Gia Đình Phật Tử Kiên Giang, Hiếu Tử Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

G

A-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
          Mùa Hạ năm 1956, hai vị giảng sư thuộc Giáo hội Tăng Già Nam Việt là quý Thầy Thích Thanh Từ và Thích Huyền Vi đến tỉnh lỵ Rạch Giá (Kiên Giang) công tác Phật sự và mở khóa thuyết giảng giáo lý tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo, trụ sở Chi Hội Phật Học Nam Việt Tỉnh Kiên Giang.
           Nhân đó quý Thầy vận động các bác trong Chi Hội thành lập đơn vị Gia Đình Phật Tử (GĐPT) đầu tiên tại Kiên Giang lấy tên Chánh Quang, đoàn quán đặt tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo – Rạch Giá.
          Tiếp theo, vào năm 1959, quý Thầy Thanh Từ và Huyền Vi thành lập GĐPT Chánh Từ tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo-Hà Tiên.
          Sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào năm 1964, phong trào GĐPT trong tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển :
          -Năm 1967,  chùa Kiên Tân, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp thành lập GĐPT lấy tên Kiên Thệ
          -Năm 1968, chùa Sùng Đức, thị trấn An Thới, Phú Quốc thành lập GĐPT lấy tên Chánh Đức.
          -Năm 1970, chùa Phật Quang, Rạch Giá thành lập GĐPT lấy Tên Chánh Thiện.
          Tính đến trước tháng 4/1975, Kiên Giang có tất cả 5 đơn vị GĐPT. Tổng số huynh trưởng vào khoảng 30 anh chị. Đoàn sinh có khoảng 300 em.
Vào mùa hè năm 1974, Ty Thanh Niên Kiên Giang tổ chức trại họp bạn quy tụ 7 đoàn thể thanh thiếu niên đang sinh hoạt tại Rạch Giá, gồm : GĐPT, Học Sinh Phật Tử, Hướng Đạo Việt Nam, Hướng Đạo Quân Đội, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Hồng Thập Tự, Thanh Niên Việt Võ Đạo. Kết quả thi đua toàn trại, GĐPT đoạt 12/13 giải nhất. Điều đó minh chứng rằng sinh hoạt GĐPT mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất trong các đoàn thể nêu trên.
 
B-GIAI ĐOẠN TÙY DUYÊN, KHẾ THỜI ĐỂ TỒN TẠI
          Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình, thống nhất. Thế nhưng những khó khăn trong cuộc sống khiến cho sinh hoạt GĐPT phải tạm thời gián đoạn. Tuy nhiên, với tinh thần tùy duyên bất biến của người con Phật, các anh chị huynh trưởng GĐPT Kiên Giang đã khôn khéo vận dụng những gì khả thi  đang có để  bảo tồn mạng mạch GĐPT trong thời  buổi  mới. Nhờ đó mà sứ mạng giáo dục thanh thiếu đồng niên tin Phật của GĐPT vẫn được tiếp nối, tuy có một vài thay đổi trong hình thức sinh hoạt.
Vào ngày lễ Thành Đạo năm 1988, Tiểu ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử (HDNNCSPT) thuộc Ban trị sự Tỉnh hội Phật Giáo Kiên Giang đã ra đời, quy tụ hầu hết huynh trưởng đang sinh sống tại thị xã Rạch Giá, huyện Tân Hiệp và huyện Hà Tiên.
          Trong hai năm 1989-1990, tiểu ban HDNNCSPT tổ chức các lớp giáo lý dành cho thanh thiếu đồng niên tại 12 tự viện sau :
          -Tại thị xã Rạch Giá có các tự viện : Tam Bảo, Phổ Minh, Phật Quang, Ngọc Hải, Ngọc Sơn, Phật Lớn, Hòa Thạnh, Hòa Long
          -Tại Hà Tiên có các tự viện Tam Bảo, Vạn Hòa
          -Tại Tân Hiệp có các tự viện Bửu Sơn, Kiên Tân
          Các lớp giáo lý vừa kể là tiền thân của các đơn vị GĐPT sau này.
 
C-GIAI ĐOẠN KHÔI PHỤC SINH HOẠT GĐPT
 
          Trước nhu cầu chánh đáng của giới Phật tử trẻ trong cả nước muốn được tiếp tục sinh hoạt GĐPT, tại đại hội Phật Giáo toàn quốc nhiệm kỳ III (1992-1997), Giáo hội PGVN đã quyết định đưa sinh hoạt GĐPT vào chương trình nghị sự, tạo tiền đề cho GĐPT được khôi phục sinh hoạt.
          Năm 1995, Ban Tôn Giáo Chính phủ ra Thông báo số 01/TB-TGCP cho phép khôi phục sinh hoạt GĐPT trên toàn quốc.
          Đầu năm 1996, Ban HDNNCSPT Tỉnh hội PG Kiên Giang tổ chức hội nghị GĐPT toàn tỉnh, chính thức thành lập các đơn vị GĐPT sau đây :
          -Tại Rạch Giá có 3 đơn vị : Chánh Quang (chùa Phổ Minh), Chánh Đạo (chùa Tam Bảo), Chánh Thiện (chùa Phật Quang)
          -Tại Tân Hiệp có 2 đơn vị : Kiên Tân (chùa Kiên Tân), Bửu Minh (chùa Bửu Sơn)
          -Tại Hà Tiên có 1 đơn vị : Chánh Pháp (chùa Tam Bảo)
 
          Năm 1997, Phân ban hướng dẫn GĐPT thuộc Tỉnh hội PG Kiên Giang ra đời. Cũng trong năm này, tất cả các đơn vị GĐPT trong tỉnh đồng loạt lấy tên chùa làm tên đơn vị mình.
          Kể từ nay, sinh hoạt GĐPT chính thức được Nhà nước công nhận và đặt dưới sự quản lý của GHPGVN các cấp.
          Sau 17 năm khôi phục sinh hoạt, GĐPT Kiên Giang đã đạt một số kết quả như sau :
 
I-TỔ CHỨC NHÂN SỰ
 
1)Số lượng thành viên Phân ban GĐPT : Tổng số : 25 ( 12 nam + 13 nữ)
3)Số lượng đơn vị GĐPT trên toàn tỉnh:  hiện nay có 8 đơn vị được công nhận đang sinh hoạt tại các chùa sau đây :
          -TP Rạch Giá có 4 đơn vị GĐPT : Tam Bảo, Phật Quang, Kim Quang, Bửu Khánh
          -TX Hà Tiên có 1 đơn vị GĐPT : Tam Bảo
          -Huyện Tân Hiệp có 1 đơn vị GĐPT : Bửu Sơn
          -Huyện Châu Thành có 1 đơn vị GĐPT: Bửu Thọ
          -Huyện Phú Quốc có 1 đơn vị GĐPT : Sùng Đức
 
3)Số lượng huynh trưởng hiện đang sinh họat :   59 huynh trưởng
          Trong đó có : 30 Htr Nam và 29 Htr Nữ
          Gồm : 3 cấp Tấn – 17 cấp Tín – 11 cấp Tập –  28  chưa có cấp
 
4)Số lượng đoàn sinh đi sinh hoạt thường xuyên : 539 em, trong đó :
 
*Ngành Đồng (từ 6 đến 12 tuổ) :  266 đoàn sinh ( nam: 127 – nữ : 139 )
 
*Ngành Thiếu (từ 13 đến 17 tuổi):  243 đoàn sinh (nam: 106 – nữ : 137)
 
*Ngành Thanh (từ 18 tuổi trở lên :  30 đoàn sinh (nam : 07 – nữ : 23)
 
5)Ban Bảo trợ GĐPT Tỉnh :
Ban Bảo trợ GĐPT Tỉnh ( BBT) được thành lập từ đầu năm 2011 hiện có 97 ban viên gồm chư Tăng, Ni và Phật tử có cảm tình với GĐPT. Hằng tháng số tiền đóng góp của BBT bình quân là 2.000.000 đồng. Mặc dù số tiến không nhiều nhưng cũng giúp Phân ban giải quyết một số chi tiêu cho sinh hoạt GĐPT , đồng thời nó còn mang ý nghĩa động viên rất lớn cho sinh hoạt GĐPT trong tỉnh.
 
II- TU HỌC & HUẤN LUYỆN
 
1)Tu học :
          *Huynh trưởng :  
                   -Bậc Kiên :       16 huynh trưởng
                   -Bậc Trì  :         12 huynh trưởng
                   -Bậc Định :       11 huynh trưởng
                   -Bậc Lực :         04 huynh trưởng
*Ngành Đồng  :
                   -Bậc Mở Mắt :     108 đoàn sinh
                   -Bậc Cánh Mền :   90 đoàn sinh
                   -Bậc Chân Cứng : 43 đoàn sinh
                   -Bậc Tung Bay :    25 đoàn sinh
          *Ngành Thiếu  :
                   -Bậc Hướng Thiện :  115 đoàn sinh
                   -Bậc Sơ Thiện :           68 đoàn sinh
                   -Bậc Trung Thiện :      47 đoàn sinh
-Bậc Chánh Thiện :     13 đoàn sinh
          *Ngành Thanh :
                   -Bậc Hòa  :  30 đoàn sinh
                   -Bậc Minh :   0
                   -Bậc Kiến :    0
                   -Bậc Trực  :   0
 
2)Huấn luyện :
          Trong 17 năm qua (1997-2013), Phân ban GĐPT Tỉnh đã tổ chức :
-07 trại huấn luyện đội, chúng trưởng và đầu đàn (Anoma-Ni Liên-Tuyết Sơn) đào tạo hơn 700 lượt trại sinh
-11 trại huấn luyện huynh trưởng sơ cấp (Lộc Uyển) đào tạo hơn 600 lượt trại sinh
-11 trại huấn luyện huynh trưởng cấp I (A Dục) đào tạo hơn 500 lượt trại sinh
-02 trại huấn luyện huynh trưởng cấp II (Huyền Trang) đào tạo hơn 100 lượt trại sinh.
-Tham dự trại huấn luyện huynh trưởng cao cấp Vạn Hạnh II và Vạn Hạnh III do Phân ban GĐPT Trung ương tổ chức. Tổng cộng đã có 13 huynh trưởng trúng cách.
 
III-HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
 
Trong 17 năm qua, GĐPT Kiên Giang đã tổ chức và tham dự các hoạt động ngoại khóa sau đây:
          -Tổ chức 7 trại họp bạn ngành Thiếu toàn tỉnh mang tên Lục Hòa, quy tụ hơn 700 lượt trại sinh tham dự
          -Tổ chức 6 trại Hạnh truyền thống ngành Nữ GĐPT, quy tụ hơn 600 lượt trại sinh nữ.
          -Tổ chức 2 trại Dũng truyền thống ngành Nam GĐPT, quy tụ 200 lượt trại sinh nam.
          -Tham dự 1 kỳ trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc và 2 kỳ trại họp bạn ngành Thiếu khu vực miền Đông & miền Tây Nam bộ
          -Tham dự 3 kỳ hội nghị GĐPT toàn quốc vào các năm 2001, 2006, 2011.
C-NHỮNG ĐIỂM MẠNH CỦA GĐPT KIÊN GIANG
 
          Mặc dù cả tỉnh chỉ có 8 đơn vị GĐPT đang sinh hoạt.  Tuy nhiên, nếu ta biết rõ đặc điểm của sinh hoạt GĐPT tại Nam bộ nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng, thì với 8 đơn vị sinh hoạt ổn định và nề nếp suốt 17 năm nay đâu thể gọi là yếu.
          Trái lại, nếu chúng ta nhìn một cách thấu suốt vào đoàn thể Áo Lam ở Kiên Giang, chúng ta sẽ thấy GĐPT Kiên Giang có những điểm mạnh nổi bật sau đây :
         
          1.Trung thành tuyệt đối với Giáo hội : Sau năm 1975 đến nay, phong trào GĐPT trên toàn quốc bị chia rẻ thành hai phần : một thành phần sinh hoạt dưới sự quản lý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ; một thành phần khác không chịu sự quản lý của GHPGVN.
          Riêng tại Kiên Giang không hề có một đơn vị nào sinh hoạt ngoài GHPGVN. Điều đó nói lên tính trung thành tuyệt đối của tổ chức Áo Lam tại Kiên Giang. Chính sự trung thành này là điều kiện để Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội Kiên Giang tin tưởng, tạo điều kiện cho GĐPT sinh hoạt ngày càng ổn định và tầm nhìn vào tương lai phát triển.
 
          2.Đoàn kết tốt nội bộ: Suốt 57 năm sinh hoạt, dù trải qua ba thời kỳ Giáo hội; dù thành phần nhân sự luôn thay đổi… Anh chị em đoàn viên GĐPT Kiên Giang vẫn giữ được mối đoàn kết hòa hợp, thống nhất thành một khối. Sự đoàn kết tốt là nền tảng cho sinh hoạt ổn định, nề nếp và phát triển từng bước chắc chắn.
 
3.Biết khôn khéo tùy duyên trong mọi hoàn cảnh : Tổ chức Áo Lam tại Kiên Giang cũng gặp nhiều khó khăn giống như  GĐPT trong cả nước. Tuy nhiên, nhờ tinh thần tùy duyên bất biến và sự khôn khéo vận dụng điều kiện có thể trong từng hoàn cảnh của anh chị em mà GĐPT Kiên Giang sớm có mặt trở lại sau năm 1975. Trước khi Giáo hội Trung ương đưa sinh hoạt GĐPT vào chương trình nghị sự tại đại hội Phật Giáo toàn quốc lần III (1992) thì tại Kiên Giang, các anh chị em huynh trưởng GĐPT đã tập họp trong tiều ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử của Tỉnh Hội để mở các lớp giáo lý cho thanh thiếu đồng niên tại 12 chùa trong tỉnh. Cũng nhờ vậy mà Phân ban GĐPT Kiên Giang là Phân ban GĐPT đầu tiên trong cả nước ra mắt khi Hiến chương GHPGVN được tu chính tại Đại hội PG toàn quốc lần IV (1997) cho phép thành lập Phân ban GĐPT Trung ương và các tỉnh, thành.
 
D-TÂM TƯ NGUYỆN VỌNG CỦA ĐOÀN VIÊN GĐPT.KG
 
          Một vị cao tăng người Srilanka, Hòa thượng Tiến sĩ Narada MahaThéra, từng khen ngợi tổ chức GĐPT Việt Nam như sau : “Trên thế giới, chưa có Phật Giáo ở một quốc gia nào có một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi chặt chẽ và hiệu quả như tổ chức GĐPT Việt Nam…” (trích Phật Giáo Việt Nam Sử Luận tập III –Nguyễn Lang – Lá Bối xuất bản)
          Qua nhận xét trên đây cùng với thực tiễn hoạt động ngành Hướng dẫn Phật tử trẻ của Giáo hội hiện nay cho thấy tổ chức GĐPT, dù còn những mặt hạn chế nhưng vẫn là mô hình giáo dục duy nhất mang lại hiệu quả trong việc đưa giới trẻ đến với Phật Pháp.
 
          Thực tế cho thấy, GĐPT luôn luôn là mầm non trên cây đại thụ Giáo Hội. Nếu Giáo Hội thương thì mầm non ấy xanh tươi phát triển. Nếu GĐPT sinh hoạt ngoài Giáo Hội thì chẳng khác nào tự bứng mình ra khỏi gốc đại thụ, như thế làm sao sống được, nói gì đến phát triển ?
          Các anh chị em Áo Lam lúc nào cũng tự xem mình là hiếu tử của Giáo Hội. Nếu có một hai trường hợp bị cho là không tôn trọng chư Tăng, Ni thì chắc chắn đó chỉ là trường hợp rất hãn hữu, chứ tiệt nhiên đó không phải là bản chất của con người Áo Lam.
 
Theo thiển nghĩ,  để cho GĐPT phát huy hết hiệu quả của nó thì cần có sự kết hợp giữa một bên là Giáo hội và quý Thầy trụ trì, một bên là Phân ban GĐPT và ban huynh trưởng các đơn vị. Trong đó, Giáo hội và quý Thầy trụ trì đóng vai trò Chủ nhân ông hết lòng vì sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Chúng Trung Tôn; Một bên là Phân ban GĐPT và anh chị em huynh trưởng đóng vai trò người trợ thủ đắc lực làm tròn bổn phận hộ trì Tam Bảo của giới tại gia.
Nếu có được sự kết hợp như thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng đến hướng phát triển của GĐPT Việt Nam nói chung, tại Kiên Giang nói riêng.
 

                                                   Kiên Giang, mùa Thu năm Quý Tỵ         
 
                                                         HTr. Cấp Tấn MINH KIM QUÁCH VĂN THÀNH
                                                                                 PHÓ TRƯỞNG PHÂN BAN GĐPT         
                                                                                  GIÁO HỘI PGVN TỈNH KIÊN GIANG       


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang