xuất gia và đông đảo Phật tử tại gia. Sự giáo dục để vĩnh truyền ngôi nhà Chính Pháp không chỉ dành riêng cho giới xuất gia mà cả Phật tử tại gia, nhất là lớp trẻ. Nếu không thì chẳng khác một cây cổ thụ chỉ có thân mà cành lá trơ trọi, cây sẽ thiếu nhựa sống mà khô héo dần. Các vị Tiền bối Chư Tăng và Cư Sĩ trong phong trào chấn hưng Phật giáo đã nhận ra điều này. Nên ngoài việc thành lập các Hội Phật học, còn khai sinh các tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên. Như vậy GĐPT là một trong những tổ chức giáo dục Phật giáo, nên giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng Đạo Phật. Do đặc tính của Phật pháp (1) giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, vừa giáo dục con người tự tánh vừa giáo dục con người xã hội. Giáo dục con người tự tánh là khơi dậy khả năng tiềm tàng của con người, khai thị cho cá nhân thấy rõ được chơn tính của mình để phát huy các quan năng và tâm tính theo hướng chơn thiện. Giáo dục con người xã hội liên quan đến các lãnh vực hoạt động về đời sống xã hội theo hướng chơn thiện để xây dựng xã hội an lạc hạnh phúc. Dựa trên tinh thần Giáo dục Phật giáo, GĐPT đã xây dựng một nền tảng giáo dục đặc sắc và bền vững. 1.4. TÍNH CÁCH ĐẶC THÙ CỦA NỀN GIÁO DỤC GĐPT Cách đây hơn 60 năm, trước bối cảnh đất nước và Đạo pháp thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam suy thoái về tinh thần và đạo đức, chạy theo vật chất, một tổ chức giáo dục tuổi trẻ ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhằm mục đích giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên,… theo tinh thần đạo đức Phật giáo để đào luyện những Phật tử chân chính nhằm phụng sự Đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội, từ đoàn Đồng Ấu, thanh niên Phật học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ rồi Gia Đình Phật Tử.
Để đạt mục đích, nền giáo dục GĐPT lấy Bi, Trí, Dũng làm mục tiêu, lấy Giới Định Huệ làm định hướng, hành đúng theo Bát Chánh Đạo dựa trên tinh thần Ngũ Minh pháp mà minh định nội dung giáo dục, kết hợp các pháp môn tu học của Phật giáo với các phương pháp giáo dục tiên tiến thành phương pháp đặc trưng của GĐPT. GĐPT qua các giai đoạn hoạt động đúc rút kinh nghiệm mà nhiều lần tu chỉnh nội dung tu học huấn luyện, khai quang đường lối, cải tiến phương pháp qua các kỳ đại hội huynh trưởng toàn quốc. Dựa trên nền tảng đó GĐPT hơn sáu thập niên xây dựng sự nghiệp giáo dục với những thành tựu không nhỏ trong công cuộc phụng Đạo giúp đời, trải qua bao nhiêu thăng trầm sóng gió vẫn giữ được sức sống mà tồn tại đến nay.
Chú thích
Đặc tính của Phật pháp (Xem tài liệu huấn luyện huynh trưởng A Dục):
– Khế lý: Khai mở trí tuệ, nhận chơn sự thật, thấy rõ bản thể nguồn gốc, nhân duyên sinh diệt của vạn hữu, mọi tội lỗi khổ đau của chúng sanh. – Khế cơ: Tùy theo căn duyên của chúng sanh mà thuyết hóa, thích hợp với từng trình độ, tâm lý, năng lực, hoàn cảnh của mỗi người. – Thiết thực: Phật pháp cao siêu mà thực tế, áp dụng vào cuộc sống con người sẽ có hiệu quả ngay trong hiện tại. – Nhân bản: Đề cao giá trị con người, con người có khả năng tự giác ngộ, tự giải thoát cho mình (Phật tánh). – Cứu cánh giải thoát: Phật pháp có tác dụng chuyển đổi con người từ mê đến ngộ, từ cuộc đời đau khổ đến cảnh giới tự tại, an lạc. – Chọn lựa và Khai mở: Chấp nhận những việc sau khi đã suy lý đó là tốt, là thiện. Mang tinh thần hướng dẫn, khích lệ sáng tạo cho đối tượng, tinh thần tự tin tự chủ để vượt thắng mê lầm, vô minh tiến đến an lạc. – Toàn diện: Nhìn con người một cách toàn diện về bản chất và thế tánh để giáo dục các mặt. – Đánh thức: Đánh thức tuệ giác giải thoát giúp cho con người ( hành giả ) có đủ nội lực vượt qua khổ não, thích ứng với xã hội phát triển. – Thiền định: Giúp loại bỏ tâm lý giải đãi thụ động, đem lại tuệ giác và an lạc hạnh phúc cho con người.