Chương 8: Tu Học Huấn Luyện Huynh Trưởng

G

Chương 8
TU HỌC HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG

8.1. ĐẶT VẤN ĐỀ :

8.1.1. Khái quát :

Muốn đổi mới phương thức sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong GĐPT để duy trì và phát triển tổ chức trong hiện cảnh xã hội ngày nay, yêu cầu quan trọng nhất là cần đội ngũ huynh trưởng có thực chất về năng lực chuyên môn, tinh thần tự tu tự học, nghiên cứu tốt vừa là những tấm gương tốt  cho đoàn sinh noi theo( thân giáo). Trong khi chúng ta tiến hành đổi mới để nâng cao chất lượng đào luyện, nhưng đội ngũ huynh trưởng đào tạo chưa cao. Có thể nói một bộ phận lớn huynh trưởng trước đây chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo cho mỗi bậc huynh trưởng. Về giảng huấn và học tập ít có thời gian thực tập. Các buổi học theo chương trình tu học và huấn luyện nhìn chung học viên chỉ ngồi nghe giảng viên thuyết trình về lý thuyết. Nhiều giảng viên nói quá nhiều, trong khi điều quan trọng là cần có thời gian để thảo luận và thực hành. Phần này thường không có hoặc có nhưng quá sơ sài.Yếu tố quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục GĐPT hiện nay mang ý nghĩa quyết định là yêu cầu huynh trưởng phải hoàn thiện nhân cách, thực sự có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ cao quí của mình. Thế nên GĐPT cần phải có nhiều hình thức, biện pháp thông qua chương trình tu học huấn luyện để đào luyện huynh trưởng theo mục đích yêu cầu.

8.1.2. Nhân cách huynh trưởng:

Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt nên trước hết phải luôn nhằm đến giá trị nhân cách của  người làm công tác giáo dục.Tổ chức GĐPT muốn đạt mục đích đào luyện các thế hệ Thanh Thiếu Nhi thành những Phật tử chơn chánh thì trước hết người huynh trưởng là Phật tử chơn chánh. Thế nên người huynh trưởng sống trong sạch, gương mẫu từ lời nói, cử chỉ, hành động trong cuộc sống. Bất cứ ở trường hợp nào, nơi chốn nào cũng phải giữ gìn tư cách, đừng để người ta đánh giá thấp mình. Người huynh trưởng phải là tấm gương sáng cho đoàn sinh noi theo. Ngoài ra người huynh trưởng cần có những đức tính như sau:

-Lòng tin yêu trẻ : Người huynh trưởng vì đoàn em thân yêu mà hết lòng thương mến, hy sinh phần nào công sức mà tận tâm dìu dắt trẻ. Đoàn sinh thấy sự thương yêu hy sinh đó mà thương mến huynh trưởng và sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn bảo ban.

-Tính ôn hòa, trầm tĩnh, nhã nhặn, thiệp thế để tránh những điều thái quá hay bất cập trong điều hành sinh hoạt THHL và xử sự tốt trong việc đối ngoại.

-Tính công bằng và cương quyết: Trong công việc giáo dục trẻ,người huynh trưởng coi các em bình đẵng, không thiên vị. Điều mà trẻ khó chịu là sự bất công,  thiên vị của người lớn.Có khi người huynh trưởng cũng phải cương quyết để ngăn những sai trái giúp trẻ khỏi sa ngã và bảo đảm sự trật tự, nề nếp trong sinh hoạt.

-Tinh thần trách nhiệm: Người huynh trưởng tự giác làm tròn nhiệm vụ được giao, không dối mình, dối người. Huynh trưởng đến Đoàn chuyên cần, đúng giờ, soạn giảng hướng dẫn sinh hoạt tu học kỹ lưỡng, đầy đủ nhằm nâng cao chất lượng đào luyện cho đoàn sinh.

-Tinh thần tu học: Phật dạy “Không học tự mình không thấy đường và không thể chỉ đường cho mọi người” (1). Người huynh trưởng là người dẫn đường nên phải học, học Phật, thông hiểu kiến thức tổng quát chuyên môn để hành trì và hướng dẫn đàn em tu học.

 

8.1.3. Nội dung tu học và các môn học:

Nội dung tu học của huynh trưởng dựa trên tinh thần pháp môn nhập thế Ngũ Minh Pháp :

8.1.3.1.Phật pháp( Nội minh)

Người huynh trưởng trước hết phải học Phật, thâm nhập Phật Pháp để hành trì và hướng dẫn đàn em tu học. Không những học Nội Minh mà còn phải học Nhân Minh giúp người học đạo có trí tuệ sáng suốt, linh hoạt, bén nhạy trong nhận thức để học hiểu giáo lý. Người huynh trưởng GĐPT là “người chỉ đường”, nhà giáo dục cần phải học Nhân Minh. GĐPT áp dụng Nhân minh pháp là phương pháp tối ưu để lý giải vấn đề tìm học, truyền đạt cho người khác. Nhân Minh chỉ có học ở bậc Lực, nên có bài học thêm hoặc khuyến khích huynh trưởng các bậc khác tự nghiên cứu tìm học, ít nhất cũng hiểu được phần cơ bản; chú trọng khía cạnh nhận thức và diễn đạt để áp dụng vào việc tự tu học cho mình và ứng dụng vào phương pháp hướng dẫn đàn em tu học.

8.1.3.2. Kiến thức tổng quát và chuyên môn

Nội dung học và hành các môn này thuộc các lĩnh vực trong đời sống về văn hóa, học thuật, đạo lý, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, xã hội,… Các môn học này nhằm mục đích giúp huynh trưởng tăng trưởng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để tu tiến, phụng sự Đạo Pháp và tổ chức GĐPT, áp dụng vào đời sống thực tiễn để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Dạo Phật.

8.1.4.Tổ chức, hình thức và phương pháp giảng huấn, học tập

Để nâng cao chất lượng giáo dục, GĐPT cần phải có nhiều hình thức, biện pháp thông qua chương trình THHL để đào tạo đội ngũ huynh trưởng theo mục tiêu yêu cầu. Trước hết thường xuyên tổ chức các khóa tu học cho huynh trưởng theo các bậc học, trại huấn luyện các cấp đúng theo quy định về thời gian, nội dung chương trình vá điều điều kiện dự học.

Phương pháp giảng huấn,học tập:

Trong việc tu học trường kỳ, huấn luyện huynh trưởng nên khuyến khích việc tự tu tự học, không phải chỉ đến lớp để ngồi nghe giảng mà phải chủ động trong việc học hỏi. Giảng viên làm công việc hướng dẫn, học viên nghiên cứu, thảo luận và thực tập là chính. Kết quả học tập không chỉ phụ thuộc vào tài vận dụng truyền thụ tri thức của giảng viên và khả năng tiếp thu của người học mà còn phụ thuộc vào ý thưc cầu tiến, động cơ thúc đẩy, thói quen và kỹ năng tự học của học viên. Trong thực tế học viên có ý thức và khả năng tự học rất ít. Muốn cho huynh trưởng có ý thức và khả năng nầy cần áp dụng phương pháp tích cực trong giảng huấn và học tập làm nhân duyên phát khởi tâm lý và tiềm năng của người học. Khi đó việc tự tu tự học trở thành nhu cầu của họ ( xem các phương pháp dạy học tích cực trình bày ở các mục 3.2.7.1 ; 7.2.2 ;  7.2.3.1.). Các bậc học Định và Lực nên có kế hoạch hướng dẫn khuyến khich mỗi cá nhân huynh trưởng tự lực nghiên cứu học tập, định kỳ tổ chức hội thảo, pháp thoại, thực tập, kiểm tra đánh giá để việc học tập của huynh trưởng được thông suốt.

