KỲ 22 : Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác “Tất cả pháp đều là Phật Pháp”
Bạn thân mến, Ngài Huệ Năng, tổ thứ VI Thiền tông Trung Hoa, trong Kinh Pháp Bảo Đàn có viết :
Phật pháp tại thế gian Bất ly thế gian giác Ly thế mích bồ đề Kháp như tầm thố giác.
Nghĩa là: Người đời thường nghĩ Phật pháp là chuyện trên trời dưới biển, xa vời đâu đâu, không có thực tế, hoặc chỉ dành cho Phật tử hay người tu trong chùa mà thôi. Không ngờ rằng: Phật pháp tràn đầy ngay tại thế gian này, ngay trước mắt, trong đời sống hàng ngày, áp dụng bình đẳng, đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt Phật tử hay không Phật tử. Nếu sống cách ly thế gian, con người không thể giác ngộ chân lý, cho nên không giải thoát phiền não khổ đau được. Ai xa lìa thế gian để mong cầu sự giác ngộ tức là làm một việc không tưởng, tỉ như đi tìm một con thỏ có sừng vậy!
Tư tưởng nêu trên của Lục Tổ được quý Thầy giảng sư ngày nay tóm gọn: “Tất cả pháp đều là Phật Pháp”. Đây là hệ tư tưởng phóng khoáng, sâu sắc của Phật Giáo Đại Thừa, cho thấy Đạo Phật không hề rời xa đời sống thế gian. Ngày nay, Phật Giáo Việt Nam ứng dụng tinh thần Phật pháp bất ly thế gian giác vào mọi pháp môn tu, làm cho Đạo Phật ngày càng gần gũi với cuộc sống hơn; Phật pháp được ứng dụng rộng rãi hơn và giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống nhân loại hơn, đem lại lợi ích thiết thực hơn cho con người; Trả lời được câu hỏi :Phật Giáo đem lại lợi ích gì cho thế gian này mà ngày xưa vua A Xà Thế đẫ chất vấn Đức Phật (Kinh Sa Môn Quả) Trong phạm vi lá thư này, tôi xin chia sẻ với các bạn huynh trưởng trẻ về sự ứng dụng tinh thần Phật pháp bất ly thế gian giác vào dường lối tu tập của chúng ta.
Bạn thân mến, Phật tử chúng ta không ít người đã và đang làm cái việc “di tìm sừng thỏ” này. Bởi vậy mà có người rất siêng năng đi chùa tụng kinh, nhưng càng tụng nhiều kinh thì càng quên bổn phận gia đình, khiến cho hạnh phúc đội nón ra đi. Hoặc như có người rất tích cực làm từ thiện bên ngoài, nhưng bà con họ hàng trong nhà đói khổ cần sự giúp đỡ thì họ làm ngơ. Hoặc như có người rất siêng năng mua chim mua cá phóng sinh, nhưng thường ngày hay ngược đãi người ăn kẻ ở và hung dữ với hàng xóm láng giềng v.v… Bởi vậy, dân gian ta từ xưa đã lưu truyền nhiều câu ca dao tục ngữ cũng như nhiều mẩu chuyện dân gian nhằm mục đích nhắc nhở hạng người này. Thí dụ như: Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới là chân tu hoặc: Thứ nhất là tu tại gia, Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Hay như mẩu chuyện “Tìm Phật” sau đây: –Một chàng thanh niên bỏ cả đời đi tìm Phật để cầu đạo giải thoát. Sau nhiều năm lặn lội đi tìm, từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu đã hoa râm. Nghe đồn trên núi Tản Viên gần đây xuất hiện thánh nhân, anh liền trèo non vượt suối đến tận nơi. Tưởng rằng phen này chắc cầu được đạo, không ngờ vị thánh nhân ẩn sĩ bào với anh: “Hiện nay có một vị Phật vừa ra đời cứu độ chúng sanh tại nơi con ở. Vậy con hãy trở về nhà ngay hôm nay để tìm gặp vị ấy mà cầu đạo” Anh hỏi: làm sao để nhận ra vị Phật ấy? Vị ẩn sĩ đáp: Người nào mặc áo trái, mang dép ngược con gặp đầu tiên ngay khi về đến nhà thì đó chính là vị Phật ấy. Trải qua nhiều dặm đường gian khó, anh về đến nhà vào một đêm trăng sáng vằng vặc. Người mẹ, sau nhiều năm tháng trông ngóng con, nay nghe tiếng con gọi cửa, bà mừng rỡ, vội vàng, hấp tấp đến nỗi mặc lộn chiếc áo trái; chân cẳng luống cuống đến nỗi mang ngược đôi dép mà ra mở cửa đón con. Trông thấy mẹ mình mặc áo trái, mang dép ngược vồn vả, cuống quít, rung rung ra cửa đón mình, chàng thanh niên vô cùng xúc động, anh ôm chầm lấy mẹ mà khóc mùi mẫn như chưa bao giờ được khóc. Từ đó, anh hiểu một cách sâu sắc rằng: Mẹ cha ta mới chính là vị Phật gần gũi nhất mà ta cần tôn thờ.
Bạn thân mến, Trong tinh thần“Phật Pháp bất ly thế gian giác”, vào nhiều lá thư sắp tới đây, tôi sẽ gởi đến bạn những mẩu chuyện ngắn chứa những đạo lý hết sức đơn giản, dễ tu mà có thể do vì chúng ta trước đây rắp tâm tìm kiếm Phật Pháp cao xa đâu đâu mà không để ý đến Thế Gian Pháp rất gần gũi với ta trong cuộc sống thường ngày. Thân chúc bạn luôn hài lòng với những công việc hằng ngày. Mến chào bạn.