Bạn thân mến!
Trong lá thư trước, chúng ta vừa chia sẻ với nhau về hạnh Nhẫn Nhục.
Nhẫn Nhục là một trong sáu hạnh nguyện của bậc Bồ Tát. Sáu hạnh đó là : 1)Bố thí – 2)Trì giới – 3)Nhẫn nhục – 4)Tinh tấn – 5)Thiền định – 6)Trí tuệ.
Sáu hạnh nguyện trên đây gọi chung là Lục Độ.
Khi học bài Lục Độ, chúng ta được Quý Thầy giáo thọ dạy rằng: Lục Độ là hạnh nguyện của hàng Đại Thừa Bồ Tát suốt đời xả thân vì chúng sanh. Quý Thầy còn dạy thêm: Đại thừa nghĩa là chiếc xe lớn chở được nhiều người. Ý nói người tu theo Đại thừa không tu riêng cho mình, mà lấy việc phụng sự chúng sanh làm kết quả tu tập. Tu như vậy gọi là Bồ Tát Hạnh hay Bồ Tát Đạo.
Theo Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Bồ Tát Hạnh xuất hiện tại quê hương của Phật vào khoảng 500 năm sau khi Phật nhập diệt với sự ra đời của Kinh Hoa Nghiêm do Ngài Mã Minh trước tác. Tiếp đó là sự xuất hiện của bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín do Ngài Long Thọ trước tác cùng nhiều tác phẩm Đại thừa Phật Giáo của các luận sư nổi tiếng khác . Phật Giáo Đại thừa với hệ thống tư tưởng phóng khoáng, sâu sắc, vi diệu khởi nguyên từ đó.
Chúng ta nhớ rằng trong các buổi lễ phát nguyện thọ cấp của huynh trưởng GĐPT , anh chị em chúng ta mở đầu buổi lễ bằng nghi thức tụng Bài Tựa Chú Lăng Nghiêm , trong đó có câu phát nguyện của Ngài A Nan trước Đức Phật rằng :
…”Kính thỉnh Đức Thế Tôn chứng minh
Con thề tình nguyện vào đời đầy nhơ bẩn và tội ác này
để cứu độ chúng sanh
Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật
Thì con nguyện không chứng đạo quả Niết Bàn”…
Huynh trưởng chúng ta không dám tự ví mình như Ngài A Nan, nhưng chính chúng ta đang tập tành đi theo con đường đầy gian khó nhưng cao quý mà Ngài An Nan đã vạch ra. Nói cách khác, huynh trưởng GĐPT chúng ta đang thực hành Bồ Tát Hạnh, mặc dù chúng ta chỉ bằng một phần triệu các Ngài.
Bạn thân mến,
Chúng ta không dám nhận mình đã phát đại nguyện Bồ Tát. Nhưng, những gì mà tôi và bạn đang từng ngày cực khổ đeo đuổi dường như có chút gì đó giông giống với việc Bố thí không vì danh, không vì lợi cho mình. Phải chăng chúng ta đang vô tình “đi nhầm” vào con đường của hạnh nguyện Bồ Tát ?
Hãy thử nghĩ lại xem : chúng ta vì cái gì mà vào tổ chức GĐPT ? Vì cái gì mà nhận lấy trách nhiệm người huynh trưởng ?
-Lợi dưỡng chăng ? –Hoàn toàn không ! Ngược lại, chúng ta còn đem thời gian,công sức và tiền của để hỗ trợ cho các hoạt động GĐPT
-Danh vọng chăng ? Cũng không hề ! Trái lại chúng ta phải hết sức khiêm hạ với mọi người để giữ cho tổ chức Áo Lam được tồn tại và phát triển.
Sau gần 60 năm mặc chiếc Áo Lam, đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc sau đây : Không hiểu điều gì đã xui khiến tôi gắn bó suốt đời với GĐPT trong khi GĐPT không đem lại cho tôi tiền tài, danh vọng, địa vị nào cả… mà chỉ có gian khổ, nhọc nhằn, mồ hôi và cả nước mắt ?
Sau nhiều năm trăn trở, thắc mắc với điều trên, giờ đây tôi tạm đành lòng với suy nghĩ sau đây : Đấy là do Chư Bồ Tát đã chấm tên mình làm “đầy tớ” cho các Ngài. Vì vậy dù có cực khổ cách mấy mình cũng phải ráng mà làm cho hết cuộc đời để trả ơn trong muôn một đối với Tam Bảo đã cho mình một nền giáo lý vi diệu để sống ở đời này.
Bạn ơi,
Nảy giờ nói những điều trên đây , tôi sợ có người cho rằng tôi đang kể công, tự mãn, tự đề cao huynh trưởng GĐPT một cách quá đáng v.v…
Thực ra, tôi buộc phải nói những điều dễ khiến người hiểu lầm như trên là nhằm mục đích :
-Một là, giúp bạn thấy rõ ý nghĩa công việc chúng ta đang làm để từ đó càng thêm tinh tấn, không vì khó khăn mà thối chuyển
-Hai là, giúp cho những ai chưa hiểu về GĐPT, đánh giá sai vai trò người huynh trưởng GĐPT có thêm hiểu biết về công việc chúng ta đang theo đuổi hằng ngày mà phát tâm đồng thuận, tin tưởng và hỗ trợ.
Huynh trưởng chúng ta là CÂY CẦU bắc qua con rạch nhỏ để đưa các em đến với Đạo Pháp. Dù chúng ta chỉ là những CÂY CẦU KHỈ RUNG RINH ỌP ẸP, nhưng hơn 70 năm qua, cây cầu ấy đã đưa biết bao trẻ thơ đến với Đạo Phật để bổ sung vào hàng ngũ những Phật tử chân chính cho Phật Giáo Việt Nam; làm cho cội đại thụ PGVN sum suê những chồi non tươi mát, góp phần xóa bỏ hình ảnh lỗi thời tồn tại lâu đời trong dân gian qua câu thành ngữ:
Trẻ vui nhà, già vui chùa
Để thay bằng câu ca dao sau đây :
Thân chúc bạn vững vàng tiến xa trên con đường Bồ Tát Hạnh.
Thân ái chào bạn!