Chức Vụ

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý Hòa Đồng Duyệt

Kiến Hòa Đồng Giải

CHỨC VỤ

Bạn thân mến,

Trong lá thư hôm nay, chúng ta cùng bàn về hai từ Chức Vụ, bạn nhé !

Từ khi loài người biết tổ chức xã hội thành guồng máy quản lý mọi sinh hoạt của người dân thì có Chức Vụ ra đời.

Chức vụ được giao cho những người chuyên môn về lãnh vực nào đó trong đời sống vừa để phát triển lãnh vực đó, vừa để quản lý mọi hoạt động của xã hội trong lãnh vực đó nhằm đảm bảo các hoạt động ấy được diễn ra đúng theo chủ trương và luật pháp của nhà nước đó.

Thí dụ : muốn phát triển và quản lý tốt hoạt động giáo dục và đào tạo trong nước, Nhà nước đã tổ chức ra Bộ Giáo Dục &Đào Tạo; Tại các tỉnh lại có Sở Giáo Dục &Đào Tạo; Ở cấp huyện thì có Phòng Giáo Dục &Đào Tạo; Cấp cơ sở thì có các trường đại, trung, tiểu học và mẫu giáo v.v…Những người có chuyên môn về giáo dục và đào tạo, tùy theo trình độ cao hay thấp mà được cử tuyển vào các chức vụ tương xứng như : bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, giám đốc sở, trưởng phòng, hiệu trưởng, giáo viên v.v…

Toàn thể bộ máy nhà nước đều được tổ chức như thế và những người nắm các chức vụ này, nọ thì gọi là công chức.

●●●

Vì sao gọi là chức vụ ? Ta phân tích sâu một chút về hai từ chức vụ :

-Chức là chức trách, nghĩa là người mang chức vụ nào thì phải có trách nhiệm ở chức vụ ấy. Đó là trách nhiệm phát triển mọi mặt hoạt động trong lãnh vực mình phụ trách; đó là trách nhiệm quản lý mọi hoạt động trong phạm vị lãnh vực chuyên môn của mình.

-Vụ là nhiệm vụ, nghĩa là người có chức vụ phải làm tròn nhiệm vụ do cấp trên giao cho trong phạm vi chức vụ của mình.

Nói tóm lại, người được giao bất cứ một chức vụ nào đều mang trên vai gánh nặng của trách nhiệm và bổn phận, chứ không có gì vui sướng.

Song le, việc đời thường đi quá đà với định nghĩa ban đầu chớ không bao giờ đứng yên một chỗ. Vì thế, cứ 100 người được hỏi thì có đến 99.99 người tỏ ra thích thú với chức vụ. Vì sao vậy ? Bởi vì người ta không chú trọng tới cái phần “gốc” là trách nhiệm và bổn phận, mà chỉ chú trọng đến cái phần “ngọn” là quyền lực và lợi danh do chức vụ đem lại.  Những tấm gương xấu về công chức lơ là trách niệm, không hoàn thành nhiệm vụ; hoặc lợi dụng chức vụ làm khổ dân đen, khiến cho bộ máy chánh quyền yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân lao đao khổ sở… xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đã nói lên một điều : “Chức vụ đã nhiều, nhưng số người không xứng đáng với chức vụ mình đang giữ cũng không phải là ít”

Những người không xứng đáng với chức vụ mình đang giữ thực sự là nỗi bận tâm lớn lao của chánh quyền ở mọi quốc gia. Còn đối với quần chúng nhân dân thì bọn người này quả là “những kẻ ăn bám đầy quyền lực” , ai cũng muốn hạ bệ chúng xuống nhưng đấy không phải là công việc dễ làm.

 

●●●

 

Từ ngày Phật Giáo Việt Nam thống nhất dưới mái nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì bên cạnh sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, Phật Giáo còn có những hoạt động mang tính quản lý y như một ban, ngành của nhà nước. Ở trung ương có Hội Đồng Trị Sự thì ở tỉnh, thành, quận, huyện cũng có Ban Trị Sự các cấp. Mỗi Ban Trị Sự với không dưới 10 ban ngành chuyên môn, quy tụ trên dưới 30 thành viên nằm giữ các chức vụ theo Hiến chương GHPGVN quy định. Tuy nhiên, ở đây có một khác biệt là các vị “quan chức” này không ăn lương của tổ chức giáo hội, mà sống nhờ vào sự cúng dường của Phật tử tại gia. Những vị nắm giữ các chức vụ trong giáo hội, theo chữ nghĩa thời đại gọi là “chức sắc” hay “chức việc” mà không gọi là công chức như ngoài đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quần chúng Phật tử lại “tôn vinh” các ngài bằng một danh từ hết sức bình dân, ai nghe cũng hiểu: họ gọi đó là  “Ông Quan Chùa”. Chớ sao ! ông Sư ở chùa dạy cho mọi người ăn hiền ở lành thì gọi là “Thầy chùa”, còn như ông này ở chùa mà làm việc quan thì cứ gọi là “Quan chùa” cho dễ hiểu vậy thôi, chớ không có ý xách mé hay bỡn cợt gì đâu!

Bao giờ cũng vậy, đời và đạo không khác nhau mấy. Ở ngoài đời có những “kẻ ăn bám đầy quyền lực” thì ở trong đạo, bên cạnh những vị hết lòng vì Phật sự cũng xuất hiện không ít những “ông quan chùa” , thay vì dùng chức vụ được giao để phát triển Phật sự thuộc ngành mình quản lý, thì nhiều vị đã lợi dụng chức vụ của mình làm khó dễ tăng, ni và gây trở ngại cho nhiều hoạt động Phật sự tại không ít chùa thuộc quyền quản lý của Ban Trị Sự địa phương. Điều này đã làm nãn lòng nhiều tăng, ni, Phật tử và ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Giáo hội, cũng như hình ảnh đáng kính của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Ban Trị Sự.

Kính mong chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội địa phương sáng suốt nhận ra những “ông quan chùa” để nhiệm kỳ tới “gạn đục khơi trong”, thực hiện thanh tịnh hóa tổ chức nhân sự Ban Trị Sự. Được thế thì các mặt Phật sự của địa phương mới mong phát triển bền vững, thỏa nguyện nguyện ước của tín đồ Phật tử khắp nơi

 

●●●

 

Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện nay đã vững vàng về mặt tổ chức từ trung ương cho đến các tỉnh, thành. Hiện có 24 trong tổng số 32 tỉnh, thành trong cả nước có sinh hoạt GĐPT đã thành lập Phân Ban GĐPT trực thuộc Ban Trị Sự GHPGVN tại địa phương. Tất nhiên, khi đã có bộ máy Phân ban thì phải có con người đảm trách các chức vụ theo Nội Quy GĐPT quy định.

Chức vụ trong Phân ban nói riêng, trong tổ chức GĐPT nói chung có đặc điểm là hoàn toàn vì sự nghiệp phát triển GĐPTVN mà không vì quyền lực hay lợi danh do chức vụ đem đến cho người giữ chức. Người được đề cử vào chức vụ , có khi không chịu nhận, trái với ngoài đời người ta chạy đôn chạy đáo kiếm một chức vụ, thậm chí bỏ rất nhiều tiền để mua một chức vụ. Trong GĐPT, khi một người giữ một chức vụ nào đó, người ấy cũng không có cơ hội làm khó dễ ai, hoặc lợi dụng chức vụ để “kiếm chác” gì được.

Chức vụ thật sự là trách nhiệm, là bổn phận của người huynh trưởng. Khi muốn mời ai vào một chức vụ nào đó, cấp trên thường xét năng lực và đạo đức, nhất là đánh giá nhiệt tâm của người ấy đối với GĐPT. Vì vậy, chức vụ trong GĐPT ít làm nẩy sinh các hiệu ứng tiêu cực nhất trong mọi tổ chức đời cũng như đạo. Nhờ thế mà tổ chức GĐPTVN sống thọ đến tuổi “cổ lai hi” rồi mà chưa có một vụ bê bối lợi dụng chức quyền hay tham ô nào xảy ra.

 

Bạn thân mến,

Ông bà ta thường nói “Thương nhau trái ấu cũng tròn”. Mình thương tổ chức mình quá thành ra nhìn đâu cũng thấy tốt. Thật ra, như Bậc Đạo Sư thường dạy : “Chúng sanh đang sống trong cõi Ta Bà”. Mà sống trong cõi Ta Bà thì đâu có gì viên mãn, đâu có gì toàn vẹn, phải không bạn? Trong cuộc đời mặc áo Lam, tôi đã thấy một số trường hợp “không xứng đáng với trách vụ” xảy ra trong sinh hoạt GĐPT ở nơi này nơi kia. Xin kể ra đây để anh chị em chúng ta rút kinh nghiệm :

-Trong tổ chức Áo Lam, đôi khi cũng xảy ra chuyện tranh giành ghế (chức vụ) dữ lắm, thậm chí thù ghét nhau suốt đời cũng có. Người thắng thì hỡi dạ hỡi lòng, kẻ thua thì cay cú từ bỏ luôn chiếc áo lam. Đấy là do lòng tham quá mạnh đã làm mù quáng lương tri, khiến người ta quên mất sự vô nghĩa, vô thường của vạn pháp mà Phật đã dạy. Ông bà ta thường nói “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Câu này được hiểu là : Làm quan (giữ chức vụ) nhiều lắm cũng chỉ được đến 60 tuổi rồi cũng phải về hưu, còn làm dân thì muôn năm, không có ngày hưu trí. Nghĩa bóng câu này ngụ ý khuyên người nắm giữ chức vụ đứng quá đam mê với quyền lực mà làm những điều phi nghĩa, trái với đạo lý. Anh, chị nào có tánh thích chức vụ thì xin hãy lấy câu này mà tự răn mình để sống cho đúng với lời dạy “thiểu dục-tri túc” của Phật.

-Người có tánh ham mê chức vụ rất dễ nhận biết qua cách hành xử của họ. Họ rất không thích ai “qua mặt” họ, nghĩa là làm những việc thuộc quyền hạn chức vụ của họ mà không xin phép và được sự đồng ý của họ. Rất nhiều trường hợp, chỉ cần một lời nói nguyên tắc của họ mà cả tập thể, kể cả cấp trên của họ cũng phải ngậm miệng làm thinh. Hậu quả là nếu có ai đó làm một việc tốt đẹp và có ích cho tổ chức, nhưng bị họ dùng một chút nguyên tắc bé tí tẹo ra cản đảng thì cái công trình lợi ích kia cầm chắc tiêu vong!

Như trên đã nói , giữ một chức vụ nào đó cốt là để phát huy lãnh vực mà mình được giao phụ trách. Nguyên tắc làm việc là cần duy trì, nhưng vượt lên trên hết vẫn là lợi ích của tổ chức, của số đông. Không nên vì nguyên tắc mà hủy hoại công lao cống hiến của người có năng lực và nhiệt tâm đóng góp cho tổ chức.

-Người ham mê chức vụ thường dốt nát và lười biếng. Họ chỉ giỏi trong cái việc chạy chọt bằng mọi cách để ngồi cho được vào chiếc ghế chức vụ và rồi… không làm gì hết! Hạng người này không có lấy một chút trách nhiệm nào trong chức vụ của họ. Cấp trên giao việc gì thì họ làm lấy lệ, tới đâu hay đó; Gặp việc gì quá khó, họ thường “dục hoãn cầu mưu” kéo dài công việc cho dài lê thê để thời gian làm công việc của nó là “biến cứt trâu hóa bùn”   khiến cho công việc không thành mà họ thì chẳng phải chịu trách nhiệm tí ti nào.

-Người có tánh ham mê chức vụ có một nỗi sợ hãi lớn lao nhất trong cuộc đời : sợ mất chức! Vì vậy, trong lúc đương chức, họ thường sử dụng rất nhiều đòn tiểu xảo để lấy lòng cấp trên, kéo bè kéo cánh đối với đồng sự để làm chỗ dựa cho sự nghiệp “giữ ghế” của mình. Đối với việc chung thì họ lơ là, nhưng đối với việc riêng thì họ rất thành công. Chẳng trách người đời ban tặng cho họ cái xú danh “kẻ ăn bám đầy quyền lực”

 

Bạn thân mến,

May thay, trong tổ chức Áo Lam, hạng người “ăn bám đầy quyền lực” là không nhiều, tuy không phải là không có. Mục đích câu chuyện chúng ta trao đổi hôm nay không ngoài ý nghĩa:

-Hãy thực hành lời dạy thiểu dục tri túc của Phật trong đời sống hằng ngày.

-Hãy từ bỏ tham vọng chức tước và quyền lực để thanh tịnh hóa tâm thức chúng ta

-Hãy nhìn rõ, thấy rõ những con người nào đam mê chực vụ và quyền lực đang có mặt quanh ta để kịp thời cảnh giác khi đồng sự với họ.

 

Thân chúc bạn dũng mãnh và tinh tấn.

Thân ái chào bạn!

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang