Hình Ảnh Nhà Giáo Xưa và Nay

G
1-NHÀ GIÁO TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

Dân tộc ta theo truyền thống Nho Giáo nên từ xưa, vai trò người thầy đã được tôn vinh trong các giai tầng xã hội, Học trò ngày xưa nằm lòng câu : Quân – Sư – Phụ, nghĩa là : người đáng tôn kính nhất là ông vua, kế đến là thầy dạy và sau nữa mới đến cha mẹ. Các em học sinh ngày nay chắc đã được thầy cô giảng dạy kỹ về điều này, tôi không cần nói thêm. Tôi chỉ nhân đây xin nhắc lại rằng hình ảnh ông thầy trong lịch sử được xếp vào hàng thứ hai sau ông vua chứng tỏ rằng dân ta có truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo” từ ngàn xưa. Điều đó khỏi phải bàn cãi.

 

2-HÌNH ẢNH NHÀ GIÁO VIỆT NAM CÁCH ĐÂY 50 – 60 NĂM

Những gì tôi sắp kể ra đây, chỉ những người 60 tuổi trở lên mới biết, mới tin, còn thế hệ học trò ngày nay sẽ cho rằng tôi đang kể chuyện cổ tích, trong đó có Ông Bụt, Nàng Tiên mà các em vẫn đọc qua sách vở.

Năm – sáu mươi năm trước, tôi còn là một đứa bé hằng ngày mài đũng quần nơi băng ghế nhà trường. Học sinh chúng tôi ngày ấy “thần tượng” ông Thầy lắm. Dù đang ở đâu mà thấy bóng Thầy từ xa đi lại là chúng tôi im bặt ngay những lời cợt nhã, sửa sang lại tư thế cho ra vẻ đứng đắn, chờ Thầy đi đến còn cách xa mươi bước là đồng loạt khoanh tay, cúi đầu chào Thầy.

Riêng tôi, có lẽ mức độ “thần tượng” Thầy còn cao hơn các bạn. Mỗi khi Thầy đứng trên bục giảng, tôi mê mẫn nhìn Thầy từ cái quần, cái áo, cái cà vạt Thầy thắt lõng hay chặt, đôi giày Thầy mang hôm nay màu gì v.v…  Hồi đó, các giáo viên lên lớp đều ăn mặc  lịch sự khiến cho học sinh chúng tôi rất ngưỡng mộ tác phong mô phạm của Quý Thầy.

Giáo viên ngày trước không uống rượu, hút thuốc trước mặt học sinh. Quý Thầy luôn có một khoảng cách với chúng tôi. Thấy môn học nào chúng tôi còn yếu, Thầy bỏ cả giờ nghỉ ngơi, bảo chúng tôi tập trung lại nhà Thầy để dạy thêm mà không bao giờ lấy học phí. Lương giáo viên không cao nhưng so với vật giá ngày ấy, Thầy vẫn nuôi được gia đình mà không phải đi làm thêm nghề phụ. Có lẽ nhờ thế mà Thầy luôn tận tâm với nghề, tạo được hình ảnh người giáo viên mẫu mực để học sinh kính yêu và có được vị trí khả kính trong xã hội.

Thời ấy, cha mẹ chúng tôi không bao giờ dùng từ “các thầy” vì chữ “các thầy” nói lái thành “cầy thác” có nghĩa là “chó chết”. Thay vì dùng một từ  ẩn chứa nghĩa không đẹp như thế để nói đến  giáo viên, người ta tỏ lòng kính trọng bằng cách dùng chữ “Quý Thầy”

Tôi yêu kính hình ảnh quý Thầy đến dộ sau khi vừa tốt nghiệp phổ thông là tôi ghi tên thi ngay vào trường Sư Phạm, chọn nghề giáo viên để nối tiếp hình ảnh cao đẹp của  quý Thầy . Trường Sư Phạm hồi ấy (1962) rất khó thi vô. Tôi còn nhớ năm tôi thi có cả ngàn sĩ tử ghi tên nhưng trường chỉ lấy có 300 người có số điểm cao nhất.

 

3-MỖI NGÀY MỘT CÂU CÁCH NGÔN

Tôi còn nhớ , trong suốt 5 năm học ở bậc tiểu học, sáng nào cũng vậy, trước khi Thầy vào lớp thì anh lớp trưởng đến sớm, xóa bảng đen thật sạch rồi viết lên đầu bảng : Thứ … ngày … tháng … năm … Tiếp đến, anh nắn nót ghi một câu cách ngôn ngay phía dưới hàng ngày, tháng.

Cách ngôn là một câu nói ngắn gọn để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Cách ngôn thường được rút ra từ kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của dân ta. Thí dụ : Tiên học lễ, hậu học văn – Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng – Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn v.v… Những câu cách ngôn được in trong sách Quốc Văn, theo lời dạy của Thầy, anh lớp trưởng chỉ việc coi theo đó viết lên bảng mỗi ngày.

Thầy tôi thường tranh thủ vài phút trong buổi học để giảng cho chúng tôi nghe nghĩa đen, nghĩa bóng của câu cách ngôn. Đó những giây phút tôi yêu thích nhất. Đôi khi, có những câu Thầy giảng làm cả lớp xúc động, có đứa xúc động đến khóc mùi. Những câu cách ngôn đã dần dần thấm sâu vào tâm thức chúng tôi, trở thành ông Thầy trong mỗi chúng tôi , đi theo chúng tôi suốt cuộc đời sau này.

Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết có trường hợp một em học sinh giải thích câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương” , trong đó em giải thích “canh gà Thọ Xương” là món canh súp nấu bằng thịt gà (đặc sản của làng) Thọ Xương. Đáng tiếc là bài làm của em lại được điểm 8 từ cô giáo dạy Văn !

Nếu cô giáo ngày nay cũng chịu khó như Thầy tôi ngày trước thì có lẽ em học sinh đó đã biết đến câu ca dao ấy rồi, đâu có giải sai để đến nỗi trở thành một vụ bê bối trong ngành giáo dục thời nay?

 

4-HÌNH ẢNH NHÀ GIÁO VIỆT NAM NGÀY NAY

Quan điểm sống của con người ngày nay không còn như ngày xưa nên hình ảnh Ông Thầy cũng mất dần giá trị. Theo nhận xét của tôi, dường như ông thầy ngày nay ít được học trò tôn kính như xưa; xã hội ngày nay cũng coi ông thầy chẳng có mấy giá trị gì. Có một dạo, vì đồng lương quá ít ỏi, ông thầy phải bươn chãi kiếm tiền bằng nhiều cách, trong đó có những phương cách làm tổn hại đến hình ảnh đẹp của một nhà mô phạm. Có lẽ những tiêu cực đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, lòng yêu nghề , lý tưởng và hình ảnh đáng kính của một nhà giáo mang trách nhiệm đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước.

Mấy ngày nay, tôi theo dõi đài, thấy quý vị đại biểu Quốc Hội đang bàn chuyện cải cách giáo dục. Với tư cách một công dân, một nhà giáo Việt Nam, tôi kính khuyến nghị Quý vị, trước hết  hãy thay đổi cơ chế, cải cách chế độ đãi ngộ, làm sao để giáo viên ta xứng đáng là người thầy được học sinh kính yêu, được xã hội tôn trọng như hình ảnh Quý Thầy của 50-60 năm trước , rồi hãy nói đến cải cách phương pháp giáo dục, cải cách sách giáo khoa v.v…

 

5- KỸ SƯ TÂM HỒN

Thời gian sau này, tôi thường nghe danh từ “Kỹ Sư Tâm Hồn” để chỉ cho nghề giáo. Theo tôi hiểu, kỹ sư là người chế tạo, chế tác ra cái này cái nọ để dùng trong đời sống. Những sản phẩm ra đời từ một nhà máy dưới bàn tay điều khiển của các kỹ sư sẽ có cách chế tác giống nhau, cùng một thứ nguyên liệu , sản phẩm làm ra có công dụng giống nhau, chất lượng giống nhau, trọng lượng, kích thước… mỗi món đều y hệt nhau.

Trên thực tế thì các nhà giáo chỉ truyền thụ kiến thức và dạy cho học trò những thói quen văn minh khoa học. Kiến thức và thói quen chỉ là những cái thấy được bên ngoài, còn những gì con người suy nghĩ bên trong, hình thành nên tâm hồn và nhân cách riêng của mỗi người thì không ai có thể nắm bắt được, cũng không ai có thể chế tạo ra nó đươc.

Người xưa có câu :

“Họa hổ, họa bì nan họa cốt,

Tri nhân, tri diện bất tri tâm”

Tạm hiểu :

“Vẽ cọp, chỉ vẽ được cái hình bên ngoài, chứ không thể vẽ từng cái xương bên trong.

Hiểu người, chỉ hiểu qua tướng mạo bên ngoài, chứ không thể hiểu hết tâm hồn họ”

Thực tế cho thấy, trong gia đình có mười người con thì tâm hồn, nhân cách cả mười người đều khác nhau dù cho cả mười người ấy đều cùng huyết thống, đều được đối xử như nhau, đều hưởng một nền giáo dục như nhau, đều sống trong cùng môi trường thiên nhiên và xã hội như nhau v.v…

Liệu nhà  giáo có thể làm cho tâm hồn  mười con người ấy giống hệt nhau như mười chiếc xe hơi được sản xuất  cùng lúc trong cùng một nhà máy không ?

Vì vậy, tôi cảm thấy dùng danh từ “Kỹ sư tâm hồn” để ví với nhà giáo là chưa thích đáng cho lắm .

 

6.VẠN THẾ SƯ BIỂU

Người Trung Hoa tôn vinh đức Khổng Tử bằng danh từ “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là “Thầy của muôn đời sau”. Tôi e rằng danh từ này có hơi quá đáng, biểu lộ bệnh tự tôn khó chữa của dân tộc Hán, đồng thời cũng không đúng với thực tế .

Vì sao vậy ?

Vì rằng những gì đức Khổng Tử truyền dạy cách đây trên 2.500 năm và được các triều đại phong kiến tại Trung Hoa cũng như tại một số quốc gia lân bang bị ảnh hưởng Nho Giáo áp dụng nhằm duy trì trật tự kỷ cương trong xã hội suốt thời đại quân chủ chuyên chế đã qua, thì nay một số điều đã bộc lộ sự vô lý của nó, không còn phù hợp với xã hội hôm nay nữa.

Thí dụ : trong Tam Cang  (Quân thần cang – Phụ tử cang – Phu thê cang), Ông đã đề cao quá đáng vai trò của ông vua, người cha và người chồng với những lời dạy như :

Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung

Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu

Hoặc :

Trai trung không thờ hai chúa

Gái trinh chẳng lấy hai chồng

V.v…

Đối người phụ nữ, Ông dạy Tam tòng : 1)Ở nhà thì phải lệ thuộc vào cha- 2)Về nhà chồng thì phải lệ thuộc chồng – 3)Chồng mất thì phải lệ thuộc con (trai)

Những lời dạy như thế hoàn toàn không thể áp dụng vào cuộc sống thời đại hôm nay.

Vì vậy, người Trung Hoa lầm tưởng về “giá trị muôn đời” của những gì đức Khổng Tử dạy nên mới tôn vinh Ông bằng một danh hiệu mà chính Ông, nếu còn sống đến bây giờ cũng phải hỗ thẹn.

 

7.BẬC THIÊN NHÂN SƯ

Mười danh hiệu mà người đời tôn vinh Đức Phật Thích Ca là : 1)Như Lai – 2)Ứng Cúng – 3)Chánh Biến Tri – 4)Minh Hạnh Túc – 5)Thiện Thệ – 6)Thế Gian Giải – 7)Vô Thượng Sĩ – 8)Điều Ngự Trượng Phu – 9)Thiên Nhân Sư – 10)Phật Thế Tôn , trong đó, danh hiệu Thiên Nhân Sư có nghĩa là “bậc thầy của Trời và Người.”

Chữ “Trời” ở đây phải được hiểu :

-Trời không phải là những thần thánh vô hình (do con người tưởng tượng) ngự trên chín tầng mây, thường ban phước giáng họa cho loài người dưới thế.

-Trời chính là những con người bằng xương bằng thịt ở chung quanh ta, nhưng họ là những người có phước báu, có đạo hạnh, có lòng tốt, đem lại hạnh phúc cho cộng đồng , sẵn sàng cứu giúp  mọi người ngay trong đời sống này…

Từ đó, chúng ta hiểu “Trời và người” mang ý nghĩa chỉ chung cho đủ hạng người trong xã hội.

Tại sao người đời tôn vinh Đức Phật bằng danh hiệu này ? Sự tôn vinh như thế có quá đáng, có tự tôn hay không ?

Với tư cách một người nghiên cứu và thực hành Phật Pháp suốt 60 năm qua, người viết khẳng định là KHÔNG !

Vì sao ?

Vì những điều Đức Phật dạy đều là chân lý bất di bất dịch của VŨ TRỤ và KIẾP NHÂN SINH.

Thí dụ : Lý Duyên Khởi, Lý Nhân Quả, Lý Nghiệp Báo, Lý Luân Hồi, Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã , Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo v.v… đều là những chân lý của toàn thể vũ trụ và trong đời sống con người. Có những chân lý đã được khoa học chứng minh, có những chân lý  khoa học chưa chứng minh được, nhưng càng ngày càng cho thấy Phật Giáo và Khoa học đang xích lại gần nhau hơn trên con đường chứng minh các chân lý do Đức Phật phát kiến.

Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã nói : "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science).

Những lời dạy của Đức Thích Ca chẳng những có giá trị tuyệt đối từ hơn 2.600 năm trước, mà mãi mãi về sau vần còn giá trị không thể đổi dời.

Vì vậy, những người tin Phật đã không quá lố khi tôn vinh Ngài bằng danh hiệu “Thiên Nhân Sư” .

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, người viết tản mạn đôi điều về NGƯỜI THẦY , gởi đến chư thiện tri thức gần xa gọi là :

“Lời quê chắp nhặt dong dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

 

Tâm  Đoan

( Buôn Ma Thuột – Daklak)


Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang