Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 26: Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giac (tt)

G
             …Hôm thầy lên đường nhập học, bao hành lý nhỏ nhét đầy đồ ăn, đồ dùng và nhiều thứ lặt vặt khác. Đó là lần đầu thầy xa nhà lên thành thị. Trên suốt con đường làng dẫn ra tỉnh lộ, phụ thân thầy không ngớt dặn dò việc nọ việc kia. Thầy giận dỗi nói: Con không phải con nít, cha đừng nói tới nói lui hoài.
            Có bao nhiêu người lúc 18 tuổi không muốn thừa nhận mình là con nít? Có bao nhiêu người lúc 18 tuổi phát hiện chính mình từng ấu trĩ như vậy?
 
            Trong lớp, thầy nhỏ tuổi nhất, vì cách biệt tuổi tác nên chẳng có bạn bè gì, chớp mắt đã 3 năm trôi qua.
            Mùa hè năm đó, thầy không về nhà, nhờ người nhắn với gia đình muốn ở lại thư viện xem sách viết luận văn. Qua vài ngày, thầy bỗng thấy phụ thân mang hai túi to đứng giữa sân trường nhìn quanh quất.
            Thầy chạy xuống thang lầu đến trước mặt cha. Phụ thân thầy nói: cha chưa bao giờ lên thành phố nên muốn lên một lần cho biết.
            Thầy dẫn ông lên lầu. Ông dò hỏi tình hình sức khỏe của thầy. Thì ra việc thầy không về nghỉ hè khiến phụ thân lo lắng cho sức khỏe của thầy. Dù ở mãi trong vùng sâu mà ông cũng cố gắng lặn lội lên tận thành phố thăm thầy.
 
            Ký túc xá vào dịp hè nên phòng trống rất nhiều. Thầy bố trí cho ông ở một phòng kề bên. Tối đến, thầy mang một chiếc đèn bàn sang phòng cắm điện thắp sáng cho ông.
            Sáng hôm sau, thầy sang phòng cha, thấy bóng đèn bàn bị vỡ vụn, nghĩ rằng cha vô ý làm bể nên thầy không nói gì, chỉ ra chợ mua bóng mới về thay.
            Sáng ngày thứ hai, bóng đèn lại bể. Sợ cha áy náy nên thầy cũng không hỏi gì, lại mua một bóng khác về thay.
            Qua ngày thứ ba bóng đèn vẫn bể. Nhịn không được, thầy hỏi nguyên do. Phụ thân bảo: ông thổi hoài mà đèn không tắt nên mới lấy cây gõ cho bể, chớ đốt cả đêm thì hao dầu chịu gì nỗi.
            Thầy đã sống trên thành phố được 3 năm, quên mất cha thầy vẫn còn ở vùng sâu chưa có điện, chỉ biết thắp đèn dầu chứ chưa bao giờ biết xài đèn điện. Lúc đó thầy không kềm được cơn giận, đã to tiếng: sao cha không qua hỏi con? Phụ thân thầy không trả lời, chỉ tỏ thái độ của người biết lỗi.
 
            Hôm đưa phụ thân ra về, mãi đến khi xe sắp lăn bánh, ông mới thò đầu qua cửa sổ xe  nói to: À, còn vụ bể bóng đèn, cha muốn sang phòng con hỏi mà vì đã quá khuya , con đã ngủ nên chưa kịp hỏi, đến sáng thì lại quên mất.
            Thầy muốn nói một câu xin lỗi cha, nhưng xe đã lăn bánh. Thầy tự nhũ: Cũng không sao, một đời cha con còn nhiều cơ hội để nói.
            Nhưng thầy cũng không ngờ chỉ một câu xin lỗi mà thầy sẽ không bao giờ có cơ hội được nói với cha. Khi thầy vừa ra trường thì đất nước bước vào chiến tranh. Sau đó thầy phải vào quân đội làm nghĩa vụ công dân . Nơi quê nhà, đạn bom đã cướp mất người cha thân yêu của thầy khi thầy đang ở cách xa quê nhà cả ngàn cây số, không thể về quê để tang cha.
 
            Khi hòa bình lập lại, thầy trở lại quê nhà, thăm mộ cha đầy cỏ dại. Đứng trước người cha quá cố, thầy tức tưởi nói lời xin lỗi, nhưng liệu cha có nghe, có tha lỗi cho thầy không? Đó chính là nỗi ân hận nhất trong đời thầy đó, Minh ạ!
            Đêm đã khuya, mưa đã ngớt. Ánh trăng rằm ló dạng chênh chếch đầu song, soi rọi vào một góc phòng. Tôi nằm im lắng nghe từng giọt nước trên mái chùa rơi tí tách xuống mặt nước hồ sen như tiếng gõ nhịp của thời gian ru tôi vào giấc ngủ…
 
            Bạn thân mến,
            Nếu Bụt trong truyện cổ tích hiện ra và cho tôi một điều ước duy nhất, bạn có biết tôi sẽ ước điều gì không?
            Tôi ước được sống lại những ngày xưa thơ dại để tôi sửa chữa vô số điều sai lầm mà mình đã phạm phải.
            Nhưng làm sao có phép mầu nào đưa ta đi ngược thời gian được nhỉ? Vì vậy Đấng Đại Giác đã khuyên ta: Chớ tiếc nuối quá khứ, đừng mơ tưởng tương lai, hãy sống thật ý nghĩa ngay hiện tại.
            Câu chuyện kỳ này cho ta bài học: Đừng bao giờ xúc phạm ai để rồi chính ta phải ân hận suốt đời.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang