Chương Trình Tu Học – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

CHƯƠNG THỨ HAI
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 

Chương Trình Tu Học

Với mục đích giáo dục, Gia Đình Phật Tử dù có tiến nhanh tiến chậm nhưng mỗi sáng kiến hay cải cách đều rất thận trọng. Nhằm cứu cánh giác ngộ, chương trình tu học thỏa mãn yêu cầu tự giác để giác tha. Nói tới giáo dục phải nghĩ tới:

  • Một Đường lối giáo dục.
  • Một chương trình phù hợp.
  • Một phương pháp hữu hiệu.

Sinh trong tình cảnh nước mất nhà tan, sống giữa cảnh lạc hậu về kỷ thuật, lịch sử giáo dục nước nhà từ 20 năm nay như chiếc xe đang đổ dồn xuống dốc trụy lạc với một tốc độ kinh người. Kẻ có tâm huyết nhìn theo thở dài, người có manh tâm nhảy theo lợi dụng. Những sự chầm vá của các "cá nhân nhà giáo" từ suốt các chế độ qua đã không ngăn nỗi hiện tượng sa đọa. Tại sao vậy? Nguyên do không phải những tâm lý ỷ lại, vọng ngoại, vụ lợi. Gia Đình Phật Tử là một tổ chức tôn giáo chỉ có hai bàn tay trắng và một khối óc, một lòng tin đã kiên nhẫn theo đuổi công việc mình. Trên đường đi tới, số người bỏ cuộc không phải ít. Cảnh chiến chinh liên tiếp đã cướp của Gia Đình Phật Tử quá nhiều cán bộ. Vấn đề nhân sự đôi khi trở nên nguy ngập. Tuy vậy, nếu "quá khứ đã bảo đảm cho hiện tại thì ta cũng có quyền nhìn vào hiện tại mà tin ở tương lai". Nhất là, với nhu cầu lịch sử, đạo Phật đang đi vào cuộc đời, các nhà lãnh đạo tinh thần đang nghĩ tới việc hiện đại hóa Phật giáo, thì trong lãnh vực "dạy trẻ", Gia Đình Phật Tử cũng cần xét tới vấn đề đưa đạo Phật vào tuổi trẻ. Chương trình tu học của Gia Đình Phật Tử phải giữ vững cương lĩnh đó, một cương lĩnh có thể trái ngược với một vài xu hướng lẻ tẻ hiện tại. Đường lối tu học phải phá đổ các sức mạnh thần quyền đang khống chế con người bằng mê tín dị đoan, phải tiêu diệt các tâm lý vọng ngoại, vong bản, lai căng và tiếp nhận mọi khai hóa tốt đẹp của nhân loại. Sức mạnh tinh thần của Gia Đình Phật Tử phải đủ sức sống lôi cuốn bọn vọng ngoại quay về dân tộc, cảnh tỉnh người hướng ngoại phục hồi ánh sáng tự tâm.

Phát khởi từ ý niệm đó, biên giả sẽ bàn đến từ thấp tới cao, từ dễ tới khó các yếu tính trong chương trình tu học của Gia Đình Phật Tử.

Một nền tảng giáo dục chân chính phải đặt trên căn bản lý thuyết vững vàng. Gia Đình Phật Tử được thiện duyên quy y Tam Bảo với một rừng bể học thuyết, trăng sao chân lý. Xưa nay, tư tưởng và hành động nhân loại dù có phân hóa muôn mặt, muôn màu nhưng chung quy không thoát ra hai tiếng tri và hành. Tây phương có Triết học; Đông phương có Đạo học. Trước kia, Triết học là "biết để mà biết" (Tri) nên đã có sự ly khai với khoa học, kỹ thuật (Hành). Khoa học lại mâu thuẫn đậm với tôn giáo. Cổ thời, tôn giáo đã ngăn trở và khống chế khoa học và biến triết học thành công cụ. Ngày nay khoa học xé tan dần màn vô minh của thần quyền. Thực trạng thê thảm của Tây phương hiện đại là sự phân hóa và xung khắc giữa ý thức hệ với học thuyết duy linh. Ở Đông phương, Đạo học là "biết để mà làm". Thế nên một nho sĩ tôn thờ Khổng giáo sẽ chịu chết cho tròn chữ Trung, một tăng sĩ không thể xao lãng giới luật và một bậc cao sĩ đã nghiên cứu học thuyết xuất thế của Lão Trang tất lìa xa danh lợi, lùi về nơi gió mát trăng thanh, mượn thú cầm kỳ thi tửu để di dưỡng tâm thần. Cuối thế kỷ trước, làn gió kỷ thuật xô ngã nền tảng xã hội vụ luân lý của Đông phương (Đông phương chỉ mới tiếp nhận kỹ thuật chứ chưa hẳn đã thấm nhuần tinh thần khoa học). Ánh đèn điện chiếu rọi vào tiềm thức đông phương tạo nên một cảnh giao thời. Quan niệm xây dựng một nền giáo dục Phật giáo và dân tộc cần phân định rõ Tri với Hành. Danh từ Tu học đã minh chứng được yếu tính "Tri hành hợp nhất". Học giáo lý để đạt chân lý Giác Ngộ và Hành để hoàn thành Tự Giác (đối với tự thân, bản thể) Giác Tha (đối với xã hội, nhân quần). Chỉ có sự dung hợp Đông Tây thành nhân loại tính và hiện đại hóa hệ thống tư tưởng cổ nhân một cách hợp lý mới mong gạt được những mâu thuẩn giữa cá nhân với xã hội, giữa nội tâm với ngoại cảnh để đạt được viên dung. Giáo dục dân tộc quan yếu ở Tu học. Từ ý niệm sơ khởi đó Gia Đình Phật Tử sẽ giải đáp dần từ dễ tới khó, từ thấp lên cao (về đối tượng và phương pháp).

Mục Đích:

Đã ghi rõ trong nội quy: "Đào tạo thanh thiếu nhi thành Phật tử chân chính để góp phần xây dựng xã hội".

Phân tích câu trên có hai phần rõ rệt:

 

  • Giáo dục thanh, thiếu, nhi.
  • đào tạo trẻ thành Phật Tử chân chính.

Phân tích đối tượng:

Đối tượng chính của giáo dục Gia Đình Phật Tử là Trẻ. Trẻ là một con người có đủ 3 yếu tố: thân, tâm, trí. Nhưng mỗi lớp tuổi có sắc thái riêng, cho nên cần phải phân biệt rõ:

 

Những yếu tố chủ quan :

  • Đối với thanh niên (Đến 22 tuổi):

Thân: Đã phát triển toàn vẹn nên dễ bị lôi cuốn theo dục vọng tình cảm. Mang sẵn tâm sự u hoài nên dễ bị chi phối bởi ảnh hưởng khách quan như thời thế loạn ly, tình yêu vơ vẫn, sầu nảo vô cớ, ham mê vật chất.

Tâm: Tình cảm dồi dào dễ sinh ra mơ mộng. Thích lý tưởng. Biết yêu cái đẹp. Thích sự thật phũ phầng. Dễ sinh ra bi quan yếm thế. Chán chường quá khứ, bi quan hiện tại, vô vọng ở tương lai.

Trí: Thích học hỏi nhưng lại tự cao. Coi thường những gì của đàn anh để lại.

Hiếu kỳ, mạo hiểm. Chỉ tin mình, không tin những điều không thể chứng minh.

 

  • Đối với thiếu niên (Đến 17 tuổi):

Thân: Chưa phát triển hoặc đang trong thời kỳ nẩy nở. Tuổi dậy thì, những thay đổi về sinh lý đưa tới khủng hoảng tâm lý. Thích ăn diện. Thích trò chơi mạnh (kể cả phái nữ). Sức chịu đựng bền bỉ.

Tâm: Tình cảm trong trắng. Mê tiểu thuyết. Yêu hay ghét đều quá đáng. Dễ đam mê, nhiều sáng kiến. Phái nữ có nhiều thắc mắc về tình cảm, thân phận.

