Một Số Ý Nghĩa Về Ngày Tết Nguyên Đán

G

I-Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN

            Chữ TẾT do chữ TIẾT (thời tiết) mà ra. Trong một năm có nhiều ngày Tết ( Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu v.v…). Riêng ngày Tết đầu năm được gọi là Tết Nguyên Đán nghĩa là “buổi sáng đầu tiên”. Tết Nguyên Đán có ý nghĩa quan trọng nhất vì nó mở đầu cho một năm mới.
            Tết không chỉ là đánh dấu một năm mới, mà còn mang ý nghĩa một sự đổi mới của thiên nhiên vạn vật khi hết một chu kỳ Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân là mùa bắt đầu cho một chu kỳ mới, là mùa sinh sôi nẩy nở của vạn vật, thời tiết mùa Xuân ấm áp, mát mẻ khiến cho con người dễ nẩy sinh cảm xúc phấn khởi, lạc quan, yêu đời. Chính vì thế mà đại đa số các dân tộc trên thế giới đều tổ chức lễ hội mừng năm mới.
Riêng tại Việt Nam chúng ta từ xưa đã theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán được tổ chức vào ngày mùng Một tháng Giêng Âm lịch.  Để hòa mình cùng với thiên nhiên tươi mới, người ta mua sắm quần áo mới, thay đổi các dồ dùng cũ bằng những vật dụng mới, quét tướt, sơn phết nhà cửa v.v… Trong ngày Tết, mọi người đều nuôi hy vọng một năm mới an khang thịnh vượng hơn năm cũ, người người đối xử với nhau tốt hơn , tha thứ cho nhau những lỗi lầm của năm cũ v.v…
            Ngày nay, do nhịp điệu cuộc sống vội vã nên thời gian Tết chỉ có ba ngày, chớ ngày xưa thời gian ăn Tết bắt đầu từ ngày 29, 30 và kéo dài cho đến hết mùng bảy, nhiều địa phương còn ăn Tết kéo dài hết tháng Giêng vì đây là thời gian nông nhàn, không phải tất bật với chuyện ruộng đồng.

 

II-MỘT SỐ TẬP TỤC TRONG NGÀY TẾT

 1) Tục đưa Ông Táo : Theo tín ngưỡng dân gian, nhà nào cũng có thần bếp gọi là Ông Táo, Ông Công hayTáo Quân. Hằng năm, đến ngày 23 tháng chạp là ngày Ông Táo về Trời  báo cáo việc làm của gia chủ trong năm qua để Ngọc Hoàng căn cứ theo đó mà ban phúc hay giáng họa cho nhà đó. Do đó, vào ngày nói trên, chủ nhà thiết lễ đưa Ông Táo lên thiên đình. Lễ vật gồm: một đĩa kẹo đậu phộng và kẹo mè đen (dân gian gọi là thèo lèo), một vài tấm giấy in hình con cò, con ngựa hay con cá chép để đốt sau khi cúng xong với niềm tin rằng những con vật đó là phương tiện cho Ông Táo cỡi bay lên trời. Ngày nay, người ta thay thế hình vẽ bằng cách mua vài con cá chép thật trước cúng đưa Ông Táo, sau phóng sinh để tích phước.
2) Tục trồng Cây Nêu ngày Tết: Ngày xưa, cứ mỗi độ xuân về tết đến là hình ảnh Cây Nêu không thể thiếu được. Cây nêu ngày tết thường được trồng trước sân chùa làng. Trước nhà dân cũng có tục trồng nêu nhưng đơn giản hơn cây nêu chùa. Nêu là một cây tre dài được róc hết cành lá, chỉ chừa vài túm lá trên đầu ngọn tre.  Trên chót cây nêu treo một ngọn phướn dài, vài chiếc khánh bằng sành chạm vào nhau phát tiếng kêu kinh-coong mỗi khi gió thổi và một bó vàng (giấy vàng bạc)
3) Súc sắc súc sẻ: Tục này tồn tại trước đây, ngày nay không còn nữa. Tối ba mươi tết, một số trẻ em nghèo trong làng tụ nhau thành từng bọn, rủ nhau đi chúc tết. Mỗi bọn có một ống đựng tiền bằng tre. Các em tới trước từng nhà, vừa hát vừa lắc ống tiền đánh nhịp.

            Lời hát như sau:

Súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu
Bước ra đàng sau
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc
Ngực ông còn cầm
Ông sống một trăm
Linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như rối
Tôi ngồi xó tối
Tôi đối một câu
Đối rằng:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.
            Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát trong khi cá gia đình chủ nhân lắng nghe, và sau câu hát chúc tụng trên, gia đình nào cũng tặng các em một số tiền. Tục cho rằng các em đem đến sự may mắn nên không gia đình nào để các em ra tay không. Có gia đình còn cho các em thêm bánh mứt.
4) Tục rước ông bà và cúng giao thừa : Ngày ba mươi tết, nhà nhà đều sắm sửa một mâm cơm thịnh soạn để cúng ông bà với ý nghĩa rước hương linh ông bà về nhà ăn tết với con cháu. Đây là bữa cơm rất quan trọng vì là dịp để con cháu khắp nơi quy tụ về đông đủ, thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên và xúm xít quanh mâm cơm gia đình, tạo nên không khí đầm ấm hạnh phúc trước thềm năm mới.
Vào đêm ba mươi tết, gọi là đêm giao thừa cũng gọi là đêm trừ tịch mang ý nghĩa bàn giao giữa năm cũ và năm mới. Đúng giờ Tý (tức 0 giờ) đêm ba mươi, gia chủ thiết lễ ngoài sân nhà gồm đèn hương, bánh trái…  để cúng giao thừa với ý nghĩa “Tống cựu nghinh tân”, tiễn những điều xui xẻo năm qua và đón những sự may mắn trong năm mới.
5) Tục hái lộc đầu năm : Sau khi cúng giao thừa xong, cả nhà rủ nhau lên chùa lễ Phật để cầu nguyện mọi điều kiết tường cho năm mới. Lúc trở về, mỗi người hái một nhánh cây non hoặc một cành hoa đem về cài lên cửa nhà hoặc cắm vào bình hoa với ý nghĩa đem lộc Phật về nhà
6) Tục xông đất (xông nhà) : Người Việt mình có niềm tin rằng trong ngày đầu năm mới, người nào đến nhà mình trước nhất (gọi là xông đất hay xông nhà) sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mình trong suốt năm đó. Thí dụ: nếu một người giàu đến xông đất nhà mình thì
gia đình mình sẽ làm ăn “tiền vô như nước” suốt năm đó. Vì niềm tin ấy mà người ta thường mời những người có chức có quyền, có tiền, có đức đến xông nhà đầu năm. Ngược lại, nhiều người không dám xông đất nhà ai vì sợ rằng năm đó nhà người ta có gặp điều gì xui xẻo thì họ đổ thừa tại mình xông đất nhà họ.
7) Mừng tuổi và lì xì: Ngày đầu năm, con cháu thường quy tụ về nhà mừng tuổi ông bà, cha mẹ . Người lớn mừng tuổi lại con cháu bằng cách tặng một phong bao màu đỏ, trong có một ít tiền mới, gọi là lì xì.
8) Một số kiêng cử trong mấy ngày Tết :  
Giữ cho không khí vui tươi :Trong những ngày Tết, mọi người cố gắng ngừng mọi công việc để đầu óc thảnh thơi, dẹp mọi buồn lo thường ngày. Cha mẹ ít rầy la con cháu; mọi người dùng lời lẽ hòa nhã nói với nhau. Hàng xóm có chuyện xích mích trong năm đều tạm thời gác qua một bên để tránh cho không khí ngày Tết không  bị u ám nặng nề.
Chưng diện quần áo mới: Mọi người dù giàu hay nghèo đều sắm quần áo mới mặc trong ba ngày tết. Ai ăn mặc xềnh xoàng, cũ rách đến nhà người khác thường chủ nhà không vui lòng
Kiêng quét nhà : ngày xưa còn có tục kiêng quét nhà trong ba ngày tết , hoặc có quét nhà thì cũng gom rác lại một chỗ, đợi qua tết mới hốt đem đổ. Người ta sợ quét nhà trong ba ngày tết sẽ làm cho tiền bạc trong nhà đi ra suốt năm.
Kiêng làm bể chén đĩa : nói chung những việc gì không tốt lành đều được kiêng trong ngày tết như : làm bể chén đĩa, tranh cãi, ấu đã nhau, bửa củi, đóng đinh, sửa nhà…Ngày xưa ông bà ta còn kiêng mặc nguyên bộ đồ trắng trong ngày tết vì giống như mặc đồ tang (sợ năm mới trong nhà sẽ có người chết)
9) Tục dán liễn trong ngày tết: liễn là một tờ giấy đỏ (hồng điều) được dán trên cửa nhà, thường thì liễn có một đôi, trên đôi giấy liễn có viết những chữ Tàu bằng mực đen. Liễn ngày tết chính là nghệ thuật viết câu đối chúc tụng những điều tốt đẹp cho gia chủ. Bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên mô tả hình ảnh những thầy đồ xưa kia ngồi bên hè phố viết liễn (câu đối) cho những ai thuê.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
 
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng mùa, rồng bay …
            Trước ngày tết, nhà nào cũng quét dọn, chưng bày bánh mứt, treo đèn kết hoa… và một vài câu đối do các thầy đồ viết trên giấy đỏ (liễn) cũng là vật không thể thiếu.
            Tục chơi câu đối (dán liễn) trong ngày Tết đến nay vẫn còn , tuy người viết đã vắng bóng khá nhiều;
            Sau đây là một số câu đối thịnh hành xưa kia, xin sưu tầm cống hiến cho bạn đọc trẻ :

-Câu đối dán ngoài cổng :

Môn đa khách đáo, thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai, vạn vật lai
Tạm dịch:
Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến
Nhà có người vào, lắm vật vào

-Câu đối dán nơi vườn cây cảnh trong sân nhà :

Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
Tạm dịch:
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời

-Câu đối dán tại nhà khách :

Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn. Phúc mãn đường
Tạm dịch :
Trời thêm năm tháng, người thêm thọ
Xuân khắp đất trời, phúc đầy nhà

-Câu đối dán trên bàn thờ tổ tiên :

Tổ tôn công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương
Tạm dịch :
Tổ tiên công đức ngàn năm thịnh
Con cháu hiếu hiền vạn đời hưng

-Câu đối dán nơi bàn thờ Phật :

Liên tọa đài tiền hoa hữu thực
Bồ đề thụ thượng quả thanh nhàn
-Vân vân…
10)Cúng tiễn ông bà : trong ba ngày tết, ngày hai lần, người ta có mâm cơm cúng các cụ, và luôn trong mấy ngày này, đèn hương trên bàn thờ được đốt liên tiếp.
            Đến sáng ngày mùng Bốn, người ta làm lễ cúng tiễn ông bà (Cũng có nơi cúng vào sáng mùng Ba). Lễ cúng này là dịp để cho con cháu họp mặt lần cuối trước khi chia tay trở về với công việc thường ngày.
            Nếu kể hết các tập tục ngày Tết Nguyên Đán của dân ta thì còn nhiều lắm, Trên đây xin đơn cử 10 tập tục mà ngày nay vẫn còn bảo lưu phần nào tại nơi này nơi kia. Chúng ta mong rằng các bạn trẻ hôm nay, những người kế thừa tương lai đất Việt , đừng để văn hóa ngoại lai xâm chiềm đời sống xã hội mà chúng ta sẽ bị mất dần những phong tục tập quán tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn xưa, hình thành nên tâm hồn Việt, bản chất Việt. Nếu chúng ta quay lưng lại với cội nguồn dân tộc thì đất nước Việt Nam ta chỉ còn cái xác chờ chẳng có cái hồn.
 
Hoài Nhẫn
(Thoại Sơn – An Giang)

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang