Cô Phật tử họ Lý không giống với các Phật tử khác. Mỗi lần lên chùa lễ Phật, cô thường ở lại rất lâu, có khi ở đến một hai ngày. Phòng khách của chùa được xây cách chánh điện một quãng. Lần nọ, đang lạy Phật trong chánh điện bỗng cô Lý nhìn thấy điệu Đức. Buổi chiều, cô gặp sư phụ trụ trì, hỏi rằng chú tiểu tội nghiệp ấy tên gì? Sư phụ lấy làm lạ, không biết làm sao mà cô này lại thấy điệu Đức tội nghiệp? Cô nói: thầy nhìn xem, y phục chú tiểu ấy cũ quá rồi. Thật ra không phải chùa nghèo đến nỗi không có tiền may y áo mới cho điệu Đức, mà bởi tại chú ấy rất nghịch ngợm, ở trong chùa trèo lên trèo xuống chỗ nọ chỗ kia, có khi còn chạy lên núi leo cây hái trái nên quần áo cứ bị rách hoài, ít khi lành lặn, báo hại thầy quản chúng phải luôn tay khâu vá cho chú. Lần này có người nói nên sư phụ bảo tôi đi tìm một cái áo mới cho điệu Đức mặc vào. Tôi vừa giúp chú thay áo, vừa căn dặn chú không nên mặc áo rách chạy rong trong chùa nữa, Phật tử nhìn thấy không hay, họ sẽ trách sư phụ không lo cho mấy chú. Chợt điệu Đức hỏi: Bà Phật tử tội nghiệp hồi sáng đó là ai vậy huynh? Tôi lấy làm lạ, không hiểu điệu Đức muốn nói ai. Đến khi truy hỏi nhiều lần tôi mới vỡ lẽ là chú ta muốn nói cô Phật tử họ Lý. Cô này rất xem trọng việc ăn mặc, quần áo lúc nào cũng láng lẫy, sợi dây chuyền vàng trên cổ xem ra rất mắc tiền. Tôi không biết điệu Đức tôi nghiệp cô ta ở chỗ nào? Điệu Đức nói: bộ đồ cô mặc tất nhiên là đẹp, nhưng cái áo lúc nào cũng bó chặt cái cổ, trông thật tội nghiệp. Điểm nhìn của người ta thật là kỳ lạ. Cùng đánh giá một sự việc, cùng nhìn từ một hướng, nhưng cái nhìn của ta có thể rơi vào một điểm nào đó, vì vậy mà cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Giống như ai đó nhìn vào bộ quần áo và sợi dây chuyền của cô Lý thì có thể họ cảm thấy tội nghiệp cho mình vì không bằng được cô. Nhưng như điệu Đức thì lại có cái nhìn khác cho nên chú lại tội nghiệp cho cái cổ của cô Lý.
Sư phụ, sau khi nghe tôi thuật lại việc này, đã bảo tôi rằng: đối với bất cứ vật gì, chúng ta không chỉ nhìn vào một điểm. Nếu dùng ưu điểm của mình để nhìn nhược điểm của người, ta sẽ dễ dàng phát sinh lòng tự kiêu; còn nếu như lấy nhược điểm của mình để xem ưu điểm của người, ta lại phát khởi lòng tự ti. Chỉ khi nhìn rõ mọi góc độ, ta mới đánh giá chính xác; lòng tự kiêu cũng như tự ti sẽ không thể xuất hiện.
Bạn thân mến, Nếu năm người mù, mỗi người chỉ sờ được một bộ phận con voi mà đã vội tin chắc rằng con voi có hình dáng như mình cảm thấy, và bài bác người kia vì người kia tả con voi không đúng ý mình; Thì câu chuyện trên đây cũng cho chúng ta một bài học tương tự như vậy về quan điểm khác nhau của mỗi người khi đối trước cùng một sự việc. Phải chăng, con người luôn mâu thuẩn nhau như vậy? Trừ khi nào nhân loại đều cùng thấm nhuần trí tuệ Phật như nhau thì mới có thể cùng nhau đồng một quan điểm.