Trí: Đang độ phát triển. Thích cãi lý. Độc đoán. Muốn làm chủ kẻ khác trong khi lại sẵn sàng chịu chỉ huy. Ham học. Hiếu kỳ. Phiêu lưu. Muốn làm người lớn.

 

  • Đối với nhi đồng (đến 12 tuổi):

Thân: Yếu đuối.

Tâm: Ngây thơ, nhiều tưởng tượng. Thích được khen.

Trí: Chưa biết suy nghĩ. Hoàn toàn lệ thuộc tình cảm.

Đó là những ưu khuyết điểm khái quát về 3 lớp tuổi trên, cần phải có 3 lối giáo dục riêng trước khi đưa vào đường lối chung.

 

  • Phương pháp

Ngoài những nguyên tắc sư phạm căn bản giúp cho sự sinh tồn của trẻ, đoàn sinh Phật tử phải được giáo dục theo đúng tinh thần Bi Trí Dũng (dựa vào hệ thống tổ chức châm ngôn, luật).

Phương diện tình cảm (Tâm): Phải hướng theo lòng Từ Bi. Giải tỏa tình cảm mềm yếu thành tình yêu cao thượng. Luyện bằng các bài tâm lý, các câu chuyện thật, những mẫu chuyện đạo, những việc làm trước mắt. Không nhất thiết phải là việc tốt mà phải nói đúng những tật xấu tai hại. Đối với thanh niên không nên có giọng dạy khôn mà phải kích động tâm lý. Đối với thiếu nhi tránh những chuyện xấu có thể làm hoen ố tâm hồn. Tuổi này chưa phân biệt nổi những tình cảm trong sạch hay xấu xa. Đối với nhi đồng nên tỏ ra yêu thương chúng thành thật.

Phương diện thể lý (Thân): Đừng hiểu nhầm thân là thân thể. Đây là toàn bộ dinh dưỡng của cá nhân. Dù đạo Phật ca tụng khổ hạnh, nhưng ngoài những bậc xuất chúng, sức mạnh tinh thần của thanh thiếu nhi lệ thuộc phần lớn vào khả năng dinh dưỡng. Đa số trẻ thường đòi hỏi một thân thể tráng kiện thì mới có sức chịu đựng dẻo dai, có tinh thần phấn khởi. Đừng bắt trẻ lao nhọc quá sức. Tất cả những hoạt động nào vượt ra ngoài mục đích trau dồi sức mạnh tinh thần sức chịu đựng bền bỉ đều không thể áp dụng cho thiếu nhi. Chính vì điểm này mà những Huynh trưởng đứng đắn không bao giờ cho các em theo lễ nghi, đưa đón đám ma, tụng niệm kéo dài hàng ngày, hàng giờ của các bậc phụ huynh trong các tổ chức người lớn. Làm thế là ta đã bóp chết những mầm non chưa đủ sức, là gieo vào đầu của các em những ấn tượng cằn cỗi về Đạo cũng như Đời.

Phương diện trí tuệ (Trí): Gia Đình Phật Tử ngoài việc đào luyện thân tâm còn chú trọng đặc biệt tới trí tuệ. Tinh thần đoàn sinh phải đúng là chân tinh thần Phật giáo. Giáo dục của đời có thể giúp con người thấy một phần chân lý, nhưng chỉ có chân lý đạo Phật mới giải đáp trọn vẹn về thân phận con người. Chân lý trong khoa học chỉ phù hợp với hiện tại, chân lý trong triết học chỉ giải quyết được những thắc mắc mà không giải nổi những hoài nghi. Nói như thế  không phải là vô căn cứ. Môn Phật pháp có thừa tài liệu và lý luận để biện giải điều này. Tuy nhiên môn Phật pháp trong Gia Đình Phật Tử không thể theo khuôn sáo cũ, nghĩa là cho nghe thuyết pháp như người lớn mà phải là một tổng hợp giản dị, hợp lý. Hãy tập cho trẻ nhìn Phật pháp qua con mắt triết học và tập cho trẻ chứng minh Phật pháp bằng những phát minh khoa học, những kinh nghiệm về đời. Có như thế trẻ học Phật mới khỏi sa vào con đường mê tín, phản khoa học, phản tiến hóa của bọn tà thuyết, quá khích.

Như vậy những bài giảng cho:

Thanh niên phải thiên về lý luận.

Thiếu niên phải thiên về tình cảm.

Nhi đồng phải là những mẩu chuyện, những ví dụ cụ thể, khêu gợi trí tưởng tượng. Tạo tinh thần đạo cần hơn căn bản giáo lý thuần trí thức.

 

Những yếu tố khách quan:

Những hệ luận trên mới chỉ đề cập tới những yếu tố cá nhân, chủ quan tự tại. Nhưng mục đích giáo dục của Gia Đình Phật Tử không phải chỉ đơn giản cá nhân mà phải đặt "cá nhân vào trong giáo dục đoàn thể". Trong đoàn thể, trong xã hội, trong thời đại con người, dù là thanh, thiếu nhi cũng không thoát khỏi sự chi phối của các yếu tố khách quan. Do đó một nền giáo dục toàn diện như Gia Đình Phật Tử tất phải đề cập tới vị trí xã hội của đoàn sinh trong đoàn thể.

 

  • Đoàn sinh Phật Tử trong Thời Đại:

Thời này loạn. Từ kỷ cương tới tổ chức, từ chính trị tới xã hội, từ quốc gia tới nhân loại đều hỗn độn. Những chứng cớ một thời đại say máu, vũ khí, trụy lạc, cường quyền, bạo lực, man trá, thủ đoạn cộng thêm 4 cố bệnh của nhân loại đói rét, bệnh tật, dốt nát, nghi ngờ là một thực trạng đón chờ trẻ bước vào đời. Là con người trong lứa tuổi của lý tưởng, tưởng tượng tất họ phải chịu khủng hoảng khi đối chiếu nội tâm với ngoại cảnh xấu xa. Gia nhập Gia Đình Phật Tử là triệu chứng tốt về tâm lý chán ghét, thế tục và thú nhận lòng khao khát muốn được giáo dục. Gia Đình Phật Tử sẽ có đủ khả năng để đánh tan những u hoài đè nặng tâm hồn, những thắc mắc của con người thiếu đức tin. Lẽ sống sẽ được giải bày trong không khí tập thể.

 

  • Đoàn sinh Phật tử trong xã hội:

Đơn vị nhỏ nhất trong xã hội là gia đình của trẻ. Nhưng có nhiều gia đình không có đủ điều kiện giáo dục trẻ. Gia Đình Phật Tử đáp ứng nhu cầu tinh thần ấy. Học đường đang ở trong cơn khủng hoảng trầm trọng. Gia Đình Phật Tử đáp ứng phần nào sự đòi hỏi của một chương trình giáo dục thích hợp với trẻ. Xã hội bày ra lắm cảnh trơ trẻn, vô luân. Gia Đình Phật Tử giải thoát các em ra khỏi không khí xô bồ trụy lạc ấy. Biện pháp tốt đẹp nhất không phải là ngồi giảng đạo đức mà tập cho các em hoạt động xã hội. Một xã hội nghèo khổ, chết chóc, bệnh tật vì chiến chinh, tham nhũng rất cần tới bàn tay xây dựng của thanh niên. Chỉ có con đường trợ tha mới có thể giúp cho thanh niên giác ngộ được. Phật tử phải ý thức bổn phận với tự thân, gia đình, đoàn thể, tổ quốc và tôn giáo. Chỉ có công tác xã hội mới là phương tiện hữu hiệu giúp cá nhân xa lìa tính nhỏ nhen, ích kỷ để trở thành trong sạch vị tha, cao thượng. Tập cho trẻ biết tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác. Để cho xã hội lôi cuốn vào đường xấu là tự mình hủy bỏ tự do, phủ nhận giá trị làm người. Phải chấp nhận việc khó và khắc phục cho bằng được.

 

  • Đoàn sinh trong tổ chức Gia đình Phật Tử:

Là một tổ chức có lý tưởng, có huấn luyện, có kỷ luật, có quá trình hoạt động lâu dài qua nhiều cơn sống gió. Gia Đình Phật Tử phải là gia đình thứ hai sau gia tộc. Các anh chị trưởng, các bạn đoàn sinh, các em oanh vũ, từng ấy người đủ tạo một không khí hòa thuận, tin yêu, vui vẻ là những điều tốt lành rất hiếm ở đời. Tinh thần Bi Trí Dũng là nguyên tắc chỉ đạo cho lý tưởng và hành động. Thanh thiếu nhi không còn lẻ loi cô độc, hăng hái chuẩn bị vào đời một cách hăm hở, vui vẻ. Nghe lời dạy của Thầy, vâng lời anh chị trưởng, thực hiện Phật pháp từng phút, từng giây trong đời, lo cứu trợ mọi người, nghĩ tới cơ nguy của Tổ quốc, tin vào Đạo cả. Nếu thực hiện được chừng ấy thì cũng đã có muôn vàn ý nghĩa rồi.

Trung thành với các tiêu chuẩn sơ đẳng ấy, chương trình tu học của Gia Đình Phật Tử không phải là sản phẩm của tưởng tượng mà chính là kết quả của nhiều năm tháng cố gắng cải tiến lý thuyết bằng hành động và hoàn thành các bài giảng dạy căn cứ vào thực tế. Đi sâu hơn vào vấn đề Gia Đình Phật Tử ngoài việc chia ra các bậc:

– Mở mắt, cánh mềm, chân cứng, tung bay cho Đồng niên, còn có:

– Hướng thiện, sơ thiện, trung thiện, chánh thiện cho Thiếu niên và:

– Hòa, Trực cho Nam nữ Phật tử.

Chương trình lại còn phân chia ra hai ngành nam, nữ sinh hoạt riêng biệt nhằm thích ứng với các điều kiện khả hữu về nhân cách của thanh, thiếu nhi.

Ngoài chương trình giảng dạy cho các em, mỗi một Huynh trưởng còn phải theo học các lớp huấn luyện. Chương trình huấn luyện chia ra 4 cấp:

– Lộc Uyển (cho Huynh trưởng sơ cấp)

– A Dục (cho Đoàn trưởng)

– Vạn Hạnh (cho cấp Liên đoàn trưởng)

– Huyền Trang (cho cấp lãnh đạo Tỉnh)[1]

Ngoài việc hoạch định chương trình tu học, Ban tu thư còn soạn thảo đầy đủ các tài liệu học tập về các môn Phật pháp, hoạt động thanh niên xã hội, văn nghệ, nữ công gia chánh hợp với trình độ của các cấp bậc, các ngành thanh thiếu nhi nam nữ, các trại huấn kuyện. Các tài liệu ấy không phải là tác phẩm của cá nhân mà đều đã được Đại hội Huynh trưởng toàn quốc chấp thuận và áp dụng.

 



[1]Các bậc tu học của huynh trưởng: Cần chú ý rằng thiên khảo cứu này được soạn năm1963. Năm 1967, Đại hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử toàn quốc lần thứ VI tại thiền viện Quảng Đức (Sài Gòn – nay là Thành Phố Hồ Chí Minh) đã tu chỉnh lại quy chế huynh trưởng. Trại huấn luyện huynh trưởng từ cấp sơ cấp đến cấp III lần lượt là Lộc Uyển (đào tạo huynh trưởng sơ cấp), A Dục (đào tạo đoàn trưởng), Huyền Trang (đào tạo Liên đoàn trưởng) và Vạn Hạnh (đạo tạo ủy viên Ban Hướng Dẫn). Mặc dù đã qua nhiều đại hội, tu chỉnh nội quy nhiều lần (mới nhất là bản nội quy được Ban Hướng Dẫn Phân Ban Gia Đình Phật Tử Việt Nam ban hành tháng 8/2013) nhưng thứ tự và mục đích huấn luyện của các trại vẫn không thay đổi.

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
20
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 4
Ngày Mậu Tý
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
20
Tháng 10
Kiên Giang