Gia Đình Phật Tử Trong Lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (2)

G

 GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TRONG LÒNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
( Kỳ 2 )

 
Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu
(…Tiếp theo kỳ trước)
            Dư âm của hội nghị này như một làn gió mát mang hương sắc tinh khiết của vạn đóa sen thơm từ miền Hương Ngự theo dấu chân tiền nhân Nam tiến. Lần lượt các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên đều có GĐPT. Tại Sài Gòn, Ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt được thành lập dưới sự bảo hộ của Hội Phật Học Nam Việt. Anh Tống Hồ Cầm được Hội củ làm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt năm 1954. Rồi sau đó, như sen mùa hạ, các GĐPT nở rộ khắp nơi : Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hòa, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Trà Vinh, Rạch Giá… Mỗi GĐPT đều có một vị Thầy cố vấn giáo lý như quý ngài : Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiền Định, Thanh Từ, Trí Hữu, Huyền Vi… Ở Huế có quý ngài; Minh Châu, Thiện Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chơn Trí làm cố vấn giáo lý.
            Tại Hà Nội, Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc phần thành lập thêm GĐPT Minh Tâm sinh hoạt tại chùa Quán Sứ dưới sự hướng dẫn của các anh: Nguyễn Văn Nhã, Văn Đình Hy… Anh Nguyễn Văn Nhã sau này là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Bắc Việt.
            Trong công cuộc bảo vệ Đạo Pháp, GĐPT đã đổ không ít máu, nước mắt và cả thân mạng phải hy sinh. Trên hàng Thánh Tử Đạo có đủ các thành phần của GĐPT : gia trưởng Hoàng Thuyết, các huynh trưởng Phan Duy Trinh, Phan Gia Ly, Đào Thị Yến Phi, Đào Thị Tuyết, Nguyễn Đại Thức… và các đoàn sinh Nguyễn Thị Vân, Đặng Văn Công, Dương Viết Đạt, Trần Thị Phước Trị, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, Quách Thị Trang… Còn phải kể đến rất nhiều huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT bị bắt bớ giam cầm, đánh đập đến chết hoặc mang thương tật suốt đời vì lựu đạn a-xít; Những huynh trưởng là công chức thì bị cách chức, thuyên chuyển, tù đày, sa thải… Tất cả điều đó đã nói lên lòng trung kiên bảo vệ Đạo Pháp – Dân tộc của đoàn viên GĐPT.
            Sau ngày đất nước được thống nhất do hoàn cảnh lúc đó còn nhiều khó khăn, nhân sự phân tán nên sinh hoạt GĐPT tại một số nơi có phần khựng lại, nếu không muốn nói là bế tắc.
            Trước tình hình đó, những người có trách nhiệm với GĐPT đã ngồi lại với nhau để “tìm cách cho GĐPT được sinh hoạt đều đặc và có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới của đất nước và của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Sau cuộc họp lịch sử ngày 19-10-1997 tại thiền viện Vạn Hạnh (Tp.HCM), một bản thông báo mang theo 5 chữ ký của Hòa Thượng Thích Minh Châu và bốn huynh trưởng cấp Dũng: anh Võ Đình Cường, anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Xuân Quyền, anh Nguyễn Châu được gời đến toàn thể huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT Việt Nam.
            Nội dung bản Thông báo có 5 điểm (nguyên văn) :
1)Sinh hoạt GĐPT nhằm đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội, sinh hoạt này trước đây đả đạt được những thành quả tốt đẹp nay cần phải tiếp tục phát huy.
2)Từ ngày được thành lập, GĐPT luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật Giáo được Nhà nước chấp nhận như : Hội An Nam Phật Học, Hội Phật Học Nam Việt, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nay, sinh hoạt của GĐPT cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
3)Một số ít điều trong Nội quy và Qui chế Huynh trưởng của GĐPT cần tu chỉnh cho phù hợp với Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
4)Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT cần chung sức chung lòng đẩy mạnh sinh hoạt GĐPT để đóng góp vào sự nghiệp chung của Phật Giáo và đất nước.
5)GĐPT cần tranh thủ để được sự quan tâm giúp đỡ cụ thể của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong các sinh hoạt.
            Cũng trong năm này, đại hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ IV (1997) diễn ra tại Hà Nội, GĐPT được chính thức công nhận ghi vào Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Chương 5, Điều 19. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành được thành lập. Ngành Cư sĩ Phật tử do chư Tăng lãnh đạo, ngành Gia Đình Phật Tử do huynh trưởng điều hành theo chủ trương của Giáo Hội và Nội quy GĐPT. Lúc này, trong thành phần huynh trưởng cốt cán của GĐPT, một số đã đi xa, một số không tham gia, số còn lại vì tin tưởng vào tiền đồ của Đạo pháp – Dân tộc và tính bất biến của tổ chức nên đã tùy duyên “Ý giáo phụng hành” để cho GĐPT được tồn tại hợp pháp và phát triển đúng mục đích.
            Tại tổ đính Từ Đàm – Huế, ngôi chùa có dấu ấn lịch sử GĐPT (1951-1963) , vào những ngày cuối tháng 7 năm 2001 đã diễn ra ba sự kiện trọng đại :
            -Lễ kỷ niệm 50 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam (1951-2001(
            -Hội nghị huynh trưởng cấp Tấn , Dũng để tu chỉnh Nội quy GĐPT cho phù hợp với Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
            -Lễ khai mạc Trại huấn luyện huynh trưởng cấp 3 Vạn Hạnh II (2001-2005) để đào tạo huynh trưởng kế thừa.
Năm 2003, theo đề nghị của hai huynh trưởng cấp Dũng Võ Đình Cường và Tống Hồ Cầm, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thành lập hội đồng xét xếp cấp Dũng cho 5 huynh trưởng : Nguyễn Thắng Nhu, Nguyễn Đức Châu, Trần Hạp, Nguyễn Văn Quýnh và Lê Bá Chí. Lễ trao cấp hiệu được thực hiện tại  Hội nghị kỳ 2 khóa V của Trung ương Giáo Hội dưới sự chứng minh của Đại Tăng hai Hội đồng: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và 46 tỉnh thành trong cả nước, đánh dấu một bước trưởng thành trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. (Còn tiếp…)
 
 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang