Về triết lý giáo dục của Gia đình Phật tử Việt nam

G

1. Gia đình Phật tử Việt Nam và những triết lý giáo dục

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển sôi nổi ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc… sau đó lan tỏa đến nước ta mà khởi đầu là phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam dẫn đến việc thành lập “Phật Học Viện Thư Xã” tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn lấy Tạp chí Từ Bi Âm làm cơ quan truyền bá. Năm 1932, ở Trung Kỳ Hội An Nam Phật học được thành lập. Vừa mới ra đời Hội này đã chú trọng đến việc giáo dục cho thế hệ thanh thiếu niên, với tôn chỉ: “toàn thể Hội viên phải tùy theo hoàn cảnh của mình mà tham học Phật pháp, quan sát Phật lý, tu tập Phật hạnh, tinh tấn hành Phật sự. Cần phải xây dựng đội ngũ tri thức trẻ để tham gia và kế thừa phát huy tôn chỉ của hội đề ra”1. Sau khi đã quy tụ được một số thanh niên trí thức đồng thời giảng dạy Phật pháp và chuyên môn để họ dìu dắt và hướng dẫn các đoàn Đồng Ấu Phật tử, năm 1938, tại Đại hội đồng Tổng trị sự đầu tiên của Hội An Nam Phật học khai hội ở chùa Từ Đàm (Thừa Thiên- Huế), Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã khởi xướng thành lập Đoàn Thanh niên Đức dục. Năm 1941, tổ chức này đổi tên là Gia đình Phật hóa phổ, đến năm 1951 cũng tại chùa Từ Đàm (Thừa thiên – Huế) diễn ra Đại hội đầu tiên lấy tên gọi thống nhất là Gia đình Phật tử Việt Nam.

1.1. Gia đình Phật tử Việt Nam là phong trào giáo dục, đào tạo Thanh, Thiếu, Đồng niên tin Phật.

Trong  tác phẩm: “Đây Gia đình”,  huynh  trưởng  Võ Đình Cường, một trong những người sáng lập Gia đình Phật tử, đã khẳng định: “Chúng tôi vì mục đích giáo dục mà chọn Phật giáo làm nền tảng, chứ không phải vì Phật giáo mà lôi kéo thanh niênKhông đâu thuận tiện cho bằng Gia đình Phật tử để đào tạo con em thành  những Phật tử chân chính… Đây là miếng đất rất tốt để đào tạo con người về mọi phương diệnGia đình Phật tử chỉ là một tổ chức giáo dục trong hội Phật học” 2.  Điều này cho đến nay cũng đã được chính thực tiễn của  hơn  nửa  thế  kỷ tồn tại, trưởng thành và phát  triển của phong  trào  Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay minh chứng.

Cụ thể  là trong  thời kỳ đầu khi còn mang danh xưng “Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục“ (1940) mục đích được xác định của tổ chức này là: “để người thanh niên nghiên cứu học tập thực hành theo giáo lý đạo Phật, tu sửa mình cho thanh cao, nêu gương tốt và phổ biến đạo đức Phật giáo ra ngoài xã hội.”  Về sau, khi các đoàn viên Phật học Đức dục thành lập các đơn vị Gia đình Phật hóa phổ, mục đích được xác lập là: “Đào tạo những Phật tử chân chính, xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng luân lý Phật giáo.” Kế đó, đến năm 1951, khi Gia đình Phật hóa phổ cả nước thống nhất đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử, mục đích được xác định cụ thể hơn là: “huấn luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử về ba phương diện Trí dục, Đức dục và Thể dục trên nền tảng Phật giáo để đào tạo Phật tử chân chính.” Năm 1964, tại Đại hội Gia đình Phật tử toàn quốc, mục đích này lại được tu chỉnh lần nữa là: “đào tạo những Thanh, Thiếu và Đồng niên Phật tử thành những Phật tử chân chính để phục vụ Chánh pháp và thành những hội viên chính đáng của Hội.” Cho đến hiện nay, tại Điều 2, Chương I của Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam, mục đích này một lần nữa được khẳng định là: “Đào tạo Thanh,Thiếu, Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”… Như vậy, tùy từng thời điểm lịch sử khác nhau, mục đích của Gia đình Phật tử Việt Nam được diễn đạt bằng những mệnh đề khác nhau, song triết lý giáo dục trọng tâm vẫn là: đào tạo những thanh, thiếu, niên có niềm tin vào Phật giáo trở thành những con người Phật tử chân chính để phục vụ cho đạo pháp Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

