Đi tìm đức Dũng trong tố chất người áo lam

G

Với mục đích “Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”, GĐPT đã và đang gặt hái những thành công. Trong quá trình hoạt động, GĐPT đã hiến dâng cho Đạo những vị Thánh tử đạo, những tín đồ trung kiên và đã góp cho đời những công dân xứng đáng khắp mọi lãnh vực.

“GĐPT thể theo hạnh trí tuệ của chư Phật, chỉ biết tôn trọng sự thật, tôn trọng lý trí, soi sáng mọi người. GĐPT dạy các em biết tôn trọng lẽ phải, tìm hiểu sự thật, phát chiếu lý trí. GĐPT dạy các em học Phật pháp tức là học để tìm hiểu sự thật. GĐPT nêu rõ rằng: Ngu dốt là một tội nặng đối với mình, đối với mọi người, mê mờ là chưa biết sống, vì rằng người mê mờ ngu dốt sẽ sống để tàn hại nhau. GĐPT không bao giờ khuyên công kích và mạt sát một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa nào, vì trong sự mạt sát và công kích đã có nghĩa là mê mờ, ngu dốt rồi… GĐPT chỉ biết giới thiệu một cách vô tư một lối sống chân chánh hợp với lẽ phải, thuận với tuổi trẻ, đúng với tinh thần Bi, Trí, Dũng” (HT.Thích Minh Châu, Vì sao Gia đình Phật tử ra đời?). Có thể nhận rõ mục đích GĐPT gồm hai phần: Xây dựng cá nhân và xây dựng xã hội.

Về xây dựng cá nhân, GĐPT cố gắng đào tạo những con người có đủ ba đức tính căn bản: Bi, Trí, Dũng, những con người lấy tình thương làm động lực (Bi), lấy trí tuệ làm ngọn đèn hướng dẫn (Trí), lấy dũng lực làm đà tiến lên (Dũng); những con người biết yêu thương đồng bào, đồng loại như thương yêu chính mình, biết khoan hòa tha thứ, biết nhận rõ đâu là trái, đâu là phải, đâu là ánh sáng là bóng tối, đâu là ác là thiện; những con người không nề gian khổ, nguy nan trong khi làm nhiệm vụ của mình. Để trau dồi những đức tính ấy, người Phật tử cần thực hành năm hạnh: Tinh tấn, hỷ xả, thanh tịnh, từ bi, và trí tuệ trong đời sống hàng ngày và với tinh thần Tứ nhiếp pháp. 

Về xây dựng xã hội, GĐPT cố gắng góp sức với các đoàn thể khác, xây dựng một xã hội cộng đồng lành mạnh, văn minh tiến bộ, lấy tình thương làm chất liệu gắn kết giữa người với người. GĐPT quyết tâm xây dựng con người biết hội nhập và hòa đồng. Hội nhập bằng cách tìm hiểu học hỏi những điều hay lẽ đúng phù hợp với bản sắc dân tộc; hòa đồng nhưng không hòa tan.

Lòng nhân ái và tâm trí sáng suốt là con đường đang đi của người áo lam, nhưng sự lựa chọn và hành tiến đó có vững bền hay không tùy thuộc vào tính Dũng. Cuộc sống mập mờ, giữa ngã ba đường “tôi-anh-chúng ta” vẫn là một chướng ngại vật khi đặt vấn đề tự thân tu học. Dũng ở đây không phải là sự lì lợm gai góc của “vai u thịt bắp” hay của kẻ ỷ lại sức mình “hô phong hoán vũ” mà Dũng có trí tuệ.

Thực tế cho thấy, những chướng duyên ngoại cảnh – nội tâm khiến GĐPT đứng trước hoàn cảnh hầu như tan tác “người đi kẻ ở”, “đất không dung, người không tha” nhưng vẫn bám trụ, vẫn hiện diện sinh hoạt trên quê hương qua tháng này năm nọ. Đó là Dũng. Anh chị em vẫn hàng tuần gặp nhau, vẫn thắp hương lễ Phật nguyện cầu và hát vang bài ca Sen trắng. Trong khi đó, có đơn vị đông đủ bá quan mà lòng ruột nát vỡ như tương, bằng mặt không bằng lòng, để rồi chia năm xẻ bảy, ngả nghiêng quan điểm và có xu hướng đi lệch mục đích của tổ chức GĐPT. Nếu không có sự sáng suốt nhận định và lựa chọn (Trí) sẽ vô tình đưa hoạt động của đơn vị ấy vào ngõ cụt, “tan hàng cố gắng”!

Có người ra mặt công khai công kích người khác cùng trong một mái nhà và bảo đó là đức Dũng; một Dũng cực đoan chấp ngã nghi kỵ thiếu tính Lục hòa. Có người nói đến thì quát tháo chứng tỏ ta đây có quyền quyết định mọi thứ, tự coi mình là cái rún của vũ trụ và tự lấy đó là Dũng; một Dũng khờ khạo đến ngây thơ! Cũng có kẻ xăn tay áo “không ai dám làm thì tôi làm”, bảo đó là Dũng; một Dũng ngông nghênh như con ngựa bị che hai bên mắt chỉ biết một lối chạy phía trước. Vậy đâu là đức Dũng thật sự của người khoác áo lam?

Thử bàn về Dũng trong quan niệm sống xưa và nay. Có phải Dũng như Từ Hải chết đứng bởi loạn tên của phục binh Hồ Tôn Hiến? “Khóc rằng: Trí, Dũng có thừa/Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này” (Nguyễn Du, Truyện Kiều). Như thế ý nghĩa của Dũng phổ biến trong xã hội, trong quần chúng, là ý nghĩa biểu lộ sự gan dạ, dám nghĩ, dám làm.

Có phải Dũng như quan niệm của Khổng Tử là “Kẻ nhân tức hữu Dũng” mà “Nhân càng cao thì càng phải có trí, nếu không có trí thì chẳng giúp được người mà còn lại hại chính mình”? Học giả Nguyễn Duy Cần thì cho rằng “Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính điềm đạm (điềm tĩnh) làm căn bản… Cái Dũng của thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của điềm đạm”. Trang Tử: “Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ” (Nguyễn Duy Cần, Cái Dũng của Thánh nhân).

Đức Dũng của đạo Phật không phải như anh hùng hảo hán “Giữa đàng gặp chuyện bất bình chẳng tha” của Lục Vân Tiên. Mà như vị vua Phật tử Lý Thánh Tông trước khi xuất quân đã nói với thái phi Ỷ Lan: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” (Giữ tâm yên lặng, bất động trước các biến động của cuộc đời). Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần cầm quân đánh tan xâm lược Nguyên Mông mà đối với tự thân thì thực hành vô ngã, vị tha; với người thì mang lại lợi lạc quần sinh, sống và thực hành với tinh thần Thập thiện để xã hội có cuộc sống yên bình.

Đức Phật dạy, để thoát khỏi tâm lý sai lầm, thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não thì con người phải thành tựu vô tham, vô sân (từ bi), vô si (trí tuệ) và vô úy (định tĩnh, không sợ hãi, không dao động). Vô úy là thái độ sống của người Phật tử chân chính giữa dòng đời vô thường, biến động. Thái độ sống ấy biểu hiện một cách tự nhiên của những tâm hồn nhuần thấm từ bi và trí tuệ. Không có một nỗ lực khác thường nào ở đây để được ngợi ca là can đảm, hay dũng cảm. Chính thái độ sống điềm nhiên ấy thật sự mang bản chất Dũng, bởi Dũng luôn có mặt ngay trong tâm thức từ bi, trí tuệ: Có trí tuệ là có Dũng, có từ bi là có Dũng và có trí tuệ là có từ bi và Dũng.

Tâm kinh dạy: “… Bồ-tát an trú trong trí tuệ vô ngã tròn đầy, nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại, nên không sợ hãi, rời xa các tâm tưởng mộng mị sai lầm, cuối cùng được giải thoát hoàn toàn khổ đau…).

Như vậy, ba đức Bi+Trí+Dũng là nền tảng nâng cao phẩm cách con người của Tình+Ý+Chí. Châm ngôn trên nói rõ là: Phật tử mở rộng tình thương, tôn trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường giải thoát khổ đau cho tự thân và cho tha nhân. Đấy là ngôn ngữ (Dũng) của thời đại, của người khoác áo lam từ xưa cho đến hiện nay.

Sự hiểu lầm ý nghĩa của đức Dũng trong suy nghĩ và việc làm của một số ít huynh trưởng đã khuấy động, làm vẩn đục sự bình an của GĐPT. Họ không thể hay không muốn phá chấp, không nhận lấy sai lầm của mình, thậm chí biện hộ đó là “bản tính trời cho khó mà thay đổi”. Vậy, thử hỏi chúng ta có đủ can đảm gần những người này hay không? “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Đức Phật đã từng dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đừng tưởng mình là cao cả, đặt mình lên trên mà khinh rẻ hay ganh ghét kẻ khác, hoặc bắt buộc họ làm theo ý kiến mình, làm như thế là thiếu tinh thần tự do, mất đi lòng vị tha.

Vậy hãy để tâm vô quái ngại, để lòng thênh thang, để lòng không còn gì ngăn ngại, không chấp ngã đảo điên trước biến cố của cuộc sống. Người xưa có câu: “Ngồi nghe người khác khen ngợi bạn mình, mà không thay đổi nét mặt, thật là người can đảm”.

Dũng có trong mọi ý nghĩ cho đến hành động. Nếu làm được việc tốt mà không do thân tâm mình cố tình tạo nên, không do sự bắt buộc hay một áp lực nào thúc đẩy, thì được khen hoặc bị chê đó không phải là công hay tội của mình. Mọi nên hư mình đều phải chịu trách nhiệm, đừng đổ trút đưa đẩy vào ai. Tự mình phải ý thức được khả năng của mình để rồi chọn lấy một hướng đi cho thích hợp. Lên hay xuống, thất bại hay thành công, còn hay mất, trầm luân hay giải thoát, đều do mình quyết định.

Đã khoác lên người chiếc áo lam, đã nguyện sống cùng với lý tưởng GĐPT, người huynh trưởng với đức Dũng cần phát huy một cách sáng suốt, với tinh thần Lục hòa mới xây dựng và duy trì được đơn vị vững mạnh. 

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang