Lần nọ, một thí chủ còn trẻ đến chùa, dáng người không cao, hơi ốm, có vẻ dị tật, lúc đi mới thấy chân thấp chân cao như người ta thường nói: đi kiểu chấm – phẩy. Nhưng anh ta có biệt tài nói chuyện rất hay, thường bàn luận kinh điển với quý sư phụ trong chùa, thu hút cả sự chú ý của tôi và điệu Đức. Có lúc, tôi nhịn không được, đã chen vào câu chuyện của anh với quý thầy. Anh ta chú ý tôi, tìm một vài chủ đề trao đổi riêng với tôi. Quan điểm của anh rất đặc biệt, lời nói của anh đều hợp tình hợp lý. Tôi hỏi anh là cư sĩ đã bao nhiêu năm rồi? Anh ta lắc đầu, trả lời : chỉ mới tìm hiểu Phật Pháp chừng một năm trở lại thôi. Mọi người nghe anh nói đều ngạc nhiên, mới một năm mà hiểu Phật Pháp thâm sâu như vậy, sức lãnh ngộ không phải tầm thường. Anh nói, anh không phải thiên tài gì, anh mới tốt nghiệp đại học khoa ngữ văn, thành tích chỉ trung bình.
Ra trường, anh làm trong một cơ quan nhà nước, phụ trách công việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ và các cửa hàng ăn uống trên thành phố. Cũng độ này năm ngoái, anh đến kiểm tra tại một nhà hàng lớn có tiếng. Nhà hàng đó tuy lớn nhưng phòng nấu ăn không được vệ sinh lắm. Nghe báo có đoàn đến kiểm tra liền cho nhân viên quét dọn vội vàng, chỉ một loáng là nhà bếp đã sạch sẽ gọn gàng, tươm tất đâu ra đấy. Do vì mới vừa được lau quét nên nền nhà còn ướt và trơn khiến anh trong lúc tác nghiệp đã bị té ngã gãy chân, phải nằm viện rất lâu mới đi lại được, nhưng đã thành tật chân thấp chân cao suốt đời. Trong thời gian nằm viện, không đi lại được nên buồn. Thấy vậy, một người bạn đem cho anh một số sách Phật học để xem cho đỡ buồn chán. Anh mới đầu chỉ có chút thú vị, dù gì đi nữa cũng không thể làm việc gì khác, sẵn tiện nghiên cứu Phật học, ngờ đâu càng xem càng thích, càng có nhiều tâm đắc.
Sau một năm, anh đã có thể đi lại bình thường, sự nhận thức về tri thức Phật học cũng tích lũy được tương đối cao. Có thể nếu không gặp tai nạn phải ở nhà trong một năm, chưa chắc anh đã có thời gian và sức tinh chuyên tĩnh tâm nghiên cứu Phật học, nhưng chính sự cố tai nạn đã khiến anh có cơ hội tìm hiểu Phật Pháp.
Trước đây từng có một người khuyết tật hỏi tôi: nên đối diện với tình huống của mình như thế nào? Nay thì tôi sẽ trả lời người ấy rằng: Người khuyết tật nếu so sánh sức làm việc với người bình thường thì không bằng; nhưng nhờ vậy mà họ có cơ hội làm việc khác tốt hơn.
Cuộc đời rất bình đẳng, khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác liền mở ra. Có sở đoản là có sở trường. Điều chúng ta cần làm là tìm ra sở trường của chính mình để sống lạc quan hơn giữa cuộc đời này. Nhất là chúng ta phải biết tận dụng cả những thuận duyên và nghịch duyên đến với chúng ta.
Chúc bạn rút ra được bài học qua câu chuyện này Thân mến chào bạn.
Tôi còn nhớ năm ngoái, có một Phật tử quen biết với sư phụ trụ trì có nhờ sư phụ mua dùm một món quà điêu khắc bằng tre trúc vốn là đặc sản của quê chúng tôi. Món hàng mua đã lâu mà không thấy vị ấy đến nhận. Đồ vật đó được chế tác rất tinh tế. Tôi ngại để bên ngoài sẽ bị hỏng hay thất lạc nên cất vào nhà kho sau chùa. Cách đây mấy môm, vị chủ nhân cửa hàng điêu khắc tre trúc lên chùa thắp hương. Sư phụ kêu tôi đi lấy món đồ hôm trước ra cho sư phụ. Tôi vào kho, thấy đồ đạc bị vất lung tung không sao tìm được món đồ điêu khắc hôm nọ. Tôi bèn đi tìm điệu Đức đến tiếp tay.
Đi quanh một vòng mà không thấy điệu Đức, tôi lần ra trước cổng chùa tìm. Thấy điệu Đức đứng bên con đường lên chùa hình như đang quan sát cái gì đó, tôi nhẹ bước đi đến bên chú, định hù cho chú giật mình, nhưng không ngờ khi nhìn về hướng đối tượng quan sát của chú , tôi giật nẩy người vì đối tượng là một cô gái đang ngồi trên hòn đá. Sư phụ thường răn dạy chúng tôi không được nhìn phụ nữ quá lâu, nhất lại là một cô gái. Tôi đưa tay kéo áo điệu Đức, có ý bảo chú rời khỏi nơi đây, nhưng điệu Đức chẳng những không có ý rời đi mà còn đưa tay chỉ cô gái bảo tôi xem. Tôi nhìn kỹ cô gái, cô khoảng chừng 20 tuổi, cô không thấy chúng tôi, chỉ ngồi im, trong tay đang cầm một vật gì đó, miệng rù rì những gì mà chúng tôi không nghe được.
Tôi nổi máu tò mò, liền bước lại gần cô gái. Thì ra cô đang cầm trên tay một nhành hoa, miệng lặp đi lặp lại các từ: “Tha thứ”, “Không tha thứ” Cứ mỗi lần nói thì tay cô lại rứt một cánh hoa. Điệu Đức không ngăn nổi tính tò mò, buột miệng hỏi: “Cô gái ơi, cô làm cái gì vậy?” Cô gái ngước lên, vẻ mặt hơi ngạc nhiên, do dự một chốc mới trả lời: “Tôi đang hỏi hoa để tìm câu trả lời” Tôi tự hỏi: chúng ta đem vận mệnh của mình ra hỏi một cành hoa, có nên chăng? Cô gái nói: “Tôi biết hai chú là tiểu ở chùa Thiên Minh. Tôi từ xa tới đây, muốn tìm sư phụ trụ trì hỏi một câu: Ba tôi từng là một người xấu, lúc tôi còn bé ba tôi đã bị bắt vào tù, vì cớ này mà tôi bị nhiều người kỳ thị. Gần đây ông được thả ra, xin mẹ vả tôi tha thứ. Tôi cảm thấy khó nghĩ quá. Tôi muốn hỏi sư phụ có nên tha thứ cho ông ta không, nhưng khi đứng trước cửa chùa thì tôi lại chần chừ, nên quyết định dùng hình thức này.” Điệu Đức nói : Cô nè, cô tìm đáp án bằng cách này không chuẩn xác đâu. Hay là để tôi niệm chú khai quang cho cành hoa đó, rồi cô hãy tiếp tục. Nói xong, chú đón lấy bông hoa trên tay cô gái, bắt đầu niệm chú , xong trả lại cô gái. Cô cầm bông hoa, tiếp tục như trước. Đến cánh hoa cuối cùng thì trùng hợp với hai từ “Tha thứ”. Cô gái hớn hở, thở mạnh một cái như vừa trút được gánh nặng trên người.
Tôi lên mặt “thầy đời” nói với cô gái: “Sư phụ thường khuyên dạy chúng tôi, cố chấp thù hận đưa đến kết quả mất đi tình thân; Buông bỏ càng nhiều, càng được nhiều hỷ lạc” Cô gái cám ơn và từ biệt chúng tôi. Tôi kéo điệu Đức vô nhà kho tìm món đồ điêu khắc cho sư phụ. Chợt nghe tiếng cười rúc rích của điệu Đức sau lưng, tôi quay lại thì thấy điệu Đức xòe bàn tay cho tôi xem. Hóa ra trong tay chú ấy chỉ là một cánh hoa bé tí. Có sự liên quan gì giữa cánh hoa này với nụ cười đắc ý của điệu Đức?
Bạn thân mến, Cánh hoa trong bàn tay của điệu Đức có liên quan gì với nụ cười đắc ý của chú ? Bạn hãy suy gẫm và tự tìm câu trả lời nhé! Thân ái chào bạn.