1.2. Gia đình Phật tử Việt Nam lấy giáo dục Phật giáo làm nền tảng căn bản.

Theo quan điểm của Phật giáo: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ và khả năng thực hiện niềm hạnh phúc chân thực ngay trong hiện tại… Điều này hàm ý nguồn gốc của an lạc và hạnh phúc thật sự chính là trí tuệ. Giáo dục toàn diện là giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển. Đồng thời, Phật giáo lại lấy con người làm đối tượng và cứu cánh  cũng  ở con  người, không chối bỏ con người để  tìm kiếm một  thần thánh  nào  khác ngoài con người. Về nhân sinh quan,  Phật  giáo hoàn thiện con người của ta ở ngay trong  hiện tại, còn  về  phương   diện thế giới quan Phật giáo không   dạy  con   người chán đời, yếm thế để cầu về một  cõi hư ảo.  Do đó, giáo dục Phật giáo trong bản thân nó hàm chứa tính tự do tư tưởng, không lấy tín điều làm căn bản vì “trong Bát Chính đạo (The Eightfold Noble Path) tức là con đường với tám phương hướng đúng đắn để diệt khổ, Phật giáo đặt chính kiến (right view) nghĩa là có sự hiểu biết đúng đắn lên hàng đầu,” 3  đồng thời, luôn coi trọng tinh thần thực tiễn “lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người, lấy thế gian làm đối tượng và cứu cánh cũng ở thế gian, tư tưởng nhất thừa trong giáo dục Phật giáo không dạy ta chối bỏ con người thực tại để tìm kiếm một hiền thánh mà dạy chúng ta làm cho con người trở thành hiền thánh, không dạy ta từ bỏ ta bà để đi tìm tịnh độ mà dạy ta chuyển hóa ta bà thành tịnh độ.”4  Gia đình Phật tử Việt Nam là phong  trào trực thuộc và được sự bảo trợ trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã lấy những giáo lý của đạo Phật làm nền tảng giáo dục. Theo đó, khi xây dựng đường hướng giáo dục, Gia đình Phật tử Việt Nam nhắm đến việc rèn luyện cho thanh, thiếu, và đồng niên ba đức tính chính yếu là Bi (tình thương); Trí (trí tuệ); Dũng (lòng dũng cảm), không đặt nặng vấn đề tuyên truyền đạo pháp để lôi cuốn tín đồ Phật tử mà cốt là để hướng dẫn thanh thiếu niên Phật tử sống tốt đời – đẹp đạo thông qua việc giữ gìn giới luật, nâng cao phẩm chất để họ trở thành những Phật tử chân chính. Nhờ vậy mà một trong những thành quả giáo dục đã đạt được bởi Gia đình Phật tử Việt Nam, như lời cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu khẳng định tại buổi nói chuyện với huynh trưởng ở lễ khai mạc trại họp bạn huynh trưởng Lục hòa Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế năm 1999, là: “Nếu ai đó bị sa ngã trong cần sa, ma túy thì Gia đình Phật tử không có mặt ở đó. Những nơi nào cờ bạc, rượu chè bê bối thì những nơi đó Gia đình Phật tử không có mặt. Những nơi nào có quán xá nhậu nhẹt say sưa, gây lộn đả thương nhau bằng binh khí, miệng lưỡi, giành giựt chém giết nhau thì những nơi đó Gia đình Phật tử không có mặt”. Đây thật sự là một trong những đóng góp có nhiều ý nghĩa quan trọng cho xã hội hiện nay.

1.3. Chương trình giáo dục của Gia đình Phật tử Việt Nam có nhiều ý nghĩa và lợi thế về mặt giáo dục đạo đức cho con người.

Để thực hiện mục đích giáo dục của mình, Gia đình Phật tử đã xây dựng được các hình thức sinh hoạt, các bộ môn tu học Phật pháp tương đối phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và tổ chức được nhiều hoạt động mang tính giáo dục thông qua các sinh hoạt thanh niên, văn nghệ, xã hội… Về kỹ năng giáo dục, các huynh trưởng đã biết sử dụng các nghiệp vụ sư phạm như: giảng, kể chuyện, ghi chép, sinh hoạt tập thể, kiểm tra, thi kết khóa v.v. Điều nổi bật là trong chương trình giáo dục này, phong  trào Gia đình Phật tử Việt Nam đã thật sự chú trọng đến việc phát huy tính cộng đồng, tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, quan tâm tính hướng thiện, phát triển khát vọng vươn lên và vun đắp tính tự nguyện, tính đồng đội, đức hy sinh cho tuổi trẻ. Điều này đã góp phần giáo dục cho Thanh, Thiếu, Đồng niên tin Phật hình thành  những đức tính đạo đức căn bản đúng với danh nghĩa người Phật tử chân chính, hướng cho các em có trách nhiệm với hành vi của mình, biết tôn trọng kỷ cương luật lệ, sống thật thà, không dối trá, không làm điều ác… ngoài bổn phận đối với bản thân, gia đình còn phải làm tròn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

Như vậy, có thể nói trong hơn 60 năm qua (1951- 2012) dù đã có không ít những  sự biến đổi, thăng  trầm cùng với dòng chảy lịch sử Phật giáo dân tộc khiến nội quy nói chung, mục đích Gia đình Phật tử nói riêng, dù đã qua không ít lần tu chỉnh, sửa đổi nhưng những đích nhắm cốt lõi của phong trào này từ những ngày đầu mới thành lập cho đến hôm nay vẫn trước sau như một, đó chính là xây dựng một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên tin Phật mà tư tưởng chủ đạo của nó là xây dựng những thế hệ trẻ tin Phật thấm nhuần giáo lý nhà Phật, biết phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội tốt đẹp trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trên cơ sở lấy tư tưởng giáo dục chung của Phật giáo làm nền tảng, căn cứ vào những đặc thù riêng về khách thể, về nội dung chương trình giáo dục của mình, Gia đình Phật tử đã góp phần vào việc nâng cao tinh thần đạo đức và ngăn chặn các tiêu cực, tệ nạn xã hội, giúp cho các huynh trưởng, đoàn sinh nói riêng, thế hệ trẻ hôm nay nói chung có ý thức về nguồn cội tổ tiên, về quốc gia dân tộc, tự giác tu thân nhưng vẫn ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, đất nước.

2. Một số giải pháp góp phần phát huy ý nghĩa triết lý giáo dục của phong trào Gia đình Phật tử Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Với những thành  quả đạt được của phong  trào Gia đình Phật tử Việt Nam suốt 60 năm qua, việc phát huy ý nghĩa triết lý giáo dục của phong  trào này trong giai đoạn hiện nay rõ ràng là việc cần phải nghĩ tới.

2.1. Sự cn thiết của việc phát huy ý nghĩa giáo dục trong phong trào Gia đình Phật tử Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã nêu lên 4 trụ cột của giáo dục đó là: học để biết, học để làm, học cách chung  sống và học để khẳng định mình, qua đó nhấn mạnh: “ thời đại mới đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới và những kỹ năng, kiến thức mới của chính thời đại đó.”5 Riêng đối với nước ta, trong điều kiện hiện nay với việc xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập quốc tế, bên  cạnh những  thời cơ, thuận  lợi, có không ít vấn đề mới và phức tạp được đặt ra trong lĩnh vực tư tưởng. Đó là sự du nhập ngày càng nhanh, rộng của lối sống phương Tây, sự tràn ngập của các loại hình văn hóa đồi trụy vào lối sống các thế hệ trẻ, sự lôi kéo, lợi dụng của chủ nghĩa sùng thượng vật chất, của chủ nghĩa tiêu thụ nhắm đến giới trẻ, đã tác động không nhỏ vào giới thanh thiếu đồng niên Phật tử.

Mặt khác, từ nhiều nghiên cứu cũng như thực tế đã cho thấy, cho đến nay về cơ bản “Mục đích, tôn chỉ, nội dung, phương pháp rèn luyện của Gia đình Phật tử khá hoàn thiện và có nhiều điểm phù hợp với tâm sinh lý thanh thiếu niên… Vì vậy hoạt động của Gia đình Phật tử có tác dụng nhất định đến việc giáo dục thanh thiếu niên về nề nếp, lòng nhân ái, ý thức tổ chức kỷ luật, các hoạt động xã hội” 6. Song, chúng ta cũng không thể vì thế mà cho rằng phương thức giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử như vậy là đã hoàn thiện, đã đáp ứng được những đòi hỏi mới của thời đại hiện nay, thời đại của sự bùng nổ công nghệ thông tin, của nền kinh tế trí thức, và của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập  kinh tế quốc tế đang  ngày càng trở thành  một xu thế khách quan… tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có Phật giáo và đồng bào Phật tử. Đó là chưa kể đến bản thân phương thức giáo dục của phong  trào Gia đình Phật tử cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định: ở không ít nơi, sinh hoạt Gia đình Phật tử vẫn còn nặng về hình thức tôn giáo, đọc kinh, lễ bái không phù hợp với đời sống thực tế hiện nay; một bộ phận không nhỏ huynh trưởng, đoàn sinh có sự tha hóa về mặt tư tưởng, bị kích động, lôi kéo ra khỏi quỹ đạo phát triển của xã hội, tham gia vào các hoạt động ngược với con đường xã hội, dân tộc đang đi vì mục tiêu: dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.

Do đó, để xây dựng được sự “miễn dịch tâm lý” ngăn chặn được các nọc độc tư tưởng tác động đến một bộ phận  đoàn  sinh, huynh  trưởng  của tổ chức Gia đình Phật tử hiện nay, bản thân  tổ chức Gia đình Phật tử cũng cần thiết phải có nhiều sự đổi mớí phù hợp, nhất là trong việc phát huy được những lợi thế và các giá trị giáo dục đạo đức vốn có của tổ chức mình.

2.2. Một số giải pháp góp phần phát huy ý nghĩa giáo dục của phong trào Gia đình Phật tử Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Để góp phần giữ gìn và phát huy ý nghĩa giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử trong giai đoạn hiện nay, xin đưa ra một số giải pháp sau:

Trước hết, cần tiếp tục giữ vững và phát triển truyền thống  sâu sắc của tổ chức Gia đình Phật tử về giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức hướng thiện cho thanh, thiếu, đồng niên tin Phật, tạo được một lớp huynh trưởng, đoàn sinh mới có ý thức, hệ giá trị và lý tưởng sống vì dân tộc và đạo pháp chân chính, vì đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để thực hiện được điều này, bên  cạnh  những  vấn đề thuộc về tính đặc thù, về sứ mệnh truyền thống  và những lợi thế về mặt tổ chức, pháp lý và những nội dung chương trình phù hợp đã được khẳng định trong hơn 60 năm qua, trong mô hình và chiến lược giáo dục của Gia đình Phật tử hiện nay tất yếu phải gắn liền và song hành với mục tiêu và các nguyên  lý giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, đó là: “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.7

Thứ hai, Gia đình  Phật tử Việt Nam cần phát  huy được những lợi thế có được về các hình thức giáo dục đa dạng của mình.

“Giáo dục là quá trình truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm – lịch sử xã hội của các thế hệ, quá trình này giúp cho mỗi cá nhân tích lũy kiến thức, mở mang trí tuệ, hình thành văn hóa, đạo đức, giúp xã hội bảo tồn và phát triển nền văn hóa của mình” 8. Đồng thời, quá trình này được thực hiện bằng nhiều con đường quan trọng khác nhau, như: giáo dục thông qua dạy học; giáo dục thông qua các hoạt động: vui chơi, lao động, hoạt động xã hội; giáo giục thông qua sinh hoạt tập thể, giáo dục bằng con đường tự tu dưỡng (còn gọi là tự giáo dục)… Thực tế cho thấy mô hình giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử đã cơ bản sử dụng và kết hợp được các hình thức giáo dục này, đây có thể xem là lợi thế trong mô hình giáo dục của Gia đình Phật tử. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng và kết hợp các hình thức này còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết được những chức năng, vai trò và sức nặng của mỗi hình thức cũng như trong cách phối kết hợp giữa chúng. Vì vậy, trong giai đoạn tới nếu Gia đình Phật tử chú ý quan tâm và khai thác được những lợi thế này, chắc chắn hiệu quả giáo dục của tổ chức này sẽ ngày càng nâng cao hơn.

Kết luận:

“Hạnh phúc lớn của một dân tộc, của những người đi trước là đào tạo được lớp người hậu sinh khả úy, lớp người kế tục trung thành và xứng đáng sự nghiệp vẻ vang, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp.” 9 Như Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, năm 2007 đã khẳng định: “Trong gần hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, hòa mình cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trên tinh thần đó, với tư cách là một bộ phận trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của mình, thông qua phương thức giáo dục, Gia đình Phật tử đã để lại nhiều ảnh hưởng tốt đẹp đến nếp sống hiền thiện của hàng ngũ thanh, thiếu, đồng niên Phật tử. Vì vậy, việc tiếp tục phát huy những ý nghĩa triết lý giáo dục của tổ chức Gia đinh Phật tử, nhất là về phương diện giáo dục đạo đức để góp phần xây dựng lối sống cho thế hệ thanh niên Phật tử trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cần thiết quan trọng.■

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lệ Như, Trung Hậu, Tâm Minh tuyn tập, 1983, tr.582.

2.Võ Đình Cường, Đây Gia đình, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr.122 – 134.

3. Nguyễn Tấn Hùng, Lê Hữu Ái, Triết học, Nxb Đà Nẵng, 2010, tr. 34.

4. Lý Kim Hoa Ph.D, Giáo dục học Phật giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009.

5. Đinh Văn Ân, Hoàng Thu Hoài, Giáo dục và đào tạo, chìa khóa của sự phát triển, Nxb Tài Chính, Hà Nội, 2008, tr.16.

6. Võ Thị Xuân Hà, Gia đình Phật tử, Nxb Văn Hóa – Thông Tin, Hà Nội, 2010, tr.93.

7. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật giáo dục, Nxb Tư Pháp, Hà Nội, 2010, tr.25, 26.

8. Phạm Viết Vượng, Giáo dục học, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2007, tr.10.

9. Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước, Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2002, tr. 646.

10. Thích Quảng Trí, Tiến trình hình thành và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam, Luận văn tốt  nghiệp khóa II (2001 – 2005), Huế, 2005. „

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang