Làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử: Dễ Hay Khó? (P2)

Trở ngại thứ nhất chính là tính bồng bột, háo thắng của tuổi thanh niên. Bồng bột nói nôm na là nóng vội. Người mới bước chân vào nghề huynh trưởng thường lý tưởng hóa mọi việc, tưởng rằng cái gì cũng suôn sẻ tốt đẹp, mong cho việc gì cũng chóng vánh thành tựu mà không hề nghĩ đến những thử thách trở ngại luôn rình rập. Khi đụng phải việc gì bất như ý, anh chị ấy thường đổ lỗi cho khách quan và lý tưởng cũng mau nguội tắt nếu không có người lớn bênh cạnh kịp thời khuyên bảo.

Háo thắng cũng là một trong những nhược điểm của người mới trưởng thành, nhất là những anh chị học giỏi, được cha mẹ cưng chìu, bạn bè nể phục. Người háo thắng khó chấp nhận ai làm trái ý mình, vì vậy ít khi sống hòa hợp lâu dài với tổ chức GĐPT.
 
Ngược lại với người bồng bột, háo thắng là người lười biếng, dễ duôi. Hạng người này thường xem mọi việc trên đời chẳng có gì là quan trọng, xem sinh hoạt GĐPT chỉ là trò chơi tạm bợ, vui thì đi sinh hoạt, buồn thì nghỉ ở nhà hoặc đi tìm trò khác vui hơn. Người loại này thường lánh nặng tìm nhẹ, lúc nào vui vẻ thì thấy anh chị ta xuất hiện , nhưng vào những lúc sóng gió, khó khăn thì không thấy bóng dáng anh chị ta đâu. Hạng người này được đời ban cho xú danh là “kẻ cơ hội”
Hạng người này nếu có thiện duyên được mặc chiếc áo Lam lâu dài thì cũng chỉ là loại huynh trưởng “hạng hai”, chẳng bao giờ là người huynh trưởng đích thực.
Không hiểu sao trong đạo Phật chúng ta  có nhiều người tu theo kiểu “lục bình trôi” như vậy nhưng lại được một số người cho rằng như vậy mới là “thong dong, tự tại”, mới là “giải thoát” ? !
 
Trở ngại thứ ba là tánh đố kỵ, không muốn ai giỏi hơn mình. Hạng người này thường không kính trọng người trên, không thương yêu kẻ dưới, chẳng  hòa hợp với đồng đội, hay nói xấu sau lưng các bạn đồng song, hễ có dịp thì tự khen mình hết lời. Những huynh trưởng loại này có thể cũng có một số  năng lực, nhưng chỉ làm công tác “món” chứ không thể làm chỉ huy, lãnh đạo ai được.
Họ rất thích xuất hiện, khoe mẽ với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Họ hay quát nạt kẻ dưới trước mặt mọi người để họ cảm thấy mình được “lên mặt” trong chốc lát. Suốt đời không nghe họ mở lòng ban phát một lời khen tặng cho ai, nhưng ai khen họ thì họ sung sướng như kẻ ăn mày nhận được vài đồng xu của người qua đường. Hạng huynh trưởng này ở bất cứ đâu cũng đem lại sự khó chịu cho mọi người. Nếu lỡ họ là cấp chỉ huy thì tập thể do họ chỉ huy không bao giờ được một ngày yên tĩnh.
 
Nói cho cùng, giá trị đích thực và căn bản nhất của một huynh trưởng GĐPT nằm ở chỗ : anh, chị hãy tìm đến một ngôi chùa hội đủ nhân duyên thành lập ở đó một đơn vị GĐPT; quy tụ huynh trưởng và đoàn sinh đến sinh hoạt; dần dần phát triển thành một đơn vị GĐPT đông vui, vững mạnh, sinh hoạt nề nếp, lục hòa, đem lại hiệu quả tu học cho tất cả mọi đoàn viên, được Thầy trụ trì thương , được các Phật tử trong đạo tràng tin tưởng và các đơn vị bạn nể phục. Anh, chị nào làm được điều đó chắc chắn xứng đáng là một huynh trưởng giỏi, một Phật tử chân chính, là tinh hoa của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
 
Giá trị chân chính của nghề huynh trưởng không phải ở chức vụ trong Ban Hướng Dẫn, không phải ở địa vị trong Ban Trị sự Giáo hội cấp này cấp kia. Dĩ nhiên chỉ có những anh chị huynh trưởng tài đức mới được BHD hay BTS mời vào, nhưng thực tế cũng đồng thời cho thấy không ít huynh trưởng cố công chạy chọt vào BHD, BTS nhưng có làm được điêu gì ích lợi cho tổ chức, cho Giáo hội đâu!
 
Chúng ta hãy so sánh giữa một người làm giám đốc cơ quan với một huynh trưởng làm gia trưởng (hay liên đoàn trưởng) một đơn vị GĐPT để thấy giá trị của nghề huynh trưởng :
 

GIÁM ĐỐC CƠ QUAN :
 
1)Được Nhà nước trả lương và được hưởng nhiều chế độ khác
 
2)Điều hành cơ quan bằng quy chế và kỷ luật lao động có sẵn. Nhân viên tuyệt đối tuân lệnh thủ trưởng, ai không tuân lệnh có thể bị kỷ luật.
 
3)Cơ quan nào cũng có hệ thống ban ngành chặt chẽ; có thủ trưởng cấp trên chịu trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ; có sự hợp tác và hỗ trợ từ các đơn vị bạn trong các mặt hoạt động
 
4)Người giám đốc nếu bị cấp trên đối xử không công bằng có quyền khiếu nại với cấp cao hơn để giúp cho cơ quan hoạt động tốt hơn
 
5)Một cơ quan dù có “tệ” cách mấy cũng không thể giải tán (trừ khi giải tán do có chủ trương của Nhà nước)
HUYNH TRƯỞNG GĐPT :
 
1)Không ai trả lương, đa phần phải móc tiền túi chi cho hoạt động
 
2)Điều hành Gia đình bằng tình cảm của một người anh, người chị. Đối với cấp dưới chỉ có sự thuyết phục bằng cách nêu gương tốt để đàn em tuân phục.
 
3)GĐPT hoạt động độc lập, sự giúp đỡ từ cấp trên (Ban hướng dẫn) và sự hỗ trợ từ các đơn vị bạn chỉ mang lại hiệu quả tương đối.
 
 
4)Một GĐPT nếu bị thầy trụ trì và các Phật tử trong đạo tràng đối xử không tốt thì chỉ có cố mà nhẫn nhục chịu đựng chứ không thể khiếu nại lên cấp nào xử được.
 
5)Một đơn vị GĐPT bất cứ lúc nào cũng có thể bị thầy trụ trì giải tán. Huynh trưởng và đoàn sinh tan rả “không kèn không trống”
 

Vậy, làm huynh trưởng GĐPT là dễ hay khó ?
Câu trả lời xin dành cho các bạn.
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.