-Ý Hòa đồng duyệt
-Kiến Hòa đồng giải
Bạn thân mến,
Hôm nay, chúng ta tiếp tục bàn về Tư cách Người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Kỳ trước, chúng ta đã nói với nhau về VẺ NGOÀI của người huynh trưởng. Trong lá thư kỳ này, chúng ta tiếp tục nói về ĐỨC ĐỘ bên trong của người huynh trưởng.
Cũng theo bài học ở trại Lộc Uyển, đức độ bên trong của người huynh trưởng cần có là :
-Tình thương đối với đoàn sinh
-Hy sinh vì lý tưởng
-Kiên nhẫn trong mọi tình huống
-Trung kiên với tổ chức
-Cầu học mọi lúc mọi nơi
Đó là những đức tính người huynh trưởng cần có để hoàn thiện tư cách của mình.
Tuy nhiên, theo tôi, người huynh trưởng còn cần một đức tính vô cùng quan trọng nữa, đó là Ăn ở cho có tình có nghĩa với đồng đội. Đồng đội tôi muốn nói ở đây chính là những người Áo Lam cùng sống Lục Hòa với mình qua nhiều năm tháng, nơi địa phương tỉnh, thành từ khi mình mới bắt đầu biết mặc chiếc áo Lam, cho đến khi trở thành huynh trưởng như ngày hôm nay. Đức tính ấy, tôi xin gọi là Tình Nghĩa Áo Lam.
Khi một người bắt đầu trưởng thành thì những người chung quanh như : ông bà, cha mẹ, anh chị em, hàng xóm láng giềng, thầy cô, bạn hữu… luôn mong muốn ở nơi người ấy một điều là: ăn ở cho có tình có nghĩa. Người ấy có tài hay không, không quan trọng; người ấy đạo đức đến mức độ nào, cũng không quan trọng; miễn người ấy đối đãi với mọi người có tình có nghĩa là quan trọng nhất. Bởi vậy, đạo đức Đông Phương nói chung, Việt Nam nói riêng, rất xem trọng người có nghĩa và tội bất nhân bất nghĩa là tội nặng nhất.
Dân tộc Trung Hoa đến nay vẫn còn tôn thờ Quan Công chính là thờ cái đức “Trung cang – Nghĩa Khí” của ông ấy. Truyện Tam Quốc của nhà văn La Quán Trung mô tả tính cách nghĩa khí của Quan Vân Trường (Quan Công) như là một đức tính của người anh hùng :
Quan Công Phò Nhị Tẩu (tranh nổi)
Lưu Bị – Quan Công – Trương Phi là anh em kết nghĩa. Lưu Bị là hậu duệ nhà Hán, là chú của vua Hiến Đế đương triều. Nhà Hán đang hồi suy vi, bị thừa tướng Tào Tháo tiếm quyền, thao túng cả triều ca, chỉ chờ lúc thuận tiện là cướp ngôi. Vì thế, Lưu Bị nuôi chí nguyện đánh đổ Tào Tháo, khôi phục nhà Hán.
Ba anh em Lưu-Quan-Trương trấn thủ thành Hạ Bì. Trong một trận đánh với quân Tào Tháo, Lưu Bị thua trận chạy sang nương náu với Viên Thiệu; Trương Phi chạy lên núi làm thảo khấu. Sau đó, Tào Tháo dùng mưu dụ Quan Công đem quân ra khỏi thành rồi chiếm Hạ Bì, thúc ép Quan Công phải quy hàng. Quan Công ra ba điều kiện :
-Một, tôi quy hàng nhà Hán chứ không hàng Tào Tháo
-Hai, triều đình phải chu cấp nuôi dưỡng hai vị phu nhân của anh tôi và không cho ai bén mảng đến nơi ở của hai bà
-Ba, khi nào biết anh tôi (Lưu Bị) ở đâu thì lập tức tôi đưa hai chị tôi đi tìm anh ấy ngay mà không cần xin phép.
Tào Tháo, vì mến tài Quan Công, muốn thu phục ông nên bằng lòng. Từ đó, Quan Công cùng hai vị phu nhân của Lưu Bị về ở Hứa Đô (kinh đô nhà Hán lúc ấy). Tào Tháo dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc Quan Vân Trường như : tặng cho ngựa Xích Thố để Quan Công cưỡi, tổ chức tiệc nhỏ tiệc lớn cho Quan Công giải sầu, phong cho chức Hán Đình Hầu để hưởng bổng lộc, cung cấp cho hai mươi mỹ nữ ngày đêm hầu hạ v.v…
Một thời gian sau, có người cho biết Lưu Bị đang nương náu ở chỗ Viên Thiệu (Hà Bắc) Quan Công vội chuẩn bị xe ngựa, niêm phong tài sản, trao trả ấn tín lại cho họ Tào, rồi đưa hai chị lên đường đi tìm Lưu Bị. Trên đường đi từ Hứa Đô đến Huỳnh Hà phải qua năm ải, muốn qua được phải đánh thắng tướng giữ ải. Vì vậy, đời sau còn lưu truyền câu nói : “Quá ngũ quan, trảm lục tướng”(qua năm ải, chém sáu tướng) để nói lên cái dũng của Quan Công.
Trên đường đi, Quan Công tìm được Trương Phi, rồi cùng em phò hai chị dâu đến Hà Bắc trùng phùng với Lưu Bị.
Qua đoạn văn trên, tính cách “nghĩa khí” của Quan Công được tác giả thể hiện bằng các tình tiết sau :
-Không vì danh lợi mà quên tình nghĩa anh em
-Một mực kính trọng hai vị phu nhân của anh, không lợi dụng thời gian không có anh mà sàm sở với hai chị
-Dù thấy rõ thế lực Lưu Bị không bằng Tào Tháo, nhưng không vì thế mà giảm bớt lòng trung thành với người anh kết nghĩa.
Thời Tam Quốc có vô số tướng tài. Đừng nói đâu xa, nếu chỉ so với Triệu Tử Long thì Quan Công còn thua ở mưu trí; nếu so với Trương Phi thì Quan Công chưa chắc đã vượt qua cái oai dũng của Trương Phi; Vậy mà tại sao dân Trung Hoa tôn Quan Công lên bậc Thánh thần để thờ phụng ? Đó chẳng qua vì họ xem “Trung Cang – Nghĩa Khi” là đức độ hàng đầu của con người vậy!
Người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tại sao cần có tình nghĩa ? Bởi vì nếu không có tình nghĩa thì từng tập thể Áo Lam ở mỗi địa phương, vốn đã gặp đủ thứ khó khăn, sẽ chẳng còn có thể đứng vững trước các cơn giông tố nội bộ, nói chi đến việc phát triển của cả tổ chức GĐPT ? Sống cho có tình nghĩa chính là tiêu chí hàng đầu của người huynh trưởng trên lộ trình đào luyện để trở thành người Phật tử chân chánh. Người huynh trưởng sống thiếu tình nghĩa áo Lam sẽ giống như cây khô , nhất thời còn đứng đó, nhưng thế nào cũng có ngày ngã đổ.
Vì sao tôi đặt tầm quan trọng “Tình nghĩa Áo Lam” trong sinh hoạt GĐPT ?
Câu trả lời là : Vì GĐPT được nuôi sống bằng “Tình nghĩa” chứ không phải bằng danh lợi, địa vị, chức quyền, tiền bạc v.v…
Chúng ta hãy theo dõi cuộc đời của một đoàn viên GĐPT từ khi lần đầu mặc chiếc áo Lam cho đến ngày trưởng thành làm một huynh trưởng. Chúng ta sẽ thấy em đó chịu sự hướng dẫn, huấn luyện của biết bao anh chị huynh trưởng. Nghĩa Thầy – Trò đã xuất hiện và lớn lên theo từng năm tháng, luôn đeo sát theo em bất cứ khi nào em còn mặc chiếc áo Lam.
Khi đã đến tuổi tập sự làm huynh trưởng, anh, chị ấy vẫn không ngừng tiếp thụ những bài học do các huynh trưởng đi trước truyền lại qua các trại huấn luyện; Ngoài ra “học thầy không tày học bạn”, các anh chị còn được học nhiều thứ từ các đồng đội của mình. Nghĩa thầy trò ngày càng lớn hơn, đồng thời xuất hiện thêm “Ơn Thầy-Bạn”.
Anh, chị huynh trưởng này dần trưởng thành theo ngày tháng và lại trở thành “Huynh trưởng đi trước” tiếp tục hướng dẫn cho thế hệ đoàn viên đi sau.
Qua nhiều năm tháng làm huynh trưởng, các anh, chị luôn đặt dưới sự quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ, cất nhắc… của các anh, chị đi trước. Tóm lại, trọn cuộc đời sinh hoạt của một đoàn viên GĐPT tại một địa phương đều nằm gọn trong vòng tay đào tạo, huấn luyện, xếp cấp, cất nhắc…Nghĩa là những gì một huynh trưởng có được hôm nay đều chịu ƠN của những anh chị huynh trưởng đi trước; đồng thời các anh chị “huynh trưởng đi trước” cũng đã chịu Ơn của nhiều anh chị huynh trưởng trước đó nữa.
Tất cả đoàn viên Áo Lam trong một địa phương ví như một TỔ KIẾN khổng lố mà tất cả đều do một Kiến Chúa sinh ra, được liên kết nhau bằng một mối dây thiêng liêng chặt chẽ gọi là Tình Nghĩa Áo Lam. Nếu tình nghĩa ấy được gìn giữ , chăm chút, trân trọng và thực hành thường xuyên nơi mỗi đoàn viên thì đấy thực sự là một TỔ ẤM hạnh phúc; Ngược lại, nếu có một hay vài thành viên , vì lý do nào đó, phá vỡ mối dây thiêng liêng ấy , tự đặt mình ra khỏi cái tổ kiến ấy, trở thành kẻ ”lừa thầy phản bạn” thì lập tức sẽ diễn ra tình trạng loạn ly ngay trong tập thể ấy.
Một quốc gia, một địa phương hay một tập thể mà sự loạn ly nội bộ diễn ra hoài thì liệu quốc gia ấy, địa phương ấy, tập thể ấy có tồn tại và phát triển hay không ?
Bạn thân mến,
Tình Nghĩa Áo Lam chính là một phần quan trọng trong tư cách của người huynh trưởng GĐPT; là điều kiện quan yếu cho sự phát triển của tổ chức Áo Lam ngay nơi đơn vị mình, kế đến là tỉnh, thành mình, từ đó góp phần phát triển tổ chức GĐPTVN nói chung.
Muốn nuôi dưỡng Tình Nghĩa Áo Lam, chúng ta hãy quán chiều rằng:
-Những anh, chị trên ta là thầy ta, đã cho ta những gì ta có được ngày hôm nay
-Những đồng đội quanh ta là những người bạn để ta nương tựa khi thối chí ngã lòng.
-Đoàn sinh là những chồi non đang cần tình thương và sự vun bồi của ta , là đối tượng giúp ta thực tập hoài bảo và lý tưởng của người Áo Lam.
Quán chiếu như vậy, bạn sẽ thấy tất cả đều là quyến thuộc, đều là Người Ơn của bạn, từ đó bạn nuôi dưỡng được Tình Nghĩa với đồng đội chung quanh.
Người biết trọng tình nghĩa Áo Lam là người luôn được cấp trên thương mến, tin tưởng; được kẻ dưới kính yêu và học tập noi gương.
Thân ái chúc bạn nuôi dưỡng được Tình Nghĩa Áo Lam .
Thân chào và hẹn gặp lại bạn trong lá thư sau.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1