Tương Quan Giữa Gia Đình Phật Tử Với Lịch Sử, Xã Hội Và Đạo Pháp – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ TƯ
SỨ MỆNH CỨU QUỐC, KIẾN QUỐC VÀ
HỘ PHÁP CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Tương Quan Giữa Gia Đình Phật Tử Với Lịch Sử, Xã Hội và Đạo Pháp

Qua những nét đại cương đã trình bày, không ai phủ nhận tính cách lịch sử, xã hội và tôn giáo của Gia Đình Phật Tử. Không phải là một tổ chức ngẫu sinh, Gia Đình Phật Tử thực sự là kết quả về ước vọng của một tình trạng lịch sử, của một nhu cầu xã hội. Và một khi đã do lịch sử và xã hội mà hình thành, Gia Đình Phật Tử phải có những sứ mệnh đối với lịch sử và xã hội.

Trước khi xác Định các sứ mệnh thiết yếu, công việc tiên quyết là phải xác Định vị trí của Gia Đình Phật Tử cho xác đáng.

Gia Đình Phật Tử với lịch sử:

Từ thời Pháp thuộc, kháng chiến, cho tới cảnh đất nước phân ly hiện nay, Gia Đình Phật Tử chưa hề từ bỏ sứ mệnh lịch sử của mình. Dưới thời Pháp thuộc, Gia Đình Phật Tử dù không phải là một lực lượng đối kháng về chính trị nhưng hoạt động của Gia Đình Phật Tử không đi ra ngoài chính sách bất hợp tác cố hữu. Trong cuộc cách mạng 1945, đa số đoàn viên Gia Đình Phật Tử đã là những chiến sĩ. Có người đã xung phong vào hàng ngũ giải phóng quân để làm tròn phận sự cứu quốc. Trước mắt thanh niên hồi đó chỉ có một đối tượng chính là diệt xâm lăng. Trong mọi phạm vi hoạt động đều có tiềm ẩn hình bóng của người con Phật. Đến thời kỳ kháng chiến, đa số Huynh trưởng và đoàn sinh của Gia Dình Phật Tử đã tạm "cởi lam y, khoát chiến bào". Mười năm chống đối gian khổ, người ở khu, kẻ ở thành, bằng vũ khí, bằng văn hóa; Gia Đình Phật Tử không phút giây rời bỏ vai trò cứu quốc. Dưới thời Ngô bạo chúa, Gia Đình Phật Tử chống đối ra sao, cuộc đảo chánh 1.11.1963 đã thuyết minh. Và tiếp sau đó, Gia Đình Phật Tử tiếp tục đi vào lòng cuộc chiến đấu của người dân đau khổ vì chiến tranh, vì chia cắt. Rút lại trước sau,Gia Đình Phật Tử chưa từng từ bỏ sự đóng góp bằng cân não, bằng xương máu vào cuộc phục hưng Độc lập và Thống nhất cho dân tộc.

 

Gia Đình Phật Tử với xã hội:

