Trên quan điểm giáo lý duyên khởi, giáo dục là tạo nhân duyên cho con người phát triển tốt đẹp theo mục đích đào luyện. Trước hết là đặt trẻ vào một khung cảnh, môi trường phù hợp, thuận lợi để tạo thiện duyên cho trẻ sinh hoạt học tập tốt theo đường hướng giáo dục. GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ Phật giáo, một tổ chức “gia đình” trong khung cảnh khác với nhà trường. Trẻ đến với GĐPT không chỉ học mà để sống, sống vui, sống mạnh và sống đẹp. Nơi đây về thể chất trẻ thấy khỏe khoắn, về tinh thần trẻ thấy an lạc hạnh phúc trong không khí gia đình với sự thương yêu chăm sóc của thầy, cha mẹ, anh chị trưởng, sự hòa ái giúp đỡ lẫn nhau giữa bạn đoàn. Các em yên tâm, phấn khởi để học tập tu tiến. Với ý nghĩa đó GĐPT cần tạo một khung cảnh, môi trường giáo dục như sau:
Các đơn vị GĐPT (cấp Gia Đình) đều sinh hoạt tại Chùa hay Niệm Phật Đường, trong cảnh thiên nhiên trong lành có sân vườn rộng rãi, bóng mát thích hợp với sinh hoạt tu học của tuổi trẻ.
Khung cảnh rất quan trọng đối với giáo dục: Chốn thiền môn thanh tịnh, hình ảnh từ hòa của chư Tăng Ni, sinh hoạt với cung cách tốt đẹp, đạo vị của nhà Chùa làm phát khởi nơi trẻ những tư tưởng trong sáng, cao đẹp.
Nơi học tập có phòng học thì tốt, không có chẳng sao. Chỉ cần có chỗ trú ẩn khi trời mưa gió không sinh hoạt ngoài trời được. Lớp học là nơi hiên chùa, dưới bóng gốc cây, góc sân vườn chùa… thoáng mát…
Mỗi gia đình cần có một đoàn quán do nhà Chùa (hay NPĐ) bố trí một phòng trong cơ sở phụ thuộc hoặc xây dựng trong khuôn viên Chùa hay NPĐ. Nơi đây là Văn phòng của Ban huynh trưởng, nơi lưu trữ hồ sơ tài liệu, văn bản của gia đình. Nơi trưng bày các phương tiện giảng dạy, sinh hoạt tu học của huynh trưởng và đoàn sinh. Cần có một thư viện nhỏ hay bàn đọc sách cho huynh trưởng và đoàn sinh,…
Các đơn vị gia đình nên mở rộng phạm vi sinh hoạt để thay đổi không khí, biết thêm nhiều chùa, tiếp cận với chư Tăng Ni để tăng trưởng hiểu biết về Đạo, thực hành đời sống Đạo. Kết nghĩa với gia đình bạn để luân lưu sinh hoạt tại từng gia đình để giao lưu học hỏi, giúp đỡ nhau trong việc học tập, tăng thêm tình thân ái đoàn kết trong đại gia đình Lam.
Phải tạo một mái ấm gia đình mà tình thương là yếu tố chất liệu. Trẻ coi GĐPT là gia đình thứ hai, xa thì nhớ, đến để hưởng cuộc sống vui tươi, lợi lạc của tuổi hoa niên. Cần áp dụng các điều kiện sau đây.
– Ban huynh trưởng: Huynh trưởng phải là những người “yêu trẻ, hiểu trẻ và tin trẻ” vì “đàn em thân yêu” mà hy sinh một phần lớn tâm sức và thời gian cho hoạt động giáo dục tuổi trẻ. Huynh trưởng sẵn sàng giúp đỡ khuyên nhủ trẻ với thái độ từ ái khoan dung, không nghiêm khắc, cũng không nên quá dễ dãi. Huynh trưởng cần đi sát với đoàn sinh, thân mật, tìm hiểu hoàn cảnh, khả năng, tâm tình để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em vui học, vui làm, giải trừ những vấn nạn khổ đau từ gia đình, xã hội và nhà trường,…
– Cha mẹ: Cha mẹ đoàn sinh phần lớn là đạo hữu, cư sĩ trong các đạo tràng của Chùa, hội viên Niệm Phật đường sinh hoạt cùng hoặc gần nơi GĐPT, nên ta cần liên hệ mật thiết để các bậc cha mẹ tiếp tay giáo hóa con cái mình. Nhờ sự giao tiếp ấy huynh trưởng hiểu thêm hoàn cảnh tâm lý trẻ để tiện bề chăm sóc hướng dẫn đoàn sinh, cha mẹ cũng có hiểu biết để khi dạy con ở nhà không trái với giáo dục ở GĐPT. Sự mật thiết giữa cha mẹ và huynh trưởng làm cho đoàn sinh phấn khởi mạnh dạn hơn trong các sinh hoạt tu học của GĐPT.
– Tăng Ni: Tăng Ni là hình tượng sống thường trực của đức Phật truyền đạt pháp Phật cho Phật tử. Sự hiện diện của Tăng Ni là điều kiện thiết yếu của việc tu học trong GĐPT, nhất là việc giảng dạy môn Phật pháp và Tinh thần. Lòng ưu ái với tuổi trẻ, cuộc sống thanh tịnh, phong thái truyền đạt giảng dạy của quý vị Tăng Ni tạo cho đoàn viên niềm tin hướng về Tam bảo, mến Đạo, mến Đoàn mà gắn bó với GĐPT.
Thực hiện chương trình tu học rất ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với trẻ. Ở nhà trường các em đã chịu nhiều áp lực về việc học, GĐPT không nên tạo thêm áp lực nữa. Áp dụng chương trình tu học chú trọng hoạt động hơn bài vở lý thuyết. Bài học thích hợp với trình độ, tuổi “tâm lý” của trẻ, soạn giảng bài giản dị, đừng rườm rà cao quá làm các em thêm nhọc mệt về tinh thần để rồi đâm ra chán nản không muốn đến Đoàn nữa. Việc tổ chức học tập thế nào để GĐPT không phải là nhà trường thứ hai, GĐPT là nơi trẻ đến để “sống”, hoạt động để tự đào luyện, tự giác ngộ dưới sự hướng dẫn chân tình, nhẹ nhàng của anh chị trưởng trong bầu không khí tin yêu, hòa ái khiến các em thích học, thích làm.
Số lượng đoàn sinh trong mỗi GĐPT chia thành Đoàn (theo độ tuổi). Đoàn chia ra Đội, Chúng (ngành Thiếu và ngành Thanh) hay Đàn (ngành Đồng). Đoàn có đoàn trưởng, đoàn phó. Đội, Chúng, Đàn có Đội trưởng, Chúng trưởng, Đầu Đàn, và Đội phó, Chúng phó, Thứ đàn điều khiển. Từ cấp Gia đình đến Đoàn, Đội, Chúng, Đàn đều có quy định về tên, cấp hiệu, phù hiệu, đồng phục… (xem nội quy GĐPT chương II và chương III).
Hình thức đoàn ngũ hóa nhằm mục đích đưa tất cả mọi thành viên của đoàn thể vào lối sống có tổ chức, có kỷ cương trật tự, tạo thuận lợi cho việc quản lý điều hành các hoạt động của đoàn thể. Đối với GĐPT là một tổ chức giáo dục, hình thức này còn được vận dụng như một phương pháp đắc lực cho công tác giáo dục tăng hiệu năng đào luyện, làm nổi bật các phương pháp giáo dục theo hướng cải tiến đổi mới bằng “Sinh hoạt tập thể” của Đoàn Đội.
Trong GĐPT từ “Hướng Dẫn” thay thế cho các từ quản trị, chỉ huy, giáo huấn. Việc điều động các cán sự, đoàn sinh thi hành các công việc chung của tổ chức trong tinh thần ý nghĩa “Hướng Dẫn” để truyền đạt, giao, nhận nhiệm vụ công tác với tinh thần tự giác,…
Tổ chức Đoàn Đội không có nghĩa là “chia để trị” dễ bề “điều binh khiển tướng”, có cán sự nhân lực để sai bảo vào các việc ta cần. Mục đích chính yếu là để tập cho đoàn sinh tinh thần tháo vác đảm đương các công việc, tinh cần học và hành; luyện tinh thần biết lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo, rèn các đức tính kiên trì, nhẫn nại, sáng suốt, phát huy óc sáng kiến, óc khoa học và óc tổ chức, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ để cùng tiến bước trên đường lý tưởng.
Mục đích yêu cầu giáo dục trên có đạt được hay không là phụ thuộc vào tinh thần, cách vận dụng và cách hành xử của người phụ trách (Huynh trưởng cầm đoàn) khi thi hành nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh trong các “sinh hoạt tập thể” của Đoàn Đội.
Người phụ trách (Huynh trưởng) cầm đoàn phải vạch kế hoạch sinh hoạt học tập cho đoàn mình phụ trách. Dựa vào hình thức “sinh hoạt tập thể” của tổ chức Đoàn Đội để đưa toàn thể đoàn sinh vào các hoạt động rèn luyện, tu học, với tinh thần “tập thể tự trị độc lập”, cá nhân “tự chủ, tự động” dưới sự hướng dẫn khéo léo của huynh trưởng. Với đoàn Thiếu hay đoàn Thanh có thể cho tập thể hay cá nhân đóng góp ý kiến, nguyện vọng để xây dựng kế hoạch. Điều này có lợi, trẻ sẽ cố gắng trong công việc để đạt được ước vọng của mình.
– Việc học tập
Vận dụng triệt để lối học “sinh hoạt tập thể” để phát huy tinh thần tự đào luyện, tự học cho trẻ. Ở GĐPT thay vì “Thầy nói trò nghe” thì anh chị em cùng học cùng làm, lý thuyết ít thực hành nhiều, ai cũng tham gia công việc theo khả năng của mình. Do đó việc chia đoàn sinh cho các Đội, Chúng, Đàn nào cũng có lớn có nhỏ, có giỏi có kém để nương tựa giúp đỡ nhau trong việc học tập.
– Trong buổi sinh hoạt “Định kỳ hàng tuần”
Để buổi sinh hoạt tiến hành thuận lợi thông suốt, vừa luyện cho trẻ tinh thần mạnh dạn đảm đương các công việc lợi ích trong đời sống, ta phân nhiệm cho đoàn đội… phụ trách các công việc như:
Nghi lễ: Cử đoàn sinh để lo việc mở cửa, trang trí điện Phật, phụ trách chuông mõ, mời người chủ lễ, sắp đặt vị trí xếp hàng hành lễ cho các đoàn, thu dẹp tươm tất sau buổi lễ,…
Trật tự: Kiểm tra, nhắc nhở, sửa sai cho đoàn sinh trong các sinh hoạt để mọi việc tiến hành có trật tự, kỷ cương…
Học Tập: Phân công giữ gìn an ninh trong giờ học tập, kiểm điểm số lượng, thu báo cáo kết quả thực hiện ở nhà của các đoàn sinh. Tùy theo đề tài bài học huynh trưởng phân công cho đội phụ trách nghiên cứu đề tài trước, tìm kiếm chuẩn bị tài liệu, học cụ, bài hát, trò chơi cần cho học và hành.
Ngoài ra tùy nơi mà phân công vào các việc như: Vệ sinh, nước uống, xếp dọn trang hoàng đoàn quán, làm sạch khuôn viên chùa, trồng cây tưới nước… làm tăng vẻ mỹ quan nơi gia đình Lam sinh hoạt.
– Các sinh hoạt ngoại khóa
Ta vận dụng các tổ chức đoàn đội không những trong việc điều động đoàn sinh, còn vận dụng các tập thể nhỏ này vào các công việc thể hiện chương trình kế hoạch bằng “Sinh hoạt tập thể”.
Ví dụ: Tổ chức cuộc trưng bày, triển lãm: Huynh trưởng phổ biến mục đích yêu cầu gợi ý kế hoạch thực hiện. Hướng dẫn họp đoàn đội bàn bạc cách làm, phân nhiệm vụ cho đơn vị, cá nhân, làm thế nào để mọi thành viên đều có tham gia xây dựng kế hoạch, đảm đương các công việc sáng tác, sưu tầm, trần thiết, tổ chức khai trương,… Các công việc trong thời gian triển lãm như tiếp khách, thuyết minh, quản thủ phòng triển lãm.
Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học là phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát triển khả năng tự học của người học trong quá trình tiếp thu tri thức, người ta kết hợp giữa hoạt động cá nhân với hoạt động tập thể để người học cùng nhau chia sẻ, góp sức hoàn thành các công việc người dạy giao cho bằng cách tổ chức học theo nhóm.
Trong GĐPT, để phát huy tinh thần tự giác, tự đào luyện để giác ngộ chúng ta có thể áp dụng phương pháp học nhóm này, có điều khác biệt là GĐPT còn vận dụng pháp Lục Hòa vào sinh hoạt học tập theo nhóm. Sự thật, trong việc tu học của “tứ chúng đồng tu” đều theo phép Lục Hòa và GĐPT cũng đang vận dụng vào sinh hoạt tu học, nay theo chiều hướng cải tiến cần phải thực hiện một cách rộng rãi và tích cực hơn. Đoàn sinh sinh hoạt học tập theo đoàn đội hay nhóm, trẻ không đua đòi tranh cải mà hợp tác giúp đỡ nhau trong việc học tập với tình thân ái, đoàn kết (thân hòa, khẩu hòa). Đoàn sinh cùng nhau tuân thủ giới hạnh trong sinh hoạt học tập, cùng nhau tìm hiểu, trao đổi, thảo luận để lĩnh hội tri thức (giới hòa, kiến hòa, ý hòa). Những tri thức do hoạt động của cá nhân phải được vận dụng vào hoạt động của tập thễ để mọi người ai cũng được thu thêm kiến thức, kinh nghiệm, biến thành tri thức của mình(lợi hòa). Nhờ sáu thứ Hòa đó vận dụng vào học nhóm, đoàn sinh học tập tốt, thu thập kiến thức sâu sắc, rèn luyện kỹ năng vững vàng, tâm tình trong sáng hơn, nâng cao chất lượng tu học cho toàn thể cũng như cho từng người.
GĐPT sinh hoạt tập thể theo tổ chức Đoàn Đội, nhưng có những bài học theo bậc học, đoàn sinh không cùng ở một đoàn, đội nên phải chia nhóm theo bậc học. Hiện nay các trường học theo lối giáo dục mới người ta chia nhóm theo trình độ khả năng (Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), học sinh cùng trình độ làm việc chung với nhau, có đề tài học tập riêng hợp với trình độ học sinh trong nhóm. Nhưng đối với hướng đào tạo của GĐPT và tinh thần Lục Hòa chúng ta không chia nhóm theo trình độ. Mỗi nhóm đều có đoàn sinh lớn nhỏ, giỏi kém khác nhau. Trong GĐPT tình thân thiết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau là chính, chủ yếu là rèn luyện đức tính, tình cảm trong sáng. Chia nhóm theo khả năng chỉ có thể áp dụng cho các bài học thể lực như các môn thể thao, trò chơi, một số bài học tập về hoạt động thanh niên và xã hội,…
Để tránh tình trạng trẻ mặc cảm tự ti hay kiêu căng tự đại, nhóm ganh tị mất sự thân ái đoàn kết, chúng ta không nên chia nhóm một cách cố định, phải thay đổi luôn theo môn học, bài học, năng khiếu của trẻ. Có những bài học không chia nhóm, nên học chung như: Hát, Vẽ, Thủ công, …
Trẻ nhỏ ở ngành Oanh từ 6 đến 8, 9 tuổi đang ở trong thời kỳ trung tâm tự kỷ, chưa có thể hợp tác với nhau được nên chưa học tập theo nhóm. Từ 10 đến 12 tuổi tập dần cho trẻ sinh hoạt theo nhóm, có thể bắt đầu qua những trò chơi. Đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Thanh chính thức cho sinh hoạt theo nhóm trong học tập. Cách chia nhóm và hướng dẫn nhóm sinh hoạt học tập như sau:
– Tùy theo yêu cầu công việc trẻ phải làm để xác định số người (không quá 8 người). Mỗi nhóm nên gồm những đoàn sinh ở gần nhau hoặc trong một khu vực để họ dễ liên lạc họp mặt với nhau.
– Mỗi nhóm bầu một nhóm trưởng để điều khiển hoạt động của nhóm và một thư ký ghi kết quả thảo luận của nhóm.
– Để bắt đầu hoặc chuẩn bị bài học, người dạy nêu ra vấn đề, xác định mục tiêu cần đạt được theo nội dung đề tài, rồi giao nhiệm vụ cho các nhóm. Tùy theo bài học, các nhóm có thể thực hiện chung một nhiệm vụ, hoặc mỗi nhóm thực hiện một phần nhiệm vụ, bằng cách nào thì kết quả thực hiện của từng nhóm cũng góp phần giải quyết vấn đề chung .
– Người dạy hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ bằng các câu hỏi, bằng các gợi ý, hướng dẫn cách tiến hành, giới thiệu phương tiện khảo sát tìm hiểu…
– Tùy theo bài soạn giảng, thời gian thực hiện, một tiết học hay nhiều hơn, các thành viên trong mỗi nhóm họp nhau ngay để bàn bạc thảo luận, hoặc chọn thời gian thuận tiện họp nhau bàn kế hoạch, phân công thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người triễn khai phần việc của mình, trao đổi hợp tác để hoàn thành công việc chung và lập báo cáo kết quả. Báo cáo kết quả có thể làm dưới dạng liệt kê các ý, kèm theo sơ đồ, hình ảnh, vật thực nếu có.
– Đến giờ học người dạy cho các nhóm báo cáo kết quả. Nếu các nhóm cùng nhiệm vụ chung thì cử đại diện một nhóm trình bày kết quả, nếu mỗi nhóm thực hiện một phần nhiệm vụ thì đại diện các nhóm lần lượt trình bày kết quả .
– Các nhóm nhận xét, bổ sung, nêu câu hỏi thắc mắc xung quanh vấn đề nhóm bạn trình bày.
– Người dạy hướng dẫn việc kết hợp các ý kiến, chốt lại các kiến thức, giải thích làm rõ những vấn đề khó, giải đáp những thắc mắc của các nhóm…
– Cuối cùng, hướng dẫn việc đánh giá (tự lượng điểm hoặc xếp hạng). Nhóm tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi cá nhân tự nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Người dạy tổng kết bài, đánh giá và khích lệ nhóm và cá nhân thực hiện nhiệm vụ tốt.
Phương sách là cách thực hiện phương pháp giáo dục như: Thuyết giảng, quan sát, kể chuyện, vấn đáp, thực nghiệm,… Sai lầm nhất trong việc dạy trẻ là huynh trưởng chỉ dựa theo tài liệu biên soạn sẵn, rồi theo đó mà giảng mà nói từ đầu đến cuối. Các em yên lặng ngồi nghe, cũng có người cho các em nói lập lại từng câu hay nói chắp đuôi lời người dạy, tưởng thế là các em hiểu, Bài “toát yếu” hay “ghi nhớ” cũng do huynh trưởng đọc cho các em ghi vào vở, bảo các em về học thuộc lòng thế là xong. Cách dạy này trái với khoa sư phạm và khoa tâm lý trẻ. Bài giảng dạy hay, đạt mục đích yêu cầu là bài giảng biết cách áp dụng các phương sách thích ứng với nội dung bài học, phương pháp, tiến trình giáo dục và khoa tâm lý trẻ. Đề nghị phương cách giảng dạy, hướng dẫn đoàn sinh học tập theo phương pháp tích cực.
* Đoàn sinh Oanh vũ dưới 10 tuổi ( các bậc Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng ):
Dạy một bài học để rèn luyện đức tính, tập quán tốt thay vì áp dụng phương sách thuyết giảng nói và giảng từ đầu đến cuối, người dạy áp dụng phương sách kể chuyện, phát vấn. Trẻ em rất thích thú nghe kể chuyện nên chăm chú nghe. Nhờ trực giác các em hiểu được ý nghĩa của sự việc, hành động của nhân vật trong câu chuyện phân biệt được những gì hay, dở, tốt, xấu mà trả lời các câu hỏi của người dạy dẫn đến những điều ghi nhớ và thực hành theo yêu cầu mục đích của bài học. Như vậy với bài học rèn luyện đức tính ta áp dụng phương sách vừa lý giải vừa hoạt động bằng phương pháp kể chuyện phát vấn. Tùy theo bài học ta có thể áp dụng các phương sách như kể chuyện tranh, phim ảnh, trực tiếp hiện cảnh, quan sát vật thực, phô diễn, thực nghiệm, sinh hoạt tập thể,… nhằm phát huy tinh thần chủ động học tập, kích thích trí suy nghĩ, óc quan sát của trẻ,… (xem lại các phương pháp giáo dục GĐPT).
* Đoàn sinh trên 10 tuổi ( bậc Tung bay ngành Oanh, bậc Hướng thiện ngành Thiếu):
Huynh trưởng phụ trách giảng dạy nghiên cứu nội dung những bài học thich hợp với cách hướng dẫn đoàn sinh theo phương cách tập dần cho đoàn sinh tính chủ động học tập, tinh thần tự học . Đề nghị trình tự bài dạy như sau:
Bước 1: Niệm Phật
Kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới
Tùy theo nội dung bài học, huynh trưởng áp dụng phương pháp, phương sách giảng dạy để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho doàn sinh.
Bước 2: Thay vì áp dụng phương sách phát vấn để kiểm tra củng cố kiến thức tiếp thu được của doàn sinh trong bước 1, huynh trưởng cho các em họp nhóm bàn bạc ghi nội dung kiến thức đã thu thập được, dựa vào đó lập câu hỏi và câu trả lời, cử đại diện thuyết minh.
Họp chung, huynh trưởng hướng dẫn đại diện nhóm nầy đặt câu hỏi, nhóm khác trả lời hoặc thuyết trình, đặt câu hỏi cho nhóm khác giải đáp. Huynh trưởng theo dõi, góp ý sửa câu hỏi cho hoàn chỉnh, bổ sung câu trả lời của các em. Huynh trưởng tóm tắt ý chính thành bài toát yếu, gợi ý đoàn sinh tìm ra lời quyết định hoặc ghi nhớ, nhác nhở các em thực hành trong thực tiển đời sống.
Nếu còn thời gian (hoặc có dịp thuận tiện trong sinh hoạt) củng cố kiến thức kỹ năng bài đã học, tùy theo nội dung bài mà cho trò chơi, bài hát, diễn kịch, vẽ, thủ công…
* Đoàn sinh ngành Thiếu từ bậc Sơ thiện trở lên và ngành Thanh:
Cần phát huy tinh thần tự nghiên cứu học tập bằng cách hướng dẫn học tập theo phương pháp dự án.
– Huynh trưởng nghiên cứu nội dung đề tài, chọn những vấn đề có thể tiến hành dự án, xác định mục đích, phương pháp và phạm vi nghiên cứu.
– Huynh trưởng lên kế hoạch tiến hành, soạn câu hỏi và hưởng dẫn trí tuệ, kỹ năng của người học có tinh cách khai mở, cho phép vượt quá giới hạn đề tài để mong mở rộng kiến thức, tìm hiểu thực tiễn đời sống và ứng dụng trong cuộc sống ; giới thiệu nguồn tài liệu, phương tiện, nơi chốn, cảnh vật…nghiên cứu; lập kể hoạch cho buổi thảo luận học tập, và kiểm tra, đánh giá.
– Sau buổi sinh hoạt học tập tại Đoàn, huynh trưởng dặn dò đoàn sinh chuẩn bị cho bài học sắp tới: Huynh trưởng giới thiệu đề bải, nêu vấn đề nghiên cứu,cho câu hỏi , hướng dẫn các hoạt động thực hiện, giao nhiệm vụ cho các nhóm và mỗi nhóm lại phân công việc nghiên cứu cho cá nhân.
– Mỗi thành viên của nhóm trong tuần tranh thủ thời gian triễn khai phần việc của mình, chọn thời gian thuận tiện họp nhau phối hợp những gì đã thu thập được, bàn bạc, đúc kết và lập báo cáo kết quả.
– Đến buổi học, người dạy hướng dẫn các em học tập như đã trình bày trong phần “hướng dẫn học tập theo nhóm ” (mục 7.2.2.3).
Chú ý: Giảng dạy, hướng dẫn tu học các bậc học cho đoàn sinh đối với các môn học như Phật pháp, bài học về đạo đức, rèn luyện tâm tính, cần hướng dẫn cho các em thực hành thường xuyên, dần dần các em phát triễn về đạo đức, sửa đổi tính tình, biến thành hành vi, tập quán quen thuộc trong cuộc sống nhờ quá trình tu tập rèn luyện.
Tài liệu biên soạn hoặc sách chỉ để cung cấp kiến thức cơ bản cho huynh trưởng căn cứ vào đó mà giảng dạy cho đủ và đúng ý nghĩa trọng tâm của bài. Trước buổi học huynh trưởng phải làm những việc cần thiết để chuẩn bị chu đáo cho việc giảng dạy đạt được kết quả tốt. Huynh trưởng dù uyên bác giỏi đến đâu cũng có chỗ nhớ, chỗ quên, chỗ lầm lẫn, sơ sót. Có soạn bài huynh trưởng mới tránh được những khuyết điểm ấy. Bài dạy có sửa soạn trước, đoàn sinh mới dễ hiểu, dễ nhớ, thích thú trong việc học. Có bài huynh trưởng phải bắt đầu bằng một chuyện kể, những chỗ khó hiểu huynh trưởng phải tìm thí dụ, liên hệ thực tế, đưa ra tranh ảnh, vật liệu cho các em quan sát nhận xét. Huynh trưởng còn phải chuẩn bị các câu hỏi đàm thoại, những công việc để các em tham gia các hoạt động học tập và thực hành. Có sửa soạn bài trước huynh trưởng giảng giải rõ ràng, rành mạch theo một trình tự hợp lý, buổi học linh động hấp dẫn các em thích thú ham học. Bài dạy hay làm cho đoàn sinh cảm phục, uy tín huynh trưởng tăng lên.
Những điều cần thiết chuẩn bị cho bài sắp đem ra giảng dạy, huynh trưởng ghi chép vào sổ soạn bài. Sổ soạn bài là đồ nghề thiết yếu của người huynh trưởng không thể thiếu, sổ phải được trình bày cẩn thận đẹp mắt, ghi chép những bài soạn đầy đủ, những ý kiến, những tài liệu, những điều cần thiết người dạy, người học phải làm trong buổi học, theo một thứ tự hợp lý ăn nhịp với tiến trình giảng dạy. Soạn bài chu đáo thể hiện lòng thiết tha yêu trẻ yêu “nghề trưởng” và tinh thần phục vụ của huynh trưởng cho sự nghiệp giáo dục của GĐPT.
Huynh trưởng có “sổ soạn bài” để giảng dạy, đoàn sinh phải có sổ sinh hoạt để ghi chép những điều huynh trưởng giảng dạy. Huynh trưởng nên hướng dẫn cách trình bày, ghi chép và theo dõi kiểm tra xem các em có ghi chép đầy đủ và giữ gìn tốt không.
Thực hiện chương trình tu học của đoàn sinh nên bắt đầu vào đầu tháng 9 dương lịch cùng thời điểm khai giảng của các trường học điều này có những thuận lợi:
– Một số bài học của nhà trường trùng với đề tài học tập của GĐPT nhất là ở các môn Hoạt động thanh niên, xã hội và văn nghệ. Những kiến thức đoàn sinh đã học ở trường ví dụ như: Đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, luật giao thông, sử dụng vi tính, viết văn, làm thơ, hội họa, thủ công,… Các bài học đó chúng ta không dạy phần lý thuyết nữa, chỉ cho các em thực hành (theo tinh thần giáo dục Phật giáo và để áp dụng trong đời sống của người Phật tử).
– Vào đầu mùa hè năm sau đoàn sinh học xong chương trình cũng là thời điểm Mừng Phật Đản. Trước khi kết thúc niên khóa tu học, chúng ta thực hiện “chủ điểm giáo dục” hướng đến ngày Khánh đản đức Phật Thích Ca để ôn luyện, thực hành những gì đã học tập đồng thời kiểm tra đánh giá tiến bộ của đoàn sinh.
-Thời gian nghỉ hè, GĐPT đã thực hiện hết chương trình tu học thường kỳ cho đoàn sinh, nhà trường cũng nghỉ học, thuận lợi cho GĐPT tổ chức các sinh hoạt bổ túc giáo dục như: Cắm trại, du ngoạn, làm công tác xã hội từ thiện, tổ chức hội thi môn học, triển lãm,… Thực hiện “chủ điểm Giáo Dục” nhân ngày Hạnh, ngày Hiếu.
Việc phân phối chương trình tu học tùy theo số tuần, số tiết học của các môn theo từng bậc học trong niên khóa, chúng ta phải sắp xếp cho sít sao hợp lý.
Số buổi học trong năm thường có khoản 38 buổi, chúng ta phải để 8 buổi dự phòng phải tham gia các Phật sự chung của Giáo hội hay GĐPT, thời tiết mưa, gió, lụt, bão,… Trung bình số tiết học của mỗi bài học (Kể cả các đề tài có 2,3 tiết) trong năm khoản 60 buổi. Như vậy ta phải rải đều các tiết trong năm không quá 30 buổi (Mỗi buổi có 2 tiết học). Các bài học phải sắp xếp tuần tự tiệm tiến từ dễ đến khó. Những bài có nội dung liên quan với nhau nên xếp gần nhau, ví dụ như: Bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Duyên sanh, nhân quả, luân hồi…
Các tiết học cũng không nên phân cố định cho các buổi trong năm, nên chia từng tháng để tiện chuyển đổi khi cần. Trong năm học sẽ có môn xong chương trình trước, ta dùng thời gian còn lại cho các tiết học của môn khác có nhiều bài hơn.
Mỗi ngành nên có bảng phân chia chương trình tu học cho đoàn sinh từng tháng một. Ban huynh trưởng GĐPT tùy nghi chia chương trình tu học chung cho đoàn theo từng bậc học hoặc từng môn học. Các bảng phân chia chương trình tu học cần treo ở đoàn quán cho huynh trưởng và đoàn sinh xem. Các huynh trưởng cầm đoàn và phụ trách giảng dạy nên có bản sao hoặc ghi chép vào sổ soạn bài, đoàn sinh cũng nên ghi đề tài các môn học vào sổ sinh hoạt.
Các buổi sinh hoạt thường kỳ là để thực hiện chương trình tu học cho đoàn sinh, chúng ta phải lập thời khóa biểu, vì lẽ:
– Chỉ rõ sự nối tiếp các hoạt động để buổi sinh hoạt học tập có trật tự, không bỏ sót công việc theo thông lệ phải làm.
– Bảo đảm sự đồng loạt hoạt động của các đoàn, các bậc học khác nhau trong gia đình và phải theo một trật tự chung về việc làm, thời gian, khỏi gây khó khăn cho nhau trong các sinh hoạt mà sinh hoạt nào cũng đều quan trọng cả.
– Sự thay đổi sinh hoạt theo thời khóa biểu tránh sự nhàm chán cho đoàn sinh.
Đề nghị thời khóa biểu một cuộc sinh hoạt như sau:
– Thời gian sinh hoạt: Kéo dài từ 3 giờ đến 3g30 (Thường vào buổi sáng hoặc chiều ngày chủ nhật).
Buổi sáng bắt đầu từ khoảng: | 07g 30 |
Buổi chiều : | 13g 30 |
– Chương trình sinh hoạt | |
+ Tập họp lễ Phật: | 30 phút |
+ Họp chung toàn gia đình: | 20 đến 30 phút |
+ Học tập (2 tiết): | 01g đến 01g 30 |
Ngành Oanh | 01g (Mỗi tiết học 30 phút) |
Ngành Thiếu, Thanh | 01g 30 (Mỗi tiết 45 phút) |
Các môn như Phật Pháp, Tinh thần có bài có thể kéo dài đến 01g. Gặp trường hợp đó ta bớt thời gian các môn học chuyên môn. Các môn Phật pháp – Tinh thần học trước, các môn khác học tiếp theo sau.
+ Họp Đoàn, Đội: | 20 đến 30 phút |
+ Họp Chúng, Đàn (Dặn dò,chia tay…): | 15 đến 20 phút |
Đến với GĐPT chủ yếu là để rèn luyện thân tâm, để sống tốt, học ít nhưng thực hành nhiều để luyện ý chí, tính tình theo tinh thần đạo đức Phật giáo. Thực hành giúp trẻ hiểu và nhớ kỹ kiến thức, đồng thời biến kiến thức thành công việc, hành động áp dụng trong việc tu học và ứng xử trong cuộc sống. Vậy sau mỗi đề tài đã giảng dạy, huynh trưởng phụ trách phải tạo điều kiện cho đoàn sinh thực hành.
Tùy theo bài học huynh trưởng vừa dẫn giải vừa thực hành hoặc cho thực hành sau khi dẫn giải. Thực hành gồm các động tác, việc làm giúp đoàn sinh củng cố kiến thức, nhuần nhuyễn kỹ năng thao tác liên quan bài vừa mới học.
Có những tiết học không đủ thời gian cho đoàn sinh thực hành hoặc chỉ làm mẫu các em về nhà thực hiện và trả bài thực hành cho huynh trưởng vào buổi học sau. Có những điều mà đoàn sinh cần phải thực hành hằng ngày để rèn luyện thân tâm ứng dụng vào đời sống. Huynh trưởng phải có phương cách hướng dẫn tạo cơ hội cho đoàn sinh tự động tự giác ứng dụng điều đã học vào việc “tu thân, xử thế”. Thí dụ: Học những bài về Phật Pháp -Tinh thần, rèn luyện tâm tính … huynh trưởng hướng dẫn các em thực hành thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong sinh hoạt GĐPT như có thời gian niệm Phật hằng ngày – Chăm nom trang thiết bị bàn thờ Phật – Giúp đỡ cha mẹ – Sinh hoạt, làm việc, học hành trong chánh niệm – Làm điều lành, tránh điều dữ…- Đến Đoàn sinh hoạt đúng giờ, biết vâng lời anh chị trưởng, vui vẻ thân ái hợp tác giúp đỡ bạn đoàn trong các hoạt động, tham gia tich cực trong các sinh hoạt học tập…Các em có sổ tay nhật ký ghi lại những việc làm tốt, việc làm chưa tốt để khi đến đoàn báo cáo huynh trưởng. Huynh trưởng khen ngợi nêu gương các điều tốt, giúp các em khắc phục việc chưa tốt, sám hối những lỗi lầm.
Dựa vào các sinh hoạt ngoại khóa, bổ sung giáo dục như: Tu tập định kỳ, tham quan, cắm trại, các sinh hoạt văn nghệ, xã hội, sinh hoạt chủ điểm giáo dục,… Để lồng vào các hoạt động có tính cách ôn tập, thực tập, phô diễn về kiến thức, kỹ năng thực hành các bài đã học.
Thi đua là một trạng thái tâm lý thúc giục sự cố gắng của con người làm cho hay hơn đối với đối tượng mình nhắm tới. Đối tượng để thi đua có thể là cá nhân mình hay với một hoặc nhiều người khác. Thí dụ:
– Cá nhân mình: Một thiếu niên tự so sánh cái tốt của mình hôm nay với cái chưa tốt của mình hôm qua, rồi do đó mà cố gắng mãi cho đến lúc hoàn thiện.
– Đối tượng khác: Một học sinh nhà trường so sánh mình với một học sinh khác, hay với chúng bạn trong lớp mà quyết tâm học làm cho hay bằng hoặc hơn chúng bạn.
Thi đua thế nào cũng giúp thanh, thiếu, nhi thấy được sự hơn kém, rồi từ đó mà cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện mỗi ngày một hay hơn. Trong việc giảng dạy áp dụng những hình thức thi đua làm cho buổi học trở lên linh động hơn giúp trẻ mau tiến bộ. GĐPT chúng ta cũng thường áp dụng phương sách thi đua trong các sinh hoạt tu học. Tuy nhiên thi đua có mặt tích cực thì cũng có mặt tiêu cực của nó, nếu chúng ta quá lạm dụng, không có biện pháp phòng ngừa những tật xấu do nó gây ra thì tác dụng sẽ phản lại giáo dục. Những tật xấu phát sinh từ thi đua do tâm lý so sánh hơn kém mà sinh ra cạnh tranh hơn thua, thua thì sanh ra ghen ghét tỵ hiềm, hơn thì tự đắc kiêu căng, mất tình tương thân, tương trợ giữa bạn đồng song.
Thông thường thì người ta cho rằng thi đua là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng ít ai thấy được mặt trái của nó. Ở các trường học thi đua trở thành trọng tâm và thường xuyên của sinh hoạt dạy và học. Thi đua thì phải có chỉ tiêu để phấn đấu, phải phát động và nuôi dưỡng phong trào để bảo đảm thành quả. Dần dần thi đua biến thành sự so sánh hơn thua, thành ganh đua chứ không còn vì mục đích phát triển tri thức cho trẻ. Để thúc đẩy phong trào phấn đấu đạt hay vượt chỉ tiêu, tạo thành tích cho trường cho lớp, nhà trường áp lực lên học sinh phải học phải làm việc quá tải, nhồi nhét kiến thức, lập đi lập lại việc học việc làm vô bổ. Thay vì được sống những ngày tươi đẹp của tuổi thơ, tuổi học trò thơ ngây trong trắng, các em phải đóng vai trò người lớn trao cho để sống trong lo âu, thân tâm mệt mỏi nảy sinh những gian dối che dấu sự thật cho xong việc, có em buông xuôi vì không có sức chịu đựng. Ngoài ra còn có những tiêu cực do nhà trường và giáo chức tạo ra vì thi đua ảnh hưởng đến tính tình của trẻ.
Nói chung, khi thi đua bị lạm dụng về phương diện học tập trẻ thường xuyên sống trong áp lực của thi đua học nhiều, làm nhiều mất nhiều thời gian nhưng chẳng thêm thắt gì kiến thức. Về phương diện đạo đức trẻ sống trong cảnh cạnh tranh “khốc liệt” giữa người và người thì làm sao phát triển được những đức tính tốt, sự cao đẹp của tâm hồn.
Như đã trình bày trên, hình thức thi đua không khéo sẽ làm phát sinh những thói xấu cho trẻ như ganh tị, kiêu mạn…Đó là những nghiệp thức hữu lậu của con người. Giáo dục GĐPT là hướng đến Từ bi và Trí tuệ, chúng ta không nên tạo điều kiện cho các hạt giống đó hiện hành phát triển.
Đức Phật dạy rằng: Nơi nương tựa vững chắc nhất là chính mình. Vậy ta phải nhìn vào chính thiếu nhi như nơi nương tựa của thiếu nhi. Dạy là hướng dẫn, học là tự động tự chủ, thi đua với chính bản thân trẻ là cách tích cực nhất, cần thiết cho sự tiến hóa của trẻ. Ngày xưa các nhà hiền triết Đông cũng như Tây áp dụng cách này để tự xét mình mà rèn luyện thân tâm để tiến (1) “Ôn cố tri tân”. Rút kinh nghiệm của người xưa để noi theo áp dụng vào giáo dục ngày nay lại là một sự cải tiến đổi mới. Nhiệm vụ của huynh trưởng là hướng dẫn tạo việc làm, điều kiện, cơ hội để khích lệ đoàn sinh tự động, tự chủ trong việc tự xét mình mà cố gắng tu tập mỗi ngày một tấn tới.
Việc thi đua giữa cá nhân với những cá nhân khác nên hạn chế, chỉ sử dụng khi cần thiết để kích thích sự cố gắng, tạo không khí vui vẻ, linh động trong sinh hoạt, có tính cách nhất thời. Ta nên tổ chức thi đua giữa các nhóm thay cho thi đua giữa cá nhân với nhau, tránh được sự ganh đua giữa cá nhân nhờ việc chia nhóm học tập thường thay đổi. Thi đua giữa nhiều nhóm sinh hoạt học tập sẽ sôi động hơn dẫn đến hiệu quả cao hơn. Nhưng trong mỗi nhóm ta không nên tổ chức thi đua mà nên tổ chức cho trẻ hợp tác với nhau. Sự hợp tác đem lại sự hài hòa, cảm thông giữa chúng bạn. Trẻ chấp nhận khả năng của nhau, thấy cái hay của bạn để bắt chước thực hiện, thấy cái thiếu sót để giúp đỡ. Tất cả đều cố gắng và giúp nhau trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Các cơ quan đoàn thể dù với mục đích nào cũng phải có những quy định, nguyên tắc, điều lệ về quản trị nhân sự để mọi người theo đó mà thực hiện nhiệm vụ, tiến hành có nề nếp mới đảm bảo chương trình hoạt động có hiệu quả. Trong giáo dục, kỷ luật là một đặc tính quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục. Nó chi phối ba hoạt động dạy dỗ, học tập và quản lý giáo dục. Nguyên tắc căn bản của quản lý giáo dục là thưởng và phạt.
Ngày nay theo lối giáo dục mới, kỷ luật không còn là những luật lệ qui tắc nghiêm ngặt, để áp đảo, khuất phục mọi người phải răm rắp tuân theo, không khoan nhượng đối với người phạm lỗi lầm. Kỷ luật mới là những biện pháp giáo dục các đức tính tốt để làm nhiệm vụ cho tốt trong công việc cũng như trong cư xử và phát triển các điển hình gương mẫu.
GĐPT là một tổ chức giáo dục Phật giáo, mục đích giáo dục chủ yếu là rèn luyện tính tình, ý chí, trí tuệ và tình cảm cho thanh thiếu nhi theo tinh thần Bi Trí Dũng của đạo Phật. Trên quan điểm duyên khởi nhân quả, kỷ luật sử dụng như một phương tiện, tạo nhân duyên cho trẻ phát triển những đức tính tốt để việc học tập có hiệu quả và xây dựng nhân cách theo mục đích yêu cầu giáo dục của GĐPT.
Trong GĐPT “hướng dẫn” là nguyên tắc cơ bản của kỷ luật: Trẻ dưới sự hướng dẫn khéo léo sáng suốt của huynh trưởng mà biết tự xét, tự chế ngự mình. Việc trẻ chấp hành điều lệ nội qui để sinh hoạt tu học có trật tự theo kỷ cương nề nếp hay không tùy thuộc vào hai điều:
– Nhân cách của huynh trưởng (thân giáo) làm cho trẻ kính phục mà vâng lời. Quan trọng huynh trưởng là người chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc luật lệ.
– Tay nghề của huynh trưởng: Việc thực hiện chương trình tu học, phương pháp giảng dạy có hiệu quả đem lại bổ ích lành mạnh cho đoàn sinh. Một đoàn sinh vui tươi, tinh cần tu học chẳng bao giờ vi phạm kỷ luật.
Như vậy, một huynh trưởng kém về kỷ luật, không hướng dẫn được đoàn sinh tự kiềm chế lấy mình chưa phải là huynh trưởng tốt và lành nghề, nghề làm huynh trưởng GĐPT. Nói một cách khác là ta áp dụng kỷ luật như là cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng con đường khích lệ nâng cao khả năng của người dìu dắt, sự tự giác tự chủ của người học.
Hình thức kỷ luật: Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, vấn đề trẻ con rất phức tạp, những trường hợp vi phạm nặng nề, gay cấn có thể xảy ra, huynh trưởng của chúng ta có lành nghề cũng không dễ giải quyết, nếu chỉ có một phương cách về mặt tinh thần. Vì vậy hình thức kỷ luật cũng phải có. Đó là sự thưởng phạt. Thưởng để khích lệ cho trẻ phát huy tinh thần tôn trọng kỷ luật, phạt để ngăn chặn những vi phạm và cải thiện cho trẻ. Hình thức như thế nào, tôi nghĩ chúng ta cần phải nghiên cứu tham khảo ý kiến nhiều người, nhất là những huynh trưởng đã từng cầm đoàn có kinh nghiệm để soạn thảo và đưa vào điều lệ sinh hoạt GĐPT. Ở đây tôi chỉ đề nghị một số ý kiến về nguyên tắc thực hiện hình thức kỷ luật cho phù hợp với lối giáo dục mới, tinh thần Bi Trí Dũng của đạo Phật.
– Phải coi hình phạt là bất đắc dĩ, chỉ thực hiện sau khi đã khuyên bảo, phê bình, cảnh cáo, uốn nắn không còn được nữa.
– Phạt để sửa chữa lỗi lầm chứ không phải để trừng trị.
– Phạt vì thương yêu chứ không phải vì tức giận.
– Phạt vì cái đáng phạt, chỉ phạt cái cố ý không phạt cái vô ý.
– Hình phạt phù hợp với tính chất tội lỗi.
– Tuyệt đối không dùng những hình phạt có tính cách làm nhục trẻ như quì gối, úp mặt, tự vả mình, các hình thức chế nhạo.
Các hình thức nên làm:
– Khuyên nhủ, báo trước để trẻ đề phòng.
– Phê bình, góp ý, khiển trách, kiểm điểm hơn là hình phạt.
– Ở GĐPT hình thức sám hối là hay nhất.
Áp dụng hình thức phê bình, khiển trách hay sám hối huynh trưởng cũng phải khéo léo, mềm dẻo tùy trường hợp, tùy tâm lý trẻ mà thực hiện kín đáo hay công cộng như chỉ với cá nhân, trước tập thể hoặc có sự trợ giúp của tập thể.
Kỷ luật tự giác nên áp dụng triệt để cho đoàn sinh. Nhưng đối với huynh trưởng kỷ luật tự giác chỉ áp dụng cho thành phần huynh trưởng thực sự có thiện tâm, thiện chí với lý tưởng phụng sự cho tuổi trẻ, cho đạo pháp. Còn đối với huynh trưởng (hoặc đoàn viên ở tuổi trưởng thành) đến với GĐPT không thiện chí, có ý đồ đen tối gây hại cho tổ chức. Để đảm bảo uy tín, an toàn của tổ chức phải áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với các huynh trưởng đó, có khi phải loại ra khỏi tổ chức hoặc nhờ đến sự can thiệp của luật pháp. Các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật của huynh trưởng ghi trong nội qui GĐPT (Chương IV, điều 19, mục 1).
Khen thưởng nhằm mục đích kích thích trẻ cố gắng sửa chữa, rèn luyện tính tình, học tập và làm việc mỗi ngày một tốt một hay hơn.
Khen thưởng cũng như hình phạt nếu không khéo, không cân nhắc kỹ việc chọn đối tượng cách thưởng thì tác dụng sẽ không hiệu quả như ta mong muốn.
Khen thưởng trong GĐPT phải có tính cách:
– Chú trọng phần thưởng tinh thần hơn vật chất.
– Đúng đối tượng, thích ứng với tính chất việc làm. Có khen thưởng cá nhân, có khen thưởng tập thể (để trẻ thấy mình cũng có dự phần vào thành quả chung).
– Công bằng, dân chủ, có khi cần đến sự chấp nhận, đề xuất của tập thể (Khi trẻ đã chấp nhận tài năng của nhau, tránh khỏi sự mặc cảm của người không được thưởng, sự kiêu hãnh của người được thưởng).
Về tinh thần
– Tán thành, khen ngợi khi các em làm tốt, hoàn thành tốt công việc, nêu gương người tốt việc tốt, tập thể điển hình.
– Đối với đoàn sinh, nhất là đoàn sinh lớn, hướng dẫn các em hoàn thành công việc có ý nghĩa đối với chính mình, làm các em phấn khởi mãn nguyện. Đó là phần thưởng tinh thần quí báu cho các em.
Về vật chất
– Lời khen ghi vào sổ sinh hoạt, thư khen, giấy khen gửi về gia đình.
– Phẩm vật: Sách vở, vật dụng dùng cho việc học tập sinh hoạt Đoàn (hoặc dùng cho học sinh). Tuyệt đối không thưởng bằng tiền bạc, các đồ chơi, vật dụng không liên quan tới việc tu học của trẻ.
Kỷ luật GĐPT không phải là hình luật bảo vệ trật tự một cách máy móc theo nguyên tắc “Công thì thưởng, tội thì phạt”. Kỷ luật GĐPT là những qui ước các nguyên tắc giáo dục, hướng dẫn và học tập. Nó làm phương tiện giúp huynh trưởng và đoàn sinh thực hành phương châm và các điều luật căn bản của sự giáo hóa (Giới) với tinh thần tự giác, tự chủ, tự chế và tự tiến (Định) để phát huy đức tính cao đẹp, thấu đạt sự hiểu biết chân thật thiện lành (Huệ). Nói cách khác kỷ luật GĐPT là một phương tiện, một thứ hành trang để đoàn viên dẫn dắt nhau trên con đường Giới Định Huệ tiến đến Chân Thiện.
Trước đây học để thi cử, từ sơ học đến đại học đều phải thi. Người ta căn cứ vào kết quả thi để đánh giá học lực, khả năng hiểu biết của người học để tiếp tục học bậc cao hơn, hoặc có bằng cấp để tiến thân trong đời sống xã hội.
Thi cử chỉ đánh giá được trình độ kiến thức, không đánh giá được mặt đạo đức, dẫn con người đi vào con đường hư danh, học để được mảnh bằng chứ không phải để tiến bộ, để trau sửa thân tâm.
Thi cử chưa hẳn đánh giá chính xác đầy đủ trình độ của học sinh. Đề thi nội dung có giới hạn không thể kiểm tra toàn bộ kiến thức đã học. Có học sinh nhờ gặp may trúng đề mà làm được bài, có người làm bài kém hơn nhưng do sự cố gắng của chính mình lại hỏng. Có người vì cảnh ngộ, sức khỏe làm trở ngại cho việc thi. Ngoài ra còn có những tiêu cực trong thi cử, kẻ giỏi có khi hỏng, kẻ kém lại đỗ đạt. Chẳng thế mà thế gian có câu “Học tài thi phận”.
Ngày nay người ta đã cải cách việc thi cử. Thi cử chỉ áp dụng ở giáo dục đào tạo như thi vào các trường chuyên nghiệp, trường đại học chuyên ngành khi mãn hạn thi tốt nghiệp ra trường. Còn ở giáo dục phổ thông người đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và đang có hướng bỏ thi trung học phổ thông. Ở các bậc học tiểu học và trung học người ta căn cứ vào kết quả các kỳ kiểm tra bài học, bài làm, kể cả hạnh kiểm ở lớp trong năm học mà đánh giá, xếp hạng để chuyển lớp, chuyển cấp.
GĐPT từ trước đến nay vẫn duy trì lối thi cử là cách duy nhất để đánh giá “học lực” của đoàn sinh mà cho vượt bậc chuyển cấp. Một đoàn sinh từ bậc mở mắt (Oanh vũ) đến bậc chánh thiện (Ngành thiếu) trải qua 8 lần thi “tốt nghiệp” còn hơn ngoài đời.
GĐPT là khoa giáo dục “tính tình”: Tính tình là mục đích đào luyện đoàn sinh thành Phật tử Chân Chánh. Tính tình chỉ biểu hiện bằng cách học, cách làm, cách cư xử trong quá trình tu học. Làm sao đo được lòng người qua bài viết. Về tri thức căn cứ vào trí năng mà quan năng này trẻ không đồng đều nhau. Có em thông minh tiếp thu nhanh, ký ức tốt, có em chậm hiểu, trí nhớ kém. Do đó cuộc thi nào cũng có người đạt người không. Trẻ thi đạt thì vui mừng phấn khởi, trẻ không đạt thì đau khổ. Trẻ đến GĐPT để có lợi và lạc cho cuộc sống của tuổi thơ trẻ. Dưới áp lực của gia đình, nhà trường nhiều trẻ đã sống trong đau khổ, đã nếm mùi thất bại vì học vì thi. GĐPT đừng nên để cho các em nhận thêm đau khổ, thất bại nữa sinh ra tự ti, mặc cảm, nhụt chí tiến thủ của các em. Vậy ta nên xem xét lại, việc đánh giá kết quả tu học của đoàn sinh còn có nhiều cách không riêng gì thi cử.
Thi cử chỉ nên dành cho huynh trưởng để đánh giá trình độ hiểu biết, kiến thức chuyên môn cần phải có để đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ phục vụ tổ chức. Đối với đoàn sinh có thể giữ lại việc thi trúng cách các khóa huấn luyện Đội, Chúng, Đàn trưởng để xác định trình độ kiến thức chuyên môn của người điều khiển một tập thể. Còn việc tổ chức thi vượt bậc chúng ta nên bỏ và thay thế bằng cách khác. Dựa vào nội dung sinh hoạt tu học, các nguyên tắc giáo dục GĐPT, chúng ta nên nghiên cứu cách đánh giá kết quả các mặt tu học của đoàn sinh một cách nhẹ nhàng mà chính xác đầy đủ hơn thi hạch. Vài ý kiến đề nghị:
– Trong niên khóa tổ chức những kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng tu học của đoàn sinh bằng sinh hoạt ôn tập tiến hành theo các nguyên tắc như thực hiện một chủ điểm giáo dục. Sự đánh giá chất lượng căn cứ vào kết quả thu được của tập thể, cá nhân để xếp hạng các mặt tu học của đoàn sinh trong từng giai đoạn. Có thể tổ chức 3 tháng một lần hoặc mỗi năm 2 lần vào giữa và cuối niên khóa.
– Dựa vào sinh hoạt “chủ điểm giáo dục” hướng đến ngày trọng đại của Phật giáo. Mỗi năm tổ chức giữa năm học vào dịp lễ Thành Đạo và cuối năm vào dịp lễ Đản Sanh. Tiến hành kế hoạch thực hiện chủ điểm giáo dục, trẻ dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng tự tổ chức việc ôn tập, tìm hiểu nghiên cứu thêm tài liệu, sách học để mở rộng kiến thức. Trẻ vận dụng những hiểu biết thu thập được, kỹ năng đã rèn luyện vào các hoạt động để tạo nên thành quả đón mừng cúng dường Đại Lễ. Những kết quả chung của tập thể, việc làm của cá nhân đóng góp cho tập thể, những tri thức thu được của tập thể và cá nhân ghi trong quyển vở ghi chép riêng hay chung là những “sách học” do tự đoàn sinh lập nên. Đó cũng là “những bài thi của thực tế” tu học của đoàn sinh để ta khảo sát đánh giá đúng thực chất của mỗi “thí sinh”. “Cuộc thi” diễn biến như một hình thức “sinh hoạt tu học” theo phương pháp hoạt động trong bầu không khí sôi động thích thú với niềm hân hoan hướng đến ý nghĩa “chủ điểm giáo dục”. Thi không còn là áp lực đè nặng lên trẻ, làm cho trẻ phải lo lắng, sợ hãi trước những thử thách hạch hỏi sẽ đến. Vì lợi ích của tập thể, mọi người đều cố gắng, chúng bạn giúp đỡ, chỉ bày, sửa chữa cho nhau, nhờ đó mà các em trước đây yếu kém cũng khá hơn đạt yêu cầu xét lên bậc.
– Việc xét vượt bậc hay phải ở lại cũng phải linh động, tế nhị, không quá bắt buộc hội đủ điều kiện yêu cầu về kiến thức. Có em trí năng chậm phát triển, khả năng nói và viết non yếu nên bài làm bài hỏi kết quả thấp. Ta phải xét ở khía cạnh khác. Từ chỗ rất thấp đến kết quả như vậy là cả một quá trình ra sức cố gắng và cần mẫn của em, cũng xứng đáng như người kết quả cao nhưng sự cố gắng chẳng bao nhiêu, nhờ có sẵn trình độ học vấn, nhờ thiên tư mà thành đạt. Có em kiến thức các môn học không thể hiện tốt đầy đủ trong bài viết bài làm nhưng lại thể hiện rất tốt trong lối sống. Không giỏi môn Phật pháp Tinh thần, nhưng em chuyên cần niệm Phật, chấp hành tốt các điều luật. Không giỏi về môn xã hội hoạt động thanh niên, nhưng em rất hiếu thảo với cha mẹ, đối xử tốt với mọi người, tháo vác, nhiệt tình công việc nhà, việc Đoàn… nên được xem xét.
– Việc xét đoàn sinh ở lại bậc học cũng không nên ép buộc gắt gao. Nếu có em yêu cầu và hứa cố gắng cũng nên xét cho lên hoặc cho thử một thời gian giải quyết. Các em phải ở lại, huynh trưởng cũng phải khéo léo tế nhị để các em khỏi tự ti, nhụt chí. Làm thế nào để an ủi, khuyến khích các em tự giác, tự nguyện học lại cho có căn bản để đủ sức theo học bậc học tiếp theo.
============================================
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1