Phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử, địa lý, xã hội hỗn loạn và đau thương nói trên, Gia Đình Phật Tử từ giai đoạn hình thành đã có quy củ, đường lối, tổ chức sinh hoạt nhất định. Sau 20 năm tồn tại, nhờ kinh nghiệm thực tế, tuy có thay đổi đôi chút về điều hành, nhưng cương lĩnh vẫn không bao giờ đi ngược hay vượt ra ngoài những tiêu chuẩn sẵn có.Những tiêu chuẩn cốt yếu ấy đã bao hàm trong những bài diễn văn quan trọng của anh Trưởng ban Hướng dẫn mà "quá trình tổ chức và tranh đấu của Gia Đình Phật Tử gắn liền với tiểu sử của anh. Suốt trong thời gian Ban hướng dẫn Trung phần hoạt động, khi ở cương vị Trưởng ban Hướng dẫn Trung phần, khi nghỉ việc vì bạo quyền áp bức, nhưng lúc nào cũng là nhân vật chịu trách nhiệm về sự hưng vong của Gia Đình Phật Tử. Trong tổ chức chung, mỗi khi có biến cố, có việc nan giải, chúng tôi đều hỏi ý kiến anh và được anh đưa ra những biện pháp hữu hiệu…". Những bài diễn văn mà anh đã đọc trong buổi sơ khai của tổ chức đã được in thành sách vào năm 1956 với nhan đề Đây Gia Đình.
Trong phần đầu chương này, biên giả thấy cần phải trích lại những đoạn thiết yếu và vì muốn cho nhất quán, biên giả sẽ xin lược những đoạn mở đầu có tính cách lễ nghi, giai đoạn và đặc thù.
"…Mục đích của Gia Đình Phật Tử là thế nào, tưởng cũng cần giới thiệu qua để các đạo hữu rõ. Nó gồm ba phần:
1. Gây một khung cảnh thuận tiện cho sự tu học của mọi người trong gia đình. Từ trước đến nay Hội Phật học có một khuyết điểm lớn, người già mới vào Hội, trở thành hội viên, như rời gia đình để đi tu riêng một mình. Gia Đình Phật Tử thành lập chính là để bổ khuyết vào chỗ ấy, nghĩa là để mọi người cùng tu, cùng học không kể lớn bé, già trẻ, sang hèn. Ở đây ai cũng cùng một chí hướng như nhau là dìu dắt nhau bước mau về cõi Phật
2. Gây một mối dây liên lạc, một tình thân hữu đầm ấm giữa các gia đình. Từ trước, gia đình này với gia đình kia thường cách biệt nhau, thiếu tinh thần liên lạc, nhà nào sống riêng nhà ấy, con cái không đi lại với nhau. Bây giờ, nhờ Gia Đình Phật Tử, gia đình này với gia đình kia không còn xa lạ nữa. Đây là thế giới đại đồng thu hẹp, không thân, không sơ, không giàu nghèo, sang hèn. Đã vào Gia Đình Phật Tử thì mọi người đều là cha mẹ chung, anh em chung, mọi người đều được bao trùm trong bầu không khí thân yêu, trìu mến của lòng từ bi vô lượng.
3. Gây một không khí thuận tiện cho việc đào tạo Phật tử ngày mai. Không đâu thuận tiện cho bằng Gia Đình Phật Tử để đào tạo con em thành Phật tử chân chính. Ở trường thì chỉ chuyên về trí dục, ở nhà thì chuyên về tình cảm, ở ngoài đời thì đeo đuổi tiền tài danh vọng. Chỉ có Gia Đình Phật Tử là nơi chú trọng tới mọi mặt. Nó là một nối ngang giữa gia đình và học đường, giữa Đời với Đạo, giữa xã hội với cá nhân. Đây là một miếng đất rất tốt để đào tạo cho con người về mọi phương diện…"
Đoạn văn trên tuy vắn tắt nhưng cũng đủ vạch ra những nét chính yếu trong mục đích giáo dục thanh thiếu nhi và đồng thời giải thích nguyên nhân tại sao lại chọn danh từ Gia Đình để gọi tổ chức giáo dục này. Dù đã nêu rõ như vậy, một số đông đạo hữu lớn tuổi, một số quần chúng vẫn còn hiểu lầm về dụng ý của người sáng lập nên có đoạn tiếp sau để nói với các đoàn sinh:
“Gia Đình Phật Tử không phải là nơi tập luyện cho các em tụng kinh, gõ mõ thật giỏi để đi cầu siêu, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma.
Gia Đình Phật Tử không phải là nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ở trường để tổ chức những trò chơi vô nghĩa, những ca xướng vô ích.
Gia Đình Phật Tử không phải là tổ chức thanh niên có mục đích chính trị hay một tổ chức hướng đạo trá hình. Gia Đình Phật Tử chỉ mượn một ít phương pháp thanh niên hay hướng đạo thôi. Còn tinh thần thì vẫn là tinh thần Phật giáo, nghĩa là Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Hoan hỷ, Thanh tịnh”.
Ba điều trên tối trọng đối với tổ chức vì cho tới nay, một số Tăng Ni, đạo hữu, quần chúng vẫn vô tình hay cố ý hiểu lầm như vậy. Đối với những bậc trưởng thượng mà còn có thể ngộ nhận về Gia Đình Phật Tử như thế, thì thử hỏi các em thiếu niên, đồng niên làm sao khỏi ngỡ ngàng khi có ý định gia nhập hay đã gia nhập mà không hiểu rõ ý nghĩa việc làm của mình? Vì thế trong hai bài diễn văn đọc trong ngày kỷ niệm Đản sanh năm 1950, đã có đoạn rõ ràng thâm thúy có thể làm tâm niệm cho toàn thể đoàn viên Gia Đình Phật Tử sau Đây:
“… Các em vào Gia Đình Phật Tử để noi gương đức Phật. Các em được may mắn hưởng thụ tinh thần Phật giáo (Bi, Trí, Dũng) mà không một tôn giáo nào, một học thuyết nào có thể sánh kịp. Nhưng hưởng thụ không phải chỉ để mà hưởng thụ, mà cần phải phân phát ra quanh mình những cái hay cái đẹp mà mình đã thu nhận được. Những Phật tử đàn anh chúng ta thường bị chê trách là thụ động, là tiêu cực, vì đã hưởng thụ một mình mà không muốn phân phát cho ai. Họ biết Phật pháp là hay, là đúng, mà không muốn phân phát cho ai. Họ biết Phật pháp là hay, là đúng mà không chịu hoạt động một cách tích cực để cải tạo cuộc đời, đem an vui cho xã hội. Ngày nay càng cố gắng để tránh xa vết cũ ấy, nghĩa là chúng ta phải tập, phải luyện những phương pháp thiện xảo để thiết thực giúp đời, chứ không phải chỉ ngồi mà hưởng thụ.
Những môn học trong Gia Đình Phật Tử sẽ giúp các em dễ dàng theo dấu chân đức Phật. Những môn học mà các em đang học tập hàng ngày trong các Gia Đình Phật Tử là những môn cần ích cho đời, một khi xã hội cần đến. Những ngành văn hóa của Gia đình như múa hát, văn chương, kịch nhạc sẽ giúp các em tô điểm cho đời thêm tươi đẹp. Những môn cứu thương, gút, morse sẽ giúp các em cứu thoát những tai nạn hàng ngày xung quanh các em. Những môn thêu thùa, gia chánh sẽ giúp các em trong những công việc nội trợ và những bài học Phật pháp sẽ giúp các em hiểu thấu ý nghĩa cuộc đời và sống đúng ý nghĩa ấy…”.
Hôm nay, giữa một hoàn cảnh phức tạp hơn xưa, nhưng những lời nhắn nhủ ấy phải luôn luôn cần được các anh chị trưởng nhắc lại cho các em và đồng thời cũng nhận đấy làm tiêu chuẩn cho việc soạn thảo chương trình huấn luyện và tu học. Đó chính là sự hợp nhất giữa tôn chỉ với hành động, giữa lý thuyết với thực hành. Đó là lời tâm huyết của người anh cả vào năm 1950.
Đến năm 1952, cuộc tranh thủ nhân dân của hai chính quyền kháng chiến và vùng tạm chiếm trở nên trầm trọng. Một không khí nghi kỵ bao trùm lấy Gia Đình Phật Tử, lúc bấy giờ đã lan tràn khắp miền Trung, Bắc, Nam. Nhiều Huynh trưởng đã bị khủng bố. Dù vậy cuộc triển lãm văn nghệ vẫn được tổ chức vĩ đại tại trường Bồ Đề Huế. Và đây mới là cơ hội kỳ diệu để nói lên thái độ can đảm của cấp lãnh đạo Gia Đình Phật Tử:
“…Thỉnh thoảng các ngài đã từng thấy một đoàn năm bảy em thiếu nam hay thiếu nữ áo lam đang lướt vội trên các đường phố để đến dự một buổi họp. Các ngài cũng đã từng nghe những tiếng hát trong trẻo vọng qua những bức tường của một ngôi chùa hay một trụ sở Phật học. Màu áo lam, tiếng hát ấy không ai là không biết của Gia Đình Phật Tử, một ngành hoạt động của Hội Phật Học Việt Nam. Danh từ Gia Đình Phật Tử đã quen thuộc với bà con cố đô này lắm. Tuy thế, ý nghĩa của nó, mục đích và hoạt động, lập trường và triển vọng của nó còn lờ mờ đối với phần đông đồng bào ở Thuận Hóa. Có một số bà con đã có thái độ quý hóa là cố theo dõi công việc của chúng tôi để tìm hiểu mặt thật của Gia Đình Phật Tử. Nhưng tiếc thay, thái độ quý hóa ấy lại không phải là thái độ của phần đông! Phần đông đồng bào đã mang những cặp kính màu của họ, thôi thì đỏ cũng có mà vàng cũng có, xanh cũng có mà tím cũng có. Lạ nhất là có khi nó biến ra thành ngôi sao vàng trên nền đỏ, có khi thành ra ba sọc đỏ và có khi thành là xanh trắng đỏ! Vâng, người ta đã quả quyết rằng đó là một đoàn thể biến tướng của Việt Minh, vì "bọn đó cứng đầu lắm, không ủng hộ ai cả". Có người lại bảo: "Chúng nó là của chính phủ. Chúng nó ranh lắm. Bây giờ giả vờ trung lập để câu thanh niên, nhưng một ngày kia khi đủ lông đủ cánh, chúng nó sẽ về với chính phủ bù nhìn cho mà xem." Có người lại bảo: "Chúng nó là của Tây, vì nếu không phải là của Tây thì làm sao mà hoạt động được trong vùng chiếm đóng." Có người lại bảo: "Đó là một tổ chức thanh niên bắt chước Hướng đạo mà bắt chước không nên, như thế thì theo quách Hướng đạo còn hơn." Có người lại bảo: "Đó là một tổ chức tôn giáo lạc hậu có mục đích nhồi sọ, bắt con em đi hộ niệm, cầu siêu, cầu an cho rậm đám." Đó là những dư luận lớn. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe bay trong gió những lời hăm dọa. Chúng tôi chỉ biết mỉm cười. Có những lời ca tụng mà như phản tuyên truyền, những lời chê bai mà chúng tôi lại lấy làm sung sướng.
Những dư luận sai lầm, chúng tôi vừa kể đó, chúng tôi không trách cứ vào ai cả. Chúng tôi chỉ tự trách mình đã thiếu kinh nghiệm, tưởng rằng cứ im lặng mà làm việc thì rồi người ta sẽ hiểu. Nhưng, chúng tôi đã quên rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ trắng đen lẫn lộn, sáng tối mập mờ. Những hạt giống nghi ngờ, nẩy lá sum suê quá, che khuất tất cả mọi địa hạt, cho đến cả lòng những người thân nhất. Chúng ta như đang đi trong rẫy tranh, phải luôn luôn hô to "Tôi ở đây! tôi đang làm việc này việc nọ". Phải luôn luôn gạt tranh mà bước, mà nếu cần đốt hết cả đám tranh nghi ngờ để được thấy rõ nhau hơn. Công việc đốt tranh ấy, từ trước đến nay Gia Đình Phật Tử chúng tôi chưa hề làm. Trái lại với một ít tinh nghịch, chúng tôi muốn chơi trò cút hùm để chọc những ông thầy bói. Nhưng trò chơi ấy đã đến lúc nguy hiểm, cần phải chấm dứt. Và chính hôm nay, lần đầu tiên trước mặt các ngài, chúng tôi xin châm lửa vào đám tranh nghi ngờ ấy để các ngài được thấy mặt thật của đoàn thể chúng tôi hơn. Công việc có lẽ đã chậm, nhưng chậm còn hơn không…”
“…Gia Đình Phật Tử chỉ là một tổ chức giáo dục trong Hội Phật Học. Nó lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản, vì giáo lý ấy có đủ ba điều kiện cần thiết để đào tạo con người theo đúng nghĩa của nó : Phần tình cảm (Bi), phần lý trí (Trí), phần ý chí (Dũng). Thiếu một trong ba phần ấy, con người chưa phải là con người. Ba phần ấy đều phải được phát triển đều nhau và cho đến cùng độ để xứng với con người luôn luôn tiến bộ. Chúng tôi vì mục đích giáo dục mà lựa Phật giáo làm nền tảng, chứ không phải vì Phật giáo mà lôi kéo thanh niên. Đạo là một con đường, một phương tiện, mà con người mới thật là mục đích.
Để đạt được mục đích giáo dục nói trên, Gia Đình Phật Tử có ngành hoạt động, ngành giáo lý để mở mang trí tuệ, thấy rõ mặt thật của đời. Ngành văn nghệ để trau dồi tình cảm, di dưỡng tính tình. Ngành chuyên môn về thanh niên để thích ứng với hoàn cảnh, nâng cao mực sống. Ba ngành hoạt động ấy đều quan trọng ngang nhau. Trong chương trình học tập, chúng tôi không thiên về phần giáo lý, vì mục đích của chúng tôi không phải để tạo những vị tăng già tương lai. Chúng tôi cũng không thiên về văn nghệ vì chúng tôi không cố đào tạo những nghệ sĩ. Và chúng tôi cũng không quá chú trọng về chuyên môn, vì chúng tôi không muốn đàn em của chúng tôi chỉ là những thanh niên tháo vác, khéo tay khéo chân mà thôi. Về những ngành hoạt động này chúng tôi không muốn nói nhiều. Chúng tôi xin nhường cho cuộc triển lãm tự nói lấy và nó sẽ trình bày với các ngài một cách hùng hồn hơn.
Các điều mà các ngài muốn biết và chúng tôi cũng cần thưa ra, là lập trường của Gia Đình Phật Tử đối với nước nhà trong giai đoạn hiện tại như thế nào?
Trước khi nói tới thái độ của đoàn thể chúng tôi trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi xin phép nói phớt qua lịch trình tiến triển của nó, vì chính cái bài học quá khứ ấy đã vạch cho chúng tôi lập trường hiện tại.
Gia Đình Phật tử được thai nghén và sinh nở cách đây mười năm trong thời Pháp thuộc. Nó chưa kịp lớn thì Nhật đảo chính rồi chánh phủ Dân chủ Cộng hòa lên thay, và bây giờ nó bỗng nhiên bộc phát dưới chánh phủ quốc gia. Chỉ có mười tuổi, nó đã chứng kiến bốn cuộc thay đổi chính quyền và nó bỗng sáng mắt. Nó hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ tang thương, nhận chân được cái thâm thúy của bức tranh vân cẩu. Và, do đó nó đã sớm có một lập trường là không nên dựa vào một lực lượng ngoại lai nào cả, nhất là lực lượng chính trị, mà cũng không nhúng tay vào chính trị. Như chúng tôi đã trình bày trên, Gia Đình Phật Tử chỉ là một tổ chức hoàn toàn giáo dục, tất nhiên là trong giáo dục có cả phần công dân đối với tổ quốc. Và nếu chúng tôi có trau dồi cho đàn em chúng tôi tinh thần danh dự của dân tộc, lòng yêu đất nước, ý chí quật cường thì đó cũng là việc thường trong mọi thứ giáo dục, chứ có phải đâu vì thế mà trở thành một cơ quan chính trị có màu sắc này, màu sắc khác?…”
“…Quý ngài phần đông là những nhà mô phạm, những nhà trí thức lành mạnh, những thủ lãnh thanh niên, chắc các ngài không thấy muốn một đoàn thể giáo dục chỉ đào tạo những con người máy để cho mọi thế lực giựt dây, không tinh thần, thiếu bản lĩnh, thiếu đức hạnh! Vâng, các ngài không muốn như thế, mà chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi chuyên tâm cố gắng đào tạo thanh thiếu nhi Phật tử có một tinh thần vững mạnh. Đó là điều cốt yếu của Gia Đình Phật Tử và cũng là vấn đề quan trọng về phương diện giáo dục.
Chúng ta phải thiết thực hơn, những thanh niên, gia đình ở một nơi mà mình ở một ngã, những con thiêu thân sắp lăn vào lửa vật chất. Chúng ta làm thế nào để cứu vớt những nạn nhân tội nghiệp ấy? Hiện giờ, có những học sinh hễ nghỉ học là đi dạo phố, hết rạp chiếu bóng này lại tiệm giải khát nọ, những em bé vì quá giàu hay quá nghèo mà hư, những thanh niên đang lăn một cách vô tư vào hố trụy lạc. Chúng ta phải làm thế nào để mở cho họ một con đường sáng, hướng họ về đây, tìm cho họ những công việc lợi ích cho đời họ và cho xã hội. Công việc giáo dục lúc nào cũng cần thiết, nhưng lúc này nó cấp bách hơn bao giờ hết. Gia Đình Phật Tử đã và đang làm công việc ấy. Nhưng với tài hèn sức mọn, đoàn thể chúng tôi không thể làm nỗi hết.
Bởi vậy chúng tôi thiết tha kêu gọi quý ngài nâng đỡ chúng tôi với tinh thần xây dựng, với dư luận đúng đắn công minh của quý ngài. Riêng với các đoàn thể thanh niên, chúng tôi mong cầu được hợp tác chặt chẽ trong công việc giáo dục ấy. Với thanh niên Thiên chúa giáo mà lòng thương của Chúa đã có sẵn, với thanh niên Hướng đạo mà thành tích làm việc xã hội đã nỗi tiếng, chúng tôi chắc rằng chúng ta sẽ thâu hoạch được kết quả đẹp đẽ trong công việc trồng người vĩ đại ấy.
Chúng tôi tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng”.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1