Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 32: Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác (tt)

G

HẠNH PHÚC ĐÂU XA

             Chùa tôi không lớn cũng không nhỏ. Lớn hay nhỏ chỉ là khái niệm tương đối, bởi nếu đem chùa tôi so với tịnh xá Ngọc Vân thì chùa tôi quả là to, nhưng nếu so với chùa Bảo Quang trên núi thì chùa tôi lại nhỏ.
            Chùa tôi và chùa Bảo Quang đều tọa lạc trên núi, riêng tịnh xá Ngọc Vân thì ở ngay tại thị trấn. Đối với bậc chân tu mà nói, sống tại chốn sơn lâm hay giữa thị trấn náo nhiệt cũng chằng có gì khác nhau cả.
 
            Tịnh xá Ngọc Vân vốn bé nhỏ, nhìn từ ngoài vào, chỉ thấy cánh cổng nhỏ trước phố. Tấm biển đề tên chùa xưa cũ khiến người nhìn vào cũng đoán ra hình dáng cũ kỹ của ngôi tịnh xá. Tịnh xá Ngọc Vân chỉ có mấy phòng. Xưa kia phía sau còn có hậu viện nhưng vào những năm loạn lạc đã bị chánh quyền mượn làm nhà kho, tới nay chưa trả lại.
            Chỉ có vài Ni Sư trú tại tịnh xá này, tuổi đã lớn, muốn thu nhận đệ tử nhằm duy trì mạng mạch, nhưng chẳng ai muốn đến. Có lần, quý Ni Sư cười nói với tôi : nếu năm xưa chú là bé gái thì nay đã là đệ tử của tịnh xá Ngọc Vân rồi.
 
            Hằng năm cứ đến Hè, quý Ni Sư lại để một cái khạp nước nhỏ trước tịnh xá, bên cạnh đặt một tấm biển ghi “Nước uống miễn phí”, cạnh đó còn treo một cái ca nhỏ bằng sắt tráng men. Người qua đường khát nước có thể tự múc nước uống.
            Một ca nước lã miễn phí, có thể là chuyện nhỏ. Nhưng việc dù nhỏ mà có người làm vẫn hơn là không.
 
            Tịnh xá Ni nên việc nào cũng được làm tươm tất và chu đáo. Riêng khoản nước uống cho quý Ni trong tịnh xá cũng được thực hiện rất khéo. Người miền Nam có thói quen uống nước mưa vì nước mưa trong hơn, mát hơn, ngọt hơn tất cả các loại nước khác. Mỗi năm, cứ đến mùa mưa là quý Ni quét dọn máng xối, cọ rửa lu, mái… cho sạch. Đợi cho mưa thiệt “già” mới bắt đầu hứng nước. Trên mỗi cái lu có trải một tấm vải để lượt nước mưa cho khỏi bụi bặm. Khi các lu, mái đã đầy ắp nước mưa, quý Ni nấu nước sôi châm vào lu  để ngừa lăng quăng , sau đó cho vào mỗi lu một trái bí đao già thiệt to rồi đậy nắp lại thiệt kín. Vài tháng sau, nước trong lu đã uống được (trong thời gian lo trữ nước mưa mới thì dùng nước mưa cũ của mùa trước). Thứ nước mưa được xử lý như thế uống vào vừa mát vừa ngon ngọt không có thứ nước nào sánh bằng. (Nên nhờ rằng các lu, mái chứa nước phải được làm bằng đất nung thì nước uống mới ngon).
 
            Rất nhiều lần, tôi có dịp nhìn thấy những người lao động qua đường mồ hôi nhễ nhại, dừng chân trước tịnh xá Ngọc Vân, múc một ca nước từ cái khạp nhỏ uống một cách thỏa thích, trên gương mặt mỗi người tràn trề niềm vui. Uống nước xong, mọi người tự giác đem chiếc ca đến vòi nước máy rửa sạch rồi treo lại chỗ cũ.
            Trông thấy cảnh ấy, tôi thấm thía được niềm hạnh phúc của những người đến đây uống nước. Không những hạnh phúc vì được đã cơn khát giữa trưa hè,  mà còn hạnh phúc vì biết nghĩ đến người khác qua hành động rửa sạch chiếc ca sau khi uống.
 
            Hạnh phúc có khi chỉ là một ly nước lã.
            Hạnh phúc có khi chỉ là một việc làm nho nhỏ mang tính “Vô ngã vị tha”
 
            Chúc các bạn có những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống
            Thân chào Tinh Tấn
 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang