I. BỐI CẢNH HIỆN NAY:
Sau ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xã hội ta đã trải qua nhiều sự kiện nhiều đổi thay. Từ cảnh xếp hàng mua hàng hóa bằng tem phiếu, thì nay hàng hóa đủ chủng loại, đủ nguồn sản xuất tràn ngập các chợ, các trung tâm thương mãi, các siêu thị. Từ những chiếc áo bà ba đen, những đôi dép Bình Trị Thiên chen chân, thì nay những chiếc áo dài tha thướt, những bộ veston, những bộ trang phục thời trang đủ kiểu làm da dạng, làm tăng vẻ đẹp, sang trọng. Và cũng chính những đổi thay này, từ đây với những phương tiện truyền thông hiện đại đang làm nền tảng xã hội ta lung lay hơn bao giờ hết .
Hàng ngày, qua báo chí, truyền hình những tin tức, những hình ảnh về các tệ nạn xã hội đang làm chúng ta, những bậc lo âu! Nếp sống đạo đức con cái chúng ta đang xuống cấp!
Vai tròn người nữ Huynh trưởng GĐPT chúng phải làm gì trước những vấn nạn như thế? Làm thế nào để vực lại nền tảng đạo đức gia đình? Nhất là đoàn sinh ngành Nữ, kể cả con gái chúng ta?
II. CÁC GIẢI PHÁP:
Ở đây chúng ta nên đưa vài điểm nóng và những giải pháp cho từng phần cụ thể.
1/. Vẻ đẹp phụ nữ:
Đối với Nữ giới thì “làm đẹp” là vấn đề nóng nhất. Phụ nữ không muốn làm đẹp thì không phải là phụ nữ. Một trong những yếu tố làm đẹp là trang phục. Qua báo chí thời trang, các cuộc thi hoa hậu khắp đó đây, người mẫu, các kiểu ăn mặc của các ngôi sao ca nhạc…với nhiều kiểu dáng, chủng loại đẹp, bắt mắt… làm nữ giới chúng ta nói chung, lứa tuổi các em thiếu nữ nói riêng dễ choáng ngợp, bắt chước. Các em khó phân biệt được thế nào là vẻ đẹp trang nhã thuần túy đầy nữ tính, thế nào là vẻ đẹp khêu gợi dục tình. Chúng đua nhau sắm sửa những bộ trang phục lòe loẹt và cho là hợp thời trang. Một số các em đoàn sinh GĐPT cũng đua nhau chạy theo trào lưu ấy.
Nếu chúng ta mắng mỏ, khiển trách các em một cách thiếu tế nhị, hoặc buộc các em phải ăn mặc bình dị, đơn điệu như áo dài, áo bà ba không chich “bel” như xưa thì e rằng chúng ta đã lội ngược thời gian … bị các em cho là lập dị, lỗi thời sẽ phản ứng và rời bỏ Gia đình .
Làm đẹp là bản năng của phụ nữ chúng ta. Chúng ta phải làm thế nào để các em nhận thức được vẻ đẹp tự nhiên mà không cần những bộ bộ trang phục lòe loẹt, lập dị, hở hang mà chúng không phản ứng và chúng sẽ chấp nhận những bộ trang phục đẹp mắt nhưng không quá đà.
2/. Lối sống:
Lối sống hiện nay là một vấn đề nhức nhối. Nhất là đối với khu vực thành thị mới phát triển. Phim ảnh, báo chí, truyền hình, internet… những hình ảnh trai gái yêu đương nhau, phim ảnh tình cảm, bạo lực các nước và Việt Nam… cũng ảnh hưởng khá sâu rộng đến tâm lý nữ giới … phong trào yêu nhau trọn vẹn trao gửi, sống thử …. Đó đây, tin tức trẻ em trong lứa học sinh vào các trung tâm kế hoạch gia đình giải quyết “hậu quả”. Các cuộc sống chung sống thử giữa trai gái … và các em gái phải gánh chịu những hậu quả khổ đau. Đó đây, báo chí trong nước thỉnh thoảng đăng tin Công an phá án thành công động “lắc” này sang động “đập đá” khác và đối tượng cũng vẫn là thanh thiếu niên đang sống buông thả trụy lạc. Và dường như lứa tuổi trẻ cũng đang dần xa lìa, thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình, cha mẹ.
Trước những hình ảnh, những sự kiện như thế, là nữ giới, là người lớn, là những Huynh trưởng GĐPT, chúng ta phải suy nghĩ tìm những biện pháp nào, giải pháp nào nhằm ngăn chặn, tạo môi trường sống trong sáng cho đoàn sinh nữ của chúng ta, dù đang sinh hoạt hay đã rời “Gia đình” vì mưu sinh.
Đó là những vấn nạn trên vai người Nữ Huynh trưởng GĐPT, nhất là những Nữ Huynh trưởng lớn tuổi thâm niên. Thái độ chúng ta thế nào? Trách mắng, ngăn cản, can thiệp thô bạo? Chắc chắn không thể như thế được.
3/. Các giải pháp đề xuất:
a/. Tại Gia đình Phật tử địa phương:
Nữ Huynh trưởng phải là tư vấn cho các em: Hàng ngày chúng ta sống cạnh nhau với các em, hàng tuần chúng ta cùng sinh hoạt với nhau. Chúng ta phải nhìn kỹ, nhìn rõ cách sống, cách mặc của các em… và từ đó chúng ta hướng dẫn, phân tích cho các em thấy rõ, phân biệt được thế nào là các bộ trang phục trang nhã, các bộ thời trang “nẩy lửa”…. Với đời sống tình cảm của các em, chúng ta cũng nên theo dõi từ xa để có những xử ký kịp thời, giúp các em không bị sa ngã, không bị hậu quả đớn đau.
Cách phân tích hướng dẫn phải thể hiện tình thương ứng xử thật khéo. Phải là người chị thân thương của các em, chỗ dựa tinh thần của các em.
b/. Tại Các Huyện , Thành phố hay tại Phân ban:
Chúng ta nên lập các tổ tư vấn gồm các Nữ Huynh trưởng lớn tuổi, các chuyên viên về trang phục, chuyên viên tâm lý, về y tế và bóng dáng các vị Ni cũng không thừa. Tổ tư vấn của chúng ta không phải chờ các em đến, mà phải phải tìm đến với các em những khi chúng ta phát hiện được hiện tượng không hay từ cơ sở các GĐPT. Nói tóm lại, chúng ta phải ngăn chận từ xa, không cho các em ngã, đổ.
c/. Đề nghị Ban Hướng dẫn Trung ương:
Đề nghị BHD TƯ nên nghiên cứu đưa vào chương trình tu học phần kiến thức xã hội các môn học: thẩm mỹ, giới tính và tâm sinh lý.
Hướng dẫn: Chúng ta có nên hướng dẫn các em vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn, của lứa tuổi trước ngưỡng cửa hôn nhân? Những vấn đề sinh lý bình thường của nữ giới, những tất yếu phải có trong vấn đề lập gia đình để các em có lối sống tốt, chuẩn bị cho cuộc sống mới của một gia đình riêng. Đó là lớp “Giáo lý hôn nhân” cho các em sắp lập gia đình hay các em đã đến tuổi trưởng thành (trên 18 tuổi) Ở đó, chúng ta phối hợp chương trình dạy giới tính, sức khỏe sinh sản, và bổn phận trách nhiệm một người nữ với chồng, gia đình chồng trong kinh Thiện Sinh.
Về giáo dục giới tính: Nếu không đưa được vào chương trình thì GĐPT các tỉnh cũng thỉnh thỉnh thoảng tổ chức những buổi học ngoại khóa mời các chuyên viên y tế, chuyên viên về “sức khỏe sinh sản” nói chuyện cùng các em. GĐPT cũng nên khuyến khích các chị trưởng, các đoàn sinh ngành Thanh nên tham gia là “cộng tác viên” của chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe gia đình để các chị em tiếp cận với những thông tin hữu ích.
Vấn đề giáo dục giới tính trong trường học đang là vấn đề tranh luận giữa các chuyên gia, các nhà giáo dục. Nhưng chúng tôi nghĩ: Chúng ta đừng ngại rằng “dọn đường cho hươu chạy” mà là chúng ta đang “dắt hưu đi”.
Về trang phục: Mời các chuyên gia về thời trang nếu được, hay trưng bày những bộ trang phục trang nhã, bắt mắt nhằm hướng dẫn các em. Trong phần này nên có thời gian dài cho môn học nữ công gia chánh ở các bậc học ngành thiếu.
Chúng ta làm như thế vừa bổ ích cho chị em vừa thể hiện tinh thần góp sức xây dựng xã hội như mục đích của GĐPT chúng ta.
Đề nghị Nam, Nữ Huynh trưởng thực hiện nếp sống mẫu mực trong đời sống thường ngày bằng cả “Thân – khẩu – ý” để các em noi theo.
III. KẾT LUẬN:
Để giới Nữ nhất là các đoàn sinh ngành Nữ GĐPT tránh xa những cạm bẫy xã hội, tránh những đổ vỡ, những hậu quả khổ đau, bổn phận chúng ta, những Nữ Huynh trưởng phải luôn chăm sóc các em, giúp đỡ các em trong mọi tình huống: từ sinh hoạt gia đình đến trang phục, đời sống tình cảm, giới tính.
Chúng ta phải là nơi các em tin cậy trao đổi tâm tình. Nhờ vậy các em sẽ gắn bó với sinh hoạt GĐPT cùng chúng ta hay nếu phải rời xa tổ ấm vì sinh kế … trong các em vẫn đọng lại nhữn tình cảm sâu sắc, những ấn tượng khó quên làm hành trang trong cuộc đời và đường trở lại với GĐPT sẽ gần hơn.
Là phụ nữ, là người giữ giềng mối gia đình, chúng ta đã là những người vợ, người mẹ nuôi nấng dạy dỗ các con. Bao nhiêu công việc trong nhà, xã hội đang trông chờ bàn tay khối óc của chúng ta cùng chung tay xây dựng.
Chúng ta đang góp phần xây dựng xã hội.
Huynh trưởng Cấp Tấn
LÊ KIÊN – NGÔ THỊ LỘC NHUNG
(UV Phân Ban GĐPT tỉnh BR-VT)