Chủ trương của Đảng và Nhà Nước ta là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để thực hiện chủ trương đó, Nhà nước đã tốn bao nhân tài vật lực phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong nhiều năm qua. Đi đâu chúng ta cũng thấy các gia đình, khu phố, phường xã… đạt danh hiệu Văn Hóa. Thật là một cảnh tượng trăm hoa đua nở trong đời sống xã hội ta hôm nay. Đối với các dân tộc bản địa ít người, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương đường lối và biện pháp nhằm gìn giữ vốn quý trong nền văn hóa của mỗi dân tộc như : nâng cao đời sống, mở trường nội trú , soạn sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc cho con em họ, sưu tầm và bảo tồn các vốn quý trong nền văn hóa mỗi dân tộc v.v… Bên cạnh việc gìn giữ và phát huy văn hóa các dân tộc, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn nền văn hóa người Kinh trên khắp ba miền Nam-Trung-Bắc. Như chúng ta đều biết, những giá trị văn hóa dân tộc từ lâu đã bị lãng quên thì nay đang được phục hồi dần. Tuy nhiên, bên cạnh những chủ trương đường lối to tát để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như vừa nêu, chúng tôi xin nêu lên một thực trạng văn hóa đang xuống cấp và có nguy cơ mai một mà không thấy Nhà nước quan tâm gìn giữ và phát huy. Chúng tôi muốn nói đến bản sắc văn hóa ngôn ngữ Nam Bộ đang dần bị lãng quên và có nguy cơ mất hẵn nếu ngành giáo dục nước ta không kịp thời có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh. Ai cũng biết tiếng nói mỗi vùng miền đều có cái đặc trưng của nó. Thí dụ : người miền Bắc phát âm chính xác phần vĩ ngữ; người miền Nam nói đúng phần thủ ngữ; người miền Trung giọng nói và phát âm có nét đặc thù, không giống hai miền Nam-Bắc v.v… Ngôn ngữ mỗi vùng miền đều có cái hay, đồng thời cũng có cái hạn chế của nó. Tuy nhiên, không vì mặt hạn chế mà chúng ta bỏ đi tiếng nói của mình để học nói tiếng của vùng miền khác. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới cái hay của phương ngữ Nam bộ mà chúng ta cần bảo tồn và phát huy, chớ đừng để nó lai căng và đi đến chỗ mai một. Được như thế tức là chúng ta đi đúng chủ trương “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” vậy !
* * *
Chúng tôi nhớ lại hồi còn học vỡ lòng và xuyên suốt mấy năm tiểu học, chúng tôi thường xuyên được thầy cô giáo hướng dẫn phát âm theo tiếng Nam bộ rất rõ ràng : -Đọc chữ R hay TR thì phải cong lưỡi đụng nóc họng -Đọc chữ D thì hở môi -Đọc chữ V thì mím môi lại -Đọc chữ GI thì cắn răng lại và đầu lưỡi để giữa hai hàm răng -Đọc chữ S phải cong lưỡi như khi đọc chữ R -Đọc chữ X thì đầu lưỡi để giữa hai hàm răng khít lại -Đọc chữ B và chữ P đều mím môi nhưng hơi phát ra nặng nhẹ khác nhau Những phụ âm trên đây đặc biệt được quý thầy cô chú trọng rèn luyện cách phát âm cho học trò từ lớp Năm cho đến hết lớp Nhất. Vì vậy, khi lên bậc trung học, tuyệt đại đa số học sinh chúng tôi đều phát âm chuẩn theo ngôn ngữ miền Nam. Sau này khi trưởng thành ra đời, những người có học đều nói tiếng Nam bộ một cách chuẩn xác. Nét trong sáng, nét đẹp, hay nói cách khác, nét văn hóa trong âm ngữ Nam bộ chính là phát âm chuẩn những chữ TR, R, S, X, D, V, GI. Là người Nam bộ phải phát âm đúng những chữ đó thì mới gọi là dân chính gốc Nam bộ. Ngày xưa, dân Nam bộ có học đều phát âm chuẩn xác tiếng nói của mình, từ đó mà hình thành nên cái gọi là “Giọng Sài Gòn” vừa trong sáng vừa sang trọng đồng hành cùng “Giọng Hà Nội” kiểu cách và trí thức, cùng với “Giọng Huế” thâm trầm và êm ái
* * *
Sau năm 1975, đất nước thống nhất . Sự di dân ồ ạt từ Bắc vào Nam và dưới sự vận hành của nền kinh tế thị trường, cư dân ba miền Bắc-Trung-Nam hiện nay sống lẫn lộn với nhau. Trong đó, Nam bộ là nơi hội tụ nhiều sắc dân nhất. Từ đó khiến cho “Giọng Sài Gòn” dễ dàng bị lai căng nhất. Không ít người Nam bộ rất bực mình khi tiếng nói của mình bị lai căng như hiện nay. Thí dụ câu nói sau đây : “Năm nay học xinh chường ta đậu phổ thông chung học chăm phần chăm”. Thứ tiếng Nam bộ lai căng đó hiện nay thật là phổ biến trong người dân Nam bộ đang sinh sống trên chính quê hương Nam bộ của mình: học sinh tiểu học cũng Chăm phần chăm; Học sinh trung học cũng chăm phần chăm; Sinh viên đại học cũng chăm phần chăm; thầy cô giáo cũng chăm phần chăm; công chức Nhà nước cũng chăm phần chăm; quan chức lãnh đạo cũng chăm phần chăm; thậm chí một số phát thanh viên đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình địa phương và trung ương cũng … chăm phần chăm ! ! ! Những người Nam bộ chân chính ở độ tuổi 50 trở lên còn đang sống, nếu nghe cái thứ tiếng Nam bộ lai căng ấy, họ có cảm giác như bị dao khía vào da thịt, lòng tự trọng về nền văn hóa ngôn ngữ miền Nam bị tổn thương khiến họ ngao ngán và lo lắng cho “giọng Sài Gòn” một ngày nào đó sẽ biến mất vĩnh viễn trên quê hương Nam bộ này. Dù sao, trong cái thế giới chăm phần chăm này, người viết còn được an ủi một chút xíu khi… nghe hát Vọng Cổ. Đúng vậy, dường như trong xã hội hôm nay, chỉ có giới nghệ sĩ cải lương Nam bộ là những người còn được dạy phát âm chuẩn theo giọng Sái Gòn. Nhưng mà nghệ thuật cải lương cũng đang đi vào ngõ cụt. Thật đáng buồn thay ! Không phải riêng người viết bài này trăn trở, lo âu, phiền muộn trước tình hình văn hóa ngôn ngữ Nam bộ xuống cấp như hiện nay. Đã có nhiều bài báo, nhiều cuộc mạn đàm, nhiều cuộc trao đổi “trà dư tửu hậu” giữa những người tâm huyết với ngôn ngữ miền Nam trong nhiều năm qua, nhưng tình hình ngày càng tệ hơn , chẳng có gì thay đổi. Một câu hỏi được nêu lên : “Rốt cuộc tại đâu mà ra nông nỗi này ?” Đã có nhiều câu trả lời. Hôm nay, chúng tôi mạo muội tổng hợp các câu trả lời ấy để nêu lên đây nhằm mục đích đánh động những cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể và cá nhân ý thức trước tình trạng văn hóa ngôn ngữ Nam bộ đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị biến mất trong thời gian không xa. -Một: trước mắt, cần mở lớp tu nghiệp cho giáo viên người miền Nam học cách phát âm chuẩn các phụ âm như nêu trong bài này -Hai : đề nghị Bộ Giáo dục ,nếu có thể, nên thay thế tất cả giáo viên bậc tiểu học tại miền Nam bằng người miền Nam vì chỉ có người miền Nam mới có thể phát âm chuẩn các phụ âm nêu trên. -Ba : đưa vào chương trình sách giáo khoa dành riêng cho học sinh miền Nam giờ dạy phát âm chuẩn theo tiếng miền Nam. Ngoài ra, trong giờ tập đọc, phần chú thích xin ghi thêm phần phát âm một số từ theo giọng Nam bộ, bắt buộc học sinh phải phát âm chuẩn các từ ấy ngay trong giờ học. -Bốn : các đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình khi tuyển phát thanh viên (người miền Nam) phải yêu cầu họ phát âm chuẩn tiếng miền Nam -Năm : Bộ Văn hóa (VP2 tại TP.HCM) có chủ trương và biện pháp khuyến khích khôi phục nét đẹp văn hóa trong ngôn ngữ Nam bộ bằng các biện pháp : tuyên truyền người dân nói đúng âm ngữ Nam bộ ; sáng tác các vở hài kịch châm biếm tình trạng chăm phần chăm ; tổ chức các cuộc thi đọc truyện, thi kể chuyện v.v… trong giới thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên miền Nam.
* * *
Trong những cuộc mạn đàm “trà dư tửu hậu”, cũng có ý kiến cho rằng : “Chăm phần chăm thì có chết ai đâu ! khéo quan trọng hóa vấn đề. Đời sống còn biết bao nhiêu điều chưa giải quyết được, nhằm nhò gì chuyện này” Chúng tôi không cho rằng đây là chuyện nhỏ, bởi vì đây là chuyện văn hóa, mà văn hóa có liên quan đến đạo đức. Một con người có tư cách, có đạo đức thì con người ấy phải từng phút từng giờ gìn giữ cái đạo đức ấy, cái tư cách ấy không một phút nào xao lãng, không được “thấy việc ác nhỏ mà làm, chê việc thiện nhỏ mà không làm” . Lời nói ngay thẳng hay mất lòng. Chỉ mong Nhà nước ta quan tâm để ý tới “chuyện nhỏ” này mà cứu vãn cho nét văn hóa trong ngôn ngữ Nam bộ khỏi bị mai một. Đó gọi là cách làm tới nơi tới chốn trong công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vậy.