4.1. ĐẶT VẤN ĐỀ: Trong các chương trước đã trình bày việc nghiên cứu giáo lý, các pháp môn hoằng hóa của Phật giáo vận dụng vào giáo dục; nghiên cứu các hình thức, phương pháp giáo dục thế gian, chọn những ưu điểm thích ứng áp dụng vào giáo dục GĐPT. Trước khi bàn về các hoạt động giáo dục đào luyện trong GĐPT theo hướng cải tiến chúng ta nên xem xét lại việc cải tiến để có nhận thức đúng đắn về tính cách quan trọng, các quan điểm, các phương thức giáo dục mới nhằm cải tiến các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng tu học, huấn luyện trong GĐPT. 4.2. NHỮNG TRỞ NGẠI: Khi đề cập đến việc đổi mới phương thức sinh hoạt tu học, huấn luyện trong GĐPT, nhiều huynh trưởng chúng ta không khỏi có nhiều nghi ngại như sau : -Cho rằng việc đổi mới là đưa vào một mô hình giáo dục hoàn toàn mới lạ để thay thế cho cái cũ mà người ta cho là không còn hợp thời. Do tư tưởng chấp thủ cho rằng phương pháp giáo dục của GĐPT hiện nay là tối ưu rồi, nếu thay đổi sẽ không phù hợp với mục đích, đường lối của GĐPT. -Đổi mới là áp dụng những hình thức mới, phải có các phương tiện hiện đại như Công nghệ thông tin truyền thông … -Họ e ngại lo lắng về những điều chưa biết về cách hướng dẫn sinh hoạt giảng dạy và học tập theo phương thức đổi mới. Việc hướng dẫn giảng dạy của huynh trưởng và học tập của đoàn sinh từ trước đến nay đã thành thói quen; nay phải thay đổi cách khác là một điều khó khăn, phiền phức và mất nhiều thì giờ, công sức. Hơn nữa, huynh trưởng phần lớn chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản về sư phạm giảng dạy và chỉ bằng lý thuyết, chưa có kinh nghiệm nên khó có thể cùng lúc thực hiện những yêu cầu về nội dung, phương pháp hướng dẫn tu học, huấn luyện theo phương thức mới. -Về phía đoàn sinh hầu hết là học sinh đã quen lối học thụ động ở trường (và trong GĐPT cũng thế), quen nghe người dạy giảng bài, chờ người dạy ghi lên bảng hay đọc cho chép vào vở. Thói quen nầy đã in sâu, nay học theo lối mới, các em không quen cách học bằng “hành”, học theo tập thể, nhóm, nên khó có thể đạt được kết quả theo dự kiến của người dạy. Nói chung, về mặt tâm lý, nếu nhận thức về đổi mới chưa đầy đủ và đúng đắn thì e ngại nẩy sinh là điều tất nhiên. Bên cạnh những trở ngại nói trên, về phía các cấp quản lý của GĐPT cũng gây ra những trở ngại nhất định đối với việc đổi mới phương thức sinh hoạt tu học, huấn luyện /GĐPT. Khi mà chưa có sự thống nhất trong chủ trương đổi mới của lãnh đạo, chưa nhất quán suốt quá trình đổi mới để chỉ đạo việc thực hiện thì công cuộc nầy khó tiến hành thông suốt được. 4.3 GIÁO DỤC GĐPT ĐỔI MỚI THẾ NÀO: 4.3.1. Nhận định: Giáo pháp của đức Phật luôn luôn thích ứng với mọi thời, mọi cảnh, vẫn mới đối với sự phát triển các lĩnh vực của đời sống con người. Riêng về lĩnh vực giáo dục, quan điểm giáo dục thế gian được coi là hiện đại nhất cũng chỉ mới bắt gặp quan điểm của Phật giáo cách nay hơn 2500 năm. Từ những giáo lý căn bản và các pháp môn tu học của đạo Phật, ta rút ra các nguyên lý, nguyên tắc để thiết lập những hình thức, phương pháp giáo dục không những tương đồng với giáo dục thế gian mà còn vượt trội nhờ ánh sáng của giáo pháp soi đường. Đồng thời với tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo chúng ta kết hợp với các hình thức, phương pháp giáo dục thế gian ( có chọn lựa ) thích hợp mà xây dựng một nền giáo dục đặc sắc để đào luyện tuổi trẻ Phật giáo trong thời đại trở thành những Phật tử chơn chánh, những công dân ưu tú góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Về giáo dục thế gian, giáo dục mới nói cho cùng chỉ là những hình thức dạy và học có từ trước đã chuyển đổi hình thái cho phù hợp với tâm sinh lý của tuổi trẻ, thích ứng với sự phát triển các lĩnh vực đời sống con người thời đại. Các phương pháp ấy có tính cách bổ sung, điều chỉnh phương pháp của Montessori,Decroly, Hall và Dewey. . . Những ưu điểm của hình thức, phương pháp dạy và học theo giáo dục mới được thể hiện một cách tích cực, nên người ta còn gọi phương pháp dạy và học theo giáo dục mới là phương pháp tích cực. Theo cách dạy và học này, người học tự động tự chủ học tập. Người dạy lo chọn chủ đề, nêu vấn đề để giải quyết, vạch kế hoạch và hướng dẫn thực hiện. Việc dạy và học không chỉ truyền đạt và thu thập kiến thức mà còn rèn luyện quan năng tinh thần và kỹ năng thực hành giúp người học tự tìm tòi học hỏi. Dạy và học theo cách nêu và giải quyết vấn đề bằng kế hoạch để thực hiện người ta còn gọi là phương pháp dự án. Nói chung cốt lõi của dạy và học theo giáo dục mới là quá trình làm phát triển nội tại của chủ thể, trong đó chủ thể tự thể hiện và biến đổi mình, tự làm phong phú mình bằng cách xử lý kiến thức, kỹ năng thu thập được thành tri thức bên trong của bản thân.. Cách dạy và học nầy đã và đang áp dụng ở các học đường của các nước tiên tiến trên thế giới và đạt hiệu quả cao trong việc giáo dục đào tạo. Ta nhận thấy quan điểm và các nguyên tắc giáo dục mới rất gần với các nguyên lý giáo dục Phật giáo. Trên quan điểm nguyên lý ‘duyên khởi và nhân quả’ GĐPT thiết lập hình thức, nội dung giáo dục, phương pháp truyền đạt bằng cách tạo nhân duyên giúp trẻ cải thiện tự tính con người, vừa giáo dục con người trong hoàn cảnh xã hội theo chiều hướng tốt đẹp thăng hoa. Lại nữa, duyên khởi là qui luật tự nhiên, nên giáo dục phải dùng phương pháp tự nhiên để giáo dục con người thích ứng với sự phát triển tâm lý, tức là giúp trẻ phát triển những hoạt động tự nhiên để thích nghi với đời sống. Điều ta nên nhớ nhu cầu cần thiêt của trẻ là cần hiểu biết, khi ta đề cao giá trị của sự hiểu biết chúng càng ham thích. Phật dạy ‘Nơi nương tựa vững chắc nhất là chính mình’,chúng ta phải nhìn thanh thiếu nhi là chính nơi nương tựa của thanh thiếu nhi, nên phải lấy thanh thiếu nhi làm trung tâm điểm của sự giáo hóa. Phật còn dạy ‘Ta là người chỉ đường, các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’. Các đệ tử Phật cũng phải tự mình vận dụng thân tâm để suy cứu, thực nghiệm pháp màu, tu tập và thiền định để thắp sáng ngọn đuốc soi đường tiến đến giác ngộ, giải thoát. Phương thức giáo dục này chính đức Phật đã áp dụng để giáo hóa thiếu niên như La Hầu La, các em bé mục đồng nơi Phật Thành Đạo và nhiều thiếu niên khác . Phương thức giáo dục này cũng là nguyên tắc của nguyên lý huân tập, chỉ khi nào chủ thể tự động tự chủ trong việc học tập, ý thức học là hành, hành là học, ‘ hành thâm’ thời ‘chiếu kiến’, khi đó những gì huân tập vào tâm thức mới thâm sâu bền vững , gia tăng nội lực đẩy lùi những mầm mống xấu ác vượt qua mọi cám dỗ bất thiện trong đời sống xã hội. Nói tóm lại, trong giáo dục, nếu tạo được nhân tốt và duyên thuận lợi thì việc đào luyện trẻ sẽ đạt hiệu quả tốt đẹp. Phép giáo dục này lại được soi sáng bằng các pháp môn tu học của đạo Phật. Trong việc giáo dục dẫu áp dụng phương pháp tân tiến nào cũng phải qua tiến trình nghe nhìn, quan sát, nghiên cứu tìm hiểu, xét nghiệm (Văn), rồi suy tư, thảo luận, thẩm xét những điều tiếp thu được (Tư), để học tập, thực hành, tu chỉnh tự thân, ứng xử trong cuộc sống (Tu). Tiến trình giáo dục này đối với Phật Giáo luôn luôn có Huệ (Văn Huệ-Tư Huệ-Tu Huệ) soi chiếu; Giới Định Huệ dẫn lối trên nền tảng Bát Chánh Đạo, nên các phương pháp giáo dục GĐPT nhất định sẽ vượt trội và hiệu quả hơn, nhất là về phương diện đạo đức, xây dựng nhân cách con người. Với những nhận định trên chúng ta thấy rằng việc đổi mới giáo dục trong GĐPT đâu phải do những quan điểm mới đối lại quan điểm giáo dục cũ, phải sử dụng phương pháp hoàn toàn mới lạ, hạn chế phương pháp truyền thống… mà chính là từ truyền thống đi ra, song hành và kết hợp hai phương cách: -Tích cực phát huy tinh hoa của giáo pháp Phật ứng dụng vào giáo dục. Chúng ta phải thông suốt quan điểm, nắm vững các nguyên lý, nguyên tắc giáo dục Phật Giáo. Từ đó với kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo và sự nổ lực mà xây dựng phương thức giáo dục thích hợp với tuổi trẻ ngày nay vừa đảm bảo mục đích đường lối giáo dục đào luyện của GĐPT. -Vận dụng những ưu điểm thích ứng của giáo dục thế gian như một phương tiện hổ trợ cho việc tu học, huấn luyện trong GĐPT. Do đó, các thể thức của các phương pháp được thể hiện tích cực, sinh động hợp với tâm lý và nhu cầu của tuổi trẻ trong thời đại khoa học không ngừng phát triển ngày nay. 4.3.2. Giải tỏa những trở ngại và mở lối đi ra: Như đã trình bày trên, giáo dục mới, nói cho cùng cũng chỉ là những hình thức, phương cách giảng dạy và học tập đã có từ trước hoặc mới xuất hiện gần đây, đã và đang áp dụng ở các học đường, ngay trong GĐPT chúng ta cũng vừa dựa vào giáo lý vừa áp dụng phương pháp mới trong sinh hoạt giảng dạy và tu học. Điều khác biệt là phải tích cực hơn trong việc ứng dụng các nguyên lý, nguyên tắc giáo dục Phật giáo, các nguyên tắc giáo dục mới hiện nay, nhằm thắp lên cho người tu học một ngọn lửa khao khát sự hiểu biết, xem việc tu học như là để thỏa mãn những điều mong muốn thanh cao tốt đẹp cho bản thân, làm sao để trẻ ham thích sinh hoạt và tự thân nổ lực không cần sự ép buộc . Như vậy, về phương pháp không phải sử dụng những gì hoàn toàn mới lạ , chỉ là những thể cách bổ sung, điều chỉnh, làm mới phương pháp truyền thống, đây không phải bỏ cũ thay mới mà là một cuộc cải tiến để nâng cao hiệu quả giáo dục. Giáo dục kém hiệu quả không do bản thân phương pháp mà do ta sử dụng phương pháp. Nhà giáo dục, với tinh thần mới, nắm vững các nguyên tắc sư phạm, sáng tạo để chuyển đổi hình thái của phương pháp hợp tâm lý tuổi trẻ, hoạt động hóa, tich cực hóa việc hướng dẫn và học tập sẽ tạo ra những đổi mới dù là theo phương pháp nào. Về việc sử dụng Công Nghệ Thông Tin Truyền Thông khi chưa có điều kiện, ta còn nhiều phương tiện để giúp người học tìm hiểu, phát hiện các sự thật như sách báo, tranh ảnh…các vật thực ngoài đời. Thiết bị CNTTTT nếu đơn vị, huynh trưởng có thì rất tốt để dùng hổ trợ giảng dạy và tu học, huấn luyện . Về huynh trưởng, nếu huynh trưởng nhận thức về đổi mới đầy đủ thì sự e ngại không còn nữa, thói quen sẽ thay đổi và họ sẽ hào hứng ứng dụng phương thức đổi mới sinh hoạt trong GĐPT. Khi tất cả nhất trí chọn lối đi theo tiêu chí thống nhất cho phương thức đổi mới thì GĐPT chúng ta từ trung ương đến địa phương sẽ cùng đồng hành trong việc chỉ đạo cũng như thực thi việc đổi mới một cách tích cực hơn. Huynh trưởng chúng ta với vốn giáo lý căn bản, kiến thức sư phạm, kinh nghiệm cầm đoàn và hướng dẫn giảng huấn đã có của đa phần huynh trưởng, việc vận dụng phương pháp, tổ chức các hoạt động tu học, huấn luyện sẽ dần dần cải đổi. 4.4.3. Phương pháp và tổ chức sinh hoạt giáo dục trong GĐPT theo hướng đổi mới . Việc đổi mới phương thức sinh hoạt trong GĐPT là một việc quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hay thoái trào của tổ chức. Các cấp huynh trưởng từ trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục của GĐPT, không của riêng ai. Để góp phần vào công cuộc cải tiến này, giúp huynh trưởng chúng ta có cơ sở ban đầu để khởi hành, chúng tôi trình bày phương pháp và tổ chức các sinh hoạt đào luyện trong GĐPT, không ngoài các hình thức sinh hoạt hiện hành với những ý kiến theo hướng đổi mới. Chúng tôi xin trình bày ở các chương tiếp theo.