Thế nhưng, những thảm họa trên chỉ là bèo bọt không đủ làm phai nhạt bản sắc truyền thống tiềm tàng của dân tộc. Cơ sở xã hội Việt Nam xây dựng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, luân lý Nho giáo. Biến thái của kinh tế nông nghiệp là chế độ tôn quân, phụ quyền. Chế độ ấy đặt trọng tâm ở nông thôn hơn là thành thị. Từ quan niệm trọng sĩ khinh nông, Nho giáo đã phải ứng dụng một khuôn khổ luân lý vô cùng khắc nghiệt. Trai thì tam cương ngũ thường, gái thì tứ đức tam tòng. Nền luân lý ấy dù đã tạo cho đất nước biết bao anh hùng liệt nữ, nhưng đồng thời cũng giết chết tất cả mọi tinh thần phóng khoáng tự do. Nhà nho đã cho tất cả các kinh sách của các tôn giáo khác, các triết thuyết của bách gia chư tử là ngoại thư. Và cũng do quan niệm hẹp hòi ấy, tổ chức xã hội đặt đơn vị ở làng, một khuôn khổ chứa đầy cố chấp, ích kỷ, hủ tục. Với ý nghĩa tôn quân, Nho giáo đã được chính quyền phong kiến đưa lên địa vị độc tôn để dùng làm lợi khí bảo vệ ngai vàng và khống chế mọi nguồn tư tưởng khác. Tuy nhiên ý thức hệ ấy không thỏa mãn được nhu yếu giải thoát của những tinh thần phóng dật. Cho nên, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy đa số nho sĩ uyên thâm đều nghiên cứu học thuyết vô vi của Lão Trang để giải tỏa những triền phược do luân lý Nho gia đem tới. Xét về lý thuyết thì hai học thuyết trên mâu thuẫn đậm. Tính cách đối nghịch quá rõ ràng, không dung hợp được. Chính giữa sự mâu thuẫn ấy, Phật giáo đã thỏa mãn được sự bế tắc. Ở mỗi làng, cái Đình chỉ là nơi hội họp của các Hương chức. Văn chỉ là nơi thờ cúng riêng biệt của các thầy khóa, thầy đồ, các vị khoa bảng trong làng. Duy chỉ có ngôi chùa là nơi tập trung mọi quy ngưỡng quá khứ (cầu siêu, cúng giỗ), hiện tại (công cuộc chẩn tế) và tương lai (vào Hậu) của mọi lớp người. Đối với một dân tộc nông nghiệp thì ước vọng tinh thần, siêu hình bao giờ cũng quan trọng hơn vật chất. Trên sự kiện, ta không thể chối bỏ công năng tuyệt diệu ấy của Phật giáo trong ưu thế hòa đồng.
Đến khi tiếng súng đồng của Tây phương xuyên thủng màn "bế môn tỏa cảng" của ta vào cuối thế kỷ trước, đưa vào ngọn gió văn minh cơ giới thì cơ sở tổ chức xã hội xây dựng trên nền tảng Nho giáo sụp đổ. Các sử liệu, văn liệu nói về sự thất bại của hàng ngũ nho sĩ tích cực đối kháng đã chứng thực điều đó. Nền luân lý cũ đã sụp đổ. Sụp đổ trong tâm trạng đau xót của người dân mất nước, trong tâm trạng chán chường của nho sĩ, của thế hệ thanh niên vô lý tưởng. Có ai chủ trì rằng có cuộc xung đột giữa hai nền luân lý mới, luân lý cũ trong buổi giao thời thì biên giả xin thưa là đã hơi vội vàng. Thử hỏi : Từ cuối thế kỷ 19, từ thời Pháp thuộc tới nay đã có một nền luân lý mới chưa?
Phải chăng cái "chủ nghĩa quốc gia" do Phạm Quỳnh chắp nhặt các học thuyết luân lý Hy-La để phục vụ cho âm mưu "Pháp-Việt đề huề" là hệ thống luân lý mới? Phải chăng những tư trào dân chủ do các nho sĩ tiến bộ trong Đông Kinh Nghĩa Thục đề xướng là luân lý mới? Phải chăng "cá nhân chủ nghĩa" thể hiện trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là chân tướng của nền luân lý mới? Và phải chăng các sắc luật bảo vệ luân lý, giải trí lành mạnh, bộ luật gia đình của Ngô-chế là lối mở cho luân lý mới? Phải công nhận, sau Nho giáo, ta chưa hề có một nền tảng luân lý mới. Đừng vội tưởng lầm chúng tôi sẽ cổ động cho việc thành lập hội bảo vệ Nho giáo. Một nền luân lý đã lỗi thời, đã trái với sinh hoạt xã hội thì không thể tồn tại và cũng không nên phục hưng. Nếu ta quan niệm đạo đức là bản tính Thiện của con người muôn nơi, muôn thuở thì Đạo Đức là ánh sáng của tâm hồn. Ánh sáng ấy có thể bị vô minh che lấp, nhưng nếu được giáo dục, tu hành thì có thể bừng sáng như cũ. Nếu không quan niệm như thế thì sự giác ngộ không thể nào có được. Phật dạy: "Mỗi người đều có Phật tính". Ta có thể hiểu thêm: "Phật tính là đạo đức. Đạo đức là Phật tính". Nếu trong tiềm thức, bản thể không bao hàm chủng tử để tự giác thì sự giác ngộ không thể có được, cũng như ta không thể châm lửa cho cây đèn không dầu. Đạo đức là vĩnh cửu và phổ quát. Trái lại luân lý chỉ là trật tự thiết lập trên nghi lễ, phong tục, tập quán của những thời đại, những xã hội nhất định để thể hiện đạo đức. Chính đó, luân lý đông, tây, kim, cổ đều khác biệt và có khi chống đối. Một khi nền luân lý đã lỗi thời mà ta vẫn cố gắng "bảo vệ" hay bắt buộc mọi người phải theo là vô hình dung xúi dục người ta sống thời đạo đức giả, phản chân lý.
Xã hội Tây phương duy lý, được xây dựng trên biến thái của kinh tế. Kinh tế chỉ đạo mọi biến tướng của xã hội. Nền kỷ nghệ cơ giới, nhờ khoa học phát triển đã là nguyên nhân tạo thành cuộc cách mệnh 1789. Tinh thần thực nghiệm chối bỏ mọi thực hữu siêu hình. Sự mâu thuẫn giữa nhà thờ với cách mệnh, giữa kinh viện với thực nghiệm thật trầm trọng. Ngày nay, trong khi triết học chủ nghiệm đui dần về duy vật thì nhà thờ cũng phải thay đổi nhiều giáo điều chủ yếu. Thế mà khi sự phục hưng chưa thấy đâu thì thuyết Hiện sinh vô thần đã xuất hiện, rồi bỏ mặc cho các nhà văn lợi dụng, biến hóa thành một thứ chủ nghĩa trác táng, bi đát, cô độc.
Cuộc khủng hoảng của văn minh Tây phương hiện đại bắt nguồn từ đó. Ở nước ta, hình thái luân lý biểu thị sự gắn bó của hai nền văn minh đại đồng Trung-Ấn. Triết học nhập thế Nho giáo, xuất thế Đạo giáo không còn phù hợp với xã hội hiện tại.
Mớ lý thuyết ấy chỉ còn có mỗi một giá trị dĩ vãng. Bây giờ ai cũng thấy rõ luân lý Nho giáo đã sụp đổ trong luyến tiếc và thở dài. Nhưng nếu có người bài bác thì lập tức bị chống đối. Tuy nhiên chống đối mà không duy trì nổi là tiêu cực. Bài bác mà không đề nghị được một hệ thống luân lý mới thì cũng chỉ là phá hoại. Công cuộc thiết lập luân lý không dung dị. Giữa luân lý, xã hội và tín ngưỡng có sự liên hệ mật thiết. Nói như Emmanuel Kant: "Luân lý bắt nguồn từ siêu hình". Luân lý phải phù hợp với thực trạng xã hội, phải phản chiếu nhu yếu thời đại, phải thỏa mãn thân phận con người và nhất là phải đúng với chân lý. Như thế chỉ có tôn giáo mới là nền tảng vững vàng của đạo đức, trái với bản tính nhân loại. Luân lý Nho giáo há chẳng là bề mặt của đạo "trung hòa". Luân lý Cơ Đốc há không dựa vào thuyết định mệnh, vào ơn cứu rỗi? Vậy thì Phật giáo đã có một nền luân lý chăng?
Cơn khủng hoảng trầm trọng nhất của ta hiện tại là thiếu một nền tảng luân lý. Vì thế một khi pháp luật đã thành công cụ của thiểu số, một khi dư luận chưa phân minh, từ trên chí dưới mới tha hồ rong rở; mọi tình cảm mới bị đổi chác; mọi lý tưởng mới bị mua bán, mọi nhiệm vụ mới bị chối bỏ một cách thản nhiên!
Thế nhưng, cuộc vùng dậy của Phật giáo trong giai đoạn vừa qua đã biểu lộ ánh sáng Đạo Đức cá nhân đã bừng cháy rực rỡ dưới ngọn đuốc Thích Quảng Đức. Đạo đức tỏ bày, đòi hỏi một hệ thống luân lý để giữ gìn.
Gia Đình Phật Tử, trong tiêu chuẩn giáo dục khi lấy hai tiếng Gia Đình làm đơn vị sinh hoạt, căn bản đã chối từ nền luân lý lạc hậu và dự tính một con đường:
Dựa vào đường lối, tổ chức lý thuyết, sinh hoạt thường xuyên, từ khước hai quan niệm giáo dục xung khắc : lấy cá nhân cải tạo xã hội của Nho giáo theo thứ tự Tu, Tề, Trị, Bình hay lật đổ xã hội cố hữu để nặn ra mẫu người mới như chủ trương của phái xã hội chủ nghĩa.
Đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, tạo một ý thức hệ sâu thẳm cho thần trí và hồn tính dân tộc.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1