Xin cho biết ý nghĩa, công dụng và sự tích cây phướn trong các ngôi chùa Phật ở nước ta.
(leminh…@gmail.com)
Bạn leminh…@gmail.com thân mến!
Cứ đến các ngày lễ trọng, chùa nào cũng treo cây phướn. Cây phướn cao cùng các loại phướn nhỏ dùng để trang trí đạo tràng tạo nên cảnh trí trang nghiêm rất riêng của lễ hội Phật giáo.
Phan / phướn là danh từ của nhà Phật để chỉ chung các loại cờ xí. Phan / phướn có tác dụng hàng ma đuổi quỷ. Một lá phan có 3 phần : đầu phan hình tam giác, thân phan hình chữ nhật dài, phần dưới có nhiều tua tuội gọi là chân phan. Phan / phướn được làm từ nhiều chất liệu như: gấm, lụa, sa-tanh, đồng dát mỏng, ngọc quý, gỗ …Về màu sắc, có loại phướn chỉ có một màu như: trắng, đỏ, xanh, vàng, hồng…Có loại gồm đủ 5 màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen tượng trưng cho ngũ hành. Ngoài ra còn có loại phan 8 màu, 9 màu hoặc nhiều màu…
Ngoài ra còn căn cứ hình vẽ trên tấm phướn mà phân chia làm 4 loại:
Chúng tôi sưu tầm một số truyện tích về ý nghĩa cây phướn trong chùa Phật để chia sẻ cùng bạn.
Xưa có một người chuyên môn ăn thịt người. Hắn đã từng bắt giết không biết bao nhiêu nhân mạng. Tuy hung ác vô đạo nhưng hắn lại thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, có một nhà sư quyên giáo đi qua đó bị hắn bắt. Khi hắn sắp giết thịt thì mẹ hắn ra xin hộ cho nhà sư. Thấy mẹ năn nỉ quá hắn đành buông dao rồi hỏi nhà sư làm gì và đi đâu. Nghe nhà sư kể chuyện, cả hai mẹ con rất hối hận về những tội ác từ trước đến nay. Hai mẹ con cũng muốn kiếm một vật cúng Phật nhưng ngặt vì trong nhà chả có gì đáng giá cả. Người con tình nguyện xin nạp bộ lòng của mình cúng Phật. Vừa nói hắn vừa rạch bụng moi ruột đưa ra. Nhà sư nhận lấy, nhưng đi một đoạn đường thì bộ đồ lòng hôi thối quá không chịu nổi bèn quăng xuống suối. Có con quạ thấy vậy bèn tha bộ ruột ấy bay đến chùa, đậu trên ngọn cây kêu om sòm. Đức Phật rõ chuyện, khen thưởng con quạ và phạt tội nhà sư. Đồng thời đưa hai mẹ con nhà kia lên cõi Trời hưởng phước báu chư Thiên. Từ đó, Phật dạy các chùa đều làm cây phướn để ghi nhớ việc này. Trên cây phướn bao giờ cũng vẽ hoặc thêu hình con quạ ngậm tấm lụa dài độ hai, ba mươi thước (thước ta). Tấm lụa tượng trưng cho bộ ruột của người đã rạch bụng dâng lòng cúng Phật.
Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau nhiều năm khổ công tu luyện mà vẫn chưa thành chánh quả. Sư quyết chí tìm đường sang Tây Trúc hỏi Phật. Cuộc hành trình muôn phần vất vả. Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư xin vào tá túc một ngôi nhà. Sư vì quá mệt nên lăn ra ngủ say. Bà chủ nhà thấy vậy, sợ rằng thằng con hung ác của bà tên Ác Lai trở về sẽ ăn thịt nhà sư, bèn đem sư đi giấu. Ác Lai về đến nhà liền ngửi thấy mùi thịt người, hắn liền chạy khắp nơi tìm kiếm và phát hiện ra nhà sư. Hắn đặt nhà sư lên tấm thớt lớn rồi cầm cây mác nhọn hoắc định xẻ thịt con mồi. Nhà sư tỉnh dậy, vội ngăn Ác Lai và kể rõ chuyện mình muốn sang Tây Trúc gặp Phật. Mẹ con Ác Lai tò mò ngồi nghe nhà sư kể chuyện đi Tây Phương với biết bao vát vả truân chuyên khiến hai mẹ con cảm động rơi lệ. Ác Lai, sau khi nghe nhà sư thuyết giảng liền thay đổi tâm tánh, chẳng những không giết nhà sư mà còn tiếp đãi sư chu đáo.
Sáng hôm sau nhà sư từ giã mẹ con Ác Lai lên đường tiếp tục chuyến Tây du. Ác Lai nói với nhà sư : “Tôi muốn gởi một cái gì dâng cúng Đức Phật nhưng nghèo quá không có tài sản gì đáng giá” Nhà sư nói: “Tâm tức Phật, Phật tức tâm. Chỉ tấm lòng mình là đủ”. Ác Lai vốn thiếu trí, nghe nói vậy liền lấy dao rạch bụng mình lấy ruột gan đưa cho nhà sư, chỉ nói được một câu “Xin hòa thượng dâng lên Đức Phật tấm lòng của tôi” . Rồi ngả ra chết.
Nhà sư rất hối hận vì câu nói của mình khiến cho Ác Lai phải chết. Vì vậy ông gói ghém cẩn thận mớ ruột gan của Ác Lai, mang theo để khi gặp Phật sẽ dâng cúng theo nguyện vọng của chàng. Đường đến Tây Trúc dài thăm thẳm, nhà sư đi được bảy ngày thì bộ đồ lòng đã dậy mùi hôi thối khiến nhà sư chịu hết nổi nên quăng gói đồ lòng xuống biển.
Trải qua biết bao gian truân vất vả, hơn ba tháng sau nhà sư mới đến được núi Linh Thứu xứ Tây Trúc, nơi trụ xứ của Đức Phật Thích Ca. Nhà sư vội vàng tắm rửa sạch sẽ, vào chánh điện chùa Linh Sơn ra mắt Đức Phật để hỏi Phật vì đâu con tu luyện cực khổ bao nhiêu năm tháng mà vẫn chưa thành chánh quả.
Đức Phật từ bi trả lời : “Còn thiếu một vật nữa mới thành chánh quả”. Sư rất đổi kinh ngạc, nhìn lên tòa sen nơi Đức Phật đang ngự. Sư thấy phía sau lưng Phật dường như có hai bóng người đang đứng, mà sao họ lại giống hai mẹ con cháng Ác Lai quá vậy?
Đức Phật liền chiếu một tia sáng từ trán của Ngài xuống đầu nhà sư. Lập tức nhà sư hiểu ra câu nói của Phật. Cái mà sư còn thiếu chính là lòng thành thực và sự tận tâm. Thiếu thành thực vì sư đã dấu Đức Phật việc Ác Lai dâng cúng bộ lòng của anh ta; Thiếu tận tâm là vì sư đã nhận lời đem bộ lòng của Ác Lai dâng lên Phật mà giữa đường lại quăng bỏ. Còn Ác Lai và mẹ chàng tuy suốt đời không biết gì đến Phật pháp nhưng chỉ cần một giây phút hối lỗi quay đầu là lập tức được ở gần bên Phật.
Nhà sư sau đó trở lại bờ biển để tìm bộ lòng. Sư mãi miết lặn hụp giữa muôn trùng sóng biển để tìm lấy vật cúng dường mà Ác Lai đã hy sinh thân mạng để dâng lên Đức Phật. Nhưng làm sao sư có thể tìm được một vật đã quăng xuống đây cả tháng trước. Tìm không thấy vật muốn tìm, nhà sư tuyệt vọng bỏ mạng giữa biển và hóa thành con Cá Nược. Ngày nay, người đi biển thường bắt gặp từng đàn cá Nược lặn hụp giữa biển khơi như mải miết đi tìm vật gì đã mất, nhưng mãi mãi khong bao giờ tìm thấy.
Bên dòng sông Thiên Đức có bác chài sống độc thân bằng nghề đánh cá. Nhân năm chùa trùng tu, dân làng tỏa đi các nơi quyên giáo. Khi đoàn người qua sông, bác chài xin chở đò không lấy tiền công. Nhưng lòng vẫn băn khoăn vì tiền bạc chẳng có, biết lấy gì cúng cho nhà chùa.
Tài sản ngoài con thuyền nát thì chỉ có hai cái khố. Chiếc rách đóng trên thân. Nghĩ mãi, bác quyết định mang chiếc khố mới ra làm vật cúng.
Những người quyên giáo chẳng thấy bác đưa vật phẩm gì, lại đưa khố thì không bằng lòng, cho rằng bất kính. Bác chài nghe vậy ngẩn người, giãi bày đây là tấm lòng thành, trong lều chẳng có gì hơn. Rốt cuộc, họ không nhận khố và cũng không lên đò. Mọi người quay về vì cho là… xuất hành gặp chuyện xúi quẩy.
Dân làng đâu có biết bác mấy ngày không hạt cơm trong bụng. Tài sản quý nhất dành đem cúng thì bị từ chối. Bác tủi thân nghĩ chỉ có một cách giải bày tâm can là rạch bụng moi hết ruột gan cho mọi người biết. Nghĩ rồi làm ngay việc đó trước mặt dân làng.
Sự việc xảy ra trong chớp mắt, dân làng bàng hoàng sợ hãi. Trong lúc tất cả đang bối rối thì có hai con quạ từ trên trời cao sà xuống quắp luôn bộ lòng bác chài bay thẳng về hướng chợ Nành rồi vứt xuống gốc đa Thạch Sàng, kêu lên ba tiếng xong bay thẳng hướng Tây.
Thạch Sàng là nơi khi xưa Thiền sư Khâu Đà La ngày đi truyền giáo, tối về nằm ngủ trên phiến đá dưới gốc cây. Sự việc đập vào mắt sư trụ trì chùa Nành. Ngài vội chắp tay niệm Phật theo hướng quạ bay, lập tức cho dựng một cây tre thật cao trong sân chùa. Trên cao tạc hình con quạ ngậm dải lụa trắng, biểu thị tấm lòng trong sáng của một Phật tử. Rồi sư lại cho dựng hai cây tre ở góc ao trước cửa chùa, trên treo hai dải lụa ngắn tượng trưng cho hai cái khố của bác chài, ghi nhớ tấm lòng thành tâm.
BAN BIÊN TẬP
(Theo Giác Ngộ Online)