Chân Dung Người Huynh Trưởng

G
I. Dẫn nhập:
GĐPT Việt Nam đã trải qua hơn nữa thế kỷ và tồn tại cho đến hôm nay điều đó khẳng định vai trò vị trí và giá trị thực tiễn của HT. Sự hy sinh dâng hiến như:Tâm Minh Lê Đình Thám; quý anh Đinh Văn Nam(HT Thích Minh Châu) Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm….để lại cho chúng ta một gia sản quý báu đang thừa hưởng và đang đối diện với một thách thức mới. Tương lai GĐPT đi về đâu? Vượt qua khó khăn thách thức như thế nào? Khó khăn đang hiện lên ở mọi chân trời, sự hấp dẫn và mê hoặc của một thời đại mới, giá trị vật chất mỗi ngày mỗi cuốn hút thế hệ trẻ. Tâm nguyện của người HT chọn một lối sống đơn sơ, đạm bạc, từ bi, hỷ xả liệu còn giữ được một chút giá trị nào chăng?
II-Thế nào là chân dung:
Người HT không tự dưng mà có là những người mến đạo, yêu trẻ và trải qua không biết bao nhiêu câu hỏi họ là ai?
Người HT không phải là một nhà Mô phạm, Hoạt náo viên, Quản trò, Dẫn chương trình, Kỷ sư, Bác sĩ, Nhà văn , Nhà thơ. Họ chính là một nghệ sĩ tài ba. Sử dụng sở trường, sở đoản về mọi phương diện; không có môn chính không có môn phụ mà tất cả mọi công việc điều là máu thịt của họ. HT luôn luôn lấy Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo để làm gương cho ĐS – và linh hồn của Tổ chức.
III- Tư cách – Tác phong:
A. Tư cách của HT phải có:
– Tác phong bên ngoài
– Đức độ bên trong
•  Tác phong biểu hiện tính văn hóa giúp cho ta thấy sự đứng đắn thanh lịch của một con người có nhân cách đối với xã hội hiện nay.
a. Cách phục sức:
-Nón, giày, tư trang cá nhân: Đội ngay ngắn, buộc kỷ, không nên mang vàng bạc đá quý kềnh càng, linh kỉnh mà chỉ trang bị tự thân vừa phải dễ nhìn.
-Áo quần: Nên chọn những màu sắc đằm thắm, không diêm dúa, se sua phản cảm, tạo nên vẻ trang nhã, nhẹ nhàng thanh cao của một HT thực sự, để lại các em sự tôn kính.
-Phù hiệu: Chỉ đeo bảng tên phù hiệu, cấp hiệu do GĐPT quy định mà thôi, không nên đeo thêm những thứ không cần thiết.
b. Cử chỉ, đi đứng, ăn nói:
-Tóc tai cắt ngắn, râu ria cạo sạch
-Đi đứng khoan thai, chững chạc
-Cử chỉ khiêm tốn, nhã nhặn
-Nói năng lễ độ, từ tốn hòa nhã không tranh cãi gàn bướng thiếu tôn trọng.
– Phàm làm bất cứ một việc gì “hãy uốn lưỡi bảy lần” vì chung quanh mình biết bao nhiêu người nhìn ngó, đánh giá, nhất là các em sẽ học hỏi ở mình điều xấu.
B. Đức độ bên trong:
Đã mấy ngàn năm qua lịch sử chứng minh bất cứ một vị lãnh đạo nào nếu đức độ thì đất nước đó mới hùng mạnh, dân chúng thương yêu. Ngay ở trong đạo Phật cũng vậy vị nào có đức độ thì “Hòa Hợp Tăng” chúng sanh an lạc, pháp lạc trường tồn.
Đức tính không do cha mẹ hoặc bậc nào đó trợ giúp mà là do cá nhân tự rèn luyện vậy HT phải tu tập và nỗ lực như thế nào?
1.Tình thương:
Gia đình là mái nhà chung vậy ta phải thương các em bằng lòng từ bi thực sự, thương ở đây không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào xấu, đẹp, sang, hèn, thông minh hay ngu dốt. Đừng để các em bơ vơ buồn bã, hãy chia sẻ mọi lúc mọi nơi, các em thiếu thì mình cho, ốm đau thì giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất có như vậy mới có kết quả tốt. Ngài Lạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói: “Mình cho người khác một nụ cười, thì ta sẽ nhận lại nụ cười”
2. Hy sinh:
Quên mình, quên tiền tài, danh vọng, quên đua đòi về vật chất mà để
thời gian chăm sóc lo lắng hướng dẫn cho các em biết làm điều lành, lìa xa xấu ác, dù bản thân mình gian khổ, gặp điều không may. Đừng tạo khoảng cách về phục sức, trang bị tự thân hào nhoáng làm cho các em xa lánh và sợ hãi. Không lấy các em làm bậc thang danh vọng cho chính mình mà tất cả đều xây dựng cho tương lai các em và tổ chức.
3. Kiên nhẫn:
Đức tính kiên nhẫn điều quan trọng ở trong bài Pháp Lục Độ. Kiên trì nhẫn nhục cần thiết thử thách . Người HT luôn gặp điều này trong suốt quá trình xây dựng GĐPT. Kinh Lăng Nghiêm có giải thích 50 “Ngũ ấm ma”, là những ma chướng bên ngoài tác động vào sự mê đắm, tham muốn, dục vọng, tự thân và sở tri chướng nên HT không có lòng tin, hay bất mãn, nỗi nóng, gây oán hận. Nên tính kiên nhẫn phải thực hiện bằng cách quên mình và chịu sự báng bổ của người khác, chấp nhận sự ngỗ nghịch ham chơi của các em, lời dèm pha của phụ huynh có như vậy mới tồn tại và sự quý mến.
4. Trung kiên
Là phẩm chất, đạo đức của một người HT đối với đức tin, chọn lối sống như thế nào để tỏ rõ sự trung kiên với GĐPT. Anh Võ Đình Cường đã nói: “Lý tưởng hướng lái thuyền đời nở hoa cho cuộc sống”. Khi chúng ta chọn một lối sống đơn sơ, đạm bạc, “Quy y Tam Bảo” là đã chọn cho mình một lối sống tịch tịnh, điều này trở thành xương cốt của HT. Dù trải qua thăng trầm, vinh nhục, lúc thịnh cũng như lúc suy ta phải bảo vệ tổ chức dù phải hy sinh tài sản, thân mạng để có được hôm nay anh chị em chúng ta đã đánh đổi quá nhiều “Sứ mệnh GĐPT VN”, đã khắc họa điều này nên GĐPT vẫn khẳng định sự hiện diện trong xã hội hôm nay. Để cho HT có đủ thời gian chọn lựa cho mình cách tu học, rèn luyện mà hy sinh, bảo vệ chánh pháp bằng lý luận, dâng hiến, phục vụ GĐPT đúng đường lối hãy đến với Ngũ Minh Pháp.
IV – Những kỹ năng cần thiết
GĐPT đã lưu truyền hơn 60 năm, ngần thời gian ấy đủ đánh giá sự vững mạnh, tự tin rất nhiều thế hệ HT cho tới hôm nay. Chúng ta đã dần đánh mất kỷ năng HT. Muốn hoàn thiện hoặc rèn luyện lại tư chất của HT và giá trị thực tiễn của GĐPT nhằm khẳng định đường lối tổ chức phát triển theo truyền thống và cách tân một số bài giảng xứng hợp với xã hội đương đại thông qua Ngũ Minh Pháp mà ta đã đưa vào các trại huấn luyện nhưng sự thể hiện thì trống rỗng chưa hiệu quả
1. Nội minh:
Sự học tập và hiểu biết quan trọng trang bị cho HT nội điển cần thiết về những giáo lý căn bản của Phật pháp, hiểu sâu để thẩm thấm nguồn gốc của đời sống (Các pháp) thấy được rõ ràng “Vô ngã của thân, vô thường vạn pháp”. Nói chung phải là thông hiểu 37 phẩm trợ đạo.
– Các trại HT gần đây nhất BQT chú trọng về kinh điển và giáo điều hoặc những mánh khóe và tu học để mong giáo dục HT. Nhưng thực ra HT học mang tính đối phó nhiều hơn là trải nghiệm “Thực chứng” không lấy sự hiểu biết trang bị cho tâm hồn mình mà ngược lại,sự “chấp trước” phơi bày “Ngã mạn” quá rõ nên dễ đụng chạm anh chị em, rạn nứt tình đoàn kết đi ngược lại mỹ từ “Gia đình phật tử”.
Đối với HT hãy hiểu rõ “Vô sinh pháp nhẫn” Đức nhẫn nhục người HT nhận ra rằng: “thật không có chúng sanh, thật không có các pháp” “chúng sanh là hữu tình, các pháp là vô tình” vốn không sinh, không diệt. Nhận thức như vậy người HT không còn khởi lên sự buồn giận đối với chúng sanh phá hoại mình, đối với các pháp ngăn trở mình (Kinh Bi Hoa) có như vậy mới lĩnh hội giáo pháp, tha thứ mọi hành vi của người khác đối xử với mình.
2. Nhân minh:
Là phương pháp sử dụng phương ngữ để lý luận bảo vệ chân lý. Muốn bảo vệ chân lý phải hiểu rõ ngôn ngữ biện giải, sắc bén, chắc thật.
VD: a. Anh A phải chết (Lập Tôn)
b. Vì anh A sinh ra (nhân) (cốt lõi)
c. Tất cả mọi người sinh ra đều phải chết (dụ)
Tôn – Nhân – Dụ là loại biện giải tích cực nhằm mở đường cho tất cả mọi người hiểu rõ về Luật Tử Sinh. Không mơ hồ, huyễn hoặc mà là một hiện thực đúng với chánh pháp. Nếu muốn biện luận sâu sắc cụ thể bảo vệ chánh pháp, thực hiện sự Trung kiên ở phần trước HT phải hiểu biết “Tứ Vô Ngại Biện” trong kinh Bi Hoa, và phần Nội Minh vững chắc.
 
 
Tứ vô Ngại Biện:
Thường được gọi là Tứ Vô Ngại Trí, Tứ Vô Ngại giải là không ngại đạt đến trí tuệ tuyệt luân mà ta gọi là “Tuệ giác vô thượng” khi hiểu biết và thực chứng về các pháp rõ ràng không ngăn ngại.
a. Pháp vô Ngại Biên:
– Đối với các danh tự, pháp tướng do hiểu biết tường tận và thực tu trải nghiệm với cuộc sống đời thường nên ta dùng lời lẽ biện thuyết rõ ràng không ngăn ngại.
b. Nghĩa vô ngại biên:
– Đối với hết thảy mọi ý nghĩa chân thật đều rõ biết mọi ngõ ngách thì dùng biện tài trí giải không ngăn ngại.
c. Từ vô ngại biên:
– Là loài từ ngữ, ngữ pháp hãy thông hiểu động từ, tĩnh từ, trạng từ …thế nào là ẩn dụ, thế nào là trừu tượng, thế nào là siêu thực để biện thuyết đúng với chánh pháp.
d. Biện Vô Ngại Biện:
Còn gọi là Nhạo thuyết vô Ngại Biện” dùng cho những căn cơ khác nhau, lĩnh vực khác nhau, hiểu biết khác nhau tùy thuận mà biện thuyết mà nhất là các em đ/sinh trong gia đình Phật tử không được sai lạc, nhầm lẫn trái với đạo lý.
* Lưu ý: Đây là cách bảo vệ tư tưởng văn hóa Phật giáo. Học giáo lý là điều khó, tu tập khó hơn, biện giải vô cùng khó. Vậy bất cứ HT chưa lĩnh hội, thẩm thấu toàn vẹn đừng nên biện giải, nếu sai sẽ phạm vào 1 tội trong Ngũ Nghịch Cực Ác.
3. Thanh Minh:
Là một phương pháp sử dụng âm thanh. Âm thanh là một tiếng động phát ra từ con người, động vật, và sự tác động vào thực vật tạo ra tiếng kêu khác nhau. Ngài Quan Thế Âm lắng nghe được những tiếng khóc than của chúng sanh mà hóa độ. Từ khi con người phát triển đến tầm cao hơn động vật họ đã biến thể, lắp ghép mọi tiếng kêu thành loại âm thanh đặc trưng, ở phương tây dùng tiếng kêu phân biệt thang âm thành Đô-Rê-mi-fa.sol-la-si, để tạo hợp âm và giai điệu, ở phương đông thì khác một chút như: Còn liu xang xề… vv tạo ra những làn điệu dân ca hoặc cải lương….
Phật giáo thì có những loại pháp khí như Chuông-Mõ-Khánh-Tang….Ngoài ra còn những âm sắc đặc trưng như tán-tụng-xướng mà GS.Tiến sĩ Trần Văn Khê xem đó là kinh nhạc là loại đặc thù nhất trên thế giới.
GĐPT hiện nay đang sử dụng 2 lĩnh vực vừa Tây vừa Đông. Âm nhạc phương tây hiện nay trong GĐPT phổ cập giai trình, giai điệu để Phật hóa những giáo lý căn bản – hoặc tạo nên những ca khúc vui tươi, lành mạnh xây dựng đời sống lạc quan yêu đời cùng động viện lẫn nhau để nuôi dưỡng tình thương trong GĐPT.
– Mỗi HT phải hiểu mỗi bài hát, mỗi câu chuyện để sử dụng vào những mục đích hiệu quả. Lời hát, nhạc lý, phân tách, lý luận để bảo vệ chánh pháp.
– Nếu có khả năng sáng tác âm nhạc ngoài những giai trình, giai điệu, hợp âm, âm hình chủ đạo. Lời hát sâu lắng nhẹ nhàng hoặc lạc quan tươi trẻ phù hợp đời sống sinh hoạt gia đình phật tử.
– Tránh đưa những ca khúc, tranh, truyện dung tục thiếu văn hóa vào trong GĐPT.
4. Công Xảo Minh:
Là những hoạt động tinh xảo đã được sàng lọc, mài dũa cẩn thận chọn lọc đưa vào sinh hoạt GĐPT đây là một phương pháp xứng hợp với kỷ năng của HT. Ví dụ:
– Kể chuyện: Trước tiên HT. chọn lọc 1 Mẫu chuyện đạo phù hợp với khung cảnh bài giảng hoặc không gian thời gian nào đó có những sự kiện gần gũi với đề tài (Thầy Tỳ kheo và con ngổng). Mục đích câu chuyện, lý do đánh đập của chủ nhà? Tại sao thầy chịu đựng đòn roi mà không khai con ngỗng? Vì điều nào mà Thầy bảo vệ con ngỗng? Kết luận câu chuyện với mục đích gì?
Giảng bài: HT. phải nắm vững Nội Minh và Nhân Minh, sau khi đưa ra câu chuyện trên hướng dẫn cho các em về châm ngôn Bi-Trí-Dũng, có đủ những lý luận sắc bén như một nhà hùng biện để biện giải cho các em hiểu tường tận về đề tài mà mình muốn giới thiệu.
– Quản ca:
Là HT. quản lý bài hát về một cuộc sinh hoạt.
– Bài hát trong phòng: Chọn những bài hát hợp với khung cảnh, không cần phải sử dụng minh hoạ và nhảy múa.
– Bài hát ngoài trời: Chọn những bài hát hợp với thiên nhiên hơn. Vd: Vừa hát, vừa chơi, pha trò tạo nên sự hứng khởi sinh động không gây sự nhàm chán cho các em.
Điều cần thiết của HT. là phải hát đúng, tập bài hát chính xác, không thay đổi lời hát, sai với nhạc lý, làm bài hát biến sắc vô hồn, vô cảm.
– Quản trò:
HT khi giới thiệu một trò chơi hãy chọn lựa những trò chơi phi bạo lực, lành mạnh và để lại cho các em ấn tượng tốt.
VD: Đêm lửa trại: có một đơn vị đang biểu diễn, người quản trò biết cách vận dụng vỗ tay hoặc điệu bộ để khích lệ tiết mục.
– Quản lửa:
HT phải biết bố trí bếp lửa hợp với gió, chất củi như thế nào dễ bắt lửa bất ngờ, tự nhiên gây cho các em sự háo hức, tìm tòi điều bất ngờ ấy. Cần nhất là phải thuộc bài nhảy lửa và xây dựng điệu bộ cho buổi nhảy lửa hoang dã và thú vị hơn.
-Đời sống trại:
Đối với HT. Đây là một lĩnh vực khó nhất, ít thành công, nếu có thì tỉ lệ chỉ 1/100.
ĐST. Là linh hồn của một cuộc trại, một HT là người bản lĩnh, hiểu biết rộng, nhanh nhẹn, tháo vát, có tư duy sâu sắc đây là tiêu chuẩn của người HT thực sự, toàn năng như một đạo diễn nhìn xa trông rộng biến cuộc trại thành một cuộc phim đầy đủ tình tiết gây ấn tượng, ảnh hưởng sâu xa vào mỗi tấm lòng của Đoàn sinh, biết làm cho các em cười, khóc, ăn uống, ngủ nghỉ, học, thi đua, vượt khó, trò chơi, giải thích thắc mắc cho các em về những đề tài (nhất là trại huấn luyện) buồn vui với các em, đói no với các em là một huynh trưởng toàn diện nhất đây mới là sự thử thách cam go, tốn thời gian nhất của người huynh trưởng.
