Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 18: Tu Trong Gia Đình Phật Tử

G

TU TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

              Bạn thân mến!          
            Trong thực tế của nghề huynh trưởng, đôi khi chúng ta chứng kiến cảnh một vài anh tranh cãi nhau đến “đỏ mặt tía tai”, vỗ bàn xô ghế… thiếu điều xông vào ấu đả nhau. Chứng kiến cảnh ấy, người bàng quan thường lắc đầu chê : “Thiếu Tu !”
            Trường hợp khác , một chị huynh trưởng nào đó khi gặp chuyện bất như ý, liền buông xuôi bỏ mặc đàn em,  giã biệt luôn Gia đình. Người biết chuyện cũng sẽ chê chị ấy thiếu tu.
            Hoặc có những anh chị tuy sinh hoạt trong Gia đình mà thiếu ý thức kỷ luật, thường tự ý hành động, tùy tiện trong suy nghĩ và việc làm, xem thường người trên kẻ dưới… Anh chị đó cũng bị chê là thiếu tu
            Hay như có  huynh trưởng kém về tác phong, lời ăn tiếng nói sỗ sàng bị mọi người xa lánh. Người như vậy cũng bị chê là thiếu tu.  V.v…    
            Nói tóm lại, khi một huynh trưởng GĐPT kém cỏi về tư cách, tác phong, lời nói, việc làm … ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đẹp của người huynh trưởng thì thường bị chê là thiếu tu.
 
            Một huynh trưởng GĐPT thiếu tu thường đem lại những hậu quả xấu cho sinh hoạt của đơn vị, khiến cho đơn vị sinh hoạt ì ạch, không khá lên được, đồng thời còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Áo Lam. Tình trạng thiếu tu của huynh trưởng thuộc loại khó khăn trở ngại “nội tại” của mỗi đơn vị GĐPT.
            Vì vậy, muốn vượt qua trở ngại này, huynh trưởng GĐPT chúng ta phải TU.
            -Tu để có đủ khả năng dìu dắt đàn em           
            -Tu để làm tấm gương “thân giáo” cho đoàn sinh;
            -Tu để đóng góp vào sự lớn mạnh của đơn vị;
            -Tu để chu toàn bổn phận trong gia đình;
            -Tu để làm người công dân tốt ngoài xã hội;
            -Tu để hoàn thiện nhân cách, tiến tới mục tiêu trở thành người Phật tử chân chính;
            -Tu để đủ sức đi trọn con đường Bồ Tát Đạo.
 
            Bạn thân mến,
             Với tư cách là người đi trước, tôi xin mách nhỏ với bạn một số đức tính mà huynh trưởng chúng ta cần dụng công tu tập để trở thành người huynh trưởng mẫu mực của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
 
            1)Tính kỷ luật và tuân phục : Hãy cố gắng đừng bao giờ đến trễ về sơm trong một buổi sinh hoạt – Trong buổi sinh hoạt hãy chấp hành nghiêm giờ giấc – Hãy nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đừng nên so bì với người khác – Đừng bao giờ tự tiện làm những điều gì không nằm trong chương trình, kế hoạch chung của đơn vị, hoặc chưa thông qua ý kiến ban huynh trưởng – Hãy nắm rõ chức năng nhiệm vụ của mình, đừng giẫm chân lên chức năng nhiệm vụ người khác (trừ trường hợp giúp đỡ bạn) – Chấp hành tất cả những quy định về nội quy kỷ luật của Gia đình – Tuân phục cấp lãnh đạo trên mình, nếu cấp trên ra quyết định sai, bạn hãy nhỏ nhẹ từ tốn góp ý – Đoàn phục luôn nghiêm chỉnh theo đúng Nội quy GĐPT: đoàn phục may đúng màu, đúng kiểu; đeo đầy đủ huy hiệu, cấp hiệu, phù hiệu chức vụ, bảng tên; nhớ đội nón Tứ Ân và mang giày có vớ – Tóc tai gọn gàng  – Không đeo nữ trang rườm rà lòe loẹt như để khoe của.
 
            2)Tính khiêm hạ và bao dung:  Hãy tôn trọng mọi người, đừng bao giờ xem mình là “nhất thiên hạ” – Hãy lắng nghe ý kiến mọi người, sẵn sàng chấp nhận nếu ý kiến mình không được tập thể tán thành – Không giận dỗi bỏ cuộc khi ý kiến của mình không được số đông chấp nhận – Người có trí tuệ thường nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình ngay khi người khác vừa chỉ ra, vì thế người trí tuệ không bảo thủ cố chấp, sẵn sáng chấp nhận lẽ phải đứng về phía người – Hãy nhớ rằng chỉ có những kẻ ngu si hẹp hòi mới luôn bảo thủ, cố chấp
– Đối với chư Tăng, Ni ta phải nhất mực cung kính, đừng bao giờ nhìn vào khuyết điểm của Tăng, Ni mà sinh lòng bất kính – Đối với cấp dưới thì nên rộng lượng bao dung, đừng ỷ lớn hiếp đáp kẻ dưới. Loại người có tính “thượng đội hạ đạp” thường là kẻ tiểu nhân hạ tiện, mọi người luôn tránh xa – Ngoài ra cũng đừng vì danh vì lợi mà phạm vào tội “lừa thầy phản bạn” sẽ bị người đời liệt vào hạng ‘trùng sư tử”.    
 
            3)Tính khát khao cầu học : Phải biết khát khao cầu học mọi lúc mọi nơi – Đừng an phận thỏa mãn với những kiến thức mình học được ở trại huấn luyện hay trong chương trình tu học của huynh trưởng – Hãy thường xuyên tìm tòi học hỏi ở thật nhiều sách vở bằng cách mua, mượn hay đọc tại thư viện tất cả các môn học có liên quan đến nghề huynh trưởng – Hãy cố gắng đọc thật nhiều sách Phật học để thấm nhuần lời Phật dạy – Mỗi người cần có một quyển sổ luôn đem theo bên mình để ghi chép mọi điều học được để làm vốn cho nghề huynh trưởng – Khi đi trại họp bạn, khi giao lưu với đoàn thể bạn… hãy để ý học hỏi những điều mới mẻ nơi bạn như : bài hát, trò chơi, mật thư, tiếng reo v.v… để làm giàu thêm hành trang của mình – Hãy tìm tòi học hỏi những kỹ năng hiện đại như : vi tính, chơi đàn, học múa, học hát v.v…. để có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.  Người huynh trưởng muốn tăng trưởng Trí Tuệ thì không còn cách nào khác hơn là phải khát khao cầu học.
Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện TU ở lá thư sau.
Thân chúc bạn tu có kết quả.
Mến chào bạn.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang