Gia Đình Phật Tử phát tích tại Huế, bành trướng mạnh ở miền Trung rồi mới lan ra Bắc và truyền vào Nam. Sự kiện ấy đã hiển nhiên. Nếu thời đại là nhân tố thúc đẩy sự hình thành của Gia Đình Phật Tử thì các sắc thái đặc biệt về địa lý, xã hội chính là nguyên nhân cấu thành sự sai biệt đó. Thêm nữa, hai miền Nam, Bắc tiếp nhận Gia Đình Phật Tử chậm hơn miền Trung tới gần mười năm và ngày nay phát triển cũng cách xa như vậy.
Địa lý Việt Nam có ba miền thiên nhiên rõ rệt. Hình ảnh nôm na nhất, nói theo nhà giáo : hình thể Việt Nam là chiếc đòn gánh gánh hai thúng thóc. Tuy nhiên, hai thúng thóc ấy quả không nặng nhẹ cân bằng. Thúng lúa Bắc trộn đầy đất, đá. Thúng lúa Nam đầy nứt hạt vàng. Nếu có dịp bay lên cao trên miền trung châu Bắc Việt, khi nhìn xuống, du khách sẽ thấy những chiếc chậu lớn nằm cạnh nhau. Miệng chậu là những vòng núi đá vôi : Đông Triều, Cao Bắc, Lai Châu, Điện Biên. Đó là những chậu nứt nẻ ra sông ngòi chi chít. Hai đường nứt lớn là hai nhánh Nhĩ Hà. Dưới đáy chậu, những cuốn sách nhỏ bọc giấy xanh vàng nằm ngổn ngang. Đó là hình ảnh ruộng đồng bị xé nát thành mảnh nhỏ. Giữa đống sách ấy, quây quần những hộp nhỏ, màu xám nhiều hơn màu đỏ, vì nhà gạch ít hơn nhà tranh. Nhà cửa tụ tập thành khóm nhỏ, chung quanh bao bọc một vòng xanh, điểm nhiễm một nét xanh cao vút. Đó chỉ là nhà cửa quây quần thành làng mạc. Chung quanh làng có lũy tre và đầu làng có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh…
Bắc Việt là miền nông nghiệp mật-thận, đất hẹp, người đông. Đời sống cần cù lao khổ. Địa thế ấy, người dân ấy còn bị dày xéo bởi thiên tai, thủy hạn không ngừng. Nói tới lụt lội, vỡ đê, người dân quê miền Bắc thẩn thờ như chết nửa cuộc đời.
Chính cuộc tranh sống cam go ấy đã tạo cho người Bắc tính tình khôn ngoan, mẫn tiệp và lớp bần dân cũng đắm chìm trong thói tục khắc khe. Đem đối chiếu sinh hoạt ấy, tâm hồn ấy với nếp sống người dân miền Nam tất phải nhận thấy mầu tương phản.
Khi ngồi trên phi cơ, bay trên đồng ruộng miền Nam, du khách giàu tưởng tượng sẽ ví mình với một vị tiên đang cỡi chim đại bàng bay trên chiếc thảm vàng mênh mông vô hạn. Ruộng cò bay thẳng cánh no ứ lúa vàng gợi hình ảnh cụ thể của nền nông nghiệp khoáng phát. Đồng ruộng, người thưa, làm ít, lợi nhiều. Lòng dạ người Nam khỏe khoắn vô tư đến có khi hời hợt. Nếu người Bắc khôn ngoan nhờ đau khổ, thì miền Nam no ấm đã tạo cho người dân ở đây một lòng dạ đơn thuần.
Sự phân tích trên chỉ nhắm vào đa số, và chỉ có có đa số mới biểu thị được đặc tính của mỗi miền.
Và nếu bây giờ, du khách vượt qua những vườn cao su xa tắp ra tới miền Trung thì bỗng nhiên thấy mình lạc vào miền đồng khô cỏ cháy. Miền Trung không phải là sa mạc. Những núi non trùng điệp, đèo núi cheo leo xua đuổi những miếng ruộng khô cằn ra bãi cát dài trên bờ trùng dương dậy sống. Từ miền Thanh Nghệ Tĩnh mang dư âm của khí hậu miền Bắc qua Bình Trị Thiên, tới Nam Ngãi Định tới các tỉnh Phú, Khánh, Ninh, Bình dư ảnh của miền Nam. Hai vùng trung nguyên đã có nhiều nét nhọc nhằn, cơ cực. Vùng Thanh Nghệ Tĩnh là xuất xứ của Nguyễn Du, La Sơn phu tử, Phan Bội Châu… Nam Ngãi Định là lò un đúc chí sĩ Văn Thân. Giữa cảnh non sông gầy guộc ấy đột nhiên lạc lỏng một dải đất hẹp về diện tích nhưng lại lớn tâm hồn: Thần Kinh. Cái vẻ hào hoa phong nhã của người Huế tương phản đậm với nét khắc khổ của người Nghệ hay người Quảng. Mỗi miền của ta đều có một đôi mắt đẹp : Bắc có Hà Nội, Nam có Hà Tiên thì miền Trung có đất Thần Kinh với núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong. Dù đã cố ngoi vào nhiệt độ miền Nam, Huế vẫn thoang thoảng có đủ bốn mùa. Nhưng thật ra, ngoài những đô thị lớn, miền Trung là miền nghèo khổ nhất nước ta. Sống trên đá, trên cát, dưới mưa dầm, bão lụt, người miền Trung cằn cỗi như những cây xương rồng. Mặt ngoài xanh tốt nhưng vẫn có gai. Cành lớn, nhánh sây nhưng vẫn chứa đầy nhựa sống. Người Trung sống bằng nội tâm nhiều hơn ngoại cảnh. Bề ngoài trầm tĩnh chứa đựng một tinh thần quật khởi oai hùng. Ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi nhận thấy từ khi lập quốc cho tới nay, các vị anh hùng Lam Sơn, Tây Sơn, Văn Thân, cách mệnh… đa số đều xuất thân từ dải đất khô cằn này cả.
Địa lý ấy, tinh thần ấy, gặp một chế độ hà khắc tất phải phản ứng. Càng bị ức chế phản ứng càng mạnh. Do các yếu tố địa lý, nhân văn, kinh tế trên như mồi nhậy, bén lửa chiến chinh thì phát sinh phong trào chống đối. Từ đoàn Phật Học Đức Dục tới Gia đình Phật Hóa Phổ, về hình thái cũng như đường lối hoạt động cũng là một sự kiện sinh tồn tất yếu cho dân tộc, cho thế hệ trẻ.
Trong lịch sử 100 năm kháng Pháp, qua những ngày chinh chiến khốc liệt từ 20 năm nay, đất nước Việt Nam đã ghi những nét nhăn trên lòng đất, lòng người. Kể về chiến trường thì miền Bắc là nơi xảy ra nhiều trận ác chiến hơn cả. Trong thời kháng chiến, miền Bắc lúc nào cũng là địa bàn đối địch kinh khủng nhất. Chính ở đây đã ghi nhận cái chết của những vị tướng tài của địch như De Lattre de Tassigny và người con duy nhất Bernard, sau khi chiến thắng Đức Quốc Xã đã thảm bại ở Việt Nam không khác đại quân Hốt Tất Liệt sau khi tiến chiếm Âu Châu đã phải chạy dài ở Hàm Tử.
Không khí loạn ly bao trùm khắp các Đô thị. Người Pháp dù Đặt trọng tâm ở các vùng tạm chiếm vẫn không thể hoàn thành kế hoạch thôn tính với sự trợ giúp của bọn vong bản. Nhận định rõ rệt nhất ở các vùng tề là đời sống sa đọa trụy lạc. Tính cách bạc nhược ấy biểu thị từ tác phong tham nhũng của bọn thống trị, thái độ hách dịch của ngoại nhân, và nhất là sự bành trướng của loại văn nghệ diễm tình, đọa lạc. Trên quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị bằng thể thức tuyên truyền, các người lãnh đạo kháng chiến đã cố gắng ra công "tô điểm ta bằng những nét thật tươi và bôi nhọ chúng bằng những nét thật bẩn" (!) Cho nên, trong khi ở hậu phương, những bài ca, thi phẩm, văn phẩm khích động tinh thần đấu tranh được phổ biến thì đồng thời những tác phẩm sa đọa cũng được đặt ra ở thị thành. Nếu ở nông thôn người ta phấn khởi vì "Người mẹ Gio-Linh", "Nụ cười sơn cước" của Phạm Duy, Văn Cao thì ở đô thị phồn hoa, khúc Hậu Đình Hoa của Trần Hậu Chúa lại tái diễn qua lời ca tình tứ "đêm qua mơ dáng em nâng cung đàn dịu bao tiếng tơ!…"
Một hiện tượng nguy hại hơn đã ăn sâu vào tiềm thức đa số thanh thiếu niên lúc bấy giờ là nếp sống buông thả ở các thành thị. Kịp đến khi cuộc kháng chiến chung kết, đất nước chia đôi, tại miền Nam, miền của phóng túng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ấy. Nếu đọc lại văn học sử, ta nhận thấy rằng trong khoảng 1930-1940, nhà văn ta đã cổ động say sưa những chiếc môi màu nho tươi, chiếc áo màu hoàng yến, tưởng chừng trên đời này không có gì thiêng liêng hơn, ta chỉ ngậm ngùi vì lúc bấy giờ thanh niên chưa thức tỉnh. Chứ như, sau hai mươi năm trưởng thành trong khói lửa, lẽ nào nhà văn lại vẫn say sưa đem thứ văn chương nha phiến ấy để ru ngủ thanh niên? Văn nghệ là bộ mặt thật của thời đại. Dù cho nhà văn có gán cho tác phẩm mình một thái độ triết lý thì thái độ ấy cũng không được đặt đúng chỗ trong nhu cầu lịch sử, trong sự tồn vong của đất nước đau thương.
Gia Đình Phật Tử, trong chủ trương thành lập, đã và đang nhằm mục đích giải thoát thanh thiếu nhi ra khỏi cạm bẫy của thực trạng xã hội, khỏi sự mê hoặc của tình trạng văn nghệ, học thuật bi đát trên.