Mỗi ngày trôi qua thế là cũng sẽ đến ngày chủ nhật, ngày mà chúng ta mong đợi nhất, đối với những người sống ngoài xã hội bận rộn kia đây là ngày tuyệt vời cho việc thư giản và nghỉ ngơi như nghe nhạc, shopping… còn chúng ta chọn cho mình GĐPT. Vậy chúng ta sẽ làm gì để có một ngày sinh hoạt thật chu đáo? Vâng dĩ nhiên là chuẩn bị chu đáo từ học cụ cần thiết phục vụ cho tu học và giảng dạy cùng với một thứ rất quan trọng mà chúng tôi xin được phép gọi đó là “Cái Đầu”. Thế thì nếu “Cái Đầu Rỗng” sẽ như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau trả lời nhé!.
Để có ngày chủ nhật chu đáo thường thì chúng ta sẽ chuẩn bị mọi thứ vào sáng đó nếu bạn sinh hoạt buổi chiều hoặc là tối thứ bảy nếu bạn sinh hoạt sáng chủ nhật hoặc giả bạn là người chuẩn bị mọi thứ khi có thời gian rãnh không nhất thiết là thứ bảy hay chủ nhật. Trong cặp đi sinh hoạt chắc hẳn ai cũng trang bị cho mình dây dù dùng để học gút dây, tập, viết, thước, phấn,… là những vật dụng khá cơ bản mà tối thiểu chúng ta cần phải có, ngoài ra chúng ta có thể trang bị thêm cờ Semaphore, còi, la bàn… nếu điều kiện chúng ta cho phép. Chúng ta phải ôn bài Phật Pháp, văn nghệ, HĐTN… trước khi đi sinh hoạt để có thể tham gia ôn luyện, vui chơi với các bạn khác một cách tự tin nhất có thể.
Còn anh chị huynh trưởng thì sao? Các anh chị phải chuẩn bị nhiều lắm nào là các học cụ như soạn bài dạy, tìm tài liệu phục vụ cho giảng dạy hay giải đáp thắc mắc cho các bạn được tường tận mọi việc, xem trước và lên kế hoạch cho buổi sinh hoạt này cũng như là những hoạt động cần cho tuần sau để nhắc nhở các bạn.
Tuy nhiên, “Đời không như là mơ” chắc có lẽ vì muốn nhẹ nhàng đầu óc cho đúng chất thư giãn mà không ít bạn Đoàn sinh cũng như anh chị Huynh trưởng dùng “Đầu rỗng” mà đi sinh hoạt và dĩ nhiên đó chỉ là một số nào đó chứ chúng tôi không hề “quơ đũa cả nắm” đâu.
“Ông A hỏi: Các cháu đến chùa chủ nhật để làm gì vậy?
Bạn Đoàn Sinh B: Dạ, thưa để Tu Học ạ!”
Thật chứ? Đây là câu hỏi chúng tôi trăn trở và đặt ra sau khi dự giờ lớp tu học của bạn đó và biết rằng bạn chính xác là người chưa bao giờ lắng nghe giáo lý một cách nghiêm túc, câu hỏi dù khá dễ để trả lời tuy nhiên, ngay trong giờ đó thì bạn trả lời đều sai kết quả là kì thi nâng bậc bạn không được cho tham dự vì điểm kì thi thử không đạt ngưỡng quy định. Chúng tôi ngồi xem xét, lắng nghe giảng huấn của em đó chia sẻ thì rõ biết rằng em ấy thường không mang học cụ gì theo để ghi chép, chưa lần nào tập trung học tập còn làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp… dĩ nhiên đây chỉ là một ví dụ điển hình thôi ạ chúng tôi biết còn nhiều hơn thế, có thể nhẹ nhàng hơn nhưng cũng có thể nặng nề hơn rất nhiều.
Vậy thì giải pháp là gì trong trường hợp này? Chúng ta cùng theo dõi tiếp sau khi chúng tôi đề cập xong phần Huynh trưởng.
Các anh chị Huynh trưởng chúng ta được ví như “chiếc gương” cho các em soi mình, là nguồn truyền cảm hứng cho các đi sinh hoạt và gắn bó hoặc giả là mẫu người các em lấy làm mẫu mà phấn đấu, vậy vốn dĩ có phải chúng ta đã rất đẹp trong mắt các em không ạ? Tuy thế, rõ ràng gương thì có thể sáng hoặc mờ, nguyên hoặc vỡ vụn, lửa truyền đi nếu là ngọn lửa bùng cháy thì khó mà tắt lịm trong không gian lắm nhưng nếu chỉ là que diêm cháy bé xíu thì chỉ cần hơi thở nhẹ thôi thì cũng đủ để nó lụi tàn… vì lẽ đó mà đâu đó chúng tôi gặp những tấm gương vỡ nát và những tàn diêm rơi đầy trên mặt đất chật hẹp này. Chúng ta đi sinh hoạt mà chưa hề xem đến kế hoạch ngày mai dạy gì, bài nào, chuẩn bị ra sao hoặc giả là bậc nào, khi đặt vấn đề các anh chị có chia sẻ “mau mà lịch dạy thì vô sắp xếp chút là xong thôi, còn kiến thức ở trong đầu vô là dạy thôi lo gì”. Lo gì? Chúng tôi lo rất nhiều:
Tất nhiên sẽ có người bảo vắng nhiều hay ít vô là biết thôi biết rồi mới sắp được. Vậy đồng nghĩa với việc chuẩn bị bài dạy có vẻ chưa chu đáo, nếu anh chị nắm sớm tình hình thì anh chị sẽ trao đổi với người dạy thế đó để người ta chuẩn bị trước còn khi vào như vậy người có ứng phó được không? Nếu được vậy có tốt không?
Chính vì lẽ đó chúng tôi trăn trở cho tương lai các em Đoàn sinh nếu cứ tiếp tục lười nhác mà mang “Đầu rỗng” đi sinh hoạt thì nó sẽ kéo theo cả một thế hệ sau rỗng đầu. Giải pháp nào là tối ưu nhất? Mỗi người sẽ có một suy nghĩ về giải pháp cho riêng mình và chúng tôi chỉ nêu ra giải pháp riêng của chúng tôi vì thế chưa hẳn là tối ưu đối với mọi người nên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Chuẩn bị chu đáo rất cần thiết, Đoàn sinh hãy coi lại “Từ Khóa” , nó giống như lúc bạn trả bài Lịch Sử hay Địa Lý… mà quên chữ đầu vậy quay lên hỏi cô “Cô nhắc hộ em chữ đầu đi ạ”, ý giải thích này không phải là bắt các bạn học Vẹt nhé mà là ví dụ cho sự nhớ lại những gì đã học một cách hiểu rõ và thấu đáo thì mới diễn giải thông qua từ khóa được. Còn anh chị Huynh trưởng vì đã mang trên vai sứ mạng to lớn nên hãy cập nhật kiến thức thường xuyên, chuẩn bị bài trước khi đi sinh hoạt, đặc biệt nên dành ra 15-30 phút trước giờ sinh hoạt ngồi lại cùng nhau trao đổi lịch dạy và học cũng như nên thông báo cho nhau khi chúng ta không thể sinh hoạt ngày đó và chuyển giáo án nhờ dạy thế hoặc nhờ ai đó dạy thay và soạn giáo án cho bài đó theo cách dạy của người đó. Xin đừng mang “ Cái Đầu Rỗng” mà đi sinh hoạt nếu không muốn u sầu và có lỗi với Người – Bụt.
D.O
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1