-Dẫn chương trình:
Dẫn chương trình và MC giống nhau và khác nhau như sau:
– Dẫn chương trình là những người dẫn dắc, giới thiệu theo chương trình đã được vạch sẵn.
– MC là từ viết tắt tiếng Anh tạm dịch (Chủ Trì Nghi Lễ).
Chủ Trì Nghi Lễ là người nắm giữ toàn bộ tinh thần của buổi lễ.
– Biết hệ thống toàn chương trình
– Biên tập mọi tình tiết buổi lễ như:
– Tuyên bố lý do
– Diễn văn khai mặc
– Bài phát biểu tham luận…
– Bố trí công việc cho những đề mục
– Dẫn dắc chương trình theo từng đề mục đã hệ thống sẵn.
Riêng về Phật Giáo có loại ngôn ngữ, thuật ngữ khác xa mọi chương trình ở ngoài đời.
Vídụ:
-Đối với Chư Tôn Đức, Tăng Ni thưa : Kính Bạch, Bái Bạch, Ngưỡng Bái Bạch.
– Đối với quan khách dùng:kính thưa.
-Khi rước quý Thầy chứng minh tham dự thì dùng thuật ngữ gọi là: Cung Nghinh.
– Khi mời mọc Quý Thầy thì gọi là:Cung Thỉnh
-Quý thầy đến gọi là: Quang lâm
-Khi tiễn quý thầy di gọi là: Cung tiễn
-Quý thầy về nơi nghỉ gọi là: Hồi quy phương trượng.
-Quý thầy về Chùa gọi là “hồi quy bản tự” còn vô số thuật ngữ chúng ta chưa sử dụng đến.
Ngoài ra MC là người hát được, tụng kinh được, lưu loát, mạch lạc ứng phó kịp thời với những sự cố có thể xảy ra là điều vô cùng quan trọng. Người HT phải nghiên cứu và rèn luyện thật nhiều, chuyên môn thực tập, đào sâu suy nghĩ mới kịp tiến hoá.
5-Y Phương Minh
Là một phương pháp dùng dược liệu trị bệnh và cấp cứu kịp thời cho những tai nạn bất thường mà gia đình Phật tử gặp phải.
Trong tất cả mọi trại huấn luyện vừa qua chúng ta coi thường vấn đề nầy.
-Dược liệu có hai loại:
a-Dược liệu tây y, là một số thuốc tây đặc chủng nhưng HT. Phải hiểu được một số thuốc tây thông thường như Aspirin, panadol ….vv, để cấp cứu kịp thời như nhức đầu, đau bụng, sổ mũi hoặc băng bó vết thương do té ngã, xây xát, chảy máu, băng tháp tay chân chẳng hạn.
– Dược liệu đông y: Là loại thảo dược truyền thống cha ông chúng ta đã từng sử dụng như: lá rau tờn, lá hẹ, trị bệnh ho, gừng trị bệnh hàn – đau bụng. dùng chanh + đường trị bệnh nóng sốt… hoặc dùng Dịch Cân Kinh của Ngài Đạt Ma trị bệnh cao huyết áp hoặc trỉ, dầu mè trị được bá bệnh v.v…
Đó là những kiến thức thông thường đơn giản ta thường hay khép kín vấn đề này, không dành thời gian để truyền bá bởi vậy HT chúng ta chỉ cần gặp tình huống bất lợi là choáng váng mất bình tỉnh, không giúp được gì cho chính đoàn sinh mình nói riêng, người đời nói chung.
V – Kết luận:
Huynh trưởng là một người đa năng, đa hệ toàn diện từ nhận thức, kiến thức cho tới hoạt động. Người luôn có tư duy nhìn xa trong rộng, chuẩn bị mọi dự án để xây dựng tổ chức GĐPT.
Họ là ai? Câu hỏi vẫn mãi là một ẩn ngữ giữa đời sống cuồng quay chóng mặt này. Bao nhiêu thế hệ qua đi, biết bao nhiêu HT mãi là người con ưu việt cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam . Họ đứng trên bục giảng mà không phải là Thầy giáo, là Kỷ sư tâm hồn không có bằng Cử nhân, lăn lộn với sự thăng trầm, thịnh suy của Đạo và đất nước mà chẳng phải là anh hùng. Họ bình thường như những người bình thường vẫn im lặng từ tốn trong một nhiệm vụ quan trọng ít ai làm, chỉ khiêm tốn là Huynh trưởng.


Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang