Kinh Tăng Chi, phẩm Mây Mưa, bài kinh số 101 ghi lại lời Đức Phật dạy như sau (chúng tôi xin lược ghi):
“Này các Tỷ Kheo, có bốn loại mây mưa :
Này các Tỷ Kheo, trên đời có bốn hạng người cũng giống như bốn loại mây mưa trên đây :
Qua bài kinh trên đây, người Huynh trưởng cần hiểu rõ ý nghĩa để ứng dụng vào đời sống cũng như trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử :
1-Sấm: Sấm là dấu hiệu báo cho mọi người biết sắp có mưa. Về nghĩa bóng, sấm tượng trưng cho lời nói. Một người có ý định làm gì thì thường nói ra cho mọi người biết mình sắp làm việc ấy.
2-Mưa: tượng trưng cho hành động, việc làm .
Đức Phật lấy thí dụ bốn loại mây mưa để nói về bốn hạng người trong xã hội. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về ý nghĩa bốn hạng người mà Đức Phật đề cập trong bài kinh này:
1/Hạng người “Có sấm không có mưa” : đây là hạng người hay “nổ”, vẽ ra đủ thứ việc để chứng tỏ “ta đây”, nhưng thực tế họ không làm gì cả vì lười biếng, ngại khó hoặc vì thiếu năng lực. Trong Gia Đình Phật Tử, hạng người này chỉ là thứ “Giẻ rách đỡ nóng tay” mà thôi. Tổ chức không thể trông mong vào hạng huynh trưởng này để phát triển.
2/Hạng người “Không có sấm mà có mưa” : Hạng người này thuộc loại người lầm lỳ, ít nói, kín đáo, thâm hiểm, thường âm thầm làm những việc không ai ngờ tới. Họ muốn gây ngạc nhiên cho mọi người nếu họ thành công; còn như họ có thất bại thì cũng không ai biết được. Loại người này có khi phản bội tổ chức mà không ai hay biết. Đây là hạng người rất nguy hiểm, cần phải cảnh giác đề phòng trong Gia Đình Phật Tử.
Xã hội ta thường khen những người “nói ít làm nhiều” , đó là chỉ cho những người có năng lực, dám nghĩ dám làm, không thích khoe khoang, luôn phục vụ cho lợi ích của tổ chức. Đó không phải muốn nói về hạng người “không có sấm mà có mưa” Chúng ta cần phân biệt rõ chỗ này.
3/Hạng người “không có sấm cũng không có mưa” : tức hạng người khi cần nói thì không nói, lúc cần làm cũng không làm, họ sống như trên đời này không gì là quan trọng, họ sống để hưởng thụ chứ không phải để cống hiến. Đây đúng là hạng người “vô tích sự” trong cuộc đời này.
Ở đây, chúng ta không nói về những bậc Thanh Văn, Duyên Giác trong đạo Phật không muốn tạo nghiệp mới nên sống “vô vi , vô tác, vô cầu, vô sự”, mà chúng ta đang nói về huynh trưởng GĐPT, những người đang tu theo Nhân thừa Phật giáo.
Hạng huynh trưởng “không có sấm cũng không có mưa” chưa hẳn là người bất tài, nhưng vì họ quá “khôn lanh” nên bất cứ việc gì họ cũng đều có cách né tránh rất tài tình, việc nặng để cho người, việc nhẹ thì họ giành lấy.
Trong hạng người này, ngoài những kẻ khôn lanh, biếng nhác, ích kỷ, hưởng thụ… còn phải kể tới những người có “cái tôi” quá lớn . Những người này thường vô tổ chức, vô kỷ luật, họ chỉ làm cái gì mình thích chứ không làm theo yêu cầu của tổ chức. Họ có thể quăng bỏ công việc bất cứ lúc nào một khi trong lòng họ bất mãn một điều gì đó. Vì vậy, trong bất cứ hoạt động nào, chúng ta nên cảnh giác đối với loại người này, đừng tin tưởng hoàn toàn vào họ mà hãy phân công một người khác kèm cặp họ, để khi họ có quăng bỏ công việc nửa chừng thì có người thay thế ngay.
Hạng người này ở ngoài đời thường không làm nên sự nghiệp gì to tát, vị trí xã hội không cao và uy tín đối với cộng đồng cũng không có.
Cũng cần nói thêm, trong bất cứ tập thể nào cũng đều có người giỏi người dở. Người dở mà biết mình dở, luôn khiêm tốn học hỏi, kính trên nhường dưới, chịu thương chịu khó thì không bao giờ là người vô tích sự.
4/Hạng người “Có sấm và có mưa” : Đây là hạng người “nói đi đôi với làm”. Trong sinh hoạt GĐPT rất cần hạng huynh trưởng này. Đó là những con người biết hy sinh vì đại cuộc, gác bỏ tự ái cá nhân và lợi ích bản thân, đem tài đem sức ra làm cho tổ chức Áo Lam mỗi ngày một thăng tiến.
Về lời nói, họ không thích nói chuyện bông đùa cợt nhã, vô bổ trên facbook, họ chỉ nói những gì cần nói và nói đúng nơi đúng lúc, nói thế nào thì làm như thế ấy. Lời nói của họ mang lại sự an lòng, niềm tin tưởng và phấn khởi cho mọi người. Họ không ba hoa khoe khoang nhưng cũng không âm thầm che dấu suy nghĩ của mình.
Trong công việc, hạng người “có sấm và có mưa” làm với tất cả tình yêu của họ, làm với tinh thần kỷ luật cao và với trách nhiệm đầy đủ của một huynh trưởng đối với tổ chức. Họ xem công việc GĐPT là niềm vui, là hạnh phúc đối với họ. Họ sẵn sàng bỏ những thú vui ngoài đời để đổi lấy một niềm vui trong sinh hoạt GĐPT.
Ngoài xã hội, hạng người này luôn thành công trong cuộc sống, địa vị và uy tín trong cộng đồng được vững vàng. Trong GĐPT, họ chính là những rường cột vững chắc cho ngôi nhà Lam, và là hình ảnh một người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.
CHƠN THƯỜNG