Là một xã hội đầy dẫy mê tín, dị đoan, dốt nát, đau khổ về tinh thần; thiếu thốn, bệnh tật, đói rét về vật chất, Việt Nam của chúng ta từ bao lâu nay đã trở thành một cơ thể lâm trọng bệnh. Một mặt chiến chinh xâu xé, mặt khác bọn ngoại nhân và lũ tôi đòi đua nhau bòn rút tủy não của đồng bào ruột thịt để xây đắp tham vọng. Tình trạng khốn khổ đó đã làm cho xã hội trở thành một môi trường đầy dẫy vi trùng. Gia Đình Phật Tử ngoài nhiệm vụ chống đối các bất công trước mắt còn nghĩ tới việc bảo vệ thế hệ tương lai. Là một tổ chức giáo dục, Gia Đình Phật Tử nhắm vai trò gìn giữ thanh thiếu nhi tránh khỏi con đường sa đọa, vong bản. Đương nhiên, trong hiện tại, đường lối giáo dục của Gia Đình Phật Tử chưa được phổ biến sâu rộng lắm, nguyên nhân chẳng phải là vì nó không kiến hiệu mà chính vì "hoàn cảnh thê thảm trước mắt đã làm cho một số người quên mất tương lai". Gia Đình Phật Tử lo cho tương lai tất sẽ bị dèm pha là đeo đuổi ảo vọng! Phải nên hiểu rằng: một lý thuyết muốn thực hiện bao giờ cũng phải chịu "thử lửa" rất lâu. Phải đợi đến Mạnh Tử đời mới biết có Khổng Tử; đến A Dục, Phật giáo mới quảng bá; đến Lénine, Karl Marx mới có chân đứng; đến Trang TửTrang Tử, Liệt Tử, con đường siêu thoát của Lão Tử mới sáng tỏ. Như vậy, chờ đợi một chu kỳ tái hiện không phải là lý do để cho kẻ chưa thấy phải bỏ cuộc. Những điều "chưa thấy" không phải là "không thấy" được. Triết gia, bác học, thánh nhân đâu có thỏa mãn với cái "đã thấy" mà chỉ lo tìm cái "chưa thấy, không thấy" mà thôi. Xin hãy bình tâm, ánh sáng của Gia Đình Phật Tử trong xã hội sau hai mươi năm đã tinh luyện bắt đầu tỏa sáng rồi đó!

Gia Đình Phật Tử với văn hóa:

Với mục đích giáo dục, hoạt động của Gia Đình Phật Tử liên hệ mật thiết với sinh hoạt văn hóa. Trong bao năm qua, với chủ trương rõ rệt, Gia Đình Phật Tử nhất thiết loại bỏ sự có mặt của thứ văn nghệ diễm tình, trụy lạc. Đọc lại các tác phẩm văn chương của miền Nam Việt Nam ta phải nhức mắt vì một chữ tình diêm dúa, bệnh hoạn. Gia Đình Phật Tử không hề dung túng loại văn chương sực nức mùi son phấn, căm thù, máy móc, loại tiểu thuyết ca tụng những phóng túng vô trách nhiệm. Còn gì buồn bằng nghe một thiếu nhi tuổi còn giọt máu, tốc hãy còn xanh mà dám viết: "úp mặt công viên, nức nở giữa lòng thế kỷ… tốc ngả bờ vai, đời lên màu tím, ngõ về hun hút đêm thâu!" Thật là sáo ngữ, giả tạo đánh dấu sự trống rỗng của tâm hồn. Thứ đến, Gia Đình Phật Tử cũng phủ nhận sự hiện diện của loại ca nhạc hạ cấp, ca tụng những mối tình truy hoan sặc mùi "tiền chiến", những tiếng ca não ruột của người "thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xương Hậu đình hoa". Biên giả không hiểu cái hồi Chiêm Thành sắp mất nước họ ca hát ra làm sao, chứ như cái thứ văn chương, ca nhạc rầu rỉ của miền Nam bây giờ chỉ là một màu tím. Tím ngắt, tím bầm như một tử thi sắp thối tha rữa nát. Có lẽ tìm một tác phẩm không có màu tím, màu hoa đám tang ấy trong thơ văn bây giờ còn khó hơn tìm một người sống sót giữa đám tử thi ngoài chiến địa.

 



Mạnh Tử (372TCN – 289TCN) là nhà triết học Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử. Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, sinh vào đời vua Liệt Vương, nhà Chu, quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (nguồn: Wikipedia)
Khổng Tử (551TCN – 479TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á.  (nguồn: Wikipedia)
A-dục vương là Hoàng đế Ấn Độ, trị vì Đế quốc Khổng Tước (zh. 孔雀, sa. maurya, nghĩa là "con công") từ năm 273 đến 232 trước CN. Là một quân vương ủng hộ Phật giáo, ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo. (nguồn: Wikipedia)
Vladimir Ilyich Lenin (1870 – 1924) còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. (nguồn: Wikipedia)
Karl Heinrich Marx (1818 – 1883) là nhà tư tưởng người Đức gốc Do thái, và cũng là nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Ông là một học giả có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực học thuật như triết học, kinh tế chính trị học, xã hội học, sử học… (nguồn: Wikipedia)
Trang Tử (365TCN – 290TCN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu (莊周) và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Tác giả Nam Hoa Kinh của đạo giáo. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử. (nguồn: Wikipedia)
Liệt Tử là triết gia lớn thời Xuân Thu, được đặt ngang hàng với các triết gia lớn nhất thời Xuân Thu, Chiến Quốc, như Khổng Khâu, Lão Đam, Trang Chu. Ông theo tư tưởng đạo gia, nổi tiếng với tác phẩm Xung Hư Chân Kinh.
Lão Tử là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ 4 TCN, thời Bách gia chư tử và thời Chiến Quốc. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh – cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo. (nguồn: Wikipedia)
Hai câu cuối bài thơTần Hoài Dạ Bạc” của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường. Nguyên văn:
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng "Hậu đình hoa".

Tạm dịch:
Khói lồng bóng nước, cát trăng hòa

Đêm ghé Tần Hoài cạnh tửu gia

Con hát đâu hay hờn mất nước

Bên sông mãi hát “Hậu đình hoa”

Tần Hoài là tên nhánh sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang.

Hậu đình hoa: “Hoa ở sân sau”. Đây là một tập ca khúc do các cung nữ, phi tần hát của Trần Hậu chủ đời Hậu Trần, thời Nam Bắc triều .

Trần Hậu chủ (583-587) là một ông vua nổi tiếng tài tử phong lưu, cùng đám cận thần đàn đúm ăn chơi hoang dâm xa xỉ, bỏ bê dân tình cơ cực lầm than.

Hằng đêm, Trần Hậu chủ bày yến tiệc cùng mỹ nhân uống rượu tại lầu Lâm Xuân, đám cung nữ hát xướng thâu đêm, nên được gọi là Trường Dạ Ẩm. Những khúc nhạc lả lướt ấy được chép thành 3 tập là: Nghinh Xuân nhạc, Ngọc Thu và Hậu Đình Hoa. Riêng tập Hậu Đình Hoa toàn những bài bay bướm, bóng bẩy, dâm đãng.

Nhà Hậu Trần bị diệt vong, sở dĩ nước mất nhà tan cũng do khúc hát ‘Hậu Đình Hoa’ –  ủy mỵ, dâm dật. Nên về sau “Hậu Đình Hoa” dùng ám chỉ về khúc ca vong quốc.

Đỗ Mục nhân một đêm ghé thuyền trên bến Tần Hoài, gần một quán rượu. Đêm khuya, hơi sương mù như khói tỏa trên mặt nước. Bấy giờ trong quán, khách còn đang say sưa, bên cạnh gái buôn son bán phấn đem tiếng hát để mua vui. Lắng nghe giọng hát réo rắt bên kia sông đưa sang, Đỗ Mục xúc cảnh sinh tình và viết nên ‘Bạc Tần Hoài ‘

Chiêm Thành là tên gọi của vương quốc Chăm Pa (tiếng Phạn: Campanagara) trong sử sách Việt Nam từ 877 đến 1693[1]. Trước 859 Việt Nam gọi vương quốc này là Hoàn Vương. Đầu thế kỷ thứ 11, Chiêm Thành bao gồm 4 tiểu vương quốc là: Amaravati (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay, và vùng Bình – Trị – Thiên nhưng sau này bị sáp nhập vào Đại Việt), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). (nguồn: Wikipedia)


Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Tân Sửu
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 11
Kiên Giang