Trong việc giảng dạy bảo đảm cân đối giữa truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thực hành, cần khắc phục lối dạy nói và nghe, đọc và chép. Các buổi học môn Phật pháp và tinh thần nên tổ chức dưới hình thức buổi Pháp thoại ( cần có Tăng Ni hướng dẫn) để học viên được học hỏi và giảng viên giúp học viên hiểu thông suốt bài học hơn. Môn Phật pháp chú trọng ứng dụng vào tu học tự thân, vào cuộc sống thực tiển và vào hướng dẫn tu học cho đoàn sinh. Để việc tu tập của huynh trưởng nên tổ chức các buổi thuyết giảng Phật pháp, thực tập thiền quán, tu bát quan trai, bồ tát giới…

Các buổi học về kiến thức tổng quát và khả năng chuyên môn nên hạn chế lối nói và nghe, tăng cường hình thức đàm thoại, thảo luận (chú trọng phần ứng dụng). Các bài học về chuyên môn nên dành nhiều thời gian thực hành.

GĐPT cần có đội ngũ huynh trưởng có năng lực để bảo đảm chất lượng sinh hoạt THHL. Cho nên hằng năm thường xuyên tổ chức các trại huấn luyện huynh trưởng các cấp, nhằm mục đích nâng cao “tay nghề’ (nghề huynh trưởng). Chương trình huấn luyện vẫn theo chương trình hiện hành, nhưng cần phải cải tiến về hình thức tổ chức, phương pháp hướng dẫn giảng huấn và học tập của trại sinh.

-Bài giảng dạy dựa trên nội dung chương trình và tài liệu đã ban hành. Tuy vậy  về kiến thức và nhất là kỹ năng thực hành cần cho người học mở rộng tầm hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống và nhiệm vụ đang làm.

-Chương trình huấn luyện cần tăng thời gian thực tập, thực hành của các học phần cụ thể. Chẳng hạn như các bài học về điều hành quản lý các hoạt động  của đơn vị, đoàn đội, hưởng dẫn tu học… , cần tạo điều kiện cho trại sinh kiến tập và thực tập. Chọn một vài đơn vị GĐPT làm kiểu mẩu để đưa trại sinh đến tham quan cách trang bị đoàn quán về mặt tổ chức hành chánh, sổ sách, dự tiết hướng dẫn sinh hoạt tu học, hoặc thực tập bài hướng dẫn tu học cho đoàn sinh.

-Trong việc tự tu học, mỗi huynh trưởng nên nhờ một vị Tăng hoặc Ni hướng dẫn Phật pháp, một huynh trưởng đàn anh trải nghiệm hướng dẫn về kiến thức tổng quát và chuyên môn.

-Các BHD/PBGĐPT cần chu cấp tài liệu và sách cho huynh trưởng, lập tủ sách cho huynh trưởng nghiên cứu tham khảo.

Ngoài ra, GĐPT cần có kế hoạch tu học, huấn luyện cho huynh trưởng sinh hoạt lâu năm, nhưng do trở ngại hoàn cảnh chưa dự khóa học, khóa trại tương ứng với chức năng, nhiệm vụ hiện hành. Tạo điều kiện tu học cho họ bằng cách:

-Tổ chức khóa học vào những ngày thuận tiện như ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, hoặc một thời gian nhất định mà huynh trưởng có thuận lợi để dự học.

-Tổ chức học theo lối hàm thụ (định kỳ tập trung thực tập, kiểm tra).

-Viêc tái sinh hoạt, phát triển đơn vị GĐPT thường có khó khăn,trở ngại mà nguyên nhân chính là thiếu huynh trưởng. Cần có kế hoạch đào tạo thêm huynh trưởng bằng cách chọn đoàn viên ngành Thanh hoặc mời những thanh niên tin Phật có trình độ văn hóa, có cảm tình,hiểu biết về GĐPT làm huynh trưởng. Tổ chức các khóa tu học huấn luyện đặc biệt để hợp thức hóa.

Ngày nay kiến thức và kỹ năng máy tính sử dụng CNTTTT trở thành kỹ năng ứng dụng vào mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội. Riêng lĩnh vực giáo dục cũng đang sử dụng tác năng ấy với những thể thức đa dạng, phong phú vào phương pháp dạy và học. GĐPT cũng cần phải  có  kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CNTTTT cho huynh trưởng áp dụng vào đổi mới phương thức sinh hoạt tu học(trình bày vào chương sau).

=====================================================

Chú thích

(1) Kinh Pháp Cú

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang