Kính thưa Ban biên tập,
Chúng em thường nghe câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” mà không hiểu rõ ý nghĩa. Kính mong Ban biên tập vui lòng giải thích ý nghĩa câu này để chúng em khong còn thắc mắc trong khi tu học
(Diệu Tâm – Chúng Sen Hồng)
Bạn Diệu Tâm thân mến,
Trước hết, chúng ta tìm hiểu nghĩa của hai từ “Bồ tát” và “Chúng sanh” trong câu nói này.
Bồ Tát là gọi tắt của danh từ Bồ Đề Tát Đỏa (phiên âm từ chữ Phạn : Bodhisattva) mang ý nghĩa:
1) Chỉ cho những bậc thánh đã đạt đạo quả giác ngộ, là người đã tu giải thoát khỏi vô minh, có đầy đủ ba dức tính Bi – Trí – Dũng, vì nuôi ý nguyện phục vụ chúng sanh nên chưa thành Phật. Như Đức Bổn Sư Thích Ca trước khi thành Phật, Ngài đã đắc quả vị Bồ tát nhiều đời nhiều kiếp. Vào đời sau cùng, Ngài là Bồ tát Hộ Minh ở tại cung Trời Đâu Suất, giáng trần làm thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tu hành thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Từ xưa đến nay và hiện thời trong các cõi đều có mặt vô số vị Bồ tát mang trên mình sứ mạng cưu đời như : Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Thế Chí v.v…
Lại có rất nhiều vị Bồ tát đang sống quanh chúng ta dưới nhiều hình tướng, nghề nghiệp, thành phần… mà ta không biết tên, Nói chung, các vị ấy đều có một điểm chung là giúp đời, cứu người theo hạnh Lục Độ là : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.
2) Danh từ “Bồ tát” còn để gọi những người tu học có thọ trì Bồ tát giới. Ấy là tiếng tắt để gọi Bồ tát Tỳ Kheo (xuất gia) hoặc Bồ tát Ưu bà tắc (tại gia) v.v…
Trong câu nói “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, chúng ta hiểu Bồ tát theo nghĩa thứ nhất.
Chúng sanh là chỉ chung cho các loài động vật hữu tình, nhưng ở đây ta hiểu theo nghĩa “con người”. Bồ tát là con người đã giác ngộ và giải thoát; Chúng sanh là con người còn vô minh. Vì có sự khác biệt lớn lao giữa Bồ tát và chúng sanh nên cách hành xử của hai bên cũng khác nhau rất xa.
Nhân nghĩa là nguyên nhân. Từ nhân này mà cho ra kết quả về sau. Quả đó có thể là niềm vui hay có thể là đau khổ. Bậc Bồ tát là người trí tuệ nên làm việc gì cũng suy xét đến hậu quả việc làm của mình hôm nay. Nếu việc làm hôm nay sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho mình và cho người về sau thì Bồ tát tinh tấn thực hiện. Ngược lại, nếu việc làm hôm nay sẽ đem đến hậu quả khổ đau bất hạnh cho mình và cho người thì Bồ tát từ bỏ ngay việc sắp làm đó.
Thí dụ: người có trí biết rằng rượu là thuốc độc nên suốt đời không uống rượu. Nhờ vậy mà tinh thần minh mẫn, thể xác khỏe mạnh, tránh được biết bao thứ khổ đau do rượu mang lại.
Chúng sanh vì vô minh nên thường bị tam độc (tham, sân, si) sai khiến làm càng làm đại mà không chịu suy xét đến hậu quả việc mình làm. Đến khi hậu quả tồi tệ đến với mình rồi, lúc đó mình mới than trời trách đất, có muốn rút kinh nghiệm thì cũng trễ rồi vì quả báo đã đến đâu còn thời gian sửa sai được nữa.
Thí dụ : nhiều thanh niên ngày nay chỉ vì si mê, thích hưởng thụ cảm giác lạ nên sử dụng ma túy. Đâu ngờ trở thành nô lệ cho ma túy, làm nhiều điều tội lỗi, sức khỏe không còn, đầu óc u mê, trở thành người nguy hiểm cho xã hội. Lúc bấy giờ có hối hận cũng đã muộn màng. Phải chi lúc trước biết suy xét cái độc hại của ma túy mà xa lánh nó thì ngày nay đâu phải gánh chịu đau khổ vì nó.
Chúng ta hãy nỗ lực trau dồi Phật pháp để có trí tuệ như các vị Bồ tát và trước khi nói hay làm việc gì cũng phải dùng trí tuệ suy xét kỹ đến hậu quả của lời nói và việc mình sắp làm. Nếu thấy rằng lời nói hay việc làm này sẽ đem đến an vui cho mình và mọi người thì hãy nói hay làm. Còn như thấy lời nói và việc làm ấy sẽ mang hậu quả xấu đến cho mình và cho người thì hãy từ bỏ nó, không nói và không làm.
Thân chúc bạn và chúng Sen Hồng thật nhiều an lạc và cát tường trong mùa Phật Thành đạo năm nay.
BAN BIÊN TẬP