Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ Kỳ 16: Nhẫn Nhục

G

Nhẫn Nhục

            Bạn thân mến,
            Làm huynh trưởng GĐPT là cả một lộ trình rèn luyện nhân cách lâu bền kể từ khi phát nguyện bước vào nghề cho đến khi trút hơi thở cuối cùng từ giã cuộc đời.
            Lúc mới bước vào hàng ngũ Áo Lam, ngay lập tức chúng ta học lấy hạnh siêng năng, cầu tiến qua hai khẩu hiệu TINH TẤN!TIẾN !
           Trong nghi thức lễ Phật trên chánh điện, chúng ta hứa trước Đức Phật thực hành Năm Điều Luật (cũng là Năm Giới của Phật tử tại gia) tức là tu tập Năm Hạnh: Trí tuệ, Từ Bi, Tinh Tấn, Hỷ Xả và Thanh Tịnh để trang nghiêm nhân cách người huynh trưởng, làm tấm gương “Thân giáo” cho đàn em noi theo.
            Chiếc huy hiệu Hoa Sen, biểu tượng của tổ chức GĐPT, cũng nhắc nhở chúng ta từng ngày từng giờ dừng quên trau dồi nhân cách qua Năm Hạnh.
           Tuy nhiên, có một hạnh mà chúng tôi thấy rất cần thiết trong nghề huynh trưởng nhưng trong chương trình tu học hiện nay chúng ta chưa đặt nặng để giáo dục cho người huynh trưởng GĐPT. Đó là Hạnh Nhẫn Nhục. Trong lá thư kỳ này, chúng ta cùng tìm hiểu về Hạnh Nhẫn Nhục, bạn nhé!
            Trong quyển Phật Pháp GĐPT do Quý Thầy Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm đồng biên soạn, bậc Chánh Thiện có bài Lục Độ, trong đó định nghĩa hạnh Nhẫn Nhục như sau:
            Nhẫn nhục là an nhẫn trước mọi hoàn cảnh, nghĩa là đối trước mọi cảnh thuận hay nghịch, khen hay chê, thành công hay thất bại mà tâm trí vẫn bình tĩnh, không bi quan trước nghịch cảnh, không lạc quan trước thuận cảnh.
            Cũng trong bài ấy ghi rằng: Nhẫn nhục có 4 loại:
            1) Khi thành công được người khen mà không kiêu căng tự mãn, gọi là Thuận sanh Nhẫn
            2) Khi thất bại hay bị người chê bai, chửi mắng mà không bi quan, giận dữ, gọi là Nghịch sanh Nhẫn
            3) Khi bị các loại phiền não, tham sân dày vò mà tâm vẫn an nhiên, không bị chúng sai khiến, gọi là Nội pháp Nhẫn.
            4) Khi bị đói rét, lạnh nóng bên ngoài tấn công cơ thể mà vẫn không than phiền, gọi là Ngoại pháp Nhẫn.
 
            Bạn thân mến,
            Vì sao lá thư này tôi hướng sự chú ý của bạn tới hạnh Nhẫn Nhục?
          Câu trả lời là: trong Năm Hạnh nêu trên đều là mục tiêu cho chúng ta hướng đến lâu dài. Nhưng trước mắt nếu chúng ta không tu tập hạnh Nhẫn Nhục ngay bây giờ thì có khả năng những khó khăn chướng ngại cùng những phiền não nẩy sinh trong sinh hoạt GĐPT sẽ khiến bạn dễ dàng từ bỏ chiếc Áo Lam. Mà một khi bạn đã rời xa cuộc đời Áo Lam thì đâu còn cơ hội để bạn tu tập Năm Hạnh kia nữa. Vì vậy, từ hôm nay bạn hãy hướng sự tu tập về hạnh Nhẫn Nhục, cũng như một kỹ sư trước khi xây dựng ngôi nhà tráng lệ thì trước tiên hãy lo làm cái nền nhà cho chắc chắn đã.
            Trong lá thư 15, tôi có nói về Đại Đức Thích Tâm Mẫn với cuộc hành hương “Nhất bộ nhất bái” về đất tổ Trúc Lâm Yên Tử. Bạn thấy đấy, nếu không có sức Nhẫn Nhục tuyệt vời làm sao Thầy có thể vượt qua trăm ngàn chướng ngại để đạt đến mục đích của cuộc hành trình ?
            Đạo Phật chúng ta đầy rẫy những tấm gương về hạnh Nhẫn Nhục. Như Ngài Huyền Trang (có chỗ đọc là Huyền Tráng) xưa kia vì mục đích tìm cầu Phật Pháp mà đã không quản ngại nguy hiểm, cực khổ, thậm chí có thể hy sinh cả thân mạng, vượt hàng vạn cây số sang đất Phật học đạo và thỉnh Kinh mang về Trung Quốc. Ngài là một tấm gương vĩ đại về hạnh Nhẫn Nhục mà chúng ta cần học hỏi.
            Trong cuộc đời làm huynh trưởng, chính tôi cũng đã nhiều phen suýt rời bỏ chiếc Áo Lam chỉ vì thiếu Nhẫn Nhục. May mắn là vào những lúc ấy bỗng có thiện tri thức hiện đến khuyên bảo, hoặc một sự việc ngẫu nhiên nào đó đưa đến giúp tôi trụ lại mà không bỏ cuộc nửa chừng.
            Nếu bạn đã chọn nghề huynh trưởng GĐPT như một niềm vui, hoặc như một lý tưởng trong cuộc sống thì tôi khuyên bạn cố gắng tu tập hạnh Nhẫn Nhục thường xuyên bằng cách như sau:
            1-Bạn hãy thường xuyên tự nhủ: “Tất cả những gì tôi làm cho GĐPT đều để cúng dường Chư Phật chớ không phải làm cho tôi”. Bạn luôn tâm niệm như vậy trong mọi công việc thì tự nhiên sức chịu đựng của bạn sẽ tăng lên; Việc làm có thất bại bạn cũng không quá buồn mà có thành công thì bạn cũng không tự mãn lắm.
            2- Khi gặp khó khăn trở ngại, bạn hãy xem những thứ ấy như là thử thách mà Phật và chư Bồ Tát muốn thử lòng trung kiên, ý chí và nghị lực của bạn. Bạn hãy cầu nguyện với Phật và chư Bồ Tát hộ trì cho bạn vượt qua thử thách này.  
            3-Bạn hãy đọc nhiều lần lịch sử Đức Phật Thích Ca và tiểu sử các bậc thánh nhân để thấy rằng tất cả các bậc Thánh trên đời này muốn thành công đều phải vượt qua muôn ngàn khó khăn gian khổ. Thành công sẽ không đến với những ai lười biếng, thiếu kiên nhẫn và nghị lực.
            Thân chúc bạn tu tập thành công Hạnh Nhẫn Nhục!

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2025
07
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ hai
Ngày Đinh Sửu
Tháng Quý Mùi
Năm Ất Tỵ
Lịch âm
13
Tháng 06
Kiên Giang