I- Vài nét về Gia đình phật tử từ ngày thành lập đến nay:
Gia Đình Phật Tử (GĐPT) ra đời từ năm 1940, là sản phẩm của phong trào Chấn hưng Phật Giáo Việt Nam (1930 – 1945). Mục đích của tổ chức GĐPT từ ngày thành lập đến nay vẫn không thay đổi, đó là: “Đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành người Phật tử chân chính, góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo” Suốt hơn 70 năm hoạt động, GĐPT là nơi cung cấp nhiều bậc cao tăng thạc đức cho Phật Giáo Việt Nam, điển hình như Cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Cố HT Thích Đạt Đạo cùng rất nhiều bậc tôn túc khác . GĐPT cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ cư sĩ hộ đạo thuần thành, điển hình như quý cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Lê Cao Phan cùng rất nhiều cư sĩ khác có mặt đều khắp đất nước. Đoàn viên GĐPT luôn sát cánh hộ trì Tam Bảo dù phải hy sinh tính mạng cũng không ngại ngùng. Một hình ảnh đoàn sinh Quách Thị Trang ngày nào ngã xuống trước Chợ Bến Thành (Sài Gòn) vì đấu tranh bảo vệ Phật Giáo vẫn còn hiện diện trong tâm trí mọi người con Phật hôm nay. Cạnh đó còn có chư huynh trưởng Thánh Tử Đạo như: Đào Thị Yến Phi, Nguyễn Thị Vân v.v… kẻ trước người sau đã hy sinh để bảo vệ Phật Giáo Việt Nam.
Năm 1964, trong một lần đến thăm Việt Nam, một vị cao tăng người Tích Lan là Hòa thượng Tiến sĩ Narada Mahathéra đã nhận xét về tổ chức GĐPT như sau: “Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thiếu nhi quan trọng và có sắc thái độc đáo; có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật tại Việt Nam. Tại các nước Phật Giáo trên thế giới chưa có một tổ chức thiếu nhi nào đông đảo và có tổ chức khéo léo như thế” (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang- NXB Lá Bối 1973) Cũng theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, trước năm 1975, tổ chức GĐPT có hơn 200.000 đoàn viên sinh hoạt từ Quảng Trị đến Cà Mau. Bên cạnh GĐPT, Giáo Hội thời ấy cũng có thành lập nhiều tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật Giáo khác như: Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử, Thanh niên Phật tử, Sinh viên Phật tử… Nhưng sau năm 1975, các tổ chức ấy đã tan biến không còn để lại dấu vết nào. (Điều này cho thấy, ngoài GĐPT, các tổ chức thanh thiếu nhi khác do Giáo hội lập ra từ trước đến nay đều không thành công)
Riêng đoàn viên GĐPT, dù trong những năm khó khăn nhất của Phật Giáo, nhưng ngọn lửa màu Lam vẫn cháy âm ỉ trong tim các anh chị. Lý tưởng GĐPT vẫn nhen nhóm trong tâm hồn mỗi người, thúc đẩy anh chị em luôn trung thành với Đạo Pháp. Trong khi nhiều người khác vì cuộc sống cơ cực hoặc vì sợ hãi mà không dám tới chùa thì đoàn viên GĐPT vẫn âm thầm bám trụ nơi cửa Phật để hộ trì Tam Bảo, chia sẻ những giờ phút khó khăn và giúp đỡ Tăng, Ni vượt qua những ngày tháng u ám. Chính sự hiếu thuận đối với Tam Bảo của hằng vạn đoàn viên Áo Lam cả nước đã khiến cảm động đất trời và lòng người để rồi đưa đến kết quả Giáo hội PGVN công nhận và cho phép GĐPT được sinh hoạt lại sau hơn 20 năm vắng bóng.
Từ khi được cho phép sinh hoạt lại đến nay, GĐPT không ngừng phát triển. Xin đơn cử một vài số liệu để chứng minh: -Năm 1997 tại 13 tỉnh, thành trong cả nước có 650 đơn vị GĐPT sinh hoạt với 5.409 huynh trưởng và 44.407 đoàn sinh (theo báo cáo tại Đại hội PGVN lần IV) -Năm 2003 tại 21 tỉnh, thành trong cả nước có 819 đơn vị GĐPT sinh hoạt với 5.825 huynh trưởng và 59.675 đoàn sinh -Năm 2004 tại 23 tỉnh, thành trong cả nước có 825 đơn vị GĐPT sinh hoạt với 7.526 huynh trưởng và 60.630 đoàn sinh -Năm 2008 tại 25 tỉnh, thành trong cả nước có 924 đơn vị GĐPT sinh hoạt với 7.959 huynh trưởng và 61.522 đoàn sinh -Năm 2013 tại 32 tỉnh, thành trong cả nước có 1.033 đơn vị GĐPT sinh hoạt với 9.324 huynh trưởng và 63.183 đoàn sinh -Cũng theo thống kê của Phân ban GĐPT Trung ương thì tính đến cuối năm 2013 tại miền Bắc hiện có 5 tỉnh là Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên và Vĩnh Phúc đã có tổng cộng 17 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt. Qua các số liệu trên cho ta thấy mức phát triển từng năm của sinh hoạt GĐPT không ngừng tăng trưởng cả về số lượng lẫn địa bản sinh hoạt.
II- Phương pháp và kết quả giáo dục của Gia Đình Phật Tử:
Nền giáo dục GĐPT chú trọng thực chất, thiên về chiều sâu, không mang tình phô trương hình thức, không đòi hỏi những loại hình hoạt động tốn kém nhưng mang lại kết quả thiết thực. Việc giáo dục trong GĐPT đòi hỏi yếu tố bền bĩ kiên trì, đôi khi thầm lặng nhưng tràn đầy tình cảm thân thương giữa huynh trưởng và đoàn sinh. Nền giáo dục GĐPT nhắm tới mục đích tối hậu là đào luyện đoàn viên qua nhiều năm tháng, dần dần hình thành cốt cách người Phật tử chân chánh. Người Phật tử chân chánh trước hết là người thông thạo nhiều kỹ năng sống; là một thành viên đầy đủ bổn phận trong gia đình; là người công dân gương mẫu ngoài xã hội; là người Phật tử hiểu rõ giá trị và biết áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày để đạt sự an lạc ngay trong đời sống này; là người hộ trì Tam Bảo một cách trung thành dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Phương pháp giáo dục GĐPT dựa trên nền tảng Tình thương . Trên nền tảng đó chúng ta xây dựng bốn phương pháp được áp dụng tùy theo độ tuổi, giới tính và thời gian đi sinh hoạt của đoàn viên. Bốn phương pháp giáo dục đó là : 1)Phương pháp huân tập (là tập những thói quen tốt mỗi ngày một ít cho đến khi thuần thục) 2)Phương pháp lý giải ( là dùng trí tuệ hiểu biết để phân tách một vấn đề cho rõ ràng nhằm tìm ra đạo lý của sự việc, sự vật quanh ta) 3)Phương pháp hoạt động (là thực tập làm những việc thiện phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh của mỗi người nhằm mang lại lợi ích cho tha nhân) 4)Phương pháp quán niệm (tức áp dụng thiền định vào đời sống người cư sĩ. Ngày nay, đoàn viên GĐPT đang thực hành Chánh Niệm theo phương pháp Thiền Tứ Niệm Xứ do Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện hướng dẫn qua tác phẩm “Tìm Vào Thực Tại” )
Phương tiện : Để thu hút giới trẻ và để đạt được kết quả giáo dục, GĐPT chọn những phương tiện giáo dục sau đây : 1)Về hình thức : GĐPT sinh hoạt theo hình thức của tổ chức Hướng Đạo Sinh quốc tế (Scout) vốn là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi tiên tiến trên thế giới . 2) Về nội dung : GĐPT lấy Lời Phật dạy làm nội dung giáo dục chính. Bên cạnh đó , chúng ta cũng vay mượn từ Hướng Đạo Sinh những môn học về hoạt động thanh niên như : Gút dây, Phương hường, Truyền tin, Mật thư, Ước đạt, Cứu thương, Trò chơi, Văn nghệ v.v… Những môn học này nhằm đào luyện kỹ năng sống theo tinh thần Ngũ Minh Pháp của Phật Gíao và làm phát triển nhiều đức tính tốt cho đoàn viên. Đặc biệt, bộ môn âm nhạc GĐPT đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc Phật Giáo rất nhiều ca khúc hay trong những năm 1940 – 1975, khi mà các nhạc sĩ ngoài đời rất ít sáng tác ca khúc về Phật Giáo. Ngày nay, với phong trào ca khúc Phật Giáo nở rộ, âm nhạc GĐPT càng có điều kiện để phát triển rực rỡ hơn.
Kết quả giáo dục của GĐPT là rất rõ ràng. Chưa vội nói đến những kết quả về đời sống tâm linh lâu dài, chỉ cần lấy một sự việc cụ thể được ghi lại trong sách Kỷ Yếu 50 Năm Gia Đình Phật Tử Kiên Giang, chúng ta thấy rằng nền giáo dục của GĐPT mang lại kết quả vượt trội so với các tổ chức thanh thiếu nhi khác cùng thời.
Chuyện được chính người trong cuộc kể lại như sau : “…Tôi còn nhớ mùa hè năm 1974, Ty Thanh Niên tỉnh Kiên Giang tổ chức Trại Họp Bạn tại Sân vận động thị xã Rạch Giá, quy tụ các đoàn thể thanh thiếu nhi đang sinh hoạt trong tỉnh Kiên Giang như : Gia Đình Phật Tử, Học Sinh Phật tử, Thanh Sinh Công, Hướng Đạo Việt Nam, Hướng Đạo Quân Đội, Thanh Niên Hồng Thập Tự, Thanh niên Việt Võ Đạo v.v…tất cả gần 10 đoàn thể. Trong 3 ngày trại, ban tổ chức đề ra 13 cuộc thi bao gồm : kỹ thuật trại, trò chơi lớn, trò chơi nhỏ, kỷ luật, gút dây, truyền tin, phương hướng, cứu thương, gia chánh, biểu diễn văn nghệ v.v…Kết quả GĐPT chiếm trọn 12/13 giải nhất ở tất cả cuộc thi”(Diệu Thiện Trần Thế Mỹ – sđd)
Qua sự việc này cho chúng ta thấy nền giáo dục GĐPT đem lại kết quả ngay trong hiện tại, chứ không đợi đến nhiều năm sau. III- Gia Đình Phật Tử qua nhận định của những người hiểu biết, có cảm tình:
Chưa có một tổ chức nào không hề đem lại cho người tham gia địa vị, quyền lợi, danh vọng và tiền bạc mà lại không ngừng phát triển như GĐPT ; Chưa có một tổ chức nào mà người tham gia phải đem tiền bạc, thời gian, sức khỏe, đôi khi cả tính mạng của mình ra cống hiến mà vẫn vui sướng tự hào. Tuy hết sức vất vả cơ cực mà vẫn trung kiên theo đuổi đến trọn đời như đoàn viên GĐPT đối với tổ chức mình; GĐPT là một tổ chức tiến bộ nhất của giới cư sĩ trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam và thế giới; GĐPT là điển hình cho một Đạo Phật tích cực nhập thế, tràn đầy lý tưởng phục vụ nhân sinh. GĐPT là nơi hữu hiệu nhất để đào luyện cho PGVN những người cư sĩ Phật tử chân chánh đúng nghĩa. Người đoàn viên GĐPT là người mang lý tưởng truyền bá Phật Pháp trong đời sống xã hội theo cách riêng của người cư sĩ. Các anh chị, ngoài việc mưu sinh để tự nuôi sống bản thân và làm tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội, còn tự nguyện gánh vác thêm công việc hoằng pháp để chu toàn bổn phận của người Phật tử là tri ân và thù ân đối với Tam Bảo. Hiện nay, nếu thống kê hết tất cả đoàn viên GĐPT trong cả nước, bao gồm : -Cựu đoàn viên qua các thời kỳ -Đoàn viên đang sinh hoạt trong lòng GHPGVN -Đoàn viên đang sinh hoạt tại các chùa mà do điều kiện khách quan không thể thống kê hết… …thì con số có thể không dưới nửa triệu người, trong đó có không ít người đã xuất gia, hiện là Chư Tôn giáo phẩm của Phật Giáo Việt Nam. Lực lượng Người Áo Lam này đang từng ngày từng giờ sát cánh bên Giáo hội các cấp để hộ trì Đạo Pháp, đóng góp nhân tài vật lực nhắm phát huy Đạo Phật tại Việt Nam, góp phần truyền bá Chánh Pháp trong đời sống xã hội. Chúng ta nên nhớ, con số đoàn viên này không ngừng gia tăng theo thời gian và theo những thuận duyên mà tổ chức Áo Lam có được.
Kết luận : Gia Đình Phật Tử là một vốn quý của PGVN. Giáo hội nên hỗ trợ bằng mọi cách để duy trì và phát triển tổ chức này.
IV-Những khó khăn, thử thách đối diện với Gia Đình Phật Tử :
Thử thách đầu tiên là sự vất vả. Vì mỗi đoàn viên GĐPT vừa phải chu toàn bổn phận trong gia đình, vừa phải mưu sinh kiếm sống, lại vừa phải đầu tư tâm huyết vào sinh hoạt GĐPT. Trong khi những người khác dùng thời gian rảnh rỗi để nhậu nhẹt hay giải trí bằng nhiều cách, thì đoàn viên GĐPT dùng thời gian rảnh của mình cặm cụi phục vụ cho sinh hoạt GĐPT. Bất kể trời nắng hay mưa, người đoàn viên GĐPT luôn bị thôi thúc bởi một sức mạnh bí mật bắt phải đến chùa sinh hoạt đúng giờ, nếu không đi thì đầu óc cứ bị ray rứt suốt bảy ngày sau đó.
Thừ thách thứ hai là kinh tế. Rất nhiều đoàn viên bị khó khăn về kinh tế mà buông tay rơi rụng nửa đường, hoặc phải tạm ngưng sinh hoạt một thời gian, đợi khi kinh tế ổn định mới có thể đi sinh hoạt lại . Hoặc vì lo công việc làm ăn quá mà lơ đểnh sinh hoạt, bị tập thể phê bình hoài cũng khổ lắm. Chi phí cho mọi hoạt động thường ngày trong Gia Đình chỉ dựa vào sự đòng góp của đoàn viên. Người cấp nhỏ đóng góp ít, người cấp càng cao thì càng đóng góp nhiều. Gặp việc cần chi phí nhiều hơn thì xin Thầy trụ trì hoặc xin Giáo hội địa phương hỗ trợ, nhưng xin được hay không; đủ hay thiếu thì còn tùy… duyên!
Thử thách thứ ba là thiếu sự đồng cảm của một bộ phận người chung quanh. Thí dụ có những ý kiến phản bác GĐPT như : -Đi sinh hoạt GĐPT thì lợi lộc gì ! Ăn cơm nhà đi vác ngà voi hàng tổng ! -Già đầu rồi mà còn ham vui ! Tuần nào cũng đi tụ tập với đám con nít ! -Sinh hoạt GĐPT hả ? Không ! ồn ào lắm ! Thầy cần thanh tịnh để tu ! -GĐPT chẳng đem lợi gì cho chùa mà còn mất công và phiền phức nữa ! -Đoàn sinh GĐPT thiếu tôn trọng chư Tăng ! -Nhìn “mấy đứa nó” sinh hoạt mà phát chán, muốn giải tán cho rồi ! -Coi chừng “tụi nó” làm chính trị đó ! -Văn vân … Còn khá nhiều lời chê bai theo kiểu “nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất” dành cho GĐPT mà chúng tôi không thể kể hết ra đây.
Bởi sinh hoạt GĐPT phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như trên nên chúng ta không lạ gì khi chứng kiến cảnh sinh hoạt buồn tẻ, đìu hiu ở đơn vị này hay đơn vị nọ… Nhưng không phải tất cả các đơn vị GĐPT đều chịu thua trước khó khăn như thế, rất nhiều đơn vị, với sự bảo trợ của vị trụ trì có trí tuệ, đã tháo gở khó khăn, vượt qua thử thách, vươn lên trở thành những đơn vị sinh hoạt có chất lượng. Những đơn vị này mới là hình ảnh đích thực của sinh hoạt GĐPT , là mẫu mực của tổ chức Áo Lam mà trên 32 tỉnh thành hiện nay nơi nào cũng có. (Điều này chứng tỏ: sinh hoạt GĐPT là sự nghiệp của người cư sĩ, nhưng nếu không được sự đồng thuận và bảo trợ của Quý Thầy là không thể thành công)
Bước vào sinh hoạt GĐPT là bước vào một môi trường đầy khó khăn với nhiều thử thách đối với lòng trung kiên của người đoàn viên. Nhưng tại sao biết khó khăn mà vẫn lao vào ? Đó là vì lòng mến Đạo quá nồng nàn và vì nhiệt tình mong muốn Phật Pháp lan truyền khắp thế gian quá mạnh mà hết thế hệ này đến thế hệ khác chấp nhận gian nan thử thách, đeo lên ngực chiếc huy hiệu Sen Trắng với tâm nguyện tu học để trở thành người Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội.
Những người đã lăn lộn nhiều năm với gian truân, khổ ải của sinh hoạt GĐPT đều nhất quán rằng : chính môi trường sinh hoạt đầy khó khăn, nhiều thử thách của GĐPT đã làm cho người đoàn viên Áo Lam được nên người và càng cực khổ bao nhiêu thì càng trưởng thành hơn bấy nhiêu.
Nói giả dụ, nếu một ngày nào đó, tất cả huynh trưởng GĐPT đều hưởng lương từ Giáo hội, huynh trưởng cấp bậc càng cao thì chức vụ càng cao, lương bổng càng cao; đi công tác xa thì có công tác phí; tất cả mọi hoạt động đều được cấp kinh phí v.v… thì chắc chắn đó sẽ là ngày Gia Đình Phật Tử bị tiêu diệt . Vẫn biết chúng ta cần có tiền để tổ chức thực hiện các mặt sinh hoạt GĐPT, nhưng chúng ta phải nên dè dặt, cân nhắc với những thứ bổng lộc “từ trên trời rơi xuống”, vì nó sẽ đốt cháy tất cả tinh hoa của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà các bậc tiền nhân đã dày công xây đắp và để lại cho chúng ta kế thừa.
V-Gia Đình Phật Tử đã đến lúc lỗi thời?
Gần đây, có ý kiến cho rằng sinh hoạt GĐPT đã lỗi thời. Thật ra, ý này không mới, nó đã xuất hiện từ lâu nơi những người không thích GĐPT. Nhưng sở dĩ gần đây nó rộ lên là vì thuận theo xu thế của đời sống xã hội ngày nay, đó là xu thế sống thực dụng và lối sống Ăn xổi ở thì của một tầng lớp người trẻ thời nay. Ai là người có đủ tư cách để trả lời cho ý kiến trên? Đó chính là Chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo ngành Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN Đó chính là Chư Tôn Thiền Đức đã từng là đoàn viên GĐPT Đó chính là Chư Tăng, Ni và Phật tử từng hiểu biết và có cảm tình với GĐPT Và quan trọng hơn cả, đó chính là lực lượng hàng trăm ngàn anh chị em Áo Lam đang sinh hoạt từ Bắc chí Nam hiện nay. Câu trả lời của chúng ta chính là việc làm của chúng ta hằng giờ hằng ngày nhằm: -Thể hiện những giá trị truyền thống của tổ chức GĐPT Việt Nam -Phát triển tổ chức Áo Lam cả về lượng cũng như về chất -Tinh tấn trong mọi mặt sinh hoạt để đưa Gia Đình trở thành hình ảnh mẫu mực của tổ chức GĐPTVN. -Đoàn kết trên dưới một lòng để tạo sức mạnh không gì lay chuyển nổi. -Giữ vững tinh thần Người Áo Lam để không bị một quan điểm nào hay một thế lực nào sai sử. Tóm lại, chỉ có bằng việc làm cụ thể của toàn thể anh chị em đoàn viên GĐPT chúng ta nhằm đưa tổ chức Áo Lam phát triển mọi mặt là câu trả lời thiết thực và mạnh mẽ nhất trước ý kiến cho rằng Gia Đình Phật Tử đã lỗi thời !