Tham chiếu thành phần Ban Hướng Dẫn và phân định nhiệm vụ, các anh chị em đang ở cấp lãnh đạo cần nhận định rõ về ý nghĩa của sự cải tiến trên. Một khi tổ chức đã tiến từ đơn vị Tỉnh, vượt qua đơn vị Miền và Phần để tiến tới toàn quốc thì mọi hình thức điều hành "tiểu công nghiệp" đều trở nên vô hiệu. Việc cải tiến này đã được ban nghiên cứu tham luận rất nhiều thời gian trước khi đem trình trước Đại hội 1964. Tuy nhiên, thay vì các đại biểu trong tiểu ban nội quy của Đại hội đã hiểu rất rõ sự quan hệ của một thành phần mới mẻ trên, trong Đại hội vẫn còn nhiều đơn vị chưa thấm nhuần được ý nghĩa của sự đổi mới đó. Chứng cớ là sau một năm làm việc (tính tới ngày 23 tháng 7 năm 1965, Hội thảo cấp Hướng dẫn toàn quốc họp tại Chùa Dược Sư, Gia Định), Ban Hướng dẫn Trung ương đã gặp nhiều trở ngại trong việc lãnh đạo. Truy nguyên ra thì không ngoài lý do đa số cấp hướng dẫn địa phương chưa ý thức được tầm cấp bách và hữu hiệu của sự cải tiến nên đã tạo ra một thế mâu thuẫn là thay vì tập họp để thống nhất thì một vài địa phương cốt cán đã tạo cô lập vào lề lối làm việc cũ. Tuy nhiên, sau khi trở về Thủ đô tham dự cuộc Hội thảo các cấp hướng dẫn toàn quốc chuẩn bị cho Đại hội thanh niên Phật giáo thế giới, chúng ta cần một lần nữa nhận định cho rõ thêm các lợi điểm trong cơ quan chỉ đạo của Gia Đình Phật Tử.
Trước nay, tùy theo địa phương, khi một anh chị trưởng nào được bầu làm Trưởng ban Hướng dẫn thì nỗi lo sợ đầu tiên là "trăm dâu đổ đầu tằm". Việc lớn việc nhỏ, việc trong việc ngoài, trăm ngàn công việc, trăm ngàn trách nhiệm đều đổ dồn về cho "cá nhân xuất sắc" đó. Lề lối ấy, tâm lý ấy hay thì có ít mà dở lại quá nhiều.
Nếu gặp một vị có tài đức lưỡng toàn thì Gia Đình Phật Tử tiến triển mạnh. Nhưng không chóng thì chầy, vị đó khó mà tránh được tâm lý "anh hùng cá nhân". Còn gì mỉa mai bằng tim óc của một đoàn thể lại quy tụ vào một người. Cái cảnh "nhất chiến công thành vạn cốt khô !" làm gì có trong Gia Đình Phật Tử lãnh đạo quá bận rộn "việc nhà, việc nước" thì lập tức mọi công tác đều bị đình chỉ. Chẳng lẽ, cứ mỗi lúc lại triệu tập Đại hội Huynh trưởng toàn tỉnh, toàn quốc để điều chỉnh ngay được sao?
Cho nên, việc phân quyền rất cần thiết. Nếu chịu khó nghiên cứu thật kỹ về cả hai mặt tổ chức và thực hiện của thành phần Ban hướng dẫn, chúng ta sẽ thấy một khi nhân duyên cụ túc thì đó là bộ óc tinh diệu nhất của một đoàn thể thanh niên. Thế nhưng, một điều đáng lưu ý là một khi các cấp lãnh đạo chưa chịu hiểu rõ sự quan hệ của tổ chức, mỗi một Ban viên chưa hiểu hay cố tình không muốn hiểu thành phần và chức vụ của mình thì sự bế tắc sẽ đến ngay. Phải hiểu rõ toàn Ban là một bộ máy lớn. Từ Trưởng ban, Phó trưởng ban cho tới các Ban viên, Đại diện, Ủy viên, mỗi vị là một bộ phận thiết yếu đảm nhiệm một công tác riêng biệt. Nếu có một bộ phận yếu ớt thì công năng của toàn thể sẽ sai lệch lập tức. Chúng ta ai cũng hướng về thống nhất và chính hai tiếng thống nhất đã là một ám ảnh đáng phàn nàn.
Biên giả nghĩ rằng: Một khi đã là anh chị em trong Gia đình áo lam, Hoa sen trắng thì mọi sự đã thống nhất rồi. Hãy nhìn qua các đoàn thể thanh niên quốc tế: Hướng đạo, Cộng sản v.v… họ có phân biệt màu da, chủng tộc, địa lý không ? Ở đâu cũng một tâm hồn. Sao ta không nhớ lời đức Phật: "Không thể nào có sự chia rẽ khi máu mọi người đều đỏ, nước mắt mọi người đều mặn". Nếu có khác thì chỉ có khác về sinh hoạt. Vì bị ám ảnh bởi hư danh mà ta gặp trở ngại trong vấn đề nhân sự.
Nói như thế, không có nghĩa là buộc các Ban viên Ban hướng dẫn đều phải có mặt ở trung ương. Nhưng dù ở địa phương nào Ban viên cũng phải hoạt động đều với trung ương, với các tỉnh và báo cáo thường xuyên về ngành và các tỉnh đã phối hợp. Thành ra, phải công nhận giữa thiện chí và thực hiện có thể xảy ra mâu thuẫn.
Các trở ngại ấy sẽ đưa tới thảm cảnh thiếu thông cảm và hiểu lầm không thể tránh được. Tuy nhiên, dù gặp trở ngại nào vấn đề phân quyền hợp lý cũng vẫn phải được duy trì, cũng cố!
Để duy trì cũng cố tổ chức, quý vị Ban viên các Ban hướng dẫn cần giữ đúng vị trí công tác của mình.
Ngoài các nhiệm vụ chính đã ghi trong Nội Quy xin các anh chị nghĩ tới các việc sau:
+ Trưởng ban hướng dẫn Tỉnh liên lạc thường xuyên với anh Trưởng ban Hướng dẫn Trung ương và Ban thường vụ ít ra mỗi tháng một lần (xin chú ý tới công dụng của "thư riêng mà nói việc chung" rất cần thiết cho các vấn đề nội bộ và đối ngoại, nhất là trong lúc này). Thực hiện công việc hành chánh theo quy ước mới.
+ Phó trưởng ban liên lạc với các Trưởng ban và Phó trưởng ban các Tỉnh để phối hợp trao đổi kinh nghiệm của các Tỉnh mạnh cho các Tỉnh yếu học hỏi.
+ Đại diện Miền: Xin giữ đúng vị trí, đôn đốc, kiểm soát.
+ Ủy viên liên lạc với các Ủy viên trung ương để hiểu rõ công tác và liên lạc với các Ủy viên của Ban hướng dẫn các Tỉnh bạn để thu thập kinh nghiệm.
+ Quý anh chị en Huynh trưởng cần bắt cầu liên lạc giữa anh chị em Huynh trưởng khác khắp toàn quốc.
Các Ban viên Hướng dẫn Tỉnh cần thực hiện cho được "công tác báo cáo" theo thể thức mới rất giản tiện, ít tốn thì giờ mà Ban Hướng dẫn Trung ương đã gởi chỉ thị, dự án và mẫu in tới. Mỗi Ban viên làm công việc của riêng mình thì không có gì nặng nhọc và khó khăn. Làm thế nào mỗi tháng Hội nghị của Ban Hướng dẫn Trung ương đều có báo cáo của toàn quốc.
Mỗi một sự canh tân nào cũng cần nhiều sửa chữa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhất tâm thực hiện cho bằng được những điều Đại hội đã chấp thuận. Xin chớ ngồi ở địa phương mà lên tiếng trách móc trung ương bày vẻ chuyện này chuyện nọ. Bây giờ ai cũng hiểu rằng: Trung ương là óc, mà địa phương là tay. Óc không có tay là óc rỗng, tay không có óc thì tay buông. Có điều nhờ có óc mà người ta biết mình có tay, chứ tự hai bàn tay không thể nào biết là mình có óc. Khi nội quy ghi rõ thành phần Ủy viên của Ban hướng dẫn Tỉnh cũng giống với Trung ương là vì quan niệm Trung ương chỉ là trung tâm quy từ ảnh hưởng 42 khối óc của 42 Ban Hướng dẫn Tỉnh. Công việc của Trung ương là tạo đề án và cấp Tỉnh cố gắng thực hiện đề án cho đầy đủ. Tại sao anh chị em khắp nơi lại không có quyền dự vào Trung ương bằng cách gởi các dự án về? Tại sao địa phương lại chỉ chờ đợi dự án của Trung ương rồi lại phiền trách là Trung ương chỉ lo lý thuyết? Mọi lý thuyết không được thi hành đều là lý thuyết suông, mọi hành động không có lý thuyết chỉ đạo đều dễ lệch lạc.
Ban hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam không phải chỉ gồm có các anh chị em ở Trung ương mà gồm toàn thể:
43 Trưởng ban
86 Phó trưởng ban
6 Đại diện Miền
và 731 Ủy viên và Thường vụ.
Nếu toàn thể tám trăm sáu mươi sáu nhân viên Ban Hướng dẫn cùng nhất tâm điều khiển 7676 Huynh trưởng và ngót 100.000 đoàn sinh thì kết quả sẽ tốt đẹp tới mức nào?
Trưởng ban hướng dẫn và Ban viên Ban hướng dẫn trung ương chỉ có thể làm việc hữu hiệu nếu nhận được thường xuyên các báo cáo của các Ban Hướng Dẫn Tỉnh và các Ủy viên liên hệ mỗi tháng một lần vào ngày 15. Một vài người trong chúng ta thường cho rằng ảnh hưởng của "ngoại cảnh" đã làm cho nội bộ của ta lủng củng. Nhưng tại sao ta không nghĩ ngược lại "vì chúng chưa nhất trí nên ngoại cảnh mới khuấy rối được chúng ta". Không có sự thống nhất nào đẹp hơn thống nhất lý tưởng và hành động.
Trong tư trào hiện đại hóa Phật giáo, mọi quy mô cố hữu phải cải tạo. Sự cải tạo nào mà không đem tới vài hy sinh và đau đớn. Ta cần biết rằng Gia Đình Phật Tử là một tổ chức tiến bộ và cần tiến bộ mãi.