Cơ Cấu Tổ Chức Miền – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ BA

KHÁI LƯỢC VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC

LÃNH ĐẠO CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

II. Cơ Cấu Tổ Chức Miền

Trước kia, khi nền Phật giáo chưa thống nhất về hành chánh; Bắc Việt có hội Việt Nam Phật Giáo, Trung Việt có hội An Nam Phật Học, Nam Việt có hội Phật Học Nam Việt là những tổ chức cư sĩ đã thành lập từ thời Pháp thuộc. Chư vị Tăng ni trực thuộc vào các tông phái với giáo chế, giáo điển tùy thuộc vào Pháp môn tu học. Từ năm 1951, Phật giáo Việt Nam ra đời trong cơ cấu Phật giáo thế giới thì một sự thống nhất tinh thần đã thực hiện. Kể từ sau hiệp nghị Genève 1954, non sông cách trở, tại miền Nam Việt Nam, tổ chức Phật giáo có thêm hội Việt Nam Phật Giáo (cư sĩ di cư) và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam (tăng ni di cư). Là con của các hội trong buổi đầu, các Gia Đình Phật Tử lệ thuộc vào cơ cấu hành chánh của mỗi hội: Và đương nhiên Gia Đình Phật Tử cũng tủi thân với số kiếp cây "tằm gởi".

Năm 1963, sau ngày Phật Giáo Việt Nam thống nhất, Viện Hóa Đạo là cơ quan hành chánh của Phật giáo đã xóa bỏ các hình thức tập đoàn và phân quyền theo hệ thống Miền.

Toàn quốc Việt Nam có bảy Miền:

  • Vạn Hạnh (Bắc Trung nguyên Trung phần)
  • Liễu Quán (Nam Trung nguyên Trung phần)
  • Khuông Việt (Cao nguyên Trung phần)
  • Khánh Hòa (Miền Đông Nam phần)
  • Huệ Quang (Miền Tây Nam phần)
  • Quảng Đức (Thủ Đô Sài Gòn), (trực thuộc Viện Hóa Đạo. Gia Đình Phật Tử trực thuộc Ban Hướng Dẫn Trung Ương)
  • Vĩnh Nghiêm (Miền tưởng niệm một nửa phần đất bị phân chia)

Trong cơ cấu ấy, Gia Đình Phật Tử, một tổ chức trong Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa Đạo cũng phải dựa vào kiến trúc địa lý và tinh thần ấy.

Cơ quan lãnh đạo tối cao của Gia Đình Phật Tử là Ban Hướng Dẫn Trung Ương điều khiển trực tiếp các Tỉnh liên hệ.

Tại mỗi miền có vị Đại Diện Miền giữ vai trò đôn đốc và phối hợp. Đại Diện Miền là sự hiện diện của Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Miền liên hệ. Là gạch nối giữa cấp Tỉnh với Trung Ương.

 "Đại Diện Miền nằm trong thành phần Ban Hướng Dẫn Trung Ương do Đại hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc bầu cử. Đại Diện Miền có trọn quyền lựa chọn: Một thư ký và một thủ quỹ".

 

 

 

1. Nhiệm vụ Đại Diện Miền cũng đã xác định:

– Đại diện Miền thay mặt cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử để đôn đốc, kiểm soát, báo cáo tình hình hoạt động của Gia Đình Phật Tử trong các Tỉnh thuộc Miền của mình vào tuần lễ cuối của mỗi tam các nguyệt lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

– Liên lạc với vị Đại diện Giáo hội PGVNTN để thông hiểu tình hình Phật sự chung trong Miền và giải quyết các vấn đề có liên quan tới Gia Đình Phật Tử.

– Đại diện cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương trong các lễ lượt do các Gia Đình Phật Tử trong Tỉnh hay Liên Tỉnh tổ chức.

– Đôn đốc các Trại cấp Tỉnh trong Miền.

