Xây Dựng Xã Hội Theo Tinh Thần Phật Giáo – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ TƯ
SỨ MỆNH CỨU QUỐC, KIẾN QUỐC VÀ
HỘ PHÁP CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Sứ Mệnh Kiến Quốc:

Xây Dựng Xã Hội Theo Tinh Thần Phật Giáo

Những khái niệm về sứ mệnh cứu quốc không nhắm mục đính bày tỏ tính chất chính trị của Gia Đình Phật Tử. Vẫn ở trong cương lĩnh "Giáo dục Thanh, Thiếu, Nhi góp phần xây dựng xã hội". Gia Đình Phật Tử không có tham vọng vượt qua tầm thước giáo dục và xã hội. Tuy vậy, một vài nhận định về chính trị bao giờ cũng rất thiết yếu. Bởi lẽ, chương trình giáo dục và xã hội không dễ gì thực hiện được khi mà áp lực của chính trị và hoàn cảnh chiến tranh ngày một tàn khốc. Phải hiểu chính trị để bảo tồn sức mạnh, để nuôi dưỡng phong trào. Trong tình trạng một nước có mức thấp kém về kinh tế như nước ta, ảnh hưởng của chính trị hay nói rõ hơn của chính quyền rất to lớn. Chẳng thế mà, chuổi sự kiện đảo chánh và "cách mạng" vẫn liên tục cho tới khi có sự dung hợp hoàn mỹ giữa lý tưởng và thực tế. Chính trị, xã hội, giáo dục, văn nghệ liên quan mật thiết. Một chính sách tốt đẹp sẽ không thể thực hiện giữa một xã hội rối loạn! Một chương trình hoạt động xã hội nhân đạo sẽ không thể xúc tiến khi áp lực của chính trị quá nặng nề! Một phương sách giáo dục lý tưởng sẽ phải thất bại vì sự đổi thay giai đoạn. Một đường lối văn nghệ chân chính sẽ phải gẫy đổ vì thiếu tự do! Cho nên, trình bày qua những nét lớn về hiện tình hình chính trị là một việc cần thiết và hợp lý để đi tới mục đích phục vụ giáo dục và xây dựng xã hội chứ không phải là một việc ngoài lề. Hơn nữa, công tác xã hội, giáo dục bao giờ cũng hướng tới tương lai, tới lý tưởng nhưng thực tại phũ phầng bao giờ cũng là cản trở lớn, là môi trường phát sinh ra tâm trạng bi quan, tiêu cực, giai đoạn, nhất thời. Một thí dụ cụ thể: Trước kia Tự Lực Văn Đoàn là một văn phái (1932). Vì không đứng vững trước trào lưu cách mệnh nên phải biến tướng thành đảng Hưng Việt (1937) rồi đổi thành Đại Việt dân chính (1938). Đảng chính trị lại phải nhắm hoạt động xã hội: Hội Ánh sáng (xây nhà rẻ tiền bán cho lao động). Và sau đó, kết quả là các tác phẩm văn nghệ của Tự Lực Văn Đoàn đã trở thành lợi khí để phổ biến chương trình chính trị, xã hội qua các bài luận thuyết của lý thuyết gia Hoàng Đạo mà thôi. Ngày nay một số nhà văn, nhà thơ đó đã trở thành thiên cổ vì các lý do chính trị, một số khác đi theo ý thức hệ mới và giữa tên gọi Nguyễn Tường Tam với biệt hiệu Nhất Linh đã có hai nội dung cách biệt xa vời.

Xem đó, mục đích giáo dục và xã hội của Gia Đình Phật Tử sẽ không bao giờ thể hiện được nếu cấp lãnh đạo không có những ý niệm căn bản về chính trị.

Dù nhắm mục đích cao, Gia Đình Phật Tử sẽ không có tham vọng "cải tạo" hay "cách mệnh" xã hội mà chỉ góp phần xây dựng. Những khái niệm căn bản về xã hội học đều quá cao so với hoạt động hiện hữu. Vả chăng, Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục mà trong đó thành phần nhi đồng (từ 8 đến 16 tuổi) chiếm 70% thì đối tượng chính phải là giáo dục lớp trẻ đó, chứ không phải đem trẻ đi vào xã hội. Hoạt động thanh niên xã hội của Gia Đình Phật Tử chỉ là một bộ môn trong bốn bộ môn chính của chương trình tu học: Phật pháp, Văn nghệ, Hoạt động thanh niên, Nữ công. Và hoạt động cũng chỉ là thực tập tinh thần hoạt động và thể hiện lòng Từ Bi của Phật tử mà thôi. Với một thái độ khiêm nhường như vậy, Gia Đình Phật Tử sẽ cố gắng bày tỏ sự đóng góp của mình vào lãnh vực: Giáo dục, Văn nghệ, Cứu trợ.

 

Vai Trò Gia Đình Phật Tử Trong Lãnh Vực Giáo Dục

Nhiều người đã phần nàn cho hoàn cảnh giáo dục nước nhà đang ở độ trụy lạc. Có vài người, vài đoàn thể muốn đem lý tưởng cải cách phần nào tình trạng hủ bại này. Đã có người chê, và cũng đã có người than! Tuy nhiên, ít người dám nghĩ thẳng rằng "muốn thay đổi một cơ cấu giáo dục, muốn cứu vãn một tình trạng xuống dốc, công việc chính là phải đề ra một "Chính Sách Giáo Dục". Chính sách ấy không phải chỉ nằm trong vài chi tiết: trường sở, sách giáo khoa, giáo giới!!! hay cải cách sửa đổi, cắt xén vài phần trong chương trình học. Có thể nói, đề ra một chính sách giáo dục cũng khó khăn như thiết lập một nền luân lý mới. Nếu trong phạm vi đạo đức, một luân lý nào cũng phải dựa vào một nền tảng đạo lý vững vàng thì trong lãnh vực giáo dục, chính sách chỉ là phần thực hiện của một nhân sinh quan, một ý thức hệ, một tổ chức chính trị, xã hội. Ta sẽ không thấy làm lạ rằng nền giáo dục Việt nam ở tại miền Nam này, sau 20 năm lấy Việt ngữ làm học thừa vẫn chưa thoát được cái vỏ vay mượn của thực dân Pháp. Khốn nỗi, cái vỏ ấy lại còn chứa đựng một âm mưu dùng cái học nhồi sọ, dùng từ chương, khoa cử để lũng đoạn chí khí của thanh niên. Mỗi lần có chính phủ mới là có Đại Hội Giáo Dục. Và kết quả? Sau những việc cắt xén, chèn phá, hãm hại lẫn nhau để giữ chức vị, công việc cải tổ đôi khi chỉ đưa tới các vụ điều tra ngân sách, hay tài sản của những người chủ sự. Vậy muốn góp phần vào việc xây dựng giáo dục, Gia Đình Phật Tử cần phải định rõ các vấn đề căn bản, nền tảng, chính sách, phương pháp, tổ chức.

Nền tảng của chính sách giáo dục

Chính sách giáo dục đặt trên nền tảng truyền thống hoặc cách mệnh. Về truyền thống thì cơ sở cương thường của Nho học đã sụp đổ từ cuối thế kỷ trước. Suốt 80 năm Pháp thuộc người Việt nam được nhồi sọ chứ không được giáo dục. Chứng cớ là khi người Pháp ra đi họ đã để lại trên đất nước này một khối trí thức không có thực tài mà lại ham hưởng thụ. Những người có thực tài, có đạo đức lại làm công việc đánh đuổi họ ra khỏi đất nước này. Liên tiếp 20 năm, những thất bại liên tiếp của các lớp trí thức đưa tới cảnh đầu hàng độc tài và quân phiệt. Nền tảng cũ đã thật sự đổ vỡ. Ta chờ đợi gì ở Cách mệnh? Cho tới bây giờ, chưa có một ý thức hệ nào khả dĩ thỏa mãn được nhu cầu của giáo dục. Về việc "dạy chữ" thì phải nhận là Thiên chúa giáo đã thành công lớn nhờ truyền thống ngót 300 năm. Họ có hẳn một dòng chuyên việc giáo dục. Có điều, việc đào tạo nhân tài không phù hợp với đòi hỏi của các dân tộc mà chỉ phụng sự cho Giáo Hội… Việc dạy dỗ ấy đã trở thành lạc lỏng từ khi người Pháp rời bỏ đất này. Nói đến Phật giáo thì còn thê thảm hơn! Trước kia Phật giáo tuyệt nhiên không thèm tranh đua với nho sĩ trong việc trị nước. Dưới thời Pháp thuộc không hề có một trường Phật giáo. Dưới thời Ngô chế đã có khuynh hướng mở các trường Bồ Đề. Nhưng cho tới nay, vì việc chấp hành lệch lạc, ta vẫn chưa có một giáo dục thỏa đáng đáp ứng đúng với nhu cầu của một quốc gia đang vùng lên, đang cần cải thiện từ con người, tới xã hội. Hai năm gần đây, trường Cao đẳng Phật học rồi Viện đại học Vạn Hạnh ra đời. Qua nội dung bài diễn văn của T.T Viện trưởng Thích Minh Châu đọc trong buổi lễ đặt đá xây trường vừa chớm nở một hy vọng, một hy vọng chưa được cụ thể hóa thành kế hoạch. Nói như T.T. Viện trưởng Viện Hóa Đạo "Toàn dân Việt Nam, có thêm một niềm hy vọng. Hy vọng ở sự xây dựng thiết thực và khế cơ cho một xã hội đang bị tàn phá, đang cần bám vào những gốc rễ truyền thống để đứng vững, để phát triễn đồng thời tránh được hiện tượng phân tán và nạn bị tràn ngập bởi những nếp suy tư cảm nghĩ ngoại lai có có hiệu lực làm giảm ý thức và tiềm lực phấn đấu xây dựng xứ sở. Mang hoài bảo xây dựng một nền học vấn và văn hóa khế cơ như thế, Viện đại học Vạn Hạnh sẽ không tự giới hạn trong việc đào tạo các chuyên viên mà cố nhiên sẽ chú trọng cả về xây đắp cơ sở tinh thần và tất cả mọi hoạt động kinh tế xã hội…"

Như thế, nền tảng giáo dục của Phật giáo đặt trên truyền thống. Nhưng truyền thống giải thoát, ly trần phải hiện đại hóa bằng đường lối Cách mệnh. Quá nệ vào truyền thống thì có thể trở thành thủ cựu làm chậm mọi cuộc tiến hóa và không phù hợp nổi với thực tế. Quá thiên về Cách mệnh lại có thể sa vào thói tật vong bản, vọng ngoại. Giữa hai cực đoan: thủ cựu với vong bản ấy phải có một Trung đạo: Đó là công cuộc hiện đại hóa mọi truyền thống với tinh thần bảo thủ. (Xin phân biệt rõ thủ cựu với bảo thủ. Thủ cựu là ôm ấp lấy cái xưa dù có lỗi thời cũng mặc. Trái lại, bảo thủ chỉ lấy cái tinh hoa cũ và can đảm gạt bỏ mọi hình thức hủ lậu). Đã làm tôn giáo thì phải bảo thủ. Tinh thần bảo thủ sẽ giữ được quân bình. Về đối tượng: truyền thống nhắm vào hư vô, tịch diệt; Cách mệnh đi thẳng vào đời. Về phương pháp: truyền thống dựa vào Trực giác; Cách mệnh vin vào suy luận. Một bên chủ yếu ở cảm thông, hòa đồng; một bên rút gọn vào trau dồi lý trí. Hai con đường ấy ngày nay phải hợp nhất. Một tôn giáo gạt bỏ hết mọi lễ nghi, giới luật, kinh điển thì chỉ còn là một tập đoàn thế tục. Ngược lại quá câu nệ vào dĩ vãng thì sẽ trở thành lạc hậu. Trước kia, Nho giáo không dung hòa được nên phải gẫy đổ.

Thế giới có hai nền văn minh cổ hữu: Văn minh Trung Ấn là văn minh lục địa. Sống giữa hai khoảng đất mênh mông, nhìn lên thấy trời cao bát ngát, nhìn xuống thấy đất rộng bao la. Con người mặc cảm mình chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa vũ trụ vô cùng. Tinh thần hòa đồng tiểu ngã (người) vào đại ngã (vũ trụ siêu nhiên) đã bắt đầu từ tâm trạng xót xa thân phận ấy. Văn minh Tây phương phát xuất từ Hy La là văn minh duyên hải. Sống giữa thiên tai, thủy hạn liên miên quanh bờ Địa Trung Hải, thiên nhiên đã trở thành một kẻ thù nguy hại cho cuộc sống. Với phản ứng tự nhiên con người phải tận dụng lý trí để chứ ngự kẻ thù tàn ác và to lớn ấy. Cho nên trong Tây phương là gốc của triết học, của khoa học, kỹ thuật lấy trí tuệ khắc phục thiên nhiên thì Đông phương là môi trường hòa hợp êm đềm giữa cái "ta" nhỏ nhoi của con người với cái "ta" to lớn là vũ trụ.

Và cũng trong tinh thần ấy, đất nước Việt Nam là khoảng cuối của hai lục địa Trung Ấn trải rộng thân mình trên bờ Thái Bình Dương dậy sống nên ý thức truyền thống của Việt Nam vốn có tinh thần Trung đạo cố hữu. Ta không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam tiếp nhận đủ mọi ảnh hưởng từ bốn phương mang tới nhưng không hề bỏ mất bản sắc dân tộc của mình. Nếu mục đích chân chính của giáo dục là tạo khả năng cho con người thích nghi với cảnh giới và đẩy mạnh bước tiến của nhân loại từ dã man tới văn minh, từ nô lệ tới tự do, từ đê tiện tới lý tưởng thì trót hai thế kỷ chạy theo khoa học kỹ thuật, nhân loại, đã cô lập con người vào những phạm trù ngược với nhân tính. Nếu ta nhìn vào một Phi Châu chìm vào thủ tục, một Á Châu đói rét, một Mỹ Châu ngây ngô, một Âu Châu cuồng loạn thì phải nhận một cách đau đớn rằng hệ thức giáo dục của thế kỷ 20 đã sụp đổ vì tạo ra loại người có óc không tim. Cho nên ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy hầu hết các bậc thánh thiện sau khi chán chê linh hồn, ghê tởm vật chất đều quay về với lý tưởng Phật giáo. Sự vay mượn và trùng hợp giữa Phật giáo với các tư tưởng lớn không phải tới bây giờ mới có. Nietzsche, Hégel, Schopenhauer, Plotin… cho tới ông thánh Angustin của Thiên chúa giáo cũng có nhiều đồng ý với hệ luân giải thích uyên nguyên vũ trụ và lập định luân lý cho nhân sinh của Phật giáo. Và đi xa hơn nữa, có vài ông duy vật cũng ôm luôn Phật giáo vào lòng vì họ nghĩ rằng: âu cũng là một xu hướng vô thần cả!!!

Rút lại nền tảng giáo dục của Phật giáo phải là trung đạo hòa đồng. Hòa đồng giữa hướng nội Đông phương với hướng ngoại Tây phương. Hòa đồng duy tâm và duy vật, hòa đồng khoa học với tâm linh. Có hòa đồng mới có cảm thông, có cảm thông mới có giải thoát.

Trên Nền Tảng Trung Đạo Hòa Đồng Ấy, Thiết Lập Chính Sách Giáo Dục Theo Tinh Thần Bi Trí Dũng.

Xu thế giáo dục quốc tế nêu ra ba tiêu chuẩn chính yếu trong việc giáo dục con Người toàn diỆn là Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng.

Nhân bản lấy con người làm gốc, làm đối tượng giáo dục. Mỗi chính sách giáo dục phải vì người mà có, do người mà ra và phục vụ đích thực cho người. Nhưng con người là một "tiểu vũ trụ". Tiểu vũ trụ đó ngày nay đã bị phá vỡ vì cộng đồng. Con người bây giờ đã bỏ mất bản tính của mình để trở thành một hạt bụi trong cuộc trần ai, một cáo đinh ốc trong bộ máy đời. Hầu hết các tác phẩm triết học, văn học đều đã cực tả thực tại phân hóa của con người giữa mọi ý thức hệ mọi thể chế xung khắc, hoặc tâm trạng cô độc của con người bất lực trong ý hướng thoát ly. Do vậy, giáo dục phải có nhân bản tính nghĩa là khôi phục lại sinh phận của con người.

Dân tộc: Giáo dục khôi phục sinh phận của con người nhưng phải là con người của một quốc gia, một dân tộc, một thời đại nhất định. Ta có thể gởi ra học ở nước ngoài để mở rộng kiến văn. Nhưng nếu gạt bỏ yếu tố dân tộc thì con ta sẽ thành những ông bác học Tây lai, Mỹ lai chứ không thể là nhà trí thức của dân tộc được. Một nền giáo dục thiếu dân tộc tính là ngược với truyền thống. Ngược với truyền thống là tiêu diệt dân tộc. Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc không phải chỉ nhắm việc phổ biến các tác phẩm của thế giới để gây nên một không khí đại đồng mà còn cố gắng làm nổi bật sắc thái đặc biệt của mỗi dân tộc bất luận văn minh hay lạc hậu.

Khai phóng: Có người hiểu muốn bảo tồn dân tộc tính thì phải gạt bỏ hết mọi hình thức ngoại nhập. Thế là sai nhầm lớn. Muốn bảo tồn dân tộc tính thì phải tìm cách gìn giữ tinh hoa bằng cách tiếp nhận các bằng chứng tiến bộ của thế giới. Nhà Nho muốn muốn giữ cái búi tố, nhà nông ôm chặt cái cày tay vì trót nghĩ rằng đó là quốc hồn, quốc túy! Phải tin vào sự đổi mới, tin vào sự tiến hóa. Anh thợ đàn chỉ biết nẩy bầu, kéo nhị nhưng với nhạc sĩ thì phải biết đem cái ánh sáng của văn minh thế giới mà chiếu rọi vào truyền thống cổ hữu của mình. Giáo dục cũng thế. Nếu muốn tạo ra hạng người vừa câm vừa điếc, thì phải khai phóng nghĩa là mở rộng trí óc mà đón nhận hết mọi trào lưu tư tưởng văn minh nhân loại. Paris, sở dĩ đưọc gọi là trung tâm của văn minh hiện đại là người Pháp đã biết tiếp nhận hết mọi khám phá của con người Đông, Tây, Kim, Cổ để xây dựng cho mình.

Vậy thì muốn tránh tội phi nhân vong bản, thủ cựu, ta phải chấp nhận ba nguyên tắc căn bản đó của giáo dục hiện tại.

Giải thoát: Tuy nhiên, tåo cho Ç܆c một con Người (nhân bän) ViỆt Nam (dân tộc) đầy đủ kiến thức (khai phóng) vị tất đã hoàn thành được mục đích toàn thiện của giáo dục. Con người hiện đại là một thứ Tề thiên Đại thánh. Với trí óc tinh vi, rồi đây con người có thể viếng thăm hết mọi tinh cầu. Có điều, ở đâu có vết chân người là ở đó có tham, sân, si tung hoành phá phách. Thay vì đem trí tuệ minh mẫn, tình cảm dồi dào, ý chí to tát để hướng thượng thì con người ngày nay đã lũ lượt kéo nhau vào đọa lạc. Thật sự là vậy! Thực tế đã có những bậc cha mẹ suốt đời tận tụy hy sinh cho con, đã có những bậc thầy xả thân cho việc giáo huấn và rút cuộc đã được bọn trẻ đáp lễ bằng những thái độ vong ơn. Cho nên phải trao ngay cho lớp trẻ một cái vòng kim cô của Phật Quan Âm (huyền sử), kim cô ấy là Bi Trí Dũng. Xin đừng quá tham lam. Nếu cứ ba chữ ấy mà khai triển, mà xây dựng, mà kiến tạo thành tinh thần, thành chính sách thì nền giáo dục của ta mới mong thoát khỏi tình trạng nguy ngập và nhanh chóng khôi phục lại bản vị của con người để hướng tới tự do tuyệt đối là siêu thoát.

Gia Đình Phật Tử Đã Làm Được Gì Với Tinh Thần Ấy?

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức ở ngoài học đường, kể các trường Bồ Đề nên ảnh hưởng chưa thực hiện đầy đủ. Song, như đã trình bày, một chính sách giáo dục chỉ có thể thực hiện hoàn mỹ nếu có một cuộc cách mệnh toàn diện theo tinh thần Từ Bi và Bất bạo động của Phật giáo. Vì cơ duyên chưa đủ, những ước nguyện sâu xa của Gia Đình Phật Tử vẫn còn là ý niệm. Trong phạm vi Gia Đình Phật Tử đã làm được và sẽ làm tới dù luôn luôn bị phá phách, cản trở bởi nội lực và ngoại lực.

Ngày nào trên đất nước này, từ đô thị tới nông thôn từ dinh thự cho tới lều tranh đều phất phới lá cờ Phật giáo, ngày mà mỗi xã, quận, tỉnh, miền đều có các trường Đại, Trung, Tiểu học do Gia Đình Phật Tử phụ trách thì ngày ấy mọi sự hiện thực sẽ bảo đảm cho ước nguyện hôm nay. Và trong phạm chật hẹp hiện tại Gia Đình Phật Tử đã làm gì? Xin cứ nghiên cứu thêm các tài liệu sẵn có của tổ chức Gia Đình Phật Tử sẽ thấy rõ.

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang