Từ nhiều năm nay phần đông Huynh trưởng đều cao tuổi. Thành viên các cấp hướng dẫn cồng kềnh, nhiều chức danh đặt để nghe rất nặng ký nhưng thực chất đa số hữu danh vô thực. Các khóa trại huấn luyện từ thấp đến cao đều mang tính hình thức giữ truyền thống, chất lượng không đạt yêu cầu. Không ít Huynh Trưởng âm thầm rút lui vì “lực bất tòng tâm” -một số tìm phương “giữ gìn lý tưởng” hợp tình (biết rằng thất lý) -một số viện cớ bận sinh kế -một số vì khía cạnh khách quan nội, ngoại tại…Nhưng “dù cho vật đổi sao dời, tình Lam chân chính muôn đời không phai”. Hàng ngũ cựu áo lam rất phong phú, dồi dào là một thực thể khách quan.
Nhằm góp phần hỗ trợ nghị lực triển khai sinh hoạt cựu áo Lam. Anh Chị Em đoàn viên Gia Đình Phật Tử thâm niên cần suy nghiêm:
1. Tư duy đúng đắn đường lối Gia Đình Phật Tử:
Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục lựa giáo lý Phật đà làm nền tảng chứ không phải là một sự tô điểm cho Giáo hội (Sứ mệnh Gia Đình Phật Tử, trang 20). Gia Đình Phật Tử sinh ra và lớn lên trong thời đại văn minh khoa hoc hiện đại, tất nhiên là một pháp môn tu Phật khoa học hiện đại. Mục đích Gia Đình Phật Tử là đào tạo Phật tử chân chính. Phật tử chân chính là gì? (Phật: giác, tử: con người, chân: không giả, chính: không sai sự thật). Phật tử chân chính là người giác ngộ chân lý. Giác ngộ chân lý để chi ? Giác ngộ chân lý để tinh cần sống đúng chân lý, sống hợp chân lý nhằm thọ hưởng an vui tự tại giải thoát trên cuộc đời, tạo nhân cho quả lai sinh. Người giác ngộ chân lý không nhất thiết phải là một tín đồ đạo Phật. Hướng đạo sinh, thanh thiếu nhi khác tín ngưỡng hoặc không theo tôn giáo nào…mà ái mộ sinh hoạt Gia Đình Phật Tử thì Gia Đình Phật Tử luôn sẵn sàng tạo điều kiện đón nhận. Và, không buộc Anh Chị Em đó phải quy y theo nghi lễ Phật tử thuần thành(1). Chí hướng này cần lô-gic ý nghĩa 5 Điều luât:
– Điều 1: Phật tử: người giác ngộ, quy y: trở về tự tánh thanh tịnh vốn có (nhứt thể Tam bảo), giữ giới: giữ lời hứa tuân thủ hướng dẫn của tập thể Huynh trưởng, chứ không phải giữ giới là giữ ngũ giới của Phật tử thuần thành.
– Điều 5:… đường đạo: đường giác ngộ chân lý (Phật tử chân chính), chứ không phải đường đến “đạo Phật dân gian hóa”. Con đường tương lai của Gia Đình Phật Tử là xây dựng một thế hệ Phật giáo đồ mới khác với lớp “đạo hữu” hiện tại (Sứ mệnh Gia Đình Phật Tử, trang 61)
Hành hoạt xuyên suốt tinh thần này thì mới sáng tỏ ý nghĩa giáo dục Gia Đình Phật Tử ; phần nào tiếp nối chí hướng của những Tiền bối yêu nước uyên thâm triết lý Phật học, thiết lập Ba châm ngôn và Năm Điều luật thay vì Tam quy ngũ giới sặc mùi “Tôn giáo phong kiến”(Đoàn Phật học đức dục). Nếu Gia Đình Phật Tử không biết “tự thương mình” (thiện ý của thầy Thích Thiện Duyên), tự hiểu mình, mà cứ xuôi dòng trôi theo xu thế thị trường hóa thì oan phí cho sự dấn thân cống hiến của Anh Chị Em Huynh Trưởng trước đây hiện tại và mai sau.
Chắc hẳn, phần nào còn giữ được “Con đường Gia Đình Phật Tử đang đi tới là thống nhất và độc lập. Độc lập không có nghĩa là phân ly với Giáo hội mà chỉ giữ đúng vị trí, đúng danh dự của mình”(Sứ mệnh Gia Đình Phật Tử, trang 50) mà Đại hội GH kỳ IV (1997) đã tách bạch trong hàng Phật tử tại gia có hai thành phần: Cư sĩ Phật tử và Gia Đình Phật Tử. Giáo hội PG là cơ cấu tổ chức để điều hợp các pháp môn tu Phật đồng thuận một bản Hiến Chương nhằm thống nhất ý chí và hành động, chứ không phải là cơ quan lãnh đạo các pháp môn tu Phật. Đến nay vẫn còn nhiều pháp môn tu Phật hợp pháp không gia nhập Giáo hội như Tịnh độ Cư sĩ, Phật giáo Hòa Hảo, Tam tông miếu, Bửu sơn kỳ hương… Nhắc chỗ này để Anh Chị Em Huynh Trưởng đừng quá thần tượng hóa GH mà có lúc tự làm xáo trộn đường lối Gia Đình Phật Tử (đã xảy ra ngoài Giáo hội hợp pháp).
Một số Huynh Trưởng không chịu khó suy tư, cứ hời hợt giữa Phật tử chân chính và Phật tử thuần thành, giữa “điều hợp” và “lãnh đạo”, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn đào tạo Phật tử chân chính để trờ thành Phật tử thuần thành! Hà tất, có một số Huynh Trưởng đã thọ cấp cao mà còn quy y “Thọ mai gia lễ”. Cưới gã, làm nhà, khai trương…phải phục tùng “Thầy phù thủy mượn danh Phật”, phải hệ lụy Sư Thầy đã thọ “ơn mưa móc”; lắm lúc vô tình lăng-xê cho “Thợ săn tinh tế” mà mình không hay biết.
2. Tỉnh thức trước những di căn của văn hóa Phong kiến:
Đức Phật “từ bỏ cung Vua” nhằm giáo huấn con người đừng đam mê cung đình – phong kiến, vì nó là tác nhân của độc đoán bất bình, của phiền não khổ đau.
a)- Điều chỉnh tư duy cấp bậc: Gia Đình Phật Tử xác lập bậc học là để đoàn viên có hướng phấn đấu học Phật, hiểu Phật nhằm tự khai thị tiềm năng giác ngộ viên mãn thanh tịnh của mỗi người, trau dồi nghị lực tự mình thắp đuốc lên mà đi theo quy trình hướng thiện và hướng thượng. Tiến xa hơn, từng phần đạt được an lạc giải thoát, Bồ đề (trí tuệ) Niết bàn (nội tâm an tịnh), chứ đâu phải để trở thành Phật tử thuần thành (chính xác hơn là con chiên ngoan đạo). Xét xếp cấp là để Huynh Trưởng tùy khả năng nhận thực chân lý, bản lĩnh, chuyên năng học tập được mà tự nguyện dấn thân hướng dẫn đàn em, điều hành cơ sở (Tập), huyện (Tín), tỉnh (Tấn), trung ương (Dũng). Mục tiêu của Đoàn viên Gia Đình Phật Tử là giác ngộ chân lý (Phật tử chân chính) chứ đâu phải mục tiêu là lên cấp để được giao nhiệm vụ, được thăng tiến chức sắc, được truy thăng khi từ trần?! Phải chăng do tùy tiện này mà hiện trạng cấp bậc cao (Tấn, Dũng) tràn lan thì con thuyền Gia Đình Phật Tử gập gềnh chao đảo? Nếu tập thể thuyền viên (nội và ngoại), không hỷ xả ngồi lại với nhau trong Hiến chương hợp pháp, không đồng tâm điều chỉnh (“điều chinh” là một pháp tu) thì thuyền lạc hướng là điều khó tránh khỏi.
b)- Điều chỉnh tuổi già điều hành tuổi trẻ: Các cấp hướng dẫn nên từng bước quy hoạch ngoài tuổi 60 không thu nhận hồ sơ dự trại huấn luyện (như văn thư chiêu sinh Vạn Hạnh II), không nhận hồ sơ xét xếp cấp mà khuyến tấn sinh hoạt cựu áo Lam. Cần học tập người anh cả (Võ đình Cường) tận dụng tuệ giác bổn tâm, bôn ba tôn tạo vận hành Tổ chức nhưng đến “tuổi nghĩ hưu” phải “gác còi”, biết rằng sẽ có gió chướng tạt qua. Nhưng đó là lẻ thường tình, không mợ thì chợ vẫn đông mới là lẻ thật cuộc đời. Phật tử chân chính không nên chứng tỏ tuy tuổi già mà còn năng lượng hướng dẫn trẻ. Mà nên từng bước bàn giao trẻ hóa để có thì giờ chiêm nghiệm (Tư duy tu) mình đã thọ hưởng được bao nhiêu phần trăm trên tiến trình giải thoát giác ngộ ở tuổi xế chiều -là nhân cho quả lai sinh.
Gieo duyên áo Lam là hạnh nguyện miên trường của người “sứ giả áo Lam”. Nhưng, sân chơi trẻ nên chuyển giao cho tuổi trẻ chủ động. Từng bước chuyển nhường để thong dong hòa nhập vào sân chơi phù hợp tuyệt hảo: Cựu áo Lam.
Cựu áo lam có cọ xát các Đoàn Huynh trưởng? Phật pháp là bất định pháp, chẳng những không hề hấn gì mà còn là trợ duyên đắc lực cho nhau.
c)- Điều chỉnh chức vụ độc tôn: Nội quy có đặt vấn đề nhiệm kỳ nhưng chưa quy ước mỗi chức danh tối đa là mấy nhiệm kỳ, độ tuổi nào phải sắp xếp chuyển giao. Cứ lấy cớ lo ngại thiếu Huynh Trưởng trẻ kế tục. Thiếu chứ chưa phải là không có. Nhớ rằng “hậu sinh khả úy”; nhớ rằng Gia Đình Phật Tử luôn có nội quy, quy chế. Tuổi trẻ mới thừa năng lượng hòa nhập trẻ. Tuổi cao nên làm cây cao bóng cả bằng cách tiên phong sinh hoạt cựu áo Lam là tuyệt vời. Vô hình trung cấp bậc, chức vụ, tuổi tác, mới cũ, địa phương, trong ngoài… cùng hòa nhập vào cựu áo Lam, sinh hoạt mỗi tháng một hoặc hai buổi là một mô phạm giáo dưỡng thế hệ kế thừa vô cùng tế nhị. Là nơi dừng chân ấm cúng cho Huynh Trưởng lão niên. Là sợi dây thân ái là hơi nóng sởi ấm tình Lam Anh Chị Em bận rộn sinh kế, công tác, học hành, buồn tình cá nhân… Là “Ban bảo trợ đúng nghĩa” của Gia Đình Phật Tử. Hơn thế nữa, có khi đây là môi trường tái sản sinh ra Huynh Trưởng nòng cốt. Đơn cử như Đoàn cựu áo Lam Mộ đức (Quảng Ngãi) chỉ hơn 1 năm sau ngày nhóm họp đầu tiên, đã có 3 thành viên tinh tấn ra gánh vác 3 đơn vị Gia Đình Phật Tử, trong đó tái thành lập 2 đơn vị.
Sau đây là một vài điển hình bộc phát cựu áo Lam. Chắc hẳn, còn nhiều mầm móng mà “ký sự” này không tránh khỏi thiếu sót.
– Năm 2010: Cựu áo Lam Gia Đình Phật Tử Chơn Trí (Huyện Tư Nghĩa, Q.Ngãi) tự nhen nhúm được 40 Anh Chị Em đăng ký, sinh hoạt mỗi tháng hai chiều chủ nhật, hiện diện thường kỳ từ 20 đến 30. Một năm sau tạm ngưng vì lý do nội tại. Cùng năm này, PB.Gia Đình Phật Tử Q.Ngãi hình thành Đoàn Lam Thiên Ấn, sinh hoạt tại quân 3. Tp. HCM, mỗi tháng 2 buổi chiều chủ nhật.
– Năm 2011: Gia Đình Phật Tử Hòa Thọ (Quận Cẫm Lệ, Tp. Đà Nẳng) nhen nhúm được 50 CAL đăng ký, sinh hoạt mỗi tháng hai tối 14, 30 âm lịch và chiều chủ nhật tuần cuối tháng. Ban đêm hiện diện thường kỳ từ 25 đến 40. Ban ngày chưa đạt yêu cầu.
– Năm 2012: Cựu áo Lam Huyện Mộ đức (Q.Ngãi) sinh hoạt mỗi tháng 2 buổi chiều chủ nhật . Đăng ký 70, hiện diện thường kỳ từ 35 đến 50.
– Năm 2014: Cựu áo Lam huyện Tư Nghĩa (Q.Ngãi) sinh hoạt mỗi tháng 2 buổi chiều chủ nhật. Đăng ký 52, hiện diện thường kỳ từ 30 đến 40. Cùng năm này, PB.Gia Đình Phật Tử QuảngTrị hình thành liên đoàn Gia Đình Phật Tử Nam Hải sinh hoạt tại quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẳng.
– Tháng 7/2015: PB.Gia Đình Phật Tử Quảng Trị hình thành liên đoàn Gia Đình Phật Tử Tâm Hòa, sinh hoạt tại quận Tân Bình, Tp HCM.
Sự bộc phát một số Đoàn áo Lam nêu trên, nói lên nhu cầu cấp thiết của sinh hoạt cựu áo Lam.
Đoàn TÂM CHÁNH (Cựu áo lam huyện Mộ đức) trong đêm 14/7/âl 2013 tại Chùa Quang Hiển
Thiếu và Oanh GĐPT Quang Hiển “Mừng sinh nhật Đoàn viên cao niên” nhân mùa Vu lan 2013
(Cựu áo lam Huyện Mộ Đức có 2 đoàn viên 80 tuổi)
Đoàn NGUYÊN HÙNG (Cựu áo lam huyện Mộ Đức) trong đêm 14/7/âl 2013 tại Chùa Quang Hiển
Cựu áo lam Huyện Mộ Đức nhân trại hè 2014 của các GĐPT Huyện Mộ Đức
Đoàn cựu áo Lam Huyện Tư Nghĩa nhân Lễ công nhận chính thức GĐPT Phước Long (Huyện Mộ Đức) 6.6.2015
Đoàn cựu áo Lam Huyện Tư Nghĩa nhân Lễ kỷ niệm 60 năm GĐPT tỉnh Quảng Ngãi (8.8.2015)
– Quận, huyện nào có từ 05 đơn vị Gia Đình Phật Tử trở lên, PB tỉnh thành nên có phương án thành lập các Đoàn cựu áo Lam. Chọn địa điểm thích hợp làm Đoàn quán nhưng cần sinh hoạt lưu động. Lễ Phật-chào Đoàn kỳ-câu chuyện dưới cờ: chung với Thiếu và Oanh, sau đó sinh hoạt riêng: ôn tập nhạc sinh hoạt-trao đổi Phật pháp-dây thân ái.
– Nên đồng loạt lấy danh hiệu ĐOÀN ÁO LAM TÂM MINH. Ví dụ: ĐAL Tâm Minh quận Liên Chiểu, ĐALTâm Minh quận 3, ĐAL Tâm Minh Tư Nghĩa…
Và, đồng loạt dụng nhạc phẫm “Thống nhất Phật tử Việt Nam” làm Đoàn ca.
– Địa phương nào chưa có Gia Đình Phật Tử vẫn hình thành được, nếu đủ điều kiện ít nhất có 50 đoàn viên trên 20 tuổi đăng ký và nhờ Huynh Trưởng có cấp trợ duyên lúc ban đầu.
Địa phương nào có cựu áo Lam di chuyển đến nơi ở mới nên có trách nhiệm theo dõi động viên, liên kết cung cấp danh sách hoặc giấy giới thiệu để tăng cường cho nơi cư trú mới. Không nên để tự phát kéo dài, nhất là không nên tự thủ đồng hương. Đồng hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mọi người sinh ra và lớn lên tại thôn ấp, làng, xã, huyện, tỉnh và tổ quốc. Đồng hương đúng nghĩa của Phật tử chân chính là xứ Tịnh độ (Trên mặt đất hành tinh này. Tùy kỳ tâm tịnh tất Phật độ tịnh). Là “sứ giả áo Lam” cần gieo duyên áo Lam tại nơi cư trú mới (kể cả nước ngoài, đơn cử như thầy Nhất Hạnh -sứ giả đúng nghĩa). Chúng ta nên vận dụng đồng hương làm nòng cốt phát triển tại địa phương mới. Nhất là tình áo Lam thì không có ranh giới tuổi tác, mới cũ, chức quyền, giàu nghèo, địa phương, kể cả bất đồng ngôn ngữ… chỉ cùng khoác Đoàn phục lên là đã thấy thân quen từ thuở nào, “hương thân ái” phảng phất dâng trào. Cớ sao lại tô đắp hàng rào đồng hương? Bị nhiễm ô tàn dư của sách lược đế quốc, đồng hương tôn giáo, “ơn mưa móc” mà Anh Chị Em áo Lam sinh hoạt ngoài “Hiến chương hợp pháp” đến nay đã có 4 BHD.TƯ, từ đó hiện nay tại Hoa kỳ cũng có 5 BHD.TƯ (2). Đây là bài học cho Gia Đình Phật Tử đương đại.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa tạm đủ. Nếu các cấp hướng dẫn không từng bước triển khai sinh hoat cựu áo Lam thì chắc rằng bịnh “lão hóa người hướng dẫn” (“hướng dẫn” là thuật ngữ văn hóa Gia Đình Phật Tử, không nên học đòi từ “lãnh đạo”) và hiện trạng “vắt chanh bỏ vỏ” sẽ trở thành mãn tính mà thôi./.
–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–
(1)Nội quy Phân ban có thêm 2 từ Thanh-Thiếu-Đồng niên “tin Phật” là “phương tiện đối trị tất đàn” tạm thời mà thôi. Cũng như “Tiếng nói của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước” (báo giác ngộ), là “phương tiện đối trị tất đàn” của Nhà làm báo Phật giáo, lúc đó.
(2)“Tìm hiểu Gia đình Phật Tử Việt Nam hiện đại” của Phúc Trung