Thực Hành Nếp Sống Trung Đạo Của Người Phật Tử – Kỳ 4

G
THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

 -Ý Hòa đồng duyệt

-Kiến Hòa đồng giải

 

THỰC HÀNH NẾP SỐNG TRUNG ĐẠO
CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Kỳ 4:
KỶ LUẬT TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Bạn thân mến,

Hôm nay, chúng ta trao đổi với nhau về vấn đề KỶ LUẬT trong GĐPT.

Trước hết, chúng ta ôn lại một chút về bài học Kỷ Luật GĐPT mà chúng ta được tiếp thụ tại trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển :

Những đặc tính của Kỷ luật GĐPT :

1)Tôn trọng nhân vị : nghĩa là không áp đặt, không sĩ nhục, không bạo hành và phải bình đẳng

2)Tự giác : do tự nguyện đến với tổ chức, chấp nhận kỷ luật để làm lợi ích cho tổ chức nên mọi người đều tự giác trong kỷ luật

3)Kỷ luật mang tính giáo dục : do giáo dục, do huân tập điều tốt mà có kỷ luật.. cho đến những hình thức phạt kỷ luật cũng đều mang tính giáo dục chứ không nặng về trừng phạt.

4)Đặt trên căn bản tình thương : kỷ luật là “rào, dậu” để bảo vệ cho nhau theo tinh thần “Giới hòa đồng tu”, không phải đặt ra kỷ luật để trừng phạt hay trả thù nhau

5)Linh động, mềm dẻo : kỷ luật được thực hiện khế tình, khế lý, khế thời và tùy theo từng đối tượng, không cứng nhắc một chiều.

 

Trên đây là 5 đặc tính căn bản của kỷ luật GĐPT. Tùy trường hợp mà ta có thể triển khai thêm những đặc tính phụ khác để cho việc áp dụng kỷ luật thêm phần linh hoạt. Ta có thể so sánh việc áp dụng kỷ luật trong GĐPT cũng giống như việc giữ GIỚI trong bốn chúng đệ tử Phật, vì việc giữ giới trong Phật Giáo cũng mang đầy đủ năm đặc tính cơ bản nếu trên .

Trở về với thực tế trong sinh hoạt GĐPT, chúng ta tự xét xem việc thực hiện kỷ luật trong từng đơn vị, cho tới phạm vi rộng hơn là trong Ban Hướng Dẫn Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành. Trên thực tế, chúng ta thường ngả về hai cực đoan :

-Một là quá cứng rắn, vô tình

-Hai là quá lỏng lẻo, thờ ơ

 

1)Kỷ luật cứng rắn, vô tình :

Rất thường xảy ra ở các huynh trưởng trẻ, nhất là những anh chị quá nhiệt tình trong sinh hoạt. Vì muốn mọi người phải cùng với mình thực hiện một hoạt động nào đó đi đến thành công nên các anh chị này thường nôn nóng chỉ chú tâm đến thành quả công việc mà thiếu đi sự tế nhị mềm mỏng vốn có của kỷ luật GĐPT. Biểu hiện của sự cứng rắn trong áp dụng kỷ luật của huynh trưởng là thái độ giận dữ, thất vọng; lời nói gay gắt nặng nề, nhìn sự việc quá mức quan trọng; hình phạt đưa ra thường quá đáng so với lỗi lầm của cấp dưới. Hậu quả của việc làm này thường là gây sốc mạnh cho người bị phạt, có thể dẫn đến việc người bị phạt xa rời mãi mãi tổ chức Áo Lam.

Một trường hợp khác, do sự hấp tấp thiếu tế nhị của huynh trưởng, mặc dù hình phạt không nặng lắm nhưng cũng gây ra tình cảm tiêu cực nơi đoàn sinh, dẫn đến sự sụt giảm uy tín của huynh trưởng mà có thể anh (chị) ấy không bao giờ hay biết. Câu chuyện như sau :

-Trong một trò chơi nhỏ được tổ chức tại một khu du lịch, đoàn sinh được chia thành bốn đội có số người bằng nhau, chơi trò lấy muỗng múc nước chạy về đổ vào một cái ly đặt cách chỗ lấy nước 50 mét. Sau khi người chơi cuối cùng của mỗi đội đã đã về đến đích thì quản trò xem mức nước có được trong ly mỗi đội và thời gian mỗi đội hoàn thành công việc mà tính điểm. Kết quả có một đội vượt hẳn các đội kia về số lượng nước cũng như thời gian. Anh quản trò quá ngạc nhiên trước kết quả, không kịp suy nghĩ, tuyên bố trước mặt bao nhiêu đoàn sinh : “Đội này ăn gian, phải chơi lại” . Không những đội thắng bất bình, mà các đội thua và những người ngoài cuộc cũng bất bình trước câu nói quá “hồ đồ” của anh quản trò. Một vài vị khách du lịch đứng xem các em chơi nảy giờ bức xúc quá mới nói giúp cho đội thằng :”Chúng tôi thấy đội thắng chơi rất công bình, đâu có ăn gian!” Nhưng anh quản trò đã ở vào thế “Cưỡi lưng cọp”, quyết định đã đưa ra không thể rút lại được nên đành trơ mặt giữ nguyên quyết định của mình để bảo toàn cục tự ái quá lớn. Hậu quả là về sau, mỗi khi anh quản trò ấy ra điều khiển trò chơi nào cũng bị các em đoàn sinh tỏ thái độ bất hợp tác bằng cách chơi lấy lệ trong tình trạng uể oải chán chường, không biết đến bao giờ anh mới lấy lại được hình ảnh đầy thiện cảm trong mắt các em.

 

Trên thực tế, không thiếu gì những cách ra lệnh “như quân đội” xuất phát từ các huynh trưởng trẻ, thậm chí ở một vài huynh trưởng già nhưng “thiếu tu” cũng thường mắc phải. Thí dụ những câu ra lệnh như : “làm ngay cho tôi!”, “Đã nói mà không nghe lời!”, “Tôi đi một chốc trở lại, nếu chưa xong là biết tay tôi!”, “Đoàn sinh GĐPT mà sao mất dạy thế?” v.v… Đó là những câu nói rất khó nghe, nó nằm trong Giới Vọng Ngữ (Không nói lời thô ác). Mong rằng các anh chị huynh trưởng trẻ mỗi khi nói với đoàn sinh hãy cố gắng tránh những lỗi về Khẩu Nghiệp ấy.

2)Kỷ luật lỏng lẻo, thờ ơ :

Đây là một cực đoan khác trong áp dụng kỷ luật GĐPT. Khổ nỗi, tình trạng này lại thường thấy nhất ở mọi độ tuổi, mọi lúc và mọi nơi. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là:

-Sự thiếu tu dưỡng của huynh trưởng

-Sự nể nang và tâm lý sợ mất đoàn viên của các cấp lãnh đạo

Chúng ta đều nhất trí với nhau rằng kỷ luật trong GĐPT là thứ kỷ luật tự giác. Nhưng tự giác là hoa trái của một quá trình tu tập chứ không phải ai cũng có sẵn tính tự giác.  Do đó mà kỷ luật tự giác rất dễ biến thành “vô kỷ luật”. Những hình thái của sự vô kỷ luật thì rất “phong phú và đa dạng” :

*Thường thấy nhất là đi sinh hoạt thất thường. Bệnh này có cả ở huynh trưởng lẫn đoàn sinh. Người mắc bệnh này thường thiếu trách nhiệm với anh em đồng đội

*Không làm tròn vai trò , trách nhiệm huynh trưởng như : không hoàn thành nhiệm vụ được giao; không soạn giáo án khi hướng dẫn bài học cho đoàn sinh; thường đi trễ về sớm trong buổi sinh hoạt, thường tìm lý do vắng mặt các cuộc họp ban huynh trưởng hoặc các cuộc  họp Ban Hướng Dẫn …

*Tác phong bê bối luộm thuộm : Bệnh này xuất hiện ở những người có tính lười biếng, xuề xòa , thiếu tự trọng và cũng thiếu tôn trọng người khác.

Vân vân và vân vân…

Tất cả những biểu hiện trên đây đều xuất phát từ chỗ “thiếu tu” của người huynh trưởng. Thật vậy, kỷ luật tự giác đòi hỏi ở con người một sự tu dưỡng thường xuyên bằng cách tư duy, quán chiếu mọi vấn đề diễn ra hàng ngày và đối chiếu với lời Phật dạy, từ đó biến thành trí tuệ thông suốt đạo lý,  làm động lực chủ đạo cho các hành động và lời nói của mình. Mức độ tự giác của một người tỷ lệ thuận với công phu tu tập của người ấy. Vấn đề này kéo theo đòi hỏi mỗi đơn vị, mỗi tỉnh, thành cần chú trọng tổ chức thực hiện chương trình tu học cho huynh trưởng và đoàn sinh một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Xét về mặt duyên khởi, nếu chúng ta giáo dục tốt thì kết quả sẽ cho chúng ta những con người tốt , từ đó kỷ luật trong GĐPT được giữ gìn nghiêm túc;

Bằng ngược lại, nếu chúng ta chỉ trọng hình thức mà không chú ý đến hiệu quả trong việc giáo dục thì tổ chức chúng ta sẽ loay hoay mãi trong cái vòng lẩn quẩn :

thiếu tu → thiếu kỷ luật → thiếu tu

 

Về phía các cấp lãnh đạo (từ Ban Hướng Dẫn cho đến đơn vị), do nể nang và lo sợ mất đoàn viên nên thường bỏ qua các lỗi vi phạm của huynh trưởng và đoàn sinh hoặc có chăng cũng chỉ là vài lời phê bình tế nhị nhẹ nhàng, chẳng đủ sức mạnh để bắt anh chị em phạm lỗi thấy được lỗi và thực tâm sửa lỗi.  Vì thế, trong sinh hoạt GĐPT nơi nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, luôn có những đoàn viên hạng nhất nhưng cũng không thiếu những đoàn viên hạng hai, hạng ba, tức là hạng đoàn viên “kiểng” tinh thần kỷ luật và mức độ cống hiến không cao.

 

Để bảo đảm cho kỷ luật GĐPT được nghiêm minh nhằm giúp cho chất lượng sinh hoạt GĐPT được ổn định và mang lại hiệu quả giáo dục, tôi xin đề xuất các bước đi như sau :

1/Giữ vững 5 đặc tính căn bản của kỷ luật GĐPT

2/Thường xuyên tổ chức thực hiện chương trình tu học cho đoàn sinh và huynh trưởng một cách nghiêm túc, có hiệu quả

3/Đối với đoàn viên vi phạm kỷ luật dù lỗi nhỏ hay to, phải được nhắc nhở, phê bình từ nhẹ đến nặng tùy theo từng trường hợp, chứ không nên thờ ơ, né tránh bởi vì bệnh “vô kỷ luật” là một bệnh rất hay lây.

Rất mong vấn đề trao đổi hôm nay sẽ ít nhiều trở thành hiện thực trong sinh hoạt tại các đơn vị Gia Đình Phật Tử gần xa.

Chúc bạn nhiều nghị lực.

Chào Tinh Tấn

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang