Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 24: Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giac (tt)

Phong Tục Ăn Thôi Nôi

            Tục Ăn Thôi Nôi đã có ở nước ta từ lâu. Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra tục này, nhưng giờ đây nhà nào có em bé sinh ra được đúng một năm thì cũng đều tổ chức lễ ăn thôi nôi.
            Lần nọ, có một nữ Phật tử đến chùa tổ chức nghi thức thôi nôi cho con trai đầu lòng. Khi trở về nhà, cô rất tự hào nói với mọi người rằng: chùa tổ chức lễ này rất linh nghiệm.. Lời cô truyền đi rất nhanh. Các gia đình có con đến kỳ thôi nôi cũng muốn lên chùa tổ chức để cầu an cho cháu bé.
            Thời gian đó, những em bé tròn một tuổi hầu như đều được cha mẹ đưa lên chùa làm lễ thôi nôi. Nghi lễ này đối với dân cư ở đây vô cùng có ý nghĩa. Mới đầu, Thầy trụ trì khuyên các Phật tử không nhất thiết tổ chức ở chùa thì mới linh nghiệm theo lời đồn, nhưng họ không để ý thiệt hơn, nhất định vào chùa làm lễ.
            Lễ thôi nôi tổ chức tại chùa cũng giống như tổ chức tại nhà, tức là cũng nấu chè xôi cúng Bà Mẹ Sanh Mẹ Độ và quan trọng hơn hết là bày các lễ phẩm như: sách, bút, một vắt xôi, vài thứ trái cây, kim chỉ, lược v.v… để các bé chọn với niềm tin nếu bé bắt đồ vật nào thì sau này cuộc đời cháu sẽ đi theo hướng đó. Lễ thôi nôi ở chùa chỉ khác với ở nhà là có các Sư tụng kinh cầu an cho bé.
            Lần đó, có ba hộ gia đình xin lên chùa làm lễ thôi nôi cho con mình. Hôm làm lễ cho các bé, trong chùa hết sức náo nhiệt. Các phòng dành cho bé bắt đồ vật chật ních người là người. Khi nghi thức bắt đồ vật bắt đầu, một bé bắt trúng trái táo, mọi người đều bảo rằng bé này lớn lên sẽ không phải lo việc ăn mặc. Tuy cha mẹ bé không hài lòng lắm nhưng cũng tạm chấp nhận. Bé khác bắt một món đồ điện khí. Mọi người bảo bé này lớn lên sẽ là một cao thủ tin học.  Cha mẹ bé mừng đến nỗi há hốc mồm.
            Bé còn lại trên giường bò tới bò lui, trước sau không chịu bắt vật gì , dù cha mẹ dụ bé bằng cách đưa hết vật này đến vật kia. Gia đình rất buồn, lo cho bé lớn lên làm việc gì cũng không xong.
            Thấy vậy, Thầy tôi an ủi họ rằng: “Đứa bé từ đầu đến cuối không chịu bắt gì cả cũng có nghĩa là đứa bé sẽ có nhiều cơ hội để nắm bắt bất cứ vật gì “
            Nghe vậy, gia đình mới an tâm ra về.
            Bàn tay cầm nắm của mỗi người luôn có hạn, muốn có được nhiều nên học cách buông bỏ tất cả.


 

 Nét Vẽ Trên Đá

            Mấy hôm nay, khi tôi và điệu Đức đi ra sau núi luôn nhìn thấy một ông lão ngồi trên hòn đá, mặt hướng về ngọn núi, lưng quay về lối đi. Tôi không hiểu ông nhìn gì, chỉ thấy ông chăm chú nhìn một vật gì đó đang cầm trong tay.
            Không ngăn được tò mò, điệu Đức bảo tôi : mình đi xem ông lão làm gì đi huynh!
            Tôi do dự : làm vậy thì phiền ông lắm, không tốt đâu.
            Đức khăng khăng : vậy thì mình đi nhẹ đừng cho ổng biết.
           Cả hai đứa rón rén đến sau lưng ông lão. Ông lão vẫn chú tâm vào công việc, không biết hai chú tiểu đứng sau lưng… Một tay cầm cây bút lông, tay kia cầm viên đá, ông đang vẽ cái gì lên đó. Điệu Đức cúi gần hơn để xem. Ông lão cảm thấy có ai đó đến gần, liền nghiêng người quay đầu nhìn lại, giật mình, đánh rơi viên đá xuống đất.
            Điệu Đức biết lỗi, khom người lượm viên đá lên cho ông, đồng thời phát hiện trước mặt ông đã có nhiều viên đá khác được ông vẽ lên đó. Chúng tôi xin phép ông cho xem những tác phẩm trên đá của ông. Ông cười, gật đầu.
            Tôi để ý thấy nét vẽ của ông không ra hình thù nào, chỉ là thuận theo vân đá có sẵn mà tô điểm thêm, tuy vậy tôi vẫn thấy những viên đá được tô điểm càng thêm đẹp.
            Ông lão cho biết: tôi làm việc trên tỉnh, nhân dịp được nghỉ phép nên đến thị trấn này chơi vài hôm. Trong lúc dạo chơi trên núi, thấy các viên đá ở đây rất đẹp nên tô điểm thêm cho vui. Ngày mai tôi về trên tỉnh, nếu hai chú thích thì tôi xin tặng vài viên làm kỷ niệm.
            Chúng tôi vui vẻ chọn lấy mỗi đứa vài ba viên, khoanh tay cảm ơn ông rồi cùng nhau chạy nhanh về chùa. Đến chùa, chúng tôi chưng bày các viên đá rải rác trên chánh điện.
 
            Khách hành hương đến chùa thường bình luận này nọ về các viên đá. Người thích thì nói : các nét vẽ trên đá thật thần kỳ. Người không ưa thì bảo: mấy cục đá này chẳng biết vẽ cái gì!. Có người còn nói : mấy viên đá này chẳng qua là đồ chơi của các chú tiểu trong chùa.
            Tôi suy nghĩ : Có mấy viên đá mà cũng sinh ra lắm điều bình phẩm. Trong ba nhóm người trên đây với ba nhận định khác nhau, tôi thật không biết nhóm nào là đúng.
            Sư phụ tôi thường nói : Chúng ta không nên dùng nhiều thời gian cho việc bình luận việc tốt-xấu, thiện-ác. Vì lý giải của chính mình cũng chưa chắc đã chính xác.
 
Thân chúc bạn có nhiều suy gẫm hay để ứng dụng vào đời TU của mình và truyền đạt lại cho đàn em Áo Lam.
Hẹn bạn thư sau. Thân mến chào bạn.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.