Thực Hành Nếp Sống Trung Đạo Của Người Phật Tử – Kỳ 3

G
THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

 -Ý Hòa đồng duyệt

-Kiến Hòa đồng giải

 

THỰC HÀNH NẾP SỐNG TRUNG ĐẠO
CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Kỳ 3:
CẤP BẬC VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

 

Bạn thân mến,

Khởi nguyên phong trào Gia Đình Phật Tử (GĐPT), không ai nghĩ đến vấn đề cấp bậc gì cho huynh trưởng cả. Mãi đến ngày 13/3/1956, Ban trị sự Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần ra văn bản số 556/HC/TTS duyệt y danh sách huynh trưởng được xét xếp cấp lần đầu gồm :

-Cấp Dũng : anh Võ Đình Cường

-Cấp Tấn : anh Nguyễn Châu, Nguyễn Xuân Quyền, Lương Hoàng Chuẩn, Lê Văn Dũng, Lê Văn Vinh, chị Hoàng Thị Kim Cúc và chị Nguyễn Thị Út

-Cấp Tín : có 34 huynh trưởng

-Cấp Tập : có 46 huynh trưởng

(Theo “Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử” của Minh Kim)

Qua đấy cho thấy rằng, cấp bậc là một điều kiện cần thiết để cho người huynh trưởng phát huy tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện cho huynh trưởng sử dụng quyền hạn của cấp bậc trong hoạt động để đem lại hiệu quả thăng tiến tổ chức Áo Lam.

Cấp bậc chính là trách nhiệm của người huynh trưởng. Cái vinh dự khi mang cấp bậc chính là tự nhận lãnh trách nhiệm và quyền hạn mà cấp bậc giao cho. Nếu không hội đủ các điều kiện trên đây thì cấp hiệu trở thành hình thức vô nghĩa; việc xét xếp cấp cho huynh trưởng cũng chỉ là một thứ “Ân huệ” của tổ chức ban cho người được xét cấp, chứ không mang một ý nghĩa cao quý nào khác.

Nội quy Huynh trưởng GĐPT quy định các điều kiện để xét cấp gồm : tuổi đời, thâm niên, đã trúng cách bậc học và trại huấn luyện tương ứng với cấp được xét … Thực tế cho thấy, những điều kiện nêu trên là không thể thiếu trong việc xét xếp cấp, nhưng chúng chưa đủ để bảo đảm người được xếp cấp là người xứng đáng hoàn toàn với cấp bậc mang trên vai, vì thế trong xã hội mới có câu “sống lâu lên lão làng” để chỉ hạng người tuy mang cấp lớn, chức lớn, nhưng là người vô tích sự trước các đòi hỏi bức thiết đi lên và phát triển của tổ chức.

Một quan niệm sai lầm khá phổ biến trong hàng ngũ huynh trưởng chúng ta là : đi dự trại để được thăng cấp và coi đó là mục đích duy nhất. Với quan niệm như thế, trại huấn luyện sẽ mất đi nhiều ý nghĩa và tinh thần trại sinh sẽ bị lệnh lạc với quan niệm sai lầm này. Vì vậy, việc xét cấp huynh trưởng cần được Hội đồng xét xếp cấp cân nhắc kỹ càng, chứ không thể chỉ xét các điều kiện về tuổi đời, thâm niên, bậc học, trại huấn luyện… mà quyết định một cách máy móc. Người được xét cấp phải là một huynh trưởng xứng đáng về công lao đóng góp cho tổ chức, là người không bị tai tiếng về tác phong, đạo đức và lối sống cá nhân bê tha trụy lạc… Cũng nên cân nhắc, đừng để quá nhiều kẻ “Sống lâu lên lão làng” lẫn lộn với người có trách nhiệm, siêng năng cống hiến cho tổ chức Áo Lam.

 

●●●

 

Tuy nhiên, cuộc đời thật muôn mặt. Bên cạnh một số không ít người đam mê cấp bậc, thậm chí tự mua cấp hiệu về may lên vai áo để “lên mặt” với thiên hạ, thì cũng có một số ít anh chị em có tư tưởng ngược lại. Đang sinh hoạt ngon lành, đang “ăn nên làm ra” tại một đơn vị cơ sở . Vậy mà, khi Ban Hướng Dẫn Tỉnh thông báo làm sách tịch gởi lên để xét cấp, thì anh chị này không chấp hành. Có ai hỏi thì được nghe trả lời: “Tôi tự xét thấy mình chưa xứng đáng…”

Trường hợp này xảy ra thường do nguyên nhân :

-Do có bất mãn gì đó với một, hai cá nhân lãnh đạo tổ chức; Do có bất mãn gì đó trong nội bộ đơn vị; Do nghe ai đó ở đơn vị bạn nói bóng nói gió gì mình. v.v.. Từ đó, muốn chứng minh cho “ai đó” thấy rằng mình không phải là người ham hố cấp bậc: “Có cấp hay không, tôi vẫn làm tốt công việc của mình”

Trường hợp này lại là một cực đoan không phù hợp với nếp sống Trung Đạo của người huynh trưởng.  Huynh trưởng chúng ta nên hiểu rằng cấp bậc không phải là ân huệ của tổ chức ban tặng cho ai có cảm tình; cấp bậc chính là để cho người huynh trưởng có điều kiện làm tốt hơn, công hiến tốt hơn cho tổ chức; Đôi khi, cấp bậc cũng có thể hiểu như một tín hiệu trưởng thành của mỗi cá nhân trên con đường hoàn thiện nhân cách, tiến đến mục tiêu Phật tử chân chánh của người huynh trưởng GĐPTVN.

Trong GĐPT, mỗi khi cấp trên đề bạt mình lên một chức vụ mới, hay xét xếp cấp bậc mới cho mình, tức là cấp trên muốn giao thêm nhiệm vụ cho mình, muốn đòi hỏi ở mình sức cống hiến lớn hơn nữa.Vì thế, việc chấp hành quy trình xét xếp cấp do BHD đề ra còn thể hiện tính kỷ luật, gương mẫu, tuân phục… của một huynh trưởng đối với tổ chức. Việc từ chối xét cấp cho mình, đôi khi có thể gây hiểu lầm cho người khác rằng : “Anh này, chị này “chảnh””!

 

●●●

 

Trách nhiệm và quyền hạn người mang cấp cũng được ghi rõ tại các điều 11, 12, 13, 14 chương III Nội quy Huynh trưởng. Chúng tôi xin rút gọn để phù hợp với nội dung bài viết:

-Cấp Tập : nhiệm vụ chính là làm đoàn trưởng. Trách nhiệm chính là sự thịnh suy của đoàn.

-Cấp Tín : nhiệm vụ chính là làm liên đoàn trưởng. Trách nhiệm chính là sự thịnh suy của Gia đình cơ sở.

-Cấp Tấn : nhiệm vụ chính là làm trưởng, phó Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh, thành. Trách nhiệm chính là sự thịnh suy của tổ chức GĐPT tại tỉnh, thành.

-Cấp Dũng : nhiệm vụ chính là làm trưởng, phó BHD.PBGĐPT Trung ương. Trách nhiệm chính là sự thịnh suy của GĐPT Việt Nam.

Sự phân công phân nhiệm giữa các cấp như thế là hợp tình hợp lý. Thế nhưng huynh trưởng chúng ta trong nhiều trường hợp đã không chấp hành sự phân công ấy. Sự không chấp hành này đem lại hậu quả hai mặt :

-Một là, huynh trưởng cấp nhỏ đảm đương trách vụ lớn, từ đó công việc không chạy, sinh hoạt ì ạch khó phát triển. Thí dụ như : trong một đơn vị , do thiếu huynh trưởng mà một anh chị cấp Tập phải đảm đương chức liên đoàn trưởng thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì bởi với tuổi đời, với trình độ và năng lực, với kinh nghiệm của một huynh trưởng cấp Tập khó mà lãnh đạo, điều hành được một tập thể huynh trưởng dưới quyền, chưa nói đến việc đương dầu với những khó khăn đến từ nhiều phía.

-Hai là, huynh trưởng cấp lớn giữ trách vụ nhỏ, từ đó sinh ra lãng phí, Thí dụ : trong một đơn vị mà có đến 5, 6 anh chị cấp Tín đảm nhiệm các chức đoàn trưởng là rất phí phạm nhân lực.  Một đơn vị mà dư thừa huynh trưởng cấp Tín làm cho đơn vị ấy sẽ “Già” đi vì tâm lý thỏa mãn không lo thiếu huynh trưởng, từ đó, nhu cầu đào tạo lớp trẻ kế thừa không còn là bức thiết nữa. Đơn vị mà không có huynh trưởng trẻ sẽ kéo theo tình trạng thiếu vắng đoàn sinh, vì tâm lý đoàn sinh chỉ  cảm thấy gần gũi, thoải mái với các anh chị đoàn trưởng lớn hơn các em một số tuổi nhất định, trong khi các anh chị cấp Tín thường đã ở tuổi gần bằng cha mẹ các em nên khó có thể gần gũi cảm thông với các em. Tốt hơn hết là nếu cảm thấy huynh trưởng cấp Tín trong đơn vị dư thừa, các anh chị  nên phân công nhau đi thành lập đơn vị mới nơi địa bàn khác, như thế vừa góp phần phát triển tổ chức, vừa tương xứng với trách nhiệm người mang cấp Tín.

 

●●●

 

Chúng ta có thể nói rằng : cấp bậc đi đôi với trách nhiệm; cấp bậc càng cao thì trách nhiệm càng lớn và ngược lại. Do vậy, huynh trưởng chúng ta hãy an tâm làm tốt vai trò, nhiệm vụ tùy theo cấp bậc mà ta có được. Đừng ham gánh những nhiệm vụ to tát , quá sức đối với cấp bậc của mình; Một đoàn trưởng giỏi hôm nay nhất định sẽ là một liên đoàn trưởng giỏi ngày mai. Hãy học làm tốt những công việc nhỏ để tích lũy công đức cho trách nhiệm lớn mai sau. Hãy làm một người thợ giỏi trước khi trở thành ông chủ trong kinh doanh. Như thế sẽ không bao giờ bị vỡ nợ;

Nếu là huynh trưởng cấp Tín, trách nhiệm của anh chị là sự thịnh suy của đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ trong một đơn vị chỉ cần 2-3 huynh trưởng cấp Tín là vừa, vượt trên số đó là đã dư thừa. Với trách nhiệm được giao là liên đoàn trưởng một đơn vị cơ sở, các anh chị cấp Tín hãy đi tìm đất mới, sử dụng kinh nghiệm, năng lực, bản lãnh, uy tín… của mình để thành lập những đơn vị mới. Nơi miền đất mới đó, các anh chị sẽ có điều kiện phát huy hết sở trường của mình để gây dựng một “vương quốc” mang dấu ấn của riêng mình. Như vậy mới xứng đáng là huynh trưởng cấp Tín GĐPTVN.

Giá trị thật của một huynh trưởng GĐPT là ở chỗ nào ?

Bậc Đạo Sư của chúng ta đã kêu gọi các đệ tử của Ngài : “Hãy ra đi, các Tỳ khưu, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc lại cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ khưu, hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai : tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch” (Đức Phật Và Phật Pháp – Nãrada Thera – Phạm Kim Khánh dịch – NXB.TP.HCM, trang 111)

Thực hiện lời dạy của Bậc Đạo Sư, các anh chị hãy tìm đến một ngôi chùa hội đủ duyên lành, thành lập ở đó một đơn vị GĐPT và làm cho đơn vị của mình luôn sung túc, đông vui. Đó chính là giá trị đích thực của một huynh trưởng vậy !

 

●●●

 

Nói đến chuyện cấp bậc, có một điều diễn ra trong sinh hoạt GĐPT tại các tỉnh miền Tây Nam bộ gần 20 năm qua khiến nhiều huynh trưởng dở khóc dở cười : đó là tại phần lớn các tỉnh miền Tây, huynh trưởng không được Giáo hội địa phương xét xếp cấp, mặc dù không ít huynh trưởng tại đây rất xứng đáng được xét xếp cấp.

Mới đây, Ban Hướng Dẫn PBGĐPT Trung ương vừa thông báo “Sẽ lập Hội đồng xét xếp cấp cho những huynh trưởng thuộc các tỉnh miền Tây chưa thành lập Phân ban GĐPT, có đủ điều kiện nhưng chưa được xét xếp cấp trong thời gian qua” Thông báo còn cho biết việc xét cấp này sẽ cố gắng hoàn tất nội trong năm 2015.

Xin chúc mừng anh chị em huynh trưởng miền Tây trước tin vui này.

Thân ái chào bạn và hẹn gặp lại trong lá thư kỳ sau.

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 05 năm 2025
09
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Mậu Dần
Tháng Tân Tỵ
Năm Ất Tỵ
Lịch âm
12
Tháng 04
Kiên Giang