Đọc qua thành phần và nhiệm vụ của mỗi Ban Đại Diện như trên hẳn ta cũng thấy Đại Diện Miền giữ trọng trách to tát chứ không phải là "tượng trưng" như có người lầm tưởng.

 

2. Đại Diện Miền Là Gạch Nối Giữa Trung Ương Với Tỉnh

Nếu Trung ương là não bộ thì các Đại diện Miền là hệ thần kinh. Tinh thần và hoạt động của Trung ương đã nhờ các anh mà tuần hoàn khắp các đơn vị. Đại diện Miền, trong giai đoạn sơ khởi của thành phần thống nhất đã làm nổi bật tinh thần của Trung ương. Tại Miền Vạn Hạnh, anh Lương Hoàng Chuẩn đã phối hợp với địa phương xúc tiến công việc tu chỉnh nội bộ và góp phần hữu hiệu vào công việc cứu trợ các Miền bị lụt. Anh Trần Ngọc Giao, miền Liễu Quán đã vượt qua nhiều khó khăn tình thế, nối liền sự liên lạc giữa các miền đau khổ nhất Việt Nam: Miền chiến tranh, Miền bão lụt kinh khủng nhất. Anh Mã Thành Cưng đã lưu chuyển khắp miền Khánh Hòa để tu chỉnh nội bộ và khai sinh cho nhiều Ban Hướng Dẫn Tỉnh, nhiều Gia đình, một công việc khai phá đầy gian khổ. Anh Nguyễn Thanh Quang tại miền Huệ Quang, vượt qua sông Vàm Cỏ tiến về miền biên giới Việt – Miên, một miền đậm màu tín ngưỡng, miền của đa thần, mảnh đất phì nhiêu của "mê tín dị đoan". Và anh Nguyễn Châu, Đại diện Miền Khuông Việt đầy "đèo dốc cheo leo". Miền Vĩnh Nghiêm, miền tinh thần cũng đang chịu cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Nhưng dù trong địa vực nào, các anh Đại diện Miền cũng nêu cao tinh thần phục vụ rất đáng cảm phục. Dù trong nội quy xác nhận công tác báo cáo "3 tháng một kỳ", các anh vẫn đi họp đều háng tháng và thay mặt cho Tỉnh để làm báo cáo.

Nhờ sự thăm viếng và đôn đốc thường xuyên của Đại diện Miền mà các chỉ thị, dự án của Trung ương đều được phổ biến nhanh chóng và theo dõi mọi thực hiện một cách hữu hiệu. Mỗi tháng, tại Hội nghị Ban Hướng dẫn Trung ương, mỗi bản báo cáo của Đại diện Miền là một tổng hợp các nét chính yếu về sinh hoạt của địa phương giúp cho Ban Hướng dẫn Trung ương giải quyết nhanh chóng được nhu yếu của từng Miền. Tuy nhiên trọng điểm của các bản báo cáo cũng cần phải đi sâu vào chi tiết công tác để sau này Ban Hướng Dẫn còn đối chiếu với các bản báo cáo của Tỉnh trong trường hợp có những mâu thuẫn không may xảy ra.

 

3. Đại Diện Miền Là Biểu Tượng Cho Địa Phương Tính

Sự phân chia ra sáu miền địa lý không phải là một sự ngẫu nhiên. Dù trong trường hợp nào, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam vẫn là gốc của Gia Đình Phật Tử. So về thâm niên và khả năng thì Miền này có tuổi đạo cao nhất. Tại Miền này thành phần các Ban Hướng Dẫn Tỉnh rất vững và nhờ sự thuần nhất của Giáo Hội nên sự phát triển có bề thuận lợi hơn các Miền khác. Phải nói là nhiệm vụ của Đại diện Miền Vạn Hạnh rất khó khăn trên kế hoạch, và dễ dàng về thực hiện. Vì sao vậy? Lý do là mỗi Tỉnh đều có đủ sức tự lực cánh sinh. Trái lại Miền Khánh Hòa lại là Miền mới khai phá. Trong tất cả các tỉnh miền Đông, chỉ có Biên Hòa là tương đối có cơ sở hơn cả. Nhưng còn những tỉnh khác, cho tới nay sự phát triển vẫn còn gặp nhiều gian khổ. Miền Khuông Việt có Đà Lạt là vì sao cao nguyên. Nhưng đường sá cách trở, sự liên lạc với các tỉnh gặp trở ngại nhiều về di chuyển. Miền Huệ Quang với những cánh đồng phì nhiêu, bát ngát báo hiệu một tương lai rực rỡ. Người thanh niên ở đây, đô thị cũng như nông thôn vẫn còn giữ nếp sống đơn thuần dù khói lửa chiến chinh đã gây nhiều xáo trộn. Miền Liễu Quán mỏi mòn vì chiến tranh và thiên tai thủy hạn, nhưng vẫn theo kịp Miền Vạn Hạnh đàn anh. Riêng Miền Quảng Đức thủ đô náo nhiệt, hoa lệ, trung tâm của mọi biến chuyển chính tình đã tạo nên một không khí hỗn độn cần phải nhiều thời gian mới ổn định được. Lý do giản dị là phong trào bành trướng mạnh trong biển người hơn hai triệu mà Huynh trưởng của ta không có đủ để cung ứng cho việc điều hành. Dù sao, hy vọng sâu xa nhất của mọi người là một ngày kia: Mỗi một Miền, mỗi một Tỉnh, mỗi một Gia đình đều lấy được sự quân bình về khả năng, kỷ luật cũng như tinh thần Đạo. Rất mong các anh Đại diện Miền luôn luôn thành khẩn học tập lẫn nhau để thấy rõ ưu điểm của Miền bạn đem bồi bổ cho khuyết điểm của Miền mình thì cơ thể Gia Đình Phật Tử mới khỏi nạn đui, què, mẻ, sứt như các đoàn thể khác.

 

4. Đại Diện Miền là Nhà Kỷ Thuật, Kế Hoạch

Một dự án của Ban Hướng Dẫn Trung Ương đề ra không bao giờ nhắm cho một miền riêng biệt. Chính các Đại diện Miền phải tính toán việc thích nghi dự án đó cho phù hợp với địa phương. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc bầu cử riêng từng miền trong Đại hội 1963. Chính các Tỉnh liên hệ ở mỗi miền bầu lên vị Đại Diện. Ban Hướng Dẫn Trung Ương sẽ nhờ quý anh Đại Diện nghiên cứu tình hình của địa phương để phối hợp công tác cho hợp lý. Có nơi, các anh Đại diện Miền lại phải kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn. Đó chỉ là giải pháp tạm thời cần phải tu chỉnh.

Tại một vài Miền, vì tình trạng chuyển tiếp, một vài sáng kiến vượt bực của Đại diện Miền đã được Ban Hướng Dẫn Trung Ương tạm thời chấp thuận. Tuy nhiên, theo đúng nội quy, công tác không thể thay thế hẳn Trung ương, cũng như không nên bỏ qua việc hội ý với các Ban Hướng Dẫn Tỉnh. Một vị Đại diện có thiện chí và chân tài lúc nào cũng cố gắng phản ảnh cho rõ được nhu yếu của địa phương và phổ biến cho đầy đủ chỉ thị của Trung ương. Quan niệm rằng: Chân giá trị của một người lãnh đạo, của người cán bộ không phải ở chức vụ hay quyền hạn mà chính ở ý hướng của cá nhân và thành quả của đoàn thể.

Đoàn thể chỉ huy cá nhân phụ trách bao giờ cũng là phương châm thực hiện tinh thần bình đẳng của chúng ta. Ta đi vào đạo với tín ngưỡng với tự do chứ không phải b¢ng Çam mê hay danh lợi.

Nhờ thiện chí và năng lực của Đại diện Miền mà đầu óc tập đoàn, thành kiến "tiểu vương" sẽ dần dần bị dẹp bỏ nhường lối cho hương sen tỏa ngát vang lừng.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang